Nghị định 70/2018/NĐ-CP Hình thức xử lý tài sản khi kết thúc nhiệm vụ KHCN
Từ ngày 15/05/2018, Nghị định 70/2018/NĐ-CP d Chính phủ ban hành chính thức có hiệu lực. Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ Khoa học và công nghệ (KHCN) sử dụng vốn nhà nước. Theo đó, đối với những tài sản trang bị để thực hiện nhiệm vụ KHCN thì sau khi kết thúc nhiệm vụ được xử lý theo các hình thức sau:
- Giao tài sản cho tổ chức chủ trì;
- Bán trực tiếp cho cá nhân tổ chức chủ trì;
- Giao quyền sử dụng cho tổ chức, cá nhân chủ trì;
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 70/2018/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 15 tháng 05 năm 2018 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN ĐƯỢC HÌNH THÀNH THÔNG QUA VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ SỬ DỤNG VỐN NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Luật Chuyển giao công nghệ ngày 21 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Luật sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh
Nghị định này quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước gồm:
1. Tài sản trang bị để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước.
2. Tài sản trang bị để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng một Phần ngân sách nhà nước.
3. Tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước.
4. Tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng một Phần ngân sách nhà nước.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.
2. Cơ quan được giao quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
3. Đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với tài sản là kết quả của việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định tại Luật khoa học và công nghệ (sau đây gọi là đại diện chủ sở hữu nhà nước).
4. Tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
5. Tổ chức, cá nhân thụ hưởng kết quả của việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
6. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến quá trình quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Điều 3. Giải thích từ ngữ.
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước (sau đây gọi là nhiệm vụ ngân sách cấp) là nhiệm vụ khoa học và công nghệ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt triển khai sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước để thực hiện.
2. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng một Phần ngân sách nhà nước (sau đây gọi là nhiệm vụ ngân sách hỗ trợ) là nhiệm vụ khoa học và công nghệ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt triển khai bằng nhiều nguồn vốn trong đó có một Phần ngân sách nhà nước.
3. Giao quyền sở hữu tài sản là việc Nhà nước có quyết định giao quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản cho đối tượng được giao.
4. Giao quyền sử dụng tài sản là việc Nhà nước có quyết định giao cho đối tượng quyền quản lý, khai thác, sử dụng tài sản với những Điều kiện cụ thể.
5. Chuyển giao không bồi hoàn Phần quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản là việc Nhà nước quyết định giao Phần quyền sở hữu đối với tài sản được hình thành thông qua việc thực hiện nhiệm vụ ngân sách hỗ trợ cho đối tượng nhận chuyển giao mà không phải hoàn trả Phần giá trị tài sản của Nhà nước.
6. Cơ sở dữ liệu về tài sản khoa học và công nghệ là bộ phận của cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, được xây dựng để thống nhất quản lý tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên phạm vi cả nước.
7. Đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với tài sản là kết quả khoa học và công nghệ là:
a) Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, trừ nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia quy định tại điểm b Khoản này;
b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với: Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia được giao quản lý; nhiệm vụ khoa học và công nghệ do mình phê duyệt;
c) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ do mình phê duyệt.
8. Cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ là cơ quan, tổ chức, đơn vị được người có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ giao nhiệm vụ quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
9. Tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ là tổ chức đăng ký tham gia tuyển chọn hoặc được giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, ký kết hợp đồng khoa học và công nghệ và thực hiện hợp đồng khoa học và công nghệ đã ký kết.
10. Cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ là cá nhân:
a) Tự mình hoặc hợp tác với tổ chức, cá nhân khác để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, ký hợp đồng khoa học và công nghệ;
b) Đăng ký tham gia tuyển chọn hoặc giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ;
c) Thực hiện hợp đồng khoa học và công nghệ đã ký kết.
Điều 4. Nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành từ việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước.
1. Tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ ngân sách cấp là tài sản công. Việc quản lý, sử dụng thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.
2. Tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ ngân sách hỗ trợ là tài sản đồng sở hữu; việc quản lý, sử dụng tài sản được thực hiện theo thỏa thuận tại Hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với các bên còn lại và thuyết minh nhiệm vụ khoa học và công nghệ được phê duyệt theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.
3. Việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản là kết quả của việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phải bảo đảm chặt chẽ, có hiệu quả; công khai, minh bạch.
4. Tài sản hình thành thông qua việc triển khai nhiệm vụ ngân sách cấp hoặc ngân sách hỗ trợ là tài sản đặc biệt tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân được quản lý, sử dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.
5. Khi kết thúc nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước, tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đạt tiêu chuẩn là tài sản cố định được xử lý theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.
Chương II
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN TRANG BỊ ĐỂ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Mục 1. QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN TRANG BỊ ĐỂ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NGÂN SÁCH CẤP
Điều 5. Nguồn tài sản trang bị để triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ
1. Nhà nước giao hoặc Điều chuyển tài sản:
a) Tổ chức, cá nhân chủ trì có trách nhiệm sắp xếp, bố trí tài sản hiện có để thực hiện nhiệm vụ. Trường hợp tài sản hiện có không đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ thì báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định giao, Điều chuyển tài sản (nếu có) để thực hiện nhiệm vụ;
b) Thẩm quyền quyết định giao, Điều chuyển tài sản do cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ xem xét, quyết định theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.
2. Thuê tài sản:
a) Việc thuê tài sản được thực hiện khi có đủ các Điều kiện sau: Tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ không sắp xếp, bố trí được trong số tài sản hiện có; không có nguồn tài sản để Điều chuyển hoặc có Điều chuyển nhưng chỉ đáp ứng được một Phần; thời gian sử dụng tài sản ngắn (dưới 50% thời gian sử dụng theo chế độ quy định đối với từng tài sản) hoặc nhu cầu sử dụng không thường xuyên; việc thuê tài sản đem lại hiệu quả cao hơn việc mua sắm tài sản;
b) Tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ lập danh Mục tài sản thuê và đưa vào dự toán của nhiệm vụ, trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ phê duyệt và thực hiện thuê tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;
c) Sau khi được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt việc thuê tài sản, tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ thực hiện việc thuê tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan.
3. Mua sắm tài sản:
a) Việc mua sắm tài sản để thực hiện nhiệm vụ được thực hiện đối với các trường hợp không áp dụng được quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này;
b) Tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ lập danh Mục tài sản mua sắm và đưa vào dự toán của nhiệm vụ, trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ phê duyệt;
c) Sau khi được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt việc mua sắm, tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện việc mua sắm tài sản theo quy định của pháp luật về mua sắm tài sản từ ngân sách nhà nước.
...........
Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết