Nghị định số 63/2014/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu
Download.vn xin giới thiệu Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu được ban hành ngày 26 tháng 06 năm 2014.
CHÍNH PHỦ --------------- Số: 63/2014/NĐ-CP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ------------------------ Hà Nội, ngày 26 tháng 06 năm 2014 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẤU THẦU VỀ LỰA CHỌN NHÀ THẦU
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2013;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu,
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Mục 1: PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 1 của Luật Đấu thầu.
2. Việc lựa chọn nhà thầu trong lĩnh vực dầu khí quy định tại Khoản 4 Điều 1 của Luật Đấu thầu áp dụng đối với dự án đầu tư phát triển quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 1 của Luật Đấu thầu, trừ việc lựa chọn nhà thầu liên quan trực tiếp đến hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí.
3. Trường hợp điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có quy định việc áp dụng thủ tục lựa chọn nhà thầu thì thực hiện theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 3 của Luật Đấu thầu. Thủ tục trình, thẩm định và phê duyệt thực hiện theo quy định của Nghị định này.
4. Trường hợp điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế không có quy định về việc áp dụng thủ tục lựa chọn nhà thầu, việc lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định này.
Mục 2: BẢO ĐẢM CẠNH TRANH TRONG ĐẤU THẦU
Điều 2. Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu
1. Nhà thầu tham dự quan tâm, tham dự sơ tuyển phải đáp ứng quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 6 của Luật Đấu thầu.
2. Nhà thầu tham dự thầu gói thầu hỗn hợp phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công cho gói thầu đó, trừ trường hợp các nội dung công việc này là một phần của gói thầu hỗn hợp.
3. Nhà thầu tư vấn có thể tham gia cung cấp một hoặc nhiều dịch vụ tư vấn cho cùng một dự án, gói thầu bao gồm: Lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, tư vấn giám sát.
4. Nhà thầu được đánh giá độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với nhà thầu khác; với nhà thầu tư vấn; với chủ đầu tư, bên mời thầu quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 6 của Luật Đấu thầu khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Không cùng thuộc một cơ quan hoặc tổ chức trực tiếp quản lý đối với đơn vị sự nghiệp;
b) Nhà thầu với chủ đầu tư, bên mời thầu không có cổ phần hoặc vốn góp trên 30% của nhau;
c) Nhà thầu không có cổ phần hoặc vốn góp trên 20% của nhau khi cùng tham dự thầu trong một gói thầu đối với đấu thầu hạn chế;
d) Nhà thầu tham dự thầu với nhà thầu tư vấn cho gói thầu đó không có cổ phần hoặc vốn góp của nhau; không cùng có cổ phần hoặc vốn góp trên 20% của một tổ chức, cá nhân khác với từng bên.
QUY TRÌNH ĐẤU THẦU RỘNG RÃI, HẠN CHẾ ĐỐI VỚI GÓI THẦU CUNG CẤP DỊCH VỤ TƯ VẤN
Mục 1: NHÀ THẦU LÀ TỔ CHỨC
Điều 32. Quy trình chi tiết
1. Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu, bao gồm:
a) Lựa chọn danh sách ngắn (nếu cần thiết);
b) Lập hồ sơ mời thầu;
c) Thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu.
2. Tổ chức lựa chọn nhà thầu, bao gồm:
a) Mời thầu;
b) Phát hành, sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu;
c) Chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý, sửa đổi, rút hồ sơ dự thầu;
d) Mở hồ sơ đề xuất về kỹ thuật.
3. Đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật, bao gồm:
a) Kiểm tra, đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật;
b) Đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về kỹ thuật;
c) Phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.
4. Mở và đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính, bao gồm:
a) Mở hồ sơ đề xuất về tài chính của các nhà thầu trong danh sách được duyệt;
b) Kiểm tra, đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về tài chính;
c) Đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về tài chính;
d) Xếp hạng nhà thầu.
5. Thương thảo hợp đồng.
6. Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu.
7. Hoàn thiện, ký kết hợp đồng.
Điều 33. Lựa chọn danh sách ngắn
Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, có thể áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn nhằm lựa chọn các nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm theo yêu cầu của gói thầu để mời tham gia đấu thầu. Việc áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn do người có thẩm quyền quyết định và phải được ghi rõ trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
1. Đối với đấu thầu rộng rãi:
a) Lập hồ sơ mời quan tâm:
- Hồ sơ mời quan tâm bao gồm các nội dung sau đây: Thông tin tóm tắt về dự án, gói thầu; chỉ dẫn việc chuẩn bị và nộp hồ sơ quan tâm; tiêu chuẩn về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu, trong đó bao gồm yêu cầu về số lượng, trình độ và kinh nghiệm của chuyên gia;
- Sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100 để xây dựng tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ quan tâm, trong đó phải quy định mức điểm yêu cầu tối thiểu không thấp hơn 60% tổng số điểm và điểm đánh giá của từng nội dung về năng lực, kinh nghiệm, nhân sự không thấp hơn 50% điểm tối đa của nội dung đó.
b) Việc phê duyệt hồ sơ mời quan tâm phải bằng văn bản và căn cứ tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định hồ sơ mời quan tâm;
c) Thông báo mời quan tâm thực hiện theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 7 và Điểm b Khoản 1 hoặc Điểm a Khoản 2 Điều 8 của Nghị định này;
d) Phát hành hồ sơ mời quan tâm:
Hồ sơ mời quan tâm được phát hành miễn phí cho các nhà thầu tới trước thời điểm đóng thầu;
đ) Tiếp nhận và quản lý hồ sơ quan tâm:
Bên mời thầu tiếp nhận và quản lý các hồ sơ quan tâm đã nộp theo chế độ quản lý hồ sơ mật cho đến khi công khai kết quả mời quan tâm;
e) Mở và đánh giá hồ sơ quan tâm:
- Hồ sơ quan tâm nộp theo thời gian và địa điểm quy định trong hồ sơ mời quan tâm sẽ được mở ngay sau thời điểm đóng thầu. Việc mở hồ sơ quan tâm phải được ghi thành biên bản và gửi biên bản mở thầu cho các nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm. Hồ sơ quan tâm được gửi đến sau thời điểm đóng thầu sẽ không được mở, không hợp lệ và bị loại;
- Việc đánh giá hồ sơ quan tâm thực hiện: theo tiêu chuẩn đánh giá quy định trong hồ sơ mời quan tâm. Hồ sơ quan tâm của nhà thầu có số điểm được đánh giá không thấp hơn mức điểm yêu cầu tối thiểu được đưa vào danh sách ngắn; hồ sơ quan tâm của nhà thầu có số điểm cao nhất được xếp thứ nhất; trường hợp có nhiều hơn 06 nhà thầu đạt yêu cầu thì lựa chọn 06 nhà thầu xếp hạng cao nhất vào danh sách ngắn;
g) Trình, thẩm định và phê duyệt kết quả mời quan tâm:
- Trên cơ sở báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, bên mời thầu trình phê duyệt kết quả mời quan tâm, trong đó nêu rõ ý kiến của bên mời thầu về các nội dung đánh giá của tổ chuyên gia;
- Kết quả mời quan tâm phải được thẩm định theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 106 của Nghị định này trước khi phê duyệt;
- Kết quả mời quan tâm phải được phê duyệt bằng văn bản và căn cứ vào tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định kết quả mời quan tâm;
- Trường hợp lựa chọn được danh sách ngắn, văn bản phê duyệt kết quả mời quan tâm phải bao gồm tên các nhà thầu được lựa chọn vào danh sách ngắn ,và các nội dung cần lưu ý (nếu có). Trường hợp không lựa chọn được danh sách ngắn, văn bản phê duyệt kết quả mời quan tâm phải nêu rõ lý do không lựa chọn được danh sách ngắn;
h) Công khai danh sách ngắn: Danh sách ngắn phải được đăng tải theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 7 và Điểm c Khoản 1 hoặc Điểm b Khoản 2 Điều 8 của Nghị định này và gửi thông báo đến các nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm.
2. Đối với đấu thầu hạn chế:
a) Xác định, phê duyệt danh sách ngắn: Xác định, phê duyệt danh sách ngắn gồm tối thiểu 03 nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu và có nhu cầu tham dự thầu;
b) Công khai danh sách ngắn: Sau khi phê duyệt, danh sách ngắn phải được đăng tải theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 7 và Điểm c Khoản 1 hoặc Điểm b Khoản 2 Điều 8 của Nghị định này.
3. Các nhà thầu có tên trong danh sách ngắn không được liên danh với nhau để tham dự thầu.
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
Download file tài liệu để xem thêm chi tiết.