Văn mẫu lớp 12: Đoạn văn nghị luận bàn về đạo lý Ăn quả nhớ kẻ trồng cây (9 mẫu) Viết đoạn văn về tư tưởng đạo lý

Viết đoạn văn về câu tục ngữ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây gồm 9 bài văn xuất sắc của các học sinh giỏi. Qua đoạn văn về Ăn quả nhớ kẻ trồng cây các bạn sẽ được trang bị kiến thức, suy nghĩ về ý nghĩa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam để biết cách viết bài văn nghị luận hay.

TOP 9 Đoạn văn về Ăn quả nhớ kẻ trồng cây là đề tài nghị luận xã hội 200 chữ cực hay đạt điểm cao nhất của các bạn học sinh giỏi. Qua đó giúp các em lớp 12 tham khảo để làm bài tốt hơn trong các bài kiểm tra, kì thi môn Ngữ văn. Bên cạnh đó để nâng cao kỹ năng viết văn các bạn xem thêm: đoạn văn nghị luận về ý nghĩa của tính tự chủ, đoạn văn nghị luận về rác thải nhựa, đoạn văn nghị luận về hiện tượng sống ảo.

Viết đoạn văn về câu tục ngữ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Đoạn văn Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Dân tộc Việt Nam có truyền thống đạo lí rất cao đẹp, được hình thành và phát huy trên nền tảng của tư tưởng nhân đạo. Một trong các tiêu chuẩn đánh giá phẩm chất đạo lí của từng con người là lòng biết ơn và ghi nhớ ơn. Từ xa xưa, ông cha chúng ta đã quan tâm dạy bảo con cái các đạo lý làm người thông qua ca dao tục ngữ, và điển hình là câu tục ngữ "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Vậy "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" là như thế nào? Là khi ta ăn một trái chín mọng vừa mới rụng trên cành đừng quên công ơn của "kẻ trồng cây". Và khi ta được thưởng nhận một thành quả nào cũng phải nghĩ đến chính người đã làm nên thành quả đấy. Vậy vì sao "ăn quả phải học kẻ trồng cây". Đơn giản là bởi vì trong cuộc đời không có thành quả nào không từ sức lao động mà ra. Của cải vật lại đều do sức lao động mà ra, đất nước giàu có đẹp đẽ là nhờ tinh thần đấu tranh hy sinh dũng cảm của cha ông chúng ta ngày trước v.v. .. Tất cả thành quả đó là do "kẻ trồng cây" làm ra. Vì thế nhớ kẻ trồng cây là việc mà chúng ta đều phải thực hiện, là đạo lý bất biến. Câu tục ngữ "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" xuất phát từ sự ghi nhớ công ơn của những người đã tạo dựng thành quả đáp ứng yêu cầu cuộc sống ví dụ như: Mỗi khi chúng ta đưa bát cơm trên miệng chúng ta đều cố gắng giữ gìn nhưng nông dân vất vả. .. Cánh điều ấy sẽ là cơ sở quan trọng để chúng ta gắn bó với người đi cùng, với bạn bè và xây dựng ra một xã hội thân ái đoàn kết. Thiếu tình thương ấy con người sẽ trở nên ích kỷ tầm thường. Tóm lại, câu tục ngữ "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" đã để lại với ta một lời nhắc nhở, một đạo lí tốt đẹp về một nhân cách của con người. Chúng ta phải biết gìn giữ và phát triển truyền thống quý báu của gia đình dòng họ việt nam nhằm không phụ lòng mong đợi của ông bà, cha mẹ, v.v… và những người đã hy sinh cho độc lập tự do của đất nước.

Viết đoạn văn về Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Câu “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” nhắc nhở chúng ta cần có lòng biết ơn, quý trọng tình nghĩa. Về nghĩa đen, hiểu đơn giản “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” có nghĩa là chúng ta được thưởng thức hoa thơm, quả ngọt cần phải nhớ tới công lao của người gieo trồng. Về nghĩa bóng, câu tục ngữ nhắc nhở con người sống cần có lòng biết ơn. Khi được hưởng một thành quả nào đó, cần phải trân trọng công lao của những người đã tạo ra nó, nhận được sự giúp đỡ của người khác cần phải biết ơn. Sống luôn biết ơn sẽ nhận lại được những điều tốt đẹp. Đó chính là tình cảm yêu thương, trân trọng từ mọi người xung quanh. Từ xa xưa, ông cha ta đã thể hiện lòng biết ơn qua việc thờ cúng tổ tiên, hay các lễ hội tưởng nhớ công ơn của những bậc anh hùng có công với đất nước như hội Gióng, hội gò Đống Đa, hội Cổ Loa… Đến ngày hôm nay, lòng biết ơn thể hiện qua các hành động nhỏ bé nhưng rất ý nghĩa. Lời cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ của người khác. Các cuộc viếng thăm những bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đối với mỗi học sinh, việc thể hiện lòng biết ơn lại đến từ những hành động vô cùng đơn giản: lễ phép với ông bà, giúp đỡ bố mẹ công việc nhà, chăm chỉ học tập, tích cực rèn luyện… Qua câu tục ngữ, mỗi người hãy biết tự hào với truyền thống vẻ vang của nước nhà, tích cực giữ gìn và phát huy truyền thống đó.

Viết đoạn văn Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Đoạn văn mẫu 1

Trong cuộc sống, đạo đức là một yếu tố rất quan trọng, nó thể hiện sự văn minh, lịch sự, nếp sống, tính cách, và phần nào có thể đánh giá được phẩm chất, giá trị bản thân con người. Và có rất nhiều mặt để đánh giá đạo đức, phẩm chất của con người. Một trong số đó là sự biết ơn, nhớ ghi công lao mà người khác đã giúp đỡ mình. Đó cũng là một chân lí thiết thực trong đời thường. Chính vì vậy ông cha ta có câu : “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Câu tục ngữ trên đều mang một triết lí nhân văn sâu sa. Đó là cần phải biết ơn những người đã mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho chúng ta. Câu đầu tiên mượn hình ảnh “ăn quả” và “trồng cây” ý muốn nói, khi được hưởng thụ những trái ngọt, trái thơm, cần nhớ tới công sức, mồ hôi nước mắt của người đã làm ra nó. Điều đó được ẩn dụ nhằm khuyên răn thái độ của mỗi con người xử sự sao cho đúng, cho phải đối với những người đã giúp đỡ mình để không phải hổ thẹn với lương tâm. Hành động đó đã thể hiện một tư tưởng cao đẹp, một lối ứng xử đúng đắn. Lòng biết ơn đối với người khác đó chính là một truyền thống tốt đẹp của ông cha ta từ xưa tới nay. Đó cũng chính là biết sống ân nghĩa mặn mà, thuỷ chung sâu sắc giữa con người với con người. Tất cả những gì chúng ta đang hưởng thụ hiện tại không phải tự dưng mà có. Đó chính là công sức của biết bao lớp người. Từ những bát cơm dẻo tinh trên tay cũng do bàn tay người nông dân làm ra, một hạt lúa vàng chín giọt mồ hôi mà. Rồi đến tấm áo ta mặc, chiếc giày ta đi cũng đều bởi những bàn tay khéo léo của người thợ cùng với sự miệt mài, cần cù trong đó. Những di sản văn hoá nghệ thuật, những thành tựu độc đáo sáng tạo để lại cho con cháu. Còn nhiều, rất nhiều những công trình vĩ đại nữa mà thế hệ trước đã làm nên nhằm mục đích phục vụ thế hệ sau. Tất cả, tất cả cũng chỉ là những công sức lớn lao, sự tâm huyết của mỗi người dồn lại đã tạo nên một thành quả thật đáng khâm phục để ngày nay chúng ta cần biết ơn, phục hồi, tu dưỡng, phát triển những di sản đó. Ôi thật đáng trân trọng biết bao !

Đoạn văn mẫu 2

Câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là lời nhắc nhở con người về lòng biết ơn trong cuộc sống. Theo nét nghĩa đen, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” hiểu đơn giản là mỗi người khi được thưởng thức hoa thơm quả ngọt, hãy nhớ đến người đã có công vun trồng, chăm sóc cây cối. Còn theo nét nghĩa bóng, câu tục ngữ gửi gắm bài học về truyền thống biết ơn - một truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam. Từ xa xưa cho đến ngày nay, lòng biết ơn vẫn luôn được nhân dân ta gìn giữ và phát huy. Những việc làm như thờ cúng tổ tiên, tổ chức lễ hội để tưởng nhớ các bậc anh hùng. N hiều ngày lễ lớn nhằm tri ân một đối tượng cụ thể như mùng 8 tháng 3 - Quốc tế phụ nữ, 27 tháng 2 - Ngày thầy thuốc Việt Nam, 27 tháng 7 - Ngày thương binh liệt sĩ Việt Nam, ngày 20 tháng 11 - Ngày nhà giáo Việt Nam… Tất cả đều thể hiện được tính nhân văn cao đẹp. Bên cạnh đó, vẫn có một bộ phận có lối sống vô ơn, bội bạc. Đó là cách sống cần lên án và tránh xa. Mỗi người hãy nhớ rằng lòng biết ơn sẽ giúp chúng ta sống tử tế và tốt đẹp hơn.

Đoạn văn mẫu 3

Lòng biết ơn đối với người khác từ xưa đến nay vốn là truyền thống của dân tộc ta. Ông cha ta luôn nhắc nhở, dạy bảo con cháu phải sống ân nghĩa thủy chung, đã nhận ơn của ai thì không bao giờ quên. Truyền thống đạo đức đó được thể hiện rõ nét qua câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Có lòng biết ơn, sống ân nghĩa thủy chung là đạo lí làm người, đó cũng là bổn phận, là nhiệm vụ của chúng ta đối với đời. Tuy nhiên, lòng biết ơn không phải là lời nói suông mà phái thể hiện bằng hành động cụ thể. Nhà nước ta đã có những phong trào đền ơn đáp nghĩa, xây dựng những ngôi nhà tình nghĩa cho các bà mẹ anh hùng, các gia đình thương binh liệt sĩ. Việc đền ơn đáp nghĩa này đã trở thành phong trào, là chính sách lan rộng trên cả nước. Đây không chỉ là sự đền đáp công ơn đơn thuần mà nó trở thành bài học giáo dục thiết thực về đạo lí làm người của chúng ta. Cho nên mỗi người ai ai cũng cần phải có ý thức bảo vệ và phát huy những thành quả đạt được ấy ngày càng tốt đẹp hơn, có nghĩa là ta vừa là “người ăn quả” của hôm nay vừa là “người trồng cây” cho ngày mai. Cũng từ đó ta càng thấm thía hiểu được rằng: Cha mẹ, thầy cô cũng chính là người trồng cây, còn ta là người ăn quả. Vì vậy ta cần phải thực hiện tốt bổn phận làm con trong gia đình, bổn phận người học ở trong nhà trường. Ôi! Làm được như vậy tức là ta đã thể hiện được lòng biết ơn sâu sắc của mình đối với những người đã hy sinh, thương yêu lo lắng cho ta( câu đặc biệt). Đây là một việc làm không thể thiếu được ở thế hệ trẻ hôm nay.

Đoạn văn mẫu 4

"Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, là biểu hiện của lòng biết ơn, vốn là đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay. Biết ơn là trân trọng và ghi nhớ công ơn của người khác đã làm cho mình hoặc để lại cho mình một giá trị nào đó. Lòng biết ơn khẳng định phẩm chất cao quý của con người. người sống có lòng biết ơn luôn biết quý trọng của cải, vật chất và các giá trị tinh thần do người khác để lại, không bao giờ xâm phạm, phung phí những giá trị ấy. Ngược lại, người sống không có lòng biết ơn luôn tỏ ra vô tình, lạnh lùng hoặc khinh thường trước công ơn của người khác. Họ sống tham lam, ích kỉ, chỉ biết đến bản thân mình, không muốn đóng góp hoặc cống hiến sức lao động vì một công việc chung. Những người như thế thật đáng chê trách. Ai cũng cần sống có lòng biết ơn bởi không ai có thể một mình mà tạo ra được cả thế giới. Những gì chúng ta đang thụ hưởng hôm nay chính là do biết bao thế hệ đi trước để lại. Chúng ta cần phải phải biết trân trọng và ghi nhớ công ơn ấy. Vừa hưởng thụ, vừa tạo ra nhiều hơn để lại cho các thế hệ mai sau. Có làm được như vậy, xã hội mới phát triển, cuộc sống mới bình yên và hạnh phúc.

Viết đoạn văn về câu tục ngữ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Đoạn văn mẫu 1

“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng”. Từ xa xưa, lòng biết ơn luôn được cha ông ta đề cao, phát huy như một truyền thống quý báu. Nghĩa hàm ẩn là khi chúng ta hưởng thụ bất cứ thành quả nào, dù là vật chất hay tinh thần, cũng phải nhớ đến công ơn người đã làm ra chúng. Ăn một bữa cơm no đủ phải nhớ đến người làm ra hạt gạo; mặc một chiếc áo ấm áp phải biết ơn người đã thêu dệt nên. Câu tục ngữ như một lời răn rất triết lý, rất nhân sinh, hướng con người trở nên hoàn thiện hơn. Bởi, lòng biết ơn không chỉ là đức tính vĩ đại nhất mà còn là khởi nguồn của mọi đức tính tốt đẹp nhất của con người. Người có lòng biết ơn sẽ luôn được yêu quý, trân trọng, họ sẽ nhận được sự giúp đỡ nồng nhiệt bất cứ khi nào họ gặp khó khăn. Người được biết ơn cũng sẽ cảm thấy vui vẻ, nhiệt tình hơn khi giúp đỡ, từ đó, các mối quan hệ giữa người và người cũng phát triển và ngày một khăng khít hơn. Khi chúng ta biết ơn quá khứ, trân trọng giá trị nguồn cội cũng là khi chúng ta đang làm giàu vốn văn hoá cho bản thân và góp phần bảo vệ văn hoá truyền thống của đất nước. Tuy nhiên với sự phát triển hiện đại như hiện nay, những giá trị truyền thống đang ngày càng mai một, một bộ phận giới trẻ ngày nay đang quay lưng với truyền thống, sống ích kỷ, chỉ biết cho riêng mình. Chính vào lúc này đây, truyền thống “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” - truyền thống biết ơn cần phải được đề cao hơn nữa. Bởi không có những bài học quá khứ làm sao có được thành công trong hiện tại và tương lai? Vậy nên, hãy chắt chiu những giá trị tốt đẹp từ quá khứ bằng lòng biết ơn, nhưng cũng vừa nhìn vào tương lai một cách đầy tích cực và chiến đấu với thực tại thật nhiệt huyết.

Đoạn văn mẫu 2

“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là truyền thống đạo lý tốt đẹp từ ngàn đời của nhân dân Việt Nam. Đạo lý này muốn nói về lòng biết ơn, kính trọng của chúng ta đối với những người đã có ơn giúp đỡ, cưu mang, cống hiến,… Đạo lý này đã được răn dạy, giáo dục trong xã hội từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua các hành động, biểu hiện cụ thể. Đó là lòng biết ơn, kính trọng của con cháu đối với các bậc cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã nuôi dưỡng, dạy bảo ta nên người. Đó còn là lòng biết ơn, tưởng nhớ muôn đời đối với thế hệ cha anh đã có công bảo vệ và dựng xây đất nước, cho chúng ta có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, hòa bình. Điều này được thể hiện không chỉ qua những hành động nhỏ của các cá nhân, tập thể, mà còn được thể hiện ở việc Đảng, Nhà nước, nhân dân chủ trương xác lập những ngày lễ, ngày hội để bày tỏ lòng tri ân, biết ơn, và nhắc nhở chúng ta nhớ về những mốc lịch sử vàng son của dân tộc, ví dụ như: Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, ngày Quốc khánh 2/9, ngày giỗ Tổ 10/3,… Có thể khẳng định rằng, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là truyền thống đạo lý về lòng biết ơn của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay. Vì vậy, mỗi chúng ta cần có trách nhiệm giữ gìn và phát huy tích cực truyền thống này để xây dựng một xã hội văn minh, giàu đẹp.

Đoạn văn mẫu 3

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây là câu tục ngữ đã để lại nhiều bài học quý báu cho dân tộc ta, nó là một bài học dạy dỗ chúng ta cần biết ơn những người đã tạo ra thành quả cho chúng ta ăn và ở đây đối với những người đã trồng cây và tạo nên quả ngọt cho chúng ta chúng ta cần biết ơn và có những thái độ để bảo tồn và phát triển truyền thống đó của dân tộc, những người trồng cây đã cố gắng để tạo nên những cây tốt tươi và từ đó kết trái cho chúng ta hưởng thụ, truyền thống tốt đẹp đó đã tạo nên những điều rất tốt và mang những giá trị sâu sắc, những người cố gắng để tạo nên thành quả để cho chúng ta ăn thì chúng ta cần phát huy và tôn tạo nó một cách sinh động và hấp dẫn hơn. Câu nói này nó không chỉ dừng lại ở vấn đề người trồng và người ăn quả ý nghĩa của nó sâu rộng hơn, qua đó nó vừa là động lực để cho con người ý thức và trách nhiệm được tấm lòng biết ơn thành kính của mình, những điều đó đã tác động lớn không chỉ đến với mỗi người mà đối với toàn thể dân tộc Việt Nam, những điều đó đã tạo nên cho chúng ta rất nhiều suy nghĩ, khi cha mẹ sinh ra chúng ta đã có công lao sinh thành và nuôi dưỡng chúng ta, chúng ta cần biết ơn và hiếu thảo với cha mẹ, khi thầy cô dạy cho chúng ta những bài học hay có ích chúng ta cần biết ơn thầy cô vì những bài học đó, nó góp phần không chỉ tạo ra những lòng biết ơn đơn thuần mà điều đó đã thấm nhuần tư tưởng của mỗi chúng ta. Những đạo lý đó không chỉ để lại cho chúng ta bài học quý giá mà nó còn là câu tục ngữ hay được lưu truyền rộng rãi và trở thành kim chỉ nam dạy dỗ và phát huy được những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những truyền thống ấy mang giá trị lớn sâu sắc, nó không chỉ làm cho con người, ngày càng ý thức được niềm tin và trách nhiệm của mỗi người chúng ta. Ý nghĩa mà câu nói muốn để lại đó là lòng biết ơn sâu sắc, truyền thống đó không chỉ diễn ra mới mà đó đã được đúc kết từ ngàn đời, đó là những điều kiện sống mới và chúng ta cần trùng tu và phát triển nó phù hợp với tình hình của xã hội, khi xã hội ngày càng phát triển chúng ta ngày càng phải có những giá trị đó, đó là niềm tin và là một chuẩn mực của con người.

Bên cạnh đoạn văn viết về đạo lý Ăn quả nhớ kẻ trồng cây các bạn xem thêm một số đoạn văn khác như: đoạn văn bàn về uống nước nhớ nguồn, đoạn văn về bản lĩnh, đoạn văn nghị luận về lòng vị tha. Chúc các bạn học tốt.

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
105
  • Lượt tải: 84
  • Lượt xem: 81.581
  • Dung lượng: 172,4 KB
1 Bình luận
Sắp xếp theo
  • t_h
    t_h

    😘


    Thích Phản hồi 20:50 20/03