Nghị định 59/2013/NĐ-CP Hướng dẫn Luật phòng, chống tham nhũng
Nghị định 59/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống tham nhũng do Chính phủ ban hành.
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 59/2013/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 17 tháng 06 năm 2013 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 01/2007/QH12 và Luật số 27/2012/QH13;
Theo đề nghị của Tổng thanh tra Chính phủ;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng,
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng về các hành vi tham nhũng; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; trình tự, thủ tục, thời hạn tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác; việc hưởng lương, phụ cấp, quyền, lợi ích khác và việc bồi thường, khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng; chế độ thông tin, báo cáo về phòng, chống tham nhũng; chế độ kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tố cáo hành vi tham nhũng; xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn và một số quy định khác của Luật phòng, chống tham nhũng.
Điều 2. Xác định các hành vi tham nhũng được quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng
Các hành vi tham nhũng được quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng được xác định theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1999.
Điều 3. Xác định các hành vi tham nhũng được quy định tại các Khoản 8, 9, 10, 11 và 12 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng
Các hành vi tham nhũng được quy định tại các Khoản 8, 9, 10, 11 và 12 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng được xác định như sau:
1. Hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi bao gồm những hành vi sau đây:
a) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để được nhận cơ chế, chính sách có lợi cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương;
b) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để được ưu tiên trong việc cấp ngân sách cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương;
c) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để được giao, phê duyệt dự án cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương;
d) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để được nhận danh hiệu thi đua, danh hiệu vinh dự nhà nước đối với tập thể và cá nhân;
đ) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để được cấp, duyệt các chỉ tiêu về tổ chức, biên chế nhà nước cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương;
e) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để không bị kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm toán hoặc để làm sai lệch kết quả kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm toán;
g) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để được nhận các lợi ích khác cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương.
2. Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi bao gồm những hành vi sau đây:
a) Sử dụng tài sản của Nhà nước vào việc riêng;
b) Cho thuê, cho mượn tài sản của Nhà nước trái quy định của pháp luật;
c) Sử dụng tài sản của Nhà nước vượt chế độ, định mức, tiêu chuẩn.
3. Hành vi nhũng nhiễu vì vụ lợi là hành vi cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhằm đòi hỏi, ép buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải nộp những khoản chi phí ngoài quy định hoặc phải thực hiện hành vi khác vì lợi ích của người có hành vi nhũng nhiễu.
4. Hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi là hành vi cố ý không thực hiện trách nhiệm mà pháp luật quy định cho mình để triển khai nhiệm vụ, công vụ được giao hoặc không thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn liên quan đến nhiệm vụ, công vụ của mình vì vụ lợi.
5. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi bao gồm những hành vi sau đây:
a) Sử dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình để che giấu hành vi vi phạm pháp luật hoặc giúp giảm nhẹ mức độ vi phạm pháp luật của người khác;
b) Sử dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình để gây khó khăn cho việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc làm sai lệch kết quả các hoạt động trên.
Chương 2.
CÔNG KHAI, MINH BẠCH TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ
MỤC 1. BẢO ĐẢM NGUYÊN TẮC CÔNG KHAI, MINH BẠCH
Điều 4. Bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch trong việc ban hành danh mục bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền
1. Danh mục bí mật nhà nước do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật về bí mật nhà nước không được bao gồm những nội dung bắt buộc phải công khai theo quy định tại các Điều 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 26a, 26b, 26c, 26d, 27, 28, 29, 30 và Điều 46a Luật phòng, chống tham nhũng.
2. Bộ Công an và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch của Luật phòng, chống tham nhũng trong việc lập, ban hành các danh mục bí mật nhà nước.
Điều 5. Áp dụng hình thức công khai trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị
1. Căn cứ vào nội dung, đối tượng của thông tin được công khai và mục đích của việc công khai thông tin, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lựa chọn hình thức công khai theo quy định tại Điều 12 Luật phòng, chống tham nhũng.
2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo việc áp dụng hình thức công khai và chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm các quy định về áp dụng hình thức công khai theo quy định của pháp luật.
3. Trong trường hợp pháp luật có quy định cụ thể về hình thức công khai thì phải áp dụng hình thức công khai đó. Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm áp dụng một hoặc một số hình thức công khai theo quy định tại các Điểm b, c, d, đ và e Khoản 1 Điều 12 Luật phòng, chống tham nhũng.
MỤC 2. CUNG CẤP THÔNG TIN THEO YÊU CẦU CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu cung cấp thông tin về hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định tại Điều 31 và Điều 32 Luật phòng, chống tham nhũng;
b) Được nhận thông tin đã yêu cầu hoặc nhận văn bản trả lời về việc từ chối hoặc chưa cung cấp thông tin;
c) Khiếu nại về việc không cung cấp thông tin hoặc không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin theo đúng quy định của pháp luật.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin có các nghĩa vụ sau đây:
a) Yêu cầu cung cấp thông tin bằng văn bản hoặc thông điệp dữ liệu có ghi rõ họ, tên, địa chỉ, lý do của việc yêu cầu cung cấp thông tin;
b) Thực hiện quyền yêu cầu cung cấp thông tin theo quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng và Nghị định này;
c) Không được lợi dụng quyền yêu cầu cung cấp thông tin để gây rối hoặc để thực hiện các hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân;
d) Chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật về việc thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin.
Điều 7. Quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin
1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin có các quyền sau đây:
a) Được biết lý do của việc yêu cầu cung cấp thông tin;
b) Từ chối cung cấp các thông tin thuộc bí mật nhà nước và những nội dung khác theo quy định của Chính phủ, thông tin đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành ấn phẩm hoặc niêm yết công khai, thông tin không liên quan đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được yêu cầu;
c) Yêu cầu người được cung cấp thông tin sử dụng thông tin đó hợp pháp và bảo đảm tính chính xác khi sử dụng thông tin đó.
2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin có các nghĩa vụ sau đây:
a) Cung cấp thông tin bằng văn bản hoặc thông điệp dữ liệu cho cơ quan, tổ chức, cá nhân theo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn được quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng và Nghị định này;
b) Trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin biết trong trường hợp không cung cấp hoặc chưa cung cấp được;
c) Hướng dẫn tiếp cận thông tin được yêu cầu trong trường hợp thông tin đó đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, được phát hành ấn phẩm hoặc niêm yết công khai;
d) Chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật về việc thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin.
Điều 8. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo việc cung cấp thông tin; chịu trách nhiệm về việc vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình theo quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng, Nghị định này và các quy định khác của pháp luật.
Điều 9. Hình thức yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân
1. Việc yêu cầu cung cấp thông tin được thực hiện bằng văn bản hoặc thông điệp dữ liệu.
2. Văn bản hoặc thông điệp dữ liệu yêu cầu cung cấp thông tin được chuyển trực tiếp, gửi qua đường bưu điện hoặc qua giao dịch điện tử cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu.
Điều 10. Thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp thông tin, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin phải tiến hành một trong các hoạt động sau:
1. Thực hiện việc cung cấp thông tin khi nội dung thông tin được yêu cầu đáp ứng các điều kiện sau:
a) Thuộc phạm vi công khai theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng và Nghị định này;
b) Thuộc phạm vi hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu;
c) Chưa được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành ấn phẩm hoặc niêm yết công khai.
2. Trả lời bằng văn bản về việc không cung cấp thông tin cho cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu trong trường hợp nội dung thông tin được yêu cầu không đáp ứng các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này và nêu rõ lý do.
3. Nếu thông tin được yêu cầu đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành ấn phẩm hoặc niêm yết công khai thì trong văn bản trả lời phải có hướng dẫn cách thức tiếp cận thông tin đó.
Download file tài liệu để xem thêm chi tiết