Đoạn văn nghị luận về hiện tượng nói xấu sau lưng (Dàn ý + 7 Mẫu) Viết đoạn văn nghị luận 200 chữ

Viết đoạn văn nghị luận về nói xấu sau lưng gồm 7 mẫu khác nhau cực hay kèm theo gợi ý cách viết chi tiết. Qua đó giúp các em học sinh có thể vận dụng, điều chỉnh và viết một cách tự tin chính xác hơn.

Thói quen nói xấu sau lưng
Thói quen nói xấu sau lưng

Nói xấu sau lưng là một trong những việc làm tiêu cực, gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của người khác bằng việc: người nói xấu sẽ đặt điều, bịa đặt những điều không có thật.  Đây là hành động không tốt cần phải lên án. Vậy sau đây là 7 đoạn văn nghị luận về hiện tượng nói xấu sau lưng mời các bạn theo dõi. Ngoài ra các bạn xem thêm một số tài liệu như: đoạn văn nghị luận về vai trò của gia đình, đoạn văn nghị luận về rác thải nhựa, đoạn văn nghị luận về hiện tượng sống ảo.

Đề bài: Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về thói xấu dựng chuyện, nói xấu sau lưng của con người.

Dàn ý suy nghĩ về thói nói xấu sau lưng của con người

a. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Thói xấu dựng chuyện, nói xấu sau lưng của con người.

b. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.

- Giải thích: Thói xấu dựng chuyện, nói xấu sau lưng của con người

->là hành động chỉ ra khuyết điểm của người khác một cách lén lút với mục đích xấu; thậm chí dèm pha, bôi xấu, bóp méo hình ảnh của đối tượng được nhắc đến, nhằm hạ bệ họ, thỏa mãn nhu cầu vị kỉ cá nhân,...

- Phân tích:

  • Người có thói xấu dựng chuyện, nói xấu sau lưng của con người luôn để ý những điểm yếu, những sai lầm của người khác, sợ hãi người đó hơn mình.
  • Đó là những người hèn nhát ích kỉ và không dám đương đầu một cách công bằng, khiến con người đề cao và làm mọi thứ vì bản thân – một trong số đó là hạ bệ người khác.
  • Việc dựng chuyện, nói xấu xuất hiện ở mọi nơi, người ta không chỉ cần sống phần mình mà rảnh rỗi thì còn phải dòm ngó, nghe ngóng, thu thập “chuyện lạ bốn phương”, và đôi khi cần phải “sáng tạo”, thêm thắt cho thêm phần kịch tính, đậm đà.
  • Dựng chuyện, nói xấu người khác cho người ta cảm giác mình tốt đẹp hơn người, mình đứng ngoài cái xấu, đứng trên cái xấu và anh minh trước cái xấu.
  • Xét nét, săm soi thói hư tật xấu của người khác là một hình thức để tự thỏa mãn bản thân nhưng làm tổn thương người khác.

- Bàn luận:

  • Dựng chuyện, nói xấu sau lưng chỉ là hành động của những kẻ yếu kém bất lực. Người sống có mục đích, có ước mơ sẽ không có thời gian để soi mói xét nét người khác
  • Con người không ai hoàn thiện. Ai cũng có những nhược điểm, sở đoản, ai cũng sẽ mắc sai lầm. Tuy nhiên, người sáng suốt sẽ không nhìn vào đó để coi thường đối phương mà luôn lấy đó là bài học cho chính mình. Lòng khoan dung không bao giờ là thừa. Nó giúp ta có thêm niềm tin vào con người, đẩy lùi sự ích kỷ, nhỏ nhen hay những suy tính hẹp hòi nhỏ mọn.

- Dẫn chứng

- Liên hệ bản thân, bài học nhận thức.

c. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về nói xấu sau lưng (2 Mẫu)

Đoạn văn mẫu 1

Trong cuộc sống có rất nhiều kiểu con người, tầng lớp xã hội khác nhau, nhưng suy cho cùng thì ở đâu, không gian nào cũng xuất hiện hiện tượng nói xấu sau lưng. Nói xấu sau lưng là một hành động tiêu cực, gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của người khác bằng việc: người nói xấu sẽ đặt điều, bịa đặt những điều không có thật, hoặc thậm chí là phóng đại, thêm thắt những yếu tố khác vào, mà không nói trực tiếp trước mặt của nạn nhân. Biểu hiện rõ nét cho điều này là những kẻ nói xấu sẽ luôn chỉ chăm chăm chú ý đến những điểm xấu, những khuyết điểm để đá xoáy người khác, mục đích của việc làm này có thể là để thỏa mãn nhu cầu lắm chuyện, nói cho "sướng mồm" để hả dạ, hoặc có thể là để ám chỉ hạ bệ uy tín của người khác. Thông thường nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này đó là xuất phát từ sự ích kỷ, hèn nhát không dám đối mặt trực tiếp với người khác, và xuất phát từ tính cách hơn thua có phần đố kỵ vì mình không được như người ta. Hậu quả của việc làm này sẽ ảnh hưởng đến cả người nói và nạn nhân bị nói. Đối với người nói sẽ dễ có tật giật mình, hình thành lối sống ích kỷ không chịu ghi nhận sự góp ý, khuyên bảo để hoàn thiện bản thân tốt hơn, dễ bị kích động khi bị người khác nhắc đến mình, nguy hại hơn đây còn là hành vi xâm phạm đến quyền được pháp luật bảo vệ đó là về danh dự, nhân phẩm, uy tín,...Đối với người nạn nhân bị nói xấu sẽ bị mọi người có những suy nghĩ sai lệch về họ, khiến họ cảm thấy bị tổn thương và tự ti hơn khi mọi lời cay nghiệt, sự xa lánh đều chĩa về mình, làm cho họ khó hòa nhập, khó phát huy được những điểm mạnh, khả năng của bản thân trong môi trường đầy độc hại đó. Vì vậy, xã hội chỉ tốt hơn khi mỗi cá thể trong xã hội đó tốt hơn, mỗi người cần nhận thức đúng đắn khi tiếp nhận những thông tin sai lệch, cũng như cần bài trừ, lên án hiện tượng này bởi lẽ "quân tử chẳng bao giờ để tâm đến những kẻ tiểu nhân. Chỉ có tiểu nhân mới đi soi mói quân tử".

Đoạn văn mẫu 2

Nói xấu sau lưng thực sự là một hiện tượng phổ biến trong cộng đồng người Việt Nam, và nó thường xuất hiện do tính cách cộng đồng làng xã mạnh mẽ trong văn hóa dân tộc. Mỗi người trong cộng đồng đều có vị trí và địa vị của mình, và thường không muốn mất đi vị thế đó. Hơn nữa, không ai muốn thấy người khác vượt mình lên, điều này dẫn đến sự ganh đua và đố kị. Hành vi nói xấu sau lưng thực sự là một thực trạng đáng báo động trong xã hội. Đây không chỉ là việc tiêu cực mà còn là một hành động đáng lên án về mặt đạo đức và đối nhân xử thế. Người ta sử dụng cách này để thể hiện sự cực đoan, hèn nhát và thiếu sự công bằng. Một điều đáng chú ý là người ta thường không dám nói xấu về những người thua kém mình, và thay vào đó, họ lại tìm cách giúp đỡ, khích lệ những người đang gặp khó khăn. Điều này thể hiện sự phân biệt rõ ràng về đạo đức và lòng nhân ái. Hành động nói xấu diễn ra một cách lén lút, thường sau lưng người bị hại mà không hề biết. Điều này tạo điều kiện cho người nói xấu thể hiện sự căm ghét và thỏa mãn nhu cầu tự cao tự đại. Việc này tạo ra sự phân cách và mất mát niềm tin trong xã hội. Tóm lại, bệnh nói xấu sau lưng thể hiện sự thiếu trong sáng và là một vấn đề cần phải cố gắng khắc phục để xây dựng một xã hội văn minh, hòa thuận và tôn trọng lẫn nhau.

Nghị luận 200 chữ về nói xấu sau lưng

Trong xã hội ngày nay, sự ganh ghét, tranh đua giữa con người với con người là vấn đề rất hay gặp phải, bên cạnh điểm tích cực của sự cạnh tranh là giúp con người phát triển tốt hơn, thì nhiều người còn khiến cho sự cạnh tranh trở thành một hiện tượng tiêu cực bằng việc nói xấu sau lưng người khác. Nói xấu sau lưng là hành vi vô cùng tiêu cực, bằng việc dùng lời nói của mình để bịa đặt, nói xấu, chế giễu về người khác khi họ không có mặt tại đó. Những người có hành động này thường là những người ích kỷ, sợ người khác hơn mình, thấy người khác có những ưu điểm tốt hơn là tìm mọi cách để hạ thấp người khác xuống; đôi khi để câu chuyện thêm phần thu hút, kịch tích thì những kẻ nói xấu còn sẵn sàng thêm thắt những chi tiết không hề có để thỏa mãn được sự ích kỷ, đố kị, hèn mọn của mình. Chính những điều đó, mà môi trường làm việc, học tập trở nên thật sự toxic, nạn nhân bị nói xấu thì trở nên bị xa lánh, danh dự, nhân phẩm, những điều tốt mà họ làm được dường như trở thành cái gai trong mắt người khác, họ bị cô lập. Điều này về lâu dài sẽ khiến các nạn nhân không chỉ còn là tự ti, mà còn ảnh hưởng đặc biệt về tinh thần dễ dẫn đến stress, bị trầm cảm, trên thực tế đã có những vụ việc như các ngôi sao Hàn Quốc chọn tự tử cũng vì miệng lưỡi người đời,....Bên cạnh đó, chính những người nói xấu, đặt điều bịa đặt về người khác vì sự ích kỷ, đố kị mà không bao giờ chịu nhìn lại mình, không đặt mình vào vị trí người khác thì ngày càng trở nên ích kỷ hơn; không chịu học hỏi, cải thiện bản thân mình tốt hơn và lâu ngày trở thành một người toxic thật sự, và những người này sẽ không bao giờ có mối quan hệ chất lượng thực sự. Chính vì vậy việc nói xấu sau lưng gắn cái mác là nói sự thật, bàn luận về sự thật theo sự hiểu biết hẹp hòi là cách để kẻ ích kỷ thỏa mãn mình nhưng chắc chắn sẽ làm tổn thương người khác. Vì vậy chúng ta cần phải tỉnh táo khi tiếp nhận những thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, không nên a du, hạ thấp người khác chỉ vì sự ích kỷ, kém hiểu biết của bản thân của mình.

Nghị luận về nói xấu sau lưng

Trong cuộc sống con người, việc ganh ghét, ganh đua giữa con người với nhau là một vấn đề rất hay gặp phải. Để có thể nâng cao bản thân và hạ thấp người mình ghét thì con người sẵn sàng đi nói xấu sau lưng của người khác. Nói xấu sau lưng là hành vi mang tính tiêu cực, dùng lời nói của mình để bịa đặt, chế giễu về người khác khi họ không có ở đây. Hành động này có tác hại rất nghiêm trọng. Đầu tiên là chính với những người đi nói xấu người khác, thì họ không hoàn thiện được nhân cách của bản thân, khiến họ trở thành những con người hèn nhát và dần dần bị mọi người xa lánh. Còn đối với những người bị nói xấu thì sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, khiến những người xung quanh có suy nghĩ sai lệch về họ. Cuối cùng, đới với cộng đồng thì tạo nên tình trạng phe phái, mất đoàn kết, do vậy hiệu quả công việc sẽ không cao, dẫn đến sự trì trệ của xã hội. Tóm lại hành động nói xấu sau lưng là hành vi có tác hại rất lớn đến nhiều người. Vì vậy chúng ta cần chung tay ngăn chặn điều sai trái này vì một xã hội phát triển.

Viết đoạn văn về thói quen nói xấu sau lưng

Thói xấu dựng chuyện, nói xấu sau lưng của con người là một hiện tượng không khó để thấy trong đời sống con người trong xã hội hiện đại. Thậm chí, nhiều người còn thấy đó là một hiện tượng rất đỗi bình thường, là tất yếu của xã hội. Tuy nhiên, đó là hành động đáng lên án và nên từ bỏ để xã hội trở nên văn minh hơn. Thói xấu dựng chuyện, nói xấu sau lưng của con người là hành động chỉ ra khuyết điểm của người khác một cách lén lút với mục đích xấu; thậm chí dèm pha, bôi xấu, bóp méo hình ảnh của đối tượng được nhắc đến, nhằm hạ bệ họ, thỏa mãn nhu cầu vị kỉ cá nhân,... Người dựng chuyện, nói xấu xuất hiện ở mọi nơi, người ta không chỉ cần sống phần mình mà rảnh rỗi thì còn phải để ý soi mói những điểm yếu, những sai lầm của người khác, sợ hãi người đó hơn mình. Luôn dòm ngó, nghe ngóng, thu thập “chuyện lạ bốn phương”, và đôi khi cần phải “sáng tạo”, thêm thắt cho thêm phần kịch tính, đậm đà… chứng tỏ mình là người sâu sắc hiểu biết... khiến cho người nghe cảm giác bạn tốt đẹp hơn người, bạn đứng ngoài cái xấu, đứng trên cái xấu và anh minh trước cái xấu.Việc nói xấu sau lưng có nhiều tác hại khiến cho bạn trở thành người đố kị: Bạn đang tự chứng tỏ là người hèn nhát ích kỉ, chỉ muốn hạ bệ người khác và không dám đương đầu một cách công bằng. Điều này sẽ vô tình hạ thấp giá trị của bạn trong mắt của những người khác. Việc bạn dựng chuyện, nói xấu người khác, xét nét, săm soi thói hư tật xấu của người khác là một hình thức để tự thỏa mãn bản thân nhưng chắc chắn sẽ làm tổn thương người khác.

Suy nghĩ về thói nói xấu sau lưng của con người

"Ở dân tộc nào cũng có thể có chuyện nói xấu nhau, nhưng trở thành căn bệnh nói xấu sau lưng thì chỉ có thể ở những dân tộc có tính cộng đồng làng xã mạnh như Việt Nam. Trong cộng đồng, mỗi người có một vị trí nhất định nên không ai muốn mất vị trí ấy, cũng không muốn người khác hơn mình, từ đó mà sinh ra cào bằng, đố kị, kèn cựa nhau. Nói xấu sau lưng là một công cụ để thực hiện việc cào bằng, kèn cựa ấy. Bệnh nói xấu sau lưng có hai đặc điểm: Thứ nhất là người ta không bao giờ nói xấu một người thua kém mình. Với người thua kém mình, người Việt luôn có xu hướng giúp đỡ họ. Người ta cũng thường không nói xấu những người đã vượt lên cao hẳn, đã xác lập một địa vị vững chắc, ổn định trên một thang bậc trong cộng đồng. Đối tượng chịu sự nói xấu, ném đá bao giờ cũng là người ngang bằng mình đang có xu hướng vượt lên hoặc những người vừa mới vượt lên cao hơn mình ở một phương diện nào đó, mục đích là nhằm dìm người ta xuống. Đặc điểm thứ hai là việc nói xấu diễn ra lén lút sau lưng người bị hại, người bị hại không hề biết được. Nói xấu trước mặt sẽ khiến người ta mất mặt. Gây thù chuốc oán là điều mà người Việt thường né tránh. Hơn nữa khi nói thẳng sẽ phải cân nhắc, đắn đo. Còn khi nói xấu sau lưng, thì người ta có thể thả phanh nói cho sướng miệng, đơm đặt thêm thắt cho bõ ghét. Do thiếu trong sáng nên bệnh này đôi khi còn được gọi là "bệnh thối mồm".

Đoạn văn nghị luận thói nói xấu sau lưng

Trong cuộc sống, không ít lần chúng ta sẽ bắt gặp những lời nói xấu sau lưng. Vậy nói xấu sau lưng là gì và nó gây ảnh hưởng đến bản thân ta như thế nào? Nói xấu sau lưng là một hành động mang tính tiêu cực, gây ảnh hưởng đến thanh danh của đối tượng bị nói xấu. Người hay nói xấu sau lưng người khác là người không tốt bụng và luôn bị mọi người coi thường. Tiêu biểu cho hành động này có thể kể đến anh Phạm Văn Thành - chỉ vì ghen ăn tức ở với bạn thân ở trong công ti, mà anh đã đi bêu xấu anh, khiến anh bị đồng nghiệp xa lánh. Nói xấu là một hành động tiêu cực, nó không chỉ làm tổn hại đến bản thân người bị bêu xấu mà còn khiến bạn bị mất giá trị trong mắt của mọi người khi việc làm của bạn bị phát hiện. Có những người nói xấu người khác nhưng không bao giờ sợ bị phát hiện bởi họ đã "triệt tiêu" được kẻ sẽ nói ra những điều xấu mà mình đang làm. Nhưng, "gieo gió ắt sẽ gặp bão", những kẻ tiểu nhân sẽ sớm bị người khác bắt lộ diện bộ mặt thật của mình, phát hiện những điều sai trái mà họ đã làm. Thật vậy, nói xấu sau lưng là một hành vi xấu, đừng bao giờ nói xấu, hãy biết tránh xa nó và đừng để nó tiêu khiển mình.

Chia sẻ bởi: 👨 Bảo Ngọc
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm