Nghị định 52/2018/NĐ-CP Mức hỗ trợ xúc tiến thương mại cho cơ sở ngành nghề nông thôn

Từ ngày 01/06/2018, Nghị định 52/2018/NĐ-CP do Chính phủ ban hành chính thức có hiệu lực. Nghị định quy định về phát triển ngành nghề nông thôn. Theo đó, cơ sở ngành nghề nông thôn tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại do nhà nước tổ chức được nhà nước hỗ trợ như sau:

  • Hỗ trợ thuê tư vấn, hỗ trợ xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và bảo hộ sở hữu.
  • Chi 100% chi phí cho việc thuê mặt bằng trình diễn sản phẩm, tổ chức hội thi, ăn nghỉ đi lại đối với hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam.

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/2018/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 12 tháng 04 năm 2018

NGHỊ ĐỊNH
VỀ PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Chính phủ ban hành Nghị định về phát triển ngành nghề nông thôn.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định một số nội dung, chính sách phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngành nghề nông thôn (sau đây gọi chung là cơ sở ngành nghề nông thôn) bao gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình hoạt động theo quy định của pháp luật.

2. Các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định công nhận.

3. Các tổ chức, cá nhân có liên quan tới công tác quản lý ngành nghề nông thôn (cả trung ương và địa phương).

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nghề truyền thống là nghề đã được hình thành từ lâu đời, tạo ra những sản phẩm độc đáo, có tính riêng biệt, được lưu truyền và phát triển đến ngày nay hoặc có nguy cơ bị mai một, thất truyền.

2. Làng nghề là một hoặc nhiều cụm dân cư cấp thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc hoặc các điểm dân cư tương tự tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn quy định tại Điều 4 Nghị định này.

3. Làng nghề truyền thống là làng nghề có nghề truyền thống được hình thành từ lâu đời.

Điều 4. Các hoạt động ngành nghề nông thôn

Các hoạt động ngành nghề nông thôn quy định trong Nghị định này bao gồm:

1. Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản.

2. Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.

3. Xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn.

4. Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ.

5. Sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh.

6. Sản xuất muối.

7. Các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.

Chương II

CÔNG NHẬN NGHỀ TRUYỀN THỐNG, LÀNG NGHỀ, LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG

Điều 5. Tiêu chí công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống

1. Tiêu chí công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống áp dụng đối với các đối tượng được quy định tại khoản 2 Điều 2 có hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn được quy định tại Điều 4 Nghị định này và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Tiêu chí công nhận nghề truyền thống

Nghề được công nhận là nghề truyền thống phải đạt cả 03 tiêu chí sau:

a) Nghề đã xuất hiện tại địa phương từ trên 50 năm và hiện đang tiếp tục phát triển tính đến thời điểm đề nghị công nhận.

b) Nghề tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc.

c) Nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề.

3. Tiêu chí công nhận làng nghề

Làng nghề được công nhận phải đạt cả 03 tiêu chí sau:

a) Có tối thiểu 20% tổng số hộ trên địa bàn tham gia một trong các hoạt động hoặc các hoạt động ngành nghề nông thôn quy định tại Điều 4 Nghị định này.

b) Hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 02 năm liên tục tính đến thời điểm đề nghị công nhận.

c) Đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định của pháp luật hiện hành.

4. Tiêu chí công nhận làng nghề truyền thống

Làng nghề truyền thống phải đạt tiêu chí làng nghề quy định tại khoản 3 Điều này và có ít nhất một nghề truyền thống theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 6. Công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống

1. Hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống

a) Bản tóm tắt quá trình hình thành, phát triển của nghề truyền thống.

b) Bản sao giấy chứng nhận, huy chương đã đạt được trong các cuộc thi, triển lãm trong nước và quốc tế hoặc có tác phẩm đạt nghệ thuật cao được cấp tỉnh, thành phố trở lên trao tặng (nếu có). Đối với những tổ chức, cá nhân không có điều kiện tham dự các cuộc thi, triển lãm hoặc không có tác phẩm đạt giải thưởng thì phải có bản mô tả đặc trưng mang bản sắc văn hóa dân tộc của nghề truyền thống.

c) Bản sao giấy công nhận Nghệ nhân nghề truyền thống của cơ quan có thẩm quyền (nếu có).

2. Hồ sơ đề nghị công nhận làng nghề

a) Danh sách các hộ tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn.

b) Bản tóm tắt kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn trong 02 năm gần nhất.

c) Văn bản bảo đảm điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định.

3. Hồ sơ đề nghị công nhận làng nghề truyền thống

a) Hồ sơ đề nghị công nhận làng nghề truyền thống bao gồm các văn bản quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

b) Trường hợp đã được công nhận làng nghề, hồ sơ thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.

c) Trường hợp chưa được công nhận làng nghề nhưng có nghề truyền thống đã được công nhận, hồ sơ thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Trình tự xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống

a) Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) lập hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống theo tiêu chí quy định tại Điều 5 Nghị định này trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xét công nhận.

b) Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng xét duyệt, chọn những đối tượng đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 5 Nghị định này, ra quyết định và cấp bằng công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.

5. Thời gian xét công nhận các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

6. Nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống sau khi được công nhận không đạt tiêu chí quy định sẽ bị thu hồi bằng công nhận. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổng hợp danh sách, gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để xem xét, thu hồi bằng công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.

7. Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh việc quản lý bằng công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống và tình hình thực hiện các quy định về tiêu chí công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn định kỳ một năm một lần trước ngày 30 tháng 11 hằng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu để tổng hợp gửi báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chương III

QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN

Điều 7. Mặt bằng sản xuất

1. Các cơ sở ngành nghề nông thôn đề xuất dự án đầu tư có hiệu quả được tạo điều kiện thuận lợi về giao đất có thu tiền sử dụng đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

2. Đối với dự án đầu tư đòi hỏi nghiêm ngặt về xử lý ô nhiễm môi trường, bảo đảm yêu cầu nghiên cứu, sản xuất sản phẩm mới được ưu tiên giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất tại các khu, cụm công nghiệp tập trung.

3. Ngân sách địa phương hỗ trợ kinh phí để di dời các cơ sở ngành nghề nông thôn ra khỏi khu dân cư đến địa điểm quy hoạch, mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Điều 8. Về đầu tư, tín dụng

Đối với các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả được:

1. Hưởng ưu đãi đầu tư theo Luật đầu tư công.

2. Được áp dụng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

3. Được ưu tiên vay vốn từ các tổ chức tín dụng, Quỹ quốc gia về việc làm, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Xúc tiến thương mại

1. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho các cơ sở ngành nghề nông thôn hoạt động xúc tiến thương mại theo quy định hiện hành của Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.

2. Nhà nước tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại liên quan hỗ trợ cơ sở ngành nghề nông thôn:

a) Xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa, bảo hộ sở hữu thương hiệu;

b) Hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam.

3. Cơ sở ngành nghề nông thôn tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại quy định tại khoản 2 Điều này được ngân sách nhà nước hỗ trợ:

a) Chi hỗ trợ thuê tư vấn, hỗ trợ trực tiếp cho các cơ sở ngành nghề nông thôn các nội dung quy định tại điểm a khoản 2 Điều này. Mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 50 triệu đồng/cơ sở.

b) Chi 100% chi phí: Thuê mặt bằng trình diễn sản phẩm; tổ chức hội thi; ăn nghỉ, đi lại đối với nội dung quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

4. Nguồn kinh phí và cơ chế hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành của Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; các chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại, các chương trình, kế hoạch khuyến công, khuyến nông hàng năm của các bộ, ngành, địa phương.

Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 108
  • Lượt xem: 245
  • Phát hành:
  • Dung lượng: 396,3 KB
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo