Văn mẫu lớp 12: Nghị luận xã hội về Cách ứng xử là tấm gương phản chiếu nhân cách của mỗi con người Dàn ý + 2 bài văn hay lớp 12

Văn mẫu lớp 12: Nghị luận xã hội về Cách ứng xử là tấm gương phản chiếu nhân cách của mỗi con người gồm 2 mẫu khác nhau cực hay kèm theo gợi ý cách viết chi tiết. Qua đó các bạn học sinh có thể lựa chọn cho mình một cách tiếp cận, giọng điệu văn thích hợp, để sau đó nó trở thành kiến thức tâm đắc của chính mình.

TOP 2 bài nghị luận cách ứng xử là tấm gương phản chiếu nhân cách của mỗi con người được viết rất hay với văn phong rõ ràng, dễ hiểu có thể tự học để mở rộng, nâng cao kiến thức, sẽ giúp các em học môn Ngữ văn tốt hơn và có sự chuẩn bị tốt hơn khi học. Ngoài ra các bạn xem thêm: nghị luận về mối quan hệ giữa đức và tài, nghị luận về vai trò của gia đình, nghị luận xã hội về thái độ sống tích cực.

Dàn ý Cách ứng xử là tấm gương phản chiếu nhân cách của mỗi con người

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Cách ứng xử là tấm gương phản chiếu nhân cách của mỗi con người.

2. Thân bài

a. Giải thích

“Cách ứng xử” là cách mỗi con người hành động, đối đãi, cư xử với người khác. Thông qua những hành động đó, người khác có thể hiểu, phán đoán và đánh giá được chúng ta là người như thế nào.

Ý câu nói: cách chúng ta hành động, cư xử với mọi người ra sao thì người ta sẽ nhìn nhận, đánh giá chúng ta dựa vào những điều đó. Hãy đối xử chân thành, tử tế, lịch sự với tất cả mọi người.

b. Phân tích

Mỗi con người có tính cách, suy nghĩ và tư duy khác nhau. Khi nêu ra quan điểm, góc nhìn của mình, chúng ta cần có cách thể hiện đúng và đủ, lịch sự, chân thành để không gây khó chịu với những người khác.

Trong ứng xử, hãy nghĩ kĩ trước khi nói, có trách nhiệm với những lời nói của mình đồng thời quan sát thái độ, hành vi của người đối diện để có cuộc giao tiếp thành công nhất.

Người có cách ứng xử khôn khéo là người có trí tuệ lẫn kĩ năng sống giúp ta được mọi người yêu thương, tôn trọng, học tập và khiến cho xã hội ngày càng tốt đẹp và văn minh hơn.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về những con người biết cư xử, đối nhân xử thế để minh họa cho bài làm văn của mình.

Lưu ý: dẫn chứng phải xác thực, tiêu biểu, được nhiều người biết đến.

d. Phản đề

Trong xã hội còn có nhiều người chưa biết cách cư xử đúng mực với những người xung quanh, đôi lúc là có những hành động thô lỗ. Lại có những người chưa có ý thức đúng đắn về cách đối nhân xử thế,… những người này cần thay đổi cách nghĩ, cách ứng xử của mình

e. Liên hệ bản thân

Mỗi người học sinh chúng ta bên cạnh trau dồi tri thức cũng cần rèn luyện kĩ năng mềm khi giao tiếp, biết nắm bắt tâm lí người khác cũng như có cách cư xử tinh tế, khéo léo, thông minh.

3. Kết bài

Khái quát vấn đề nghị luận: Cách ứng xử là tấm gương phản chiếu nhân cách của mỗi con người; đồng thời rút ra bài học, liên hệ bản thân.

Cách ứng xử là tấm gương phản chiếu nhân cách của mỗi con người - Mẫu 1

Nếu người xưa có thể nhìn vào “cái răng”, “cái tóc” để đánh giá về một cá nhân thì ngày nay, nhân cách của con người còn được thể hiện ở cách chúng ta ứng xử trong cuộc sống.

“Cách ứng xử” là cách mỗi con người hành động, đối đãi, cư xử với người khác “Nhân cách” là phẩm chất, tính cách của con người được thể hiện thông qua suy nghĩ, hành động và lời nói. Một người có nhân cách tốt là người có nhiều đức tính cao đẹp, có thể kể đến như: chăm chỉ, trung thực, dũng cảm, nhân ái, trách nhiệm,… Cung cách ứng xử có ý nghĩa quan trọng và mối quan hệ mật thiết với việc kiến tạo nhân cách của mỗi người.

“Gieo hành động, bạn sẽ gặt thói quen, gieo thói quen bạn sẽ gặt tính cách, gieo tích cách bạn sẽ gặt số phận”. Một hành động nhỏ đối với những người quanh tưởng chừng như vô nghĩa nhưng nếu được lặp đi lặp lại với tần suất nhất định sẽ trở thành lề thói quen thuộc. Theo thời gian, điều này ăn sâu vào tâm trí con người và khó lòng thay đổi. Lời nói, hành vi, phong cách sinh hoạt thể hiện cách chúng ta tư duy về đời sống, ngầm bộc lộ quan điểm của ta về những sự kiện xung quanh. Từ tính cách, lý tưởng, đam mê đến sở thích, sở ghét,…đều được hiện hữu rõ ràng. Kẻ coi thường những người nghèo đói, ứng xử không văn minh sẽ thường là kẻ hay nịnh nọt, khoe khoang. Người kiệm lời, ít khi khoe khoang, ăn ngay nói thật chắc chắn là người khiêm tốn, giản dị, liêm khiết.

Cách ứng xử có quan hệ trực tiếp đến việc hoàn thiện nhân cách của con người nên ta cần ý thức được tầm quan trọng của nó. Mọi yếu tố trong con người ta luôn xoay vần như một vòng tuần hoàn. Hành động tạo ra thói quen, suy nghĩ và chính lối tư duy cùng quan niệm nhân sinh của ta lại tác động đến cách hành xử. Thói quen tốt gieo mầm cho lối tư duy hiện đại, hạnh phúc. Những hành vi vô phép tắc, ảnh hưởng đến chính mình và cộng đồng xung quanh. Tư duy cổ hủ dẫn đến định kiến sai lệch, tư duy cởi mở mang đến nhiều cơ hội bất ngờ. Không chỉ đúng đắn với cá nhân mà chân lí này còn có thể áp dụng lên phạm vi toàn xã hội.

Như vậy, để có một nhân cách tốt, con người cần rèn luyện cách tổ chức cuộc sống tích cực, cư xử lễ độ từ khi còn nhỏ. Cẩn thận trong từng hành động, nói năng khiêm tốn sẽ hình thành cung cách ứng xử văn hóa. Nghiêm khắc với bản thân, sống có kỉ luật là cách ta tạo dựng sự tự tôn và được người khác tôn trọng.

Cách ứng xử là tấm gương phản chiếu nhân cách của mỗi con người - Mẫu 2

Mỗi con người có những tính cách, màu sắc khác nhau và cách chúng ta thể hiện hành động ra bên ngoài phản ánh những tính cách đó. Chính vì thế, ý kiến: “Cách ứng xử là tấm gương phản chiếu nhân cách của mỗi con người” là hoàn toàn đúng đắn.

“Cách ứng xử” là cách mỗi con người hành động, đối đãi, cư xử với người khác. Nó nói lên suy nghĩ, tính cách, phẩm hạnh của chính mình giống như một tấm gương phản chiếu. Thông qua những hành động đó, người khác có thể hiểu, phán đoán và đánh giá được chúng ta là người như thế nào. Nhân cách và cách ứng xử là thước đo chính xác nhất giá trị của mỗi con người.

Mỗi con người có tính cách, suy nghĩ và tư duy khác nhau. Cách họ cư xử ra bên ngoài giúp chúng ta đánh giá, nhận xét được người đó, từ những điều “chưa hài lòng” về cách ứng xử của họ, chúng ta có thể tự rút ra được bài học cho bản thân để hoàn thiện mình. Mỗi hành động, cách ứng xử của người khác mang đến cho chúng ta những bài học khác nhau: hành động đẹp giúp chúng ta có thêm bài học, hành động chưa đẹp giúp ta rút kinh nghiệm.

Một trong những tấm gương về nhân cách sáng rọi nhất không thể không nhắc đến là chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở Người tồn tại những đức tính, suy nghĩ vô cùng tốt đẹp phản ánh nhân cách cao cả của Người từ những hành động nhỏ nhất, cách Người đối đãi với trẻ em, cụ già, chiến sĩ… Người vĩnh viễn là tấm gương sáng soi để nhiều thế hệ học tập và noi theo.

Mỗi chúng ta hãy trau chuốt cho bản thân không chỉ có ngoại hình đẹp trước tấm gương ở nhà mà có cả một tâm hồn, một nhân cách đẹp đẽ để những người khác nhìn vào đó học tập. Để làm được điều này đòi hỏi chúng ta phải cố gắng rèn luyện bản thân, trau dồi kiến thức, không ngừng học tập, vươn lên.

Ý kiến trên mang đến cho chúng ta nhiều suy nghĩ và bài học về cách ứng xử. Từ đây, ta tự suy ngẫm lại bản thân mình và sống có ích hơn.

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm