Nghị định 30/2018/NĐ-CP Bổ sung thành phần hồ sơ định giá tài sản trong tố tụng hình sự

Ngày 07/03/2018 ,Chính phủ đã ban hành Nghị định 30/2018/NĐ-CP quy định việc thành lập và hoạt động của hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Nghị định bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/05/2018. Theo đó, bổ sung thành phần hồ sơ định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo và tải Nghị định tại đây.

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/2018/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 07 tháng 03 năm 2018

NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT VIỆC THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN; TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 21 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự khi cần xác định giá của tài sản để giải quyết vụ án hình sự.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có yêu cầu thành lập Hội đồng định giá tài sản; cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng định giá tài sản; cơ quan, tổ chức cử người và cá nhân được cử tham gia Hội đồng định giá tài sản; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tài sản cần định giá là tài sản được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá để giải quyết vụ án hình sự.

2. Phương pháp định giá tài sản là những cách thức để tiến hành xác định giá trị bằng tiền của tài sản cần định giá.

3. Tài sản tương tự là tài sản cùng loại, tương đồng với tài sản cần định giá về một số đặc trưng cơ bản như mục đích sử dụng, công dụng, đặc điểm pháp lý và một số đặc điểm về kinh tế - kỹ thuật chủ yếu, bao gồm nguyên lý cấu tạo, tính năng kỹ thuật và tính năng sử dụng.

4. Hàng cấm là hàng hóa cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng tại Việt Nam; hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Nguyên tắc định giá tài sản

1. Phù hợp với giá thị trường của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự với tài sản cần định giá tại thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá.

2. Trung thực, khách quan, công khai, kịp thời.

Điều 5. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động định giá tài sản trong tố tụng hình sự

1. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cử người tham gia Hội đồng định giá khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng định giá và có trách nhiệm tạo điều kiện cần thiết để cá nhân được cử trên tham gia định giá tài sản. Việc cử người phải bằng văn bản và đúng thời gian theo đề nghị của cơ quan thành lập Hội đồng định giá.

2. Cá nhân được Hội đồng định giá yêu cầu hoặc được cơ quan, tổ chức cử tham gia Hội đồng định giá có trách nhiệm tham gia và thực hiện việc định giá tài sản theo quy định của Nghị định này.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan khác có trách nhiệm cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến tài sản cần định giá; tạo điều kiện để Hội đồng định giá thực hiện việc khảo sát giá, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá, phục vụ cho việc định giá của Hội đồng theo quy định của Nghị định này.

Chương II

THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN

Điều 6. Thành lập Hội đồng định giá theo vụ việc

1. Hội đồng định giá theo vụ việc được thành lập ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện); ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); ở trung ương.

2. Hội đồng định giá theo vụ việc cấp huyện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập theo đề nghị của cơ quan chuyên môn về lĩnh vực tài chính cùng cấp để định giá tài sản khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

3. Hội đồng định giá theo vụ việc cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập theo đề nghị của cơ quan chuyên môn về lĩnh vực tài chính cùng cấp để định giá các loại tài sản khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc thực hiện định giá lại trong các trường hợp theo quy định tại Điều 21 Nghị định này.

4. Hội đồng định giá theo vụ việc ở trung ương do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ (sau đây gọi chung là bộ) thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực về tài sản cần định giá theo quy định của pháp luật quyết định thành lập để thực hiện định giá lại trong các trường hợp theo quy định tại Điều 21 và Điều 22 Nghị định này.

Trường hợp pháp luật không quy định cụ thể cơ quan thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực về tài sản cần định giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản.

5. Thành phần, hoạt động, quyền và nghĩa vụ của Hội đồng định giá theo vụ việc, quyền và nghĩa vụ của thành viên và Chủ tịch Hội đồng định giá theo vụ việc thực hiện theo các quy định tại Nghị định này.

Điều 7. Thành lập Hội đồng định giá thường xuyên

1. Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng định giá thường xuyên để định giá tài sản.

2. Hội đồng định giá thường xuyên cấp huyện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập theo đề nghị của cơ quan chuyên môn về lĩnh vực tài chính cùng cấp để định giá tài sản khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

3. Hội đồng định giá thường xuyên cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập theo đề nghị của cơ quan chuyên môn về lĩnh vực tài chính cùng cấp để định giá khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và thực hiện định giá lại trong các trường hợp theo quy định tại Điều 21 Nghị định này.

4. Quyết định thành lập Hội đồng định giá thường xuyên được gửi đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để cơ quan này gửi văn bản yêu cầu định giá tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định này.

5. Thành phần, hoạt động, quyền và nghĩa vụ của Hội đồng định giá thường xuyên, quyền và nghĩa vụ của thành viên và Chủ tịch Hội đồng định giá thường xuyên thực hiện theo các quy định tại Nghị định này.

6. Đối với cùng một tài sản được cơ quan có thẩm quyền trưng cầu định giá, trường hợp Hội đồng định giá thường xuyên đã được thành lập để tiến hành định giá đối với tài sản này thì không thành lập Hội đồng định giá theo vụ việc theo quy định tại Điều 6 Nghị định này.

Điều 8. Thành phần của Hội đồng định giá tài sản

1. Thành phần của Hội đồng định giá cấp huyện bao gồm:

a) Một lãnh đạo của cơ quan chuyên môn cấp huyện về lĩnh vực tài chính là Chủ tịch Hội đồng;

b) Một chuyên viên của cơ quan chuyên môn cấp huyện về lĩnh vực tài chính là thành viên thường trực Hội đồng;

c) Đại diện các cơ quan, tổ chức chuyên môn liên quan đến tài sản cần định giá là thành viên Hội đồng. Căn cứ vào yêu cầu định giá tài sản, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định các thành viên phù hợp với đặc điểm của tài sản cần định giá.

2. Thành phần của Hội đồng định giá cấp tỉnh bao gồm:

a) Một lãnh đạo của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh về lĩnh vực tài chính là Chủ tịch Hội đồng;

b) Một lãnh đạo cấp phòng của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh về lĩnh vực tài chính là thành viên Thường trực Hội đồng;

c) Đại diện các cơ quan, tổ chức chuyên môn liên quan đến tài sản cần định giá là thành viên Hội đồng. Căn cứ vào yêu cầu định giá tài sản, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định các thành viên phù hợp với đặc điểm của tài sản cần định giá.

3. Thành phần của Hội đồng định giá ở trung ương bao gồm:

a) Một lãnh đạo bộ, cơ quan ngang bộ hoặc lãnh đạo cơ quan chuyên môn được ủy quyền của bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực về tài sản cần định giá theo quy định của pháp luật là Chủ tịch Hội đồng;

b) Một lãnh đạo cơ quan chuyên môn thuộc bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực về tài sản cần định giá theo quy định của pháp luật là thành viên Thường trực Hội đồng;

c) Đại diện các cơ quan, tổ chức chuyên môn liên quan đến tài sản cần định giá là thành viên của Hội đồng. Căn cứ vào yêu cầu định giá tài sản, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực về tài sản cần định giá quyết định các thành viên phù hợp với đặc điểm của tài sản cần định giá cho từng vụ việc.

4. Số lượng thành viên của Hội đồng định giá phải là số lẻ, tối thiểu là 03 người đối với Hội đồng định giá cấp huyện, tối thiểu là 05 người đối với Hội đồng định giá cấp tỉnh và ở trung ương. Trường hợp cần thiết, thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng định giá quyết định thành lập Tổ giúp việc Hội đồng.

Điều 9. Hoạt động của Hội đồng định giá tài sản

1. Hội đồng định giá hoạt động theo cơ chế tập thể. Cơ quan của người có thẩm quyền thành lập Hội đồng hoặc Chủ tịch Hội đồng phải đóng dấu vào các văn bản của Hội đồng và chịu trách nhiệm về tư cách pháp lý của Hội đồng.

2. Hội đồng định giá tiến hành định giá tài sản theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục định giá tài sản quy định tại Nghị định này và các quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự.

3. Hội đồng định giá chấm dứt hoạt động sau khi hoàn thành nhiệm vụ quy định tại Quyết định thành lập Hội đồng hoặc khi có Quyết định của người có thẩm quyền thành lập Hội đồng về việc chấm dứt hoạt động của Hội đồng.

Điều 10. Quyền và nghĩa vụ của Hội đồng định giá tài sản

1. Hội đồng định giá có quyền:

a) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc định giá;

b) Thuê tổ chức giám định để thực hiện giám định tình trạng kinh tế - kỹ thuật, tỷ lệ chất lượng của tài sản; thuê doanh nghiệp thẩm định giá để thực hiện thẩm định giá tài sản. Việc thuê tổ chức giám định, doanh nghiệp thẩm định giá được tiến hành trong các trường hợp cần thiết do Hội đồng định giá tài sản quyết định;

c) Từ chối thực hiện định giá tài sản trong trường hợp thời gian không đủ để tiến hành định giá; không đủ các điều kiện cần thiết để tiến hành định giá; các tài liệu cung cấp không đầy đủ hoặc không có giá trị để định giá; nội dung yêu cầu định giá vượt quá phạm vi hiểu biết chuyên môn của mình;

d) Được bảo đảm về tài chính đầy đủ, kịp thời và các cơ sở vật chất cần thiết để tiến hành định giá tài sản theo quy định của pháp luật;

đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Hội đồng định giá có nghĩa vụ:

a) Tuân thủ các nguyên tắc, trình tự, thủ tục định giá tài sản quy định tại Nghị định này và các quy định pháp luật khác liên quan;

b) Thông báo kịp thời bằng văn bản tới các thành viên Hội đồng về nội dung, thành phần, thời gian, địa điểm phiên họp định giá tài sản;

c) Thực hiện định giá tài sản, trả kết luận định giá tài sản theo đúng thời hạn được yêu cầu; trong trường hợp cần có thêm thời gian để thực hiện định giá thì phải thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan yêu cầu định giá biết;

d) Xác định trung thực, khách quan giá trị của tài sản được yêu cầu định giá và chịu trách nhiệm về kết luận định giá tài sản đó;

đ) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Quyền và nghĩa vụ của thành viên Hội đồng định giá tài sản

1. Thành viên của Hội đồng định giá có quyền:

a) Tìm hiểu tài liệu của vụ án có liên quan đến tài sản cần định giá;

b) Đưa ra nhận định, đánh giá độc lập của mình về tính chất, đặc điểm của tài sản cần định giá; về cách thức thực hiện nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá và giá của tài sản cần định giá;

c) Biểu quyết để xác định giá của tài sản; ghi ý kiến của mình vào biên bản phiên họp định giá tài sản nếu không thống nhất với kết luận của Hội đồng định giá;

d) Được hưởng chế độ bồi dưỡng theo quy định của pháp luật khi tham gia định giá;

đ) Từ chối tham gia định giá tài sản nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 13 của Nghị định này;

e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Thành viên của Hội đồng định giá có nghĩa vụ:

a) Giữ bí mật điều tra mà mình biết được khi thực hiện định giá tài sản;

b) Tham gia các phiên họp của Hội đồng định giá khi được yêu cầu;

c) Tuân thủ các nguyên tắc, trình tự, thủ tục định giá tài sản quy định tại Nghị định này;

d) Chịu trách nhiệm về ý kiến nhận định, đánh giá của mình quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều này;

đ) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 208
  • Lượt xem: 275
  • Phát hành:
  • Dung lượng: 240,3 KB
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo