Nghị định 105/2017/NĐ-CP Bãi bỏ hàng loạt điều kiện khi kinh doanh rượu
Ngày 14/09/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu. Theo đó, đối với hoạt động phân phối rượu, chủ thể kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;
- Có kho hàng với tổng diện tích sàn từ 150m2 trở lên (quy định hiện tại tối thiểu là 300 m2);
- Rượu kinh doanh phải đảm bảo an toàn thực phẩm;
- Có hệ thống phân phối ở 02 tỉnh/thành trở lên; tại mỗi tỉnh/thành phải có ít nhất 01 thương nhân bán buôn rượu (hiện hành là 06 tỉnh và mỗi tỉnh có ít nhất 03 thương nhân);
- Có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, phân phối rượu khác hoặc nhà cung cấp rượu ở nước ngoài;
- Tuân thủ đầy đủ quy định về phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường.
Nội dung Nghị định 105/2017/NĐ-CP
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 105/2017/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 14 tháng 09 năm 2017 |
NGHỊ ĐỊNH
VỀ KINH DOANH RƯỢU
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật an toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương;
Chính phủ ban hành Nghị định về kinh doanh rượu.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định về hoạt động kinh doanh rượu, bao gồm: Hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu; hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ.
2. Nghị định này không áp dụng đối với:
a) Hoạt động xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh rượu;
b) Nhập khẩu rượu để kinh doanh tại cửa hàng miễn thuế;
c) Nhập khẩu rượu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan, mua bán rượu giữa các khu phi thuế quan; hoạt động kinh doanh rượu tại khu phi thuế quan, hoạt động gửi kho ngoại quan;
d) Rượu nhập khẩu là hành lý, tài sản di chuyển, quà biếu, quà tặng, hàng mẫu trong, định mức được miễn thuế; xét miễn thuế, không chịu thuế.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với thương nhân kinh doanh rượu và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến kinh doanh rượu.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau;
1. Rượu là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men (có hoặc không chưng cất) từ tinh bột của các loại ngũ cốc, dịch đường của cây và hoa quả hoặc được pha chế từ cồn thực phẩm. (Ethanol).
Rượu không bao gồm: Bia các loại; nước trái cây lên men các loại có độ cồn dưới 5% theo thể tích.
2. Sản xuất rượu công nghiệp là hoạt động sản xuất rượu trên dây chuyền máy móc, thiết bị công nghiệp.
3. Sản xuất rượu thủ công là hoạt động sản xuất rượu bằng dụng cụ truyền thống, không sử dụng máy móc, thiết bị công nghiệp.
4. Rượu bán thành phẩm là rượu chưa hoàn thiện dùng làm nguyên liệu để sản xuất rượu thành phẩm.
5. Bán rượu tiêu dùng tại chỗ là hoạt động bán rượu trực tiếp cho người mua để tiêu dùng tại địa điểm bán hàng.
Điều 4. Nguyên tắc quản lý rượu
Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải có giấy phép theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã.
Điều 5. Chất lượng và an toàn thực phẩm
1. Rượu đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
2. Rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường cho đến khi quy chuẩn kỹ thuật tương ứng được ban hành và có hiệu lực.
3. Thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm theo quy định của Luật an toàn thực phẩm, Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành khác liên quan.
Điều 6. Dán tem và ghi nhãn hàng hóa rượu
1. Rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu phải được dán tem và ghi nhãn hàng hóa theo quy định, trừ trường hợp rượu được sản xuất thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại.
2. Rượu bán thành phẩm nhập khẩu không phải dán tem.
Điều 7. Các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh rượu
1. Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy phép theo quy định tại Nghị định này.
2. Sử dụng cồn thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn, cồn công nghiệp hoặc nguyên liệu bị cấm khác để sản xuất, pha chế rượu,
3. Cho thuê, cho mượn Giấy phép kinh doanh rượu.
4. Trưng bày, mua, bán, lưu thông, tiêu thụ các loại rượu không có tem, nhãn đúng quy định của pháp luật, rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
5. Bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động.
6. Quảng cáo, khuyến mại rượu trái quy định của pháp luật.
Chương II
KINH DOANH RƯỢU
Mục 1. ĐIỀU KIỆN KINH DOANH RƯỢU
Điều 8. Điều kiện sản xuất rượu công nghiệp
1. Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
2. Có dây chuyền máy móc, thiết bị, quy trình công nghệ sản xuất rượu đáp ứng quy mô dự kiến sản xuất.
3. Bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định.
4. Bảo đảm các điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định.
5. Đáp ứng các quy định về ghi nhãn hàng hóa rượu.
6. Có cán bộ kỹ thuật có trình độ, chuyên môn phù hợp với ngành, nghề sản xuất rượu.
Điều 9. Điều kiện sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh
1. Là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.
2. Bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm và ghi nhãn hàng hóa rượu theo quy định.
Điều 10. Điều kiện sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại
1. Có hợp đồng mua bán với doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp.
2. Trường hợp không bán rượu cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công phải làm thủ tục cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo quy định tại Nghị định này.
Điều 11. Điều kiện phân phối rượu
1. Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
2. Có quyền sử dụng hợp pháp kho hàng hoặc hệ thống kho hàng với tổng diện tích sàn sử dụng từ 150 m2 trở lên.
3. Rượu dự kiến kinh doanh phải bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định.
4. Có hệ thống phân phối rượu trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên; tại địa bàn mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải có ít nhất 01 thương nhân bán buôn rượu.
5. Có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu khác hoặc nhà cung cấp rượu ở nước ngoài.
6. Bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu điều kiện về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định.
Điều 12. Điều kiện bán buôn rượu
1. Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của phập luật.
2. Có quyền sử dụng hợp pháp kho hàng hoặc hệ thống kho hàng với tổng diện tích sàn sử dụng từ 50 m2 trở lên.
3. Rượu dự kiến kinh doanh phải bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định.
4. Có hệ thống bán buôn rượu trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nơi thương nhân đặt trụ sở chính với ít nhất 03 thương nhân bán lẻ rượu.
5. Có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu hoặc thương nhân bán buôn rượu khác,
6. Bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu điều kiện về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định.
Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.