Văn mẫu lớp 9: Số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vật Vũ Nương và Thúy Kiều 2 Dàn ý & 14 bài văn mẫu lớp 9 hay nhất

TOP 14 bài Phân tích Số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vật Vũ Nương và Thúy Kiều hay nhất, giúp các em học sinh lớp 9 thấy rõ những bi kịch, éo le mà người phụ nữ trong xã hội phong kiến phải gánh chịu.

Số phận người phụ nữ xưa

Qua 2 tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” và “Truyện Kiều” chúng ta nhận thấy rằng những người phụ nữ xưa đã phải nhận quá nhiều bất công, trái ngang, họ không có quyền tự do, không có quyền được mưu cầu hạnh phúc. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để ngày càng học tốt môn Văn 9.

Số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vật Vũ Nương và Thúy Kiều

Dàn ý số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến

Dàn ý 1

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần phân tích.

2. Thân bài

a. Thân phận người phụ nữ trong Chuyện người con gái Nam Xương.

* Phẩm cách tốt đẹp:

  • Nhà nghèo, thế nhưng lại là một người con gái có nhan sắc xinh đẹp, nhân phẩm cao quý.
  • Khi chồng nàng phải tòng quân đánh giặc xa nhà, mẹ chồng vì nhớ con trai mà ốm đau nàng vẫn luôn hết lòng chăm sóc như mẹ đẻ, lúc bà mất nàng cũng lo toan tang lễ thật chu toàn.
  • Một thân một mình, nàng sinh con sau đó lại nuôi nấng, chăm bẵm hết lòng cho đứa con trai nhỏ, một lòng thủy chung đợi ngày chồng trở về sum họp.

* Số phận bất hạnh:

  • Vũ Nương khi ở nhà chồng dù đã hết mực làm tròn bổn phận, nhưng vẫn phải dè dặt cẩn trọng vì sợ chồng ghen tuông.
  • Đến khi vất vả chờ được chồng trở về thì chỉ vì một câu nói khờ dại của đứa con lên ba, mà nàng hàm oan tội bất trinh với chồng.
  • Không được chồng tin tưởng, Vũ Nương vì khuất nhục, vì cùng đường mà phải chọn giải pháp tự kết liễu để minh oan cho bản thân.

=> Tư tưởng trọng nam khinh nữ và việc người phụ nữ dưới chế độ phong kiến không có tiếng nói, không được bênh vực, phải phụ thuộc vào gia đình nam nhi, đã khiến cho họ dễ dàng bị rơi vào bế tắc và chịu nhiều thiệt thòi.

- Sống lại dưới thủy cung có cuộc sống cẩm y ngọc thực, chứng minh được oan khuất thế nhưng Vũ Nương vẫn không được đoàn tụ với chồng con, phải chịu cảnh cô đơn đời đời dưới đáy nước.

=> Chung quy lại, dù thế nào bản thân Vũ Nương vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi và khổ đau nhất, câu chuyện là minh chứng cho việc người phụ nữ dưới chế độ phong kiến đương thời chưa bao giờ có hạnh phúc.

- Câu chuyện phản ánh thân phận bèo bọt của người phụ nữ xưa, phản ánh sự bất công, cổ hủ của chế độ phong kiến lỗi thời, phản ánh cả những cuộc chiến tranh vô nghĩa đã khiến các gia đình ly tán, mà người chịu hậu quả cuối cùng vẫn luôn là người phụ nữ.

b. Thân phận người phụ nữ trong Truyện Kiều:

* Hoàn cảnh của Thúy Kiều:

  • Thúy Kiều là con gái nhà giàu, lại có nhan sắc chim sa cá lặn, tài văn chương thơ phú "thông minh vốn sẵn tính trời", thêm ngón hồ cầm tinh thông.
  • Kiều có lẽ là hình tượng người con gái mang vẻ đẹp toàn diện và tuyệt đối trong văn học Việt Nam.
  • Bản thân Thúy Kiều còn có tự do lựa chọn cho mình một tình yêu đẹp với Kim Trọng, thậm chí cả hai đã đến hồi đính ước.

* Thân phận bọt bèo, hồng nhan bạc mệnh:

  • Nhà Kiều lâm đại nạn, cha và em bị bắt giải đi, Thúy Kiều đành phải bỏ "tình", theo "hiếu", bán mình làm lẽ cho Mã Giám Sinh để chuộc cha và em, bội ước với Kim Trọng, nhờ em gái của mình là Thúy Vân trả nghĩa cho chàng.
  • Thân phận phụ nữ trong chế độ phong kiến quả thực quá mong manh và nhỏ bé. Mới hôm trước còn là tiểu thư đài các, thì ngày nay đã trở thành một món hàng được người ta ngã giá, trở thành thiếp cho một người đàn ông đáng tuổi cha chú, phải nén đau thương từ biệt gia đình, từ bỏ tình yêu đầu đời.

=> Nhan sắc, tài năng của người phụ nữ đứng trước tư tưởng trọng nam khinh nữ, trước sự bất công của xã hội hoàn toàn không có một chút phân lượng nào, cùng lắm chỉ đáng giá vài ba trăm lượng bạc trắng, đổi một kiếp người.

  • Thúy Kiều phải sống một cuộc đời đau đớn, khổ sở, tuyệt vọng trăm bề trong lầu xanh sau nhiều lần bị lừa dối bởi những gã đàn ông đáng ghê tởm.
  • Khi Thúy Kiều gặp Thúc Sinh, Kiều lại rơi vào nỗi khổ ải với chế độ đa thê phong kiến, một lần nữa phải gánh chịu những nhục nhã, chèn ép từ người vợ cả của Thúc Sinh, lần nữa chịu áp bức dưới cường quyền.

=> Nhan sắc, tài năng của nàng trở thành thứ khiến người ta ghen ghét, đố kỵ và tìm cách trừ khử.

=> Thân phận người phụ nữ dưới chế độ phong kiến phải chịu quá nhiều bất công và khổ sở, không chỉ vậy tài năng và nhân phẩm của họ cũng không hề được coi trọng và đánh giá một cách đúng đắn.

3. Kết bài

  • Khái quát giá trị của 2 tác phẩm.

Dàn ý 2

I. Mở bài

  • “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ và “Truyện Kiều” của Nguyễn Du là hai tác phẩm khá thành công khi viết về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
  • Qua hai tác phẩm đã học: “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ và “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, ta thấy rõ những nỗi đau khổ mà người phụ nữ phải gánh chịu.

II. Thân bài

1. Nhân vật Vũ Nương trong “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ

  • Nàng Vũ Nương là nạn nhân của chế độ phong kiến nam quyền đầy bất công đối với người phụ nữ.
  • Cuộc hôn nhân của Vũ Nương với Trương Sinh không bình đẳng (Trương Sinh xin mẹ trăm lạng vàng cưới Vũ Nương về làm vợ) - sự cách biệt giàu nghèo khiến Vũ Nương luôn sống trong mặc cảm “thiếp vốn con kẻ khó được nương tựa nhà giàu”, cũng là cái thế để Trương Sinh đối xử với vợ một cách vũ phu, thô bạo và gia trưởng.
  • Chỉ vì lời nói con trẻ ngây thơ mà Trương Sinh tin nên đã hồ đồ độc đoán mắng nhiếc đánh đuổi vợ đi, không cho nàng thanh minh, Vũ Nương buộc phải tìm đến cái chết oan khuất để tự minh oan cho mình.
  • Cái chết đầy oan ức của Vũ Nương cũng không hề làm cho lương tâm Trương Sinh day dứt. Anh ta cũng không hề bị xã hội lên án. Ngay cả khi biết Vũ Nương bị nghi oan, Trương Sinh cũng coi nhẹ vì việc đã qua rồi. Kẻ bức tử Vũ Nương coi mình hoàn toàn vô can.

2. Nhân vật Thuý Kiều trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du

  • Nàng Kiều lại là nạn nhân của xã hội đồng tiền đen bạc.
  • Vì tiền mà bọn sai nha gây nên cảnh tan tác, chia lìa gia đình Kiều:

Một ngày lạ thói sai nha
Làm cho khốc liệt chẳng qua vì tiền

  • Để có tiền cứu cha và em khỏi bị đánh đập, Kiều đã phải bán mình cho Mã Giám Sinh - một tên buôn thịt bán người, để trở thành món hàng cho hắn cân đong đo đếm, cò kè mặc cả...
  • Cũng vì món lợi đồng tiền mà Mã Giám Sinh và Tú Bà đã đẩy Kiều vào chốn lầu xanh nhơ nhớp, khiến nàng phải đau đớn, cay đắng suốt mười lăm năm lưu lạc, phải “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”.

3. Điểm giống nhau giữa hai nhân vật

  • Họ đều là những người phụ nữ đẹp về mọi mặt nhưng đều bất hạnh.
  • Nạn nhân của xã hội phong kiến với nhiều định kiến hẹp hòi, bất công với người phụ nữ.
  • Những người phụ nữ như Vũ Nương, Thuý Kiều đều phải tìm đến cái chết để giải mọi nỗi oan ức, để giải thoát cuộc đời đầy đau khổ, oan nghiệt của mình.

4. Mở rộng vấn đề

  • Người phụ nữ trong hai tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” và “Truyện Kiều” hội tụ những vẻ đẹp đáng quý nhất và cũng là đầy đủ những gì đau khổ, tủi nhục nhất của con người. Họ là đại diện tiêu biểu của hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong xã hội cũ.
  • Viết về người phụ nữ, các nhà văn, nhà thơ đã đứng trên lập trường nhân sinh để bênh vực cho họ, đồng thời lên tiếng tố cáo gay gắt với các thể lực đã gây ra nỗi đau khổ cho họ.
  • Liên hệ với cuộc sống của người phụ nữ trong xã hội hiện đại.

III. Kết bài

  • Người đọc hiểu và cảm thông sâu sắc với những người phụ nữ bất hạnh và đấu tranh cho hạnh phúc của người phụ nữ.

Số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vật Vũ Nương và Thúy Kiều

Chế độ phong kiến với những định kiến lạc hậu, hà khắc đã trói buộc người phụ nữ trong sợi dây vô hình của sự bất công. Tuy nhiên, mặc cho sự giằng xé đầy đau đớn và tủi hờn của sợi dây đó, người phụ nữ vẫn luôn giữ cho mình những nét đẹp riêng cùng cốt cách thanh cao. Bằng sự đồng cảm với số phận bất hạnh ấy, nhiều nhà văn đã khai thác và lưu giữ hình ảnh người phụ nữ đại diện cho cái đẹp hoàn mỹ bằng những ngôn từ của nghệ thuật.

Trong đó, “Chuyện người con gái Nam Xương” (Nguyễn Dữ) và “Truyện Kiều” (Nguyễn Du) là hai tác phẩm tiêu biểu cất lên tiếng khóc thương cho thân phận người phụ nữ. Dẫu Kiều và Vũ Nương, mỗi người đều có những hoàn cảnh riêng, nhưng họ lại mang những nỗi đau chung cùng nét đẹp đại diện cho người phụ nữ Việt bao đời nay.

“Chuyện người con gái Nam Xương” kể về cuộc đời và số phận bi thảm của Vũ Nương. Vũ Nương là một người con gái có nhan sắc và đức hạnh vẹn toàn. Nàng lấy phải người chồng tên Trương Sinh, là con của nhà hào phú nhưng ít học, lại hay đa nghi, cả ghen. Cuộc sống gia đình đang êm ấm thì Trương Sinh phải đi lính. Cũng từ đó, bi kịch của đời nàng đã bắt đầu.

Khi chồng đi đầy tuần thì Vũ Nương sinh ra một đứa con trai, nàng hết lòng nuôi dạy con, lại chăm sóc, lo ma chay cho mẹ già chu đáo. Đồng thời, nàng cũng luôn chung thủy đợi tin chồng về. Đêm đêm, để nguôi ngoai nỗi nhớ chồng và dỗ con mỗi lần nhớ cha, nàng thường trỏ bóng mình trên vách và nói với con rằng đó chính là cha Đản.

Khi Trương Sinh trở về, nghe lời con trẻ, liền nghi ngờ vợ mình thất tiết. Chàng ta chẳng hề cho nàng cơ hội giải thích, thanh minh đã nhục mạ rồi đánh đuổi nàng đi. Vì phẫn uất, Vũ Nương đã nhảy xuống sông Hoàng Giang tự vẫn. Một thời gian sau, khi đã biết được nỗi oan của vợ, Trương Sinh lập đàn giải oan cho nàng. Nàng hiện về giữa bến Hoàng Giang, rồi lại lúc ẩn, lúc hiện và biến mất.

Truyện Kiều là câu chuyện xoay quanh cuộc đời gian truân của Thúy Kiều. Kiều là con gái đầu lòng trong một gia đình trung lưu lương thiện. Nàng sống cùng cha mẹ và hai em, nổi tiếng bởi tài sắc vẹn toàn. Trong một buổi du xuân, Kiều đã gặp Kim Trọng và cả hai nảy sinh tình cảm, tự do đính ước với nhau. Nhưng chuyện vui chưa kịp mừng, chuyện buồn liền ập đến. Khi Kim Trọng về quê chịu tang chú, gia đình Kiều đã bị mắc oan.

Vì cha và em, Kiều phải bán mình cho bọn buôn người. Chúng đẩy nàng vào chốn lầu xanh, dẫu may mắn gặp Thúc Sinh cứu vớt, nhưng nàng phải chịu sự đầy đọa của vợ cả là Hoạn Thư. Thúy Kiều phải đến nương nhờ nơi cửa phật, rồi lại vô tình bị đẩy vào lầu xanh lần hai khi sư Giác Duyên gửi nàng cho Bạc Bà.

Lần này, Kiều gặp được Từ Hải và được chàng ta giúp đỡ báo ân báo oán. Chưa kịp hạnh phúc, tai ương lại ập đến. Từ Hải bị Hồ Tôn Hiến hãm hại rồi hắn ép gả nàng cho viên thổ quan. Quá đau đớn, dằn vặt và tủi hờn, Kiều đã trẫm mình tại sông Tiền Đường và lại được sư Giác Duyên cứu giúp lần hai. Sau đó, nàng đã nương nhờ nơi cửa phật.

Lại nói, chàng Kim sau khi trở về biết chuyện và dù đã kết hôn với Thúy Vân, nhưng chàng cũng chẳng thể buông bỏ được mối tình đậm sâu với người cũ. Cuối cùng, nhờ gặp được sư Giác Duyên, Kim Kiều đã gặp nhau và gia đình đoàn tụ.

Nguyễn Du đã từng viết:

“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”

Đó là tiếng nấc nghẹn ngào cho thân phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội đương thời mà Nguyễn Du khóc thương thay cho họ. Dường như, ông thấu hiểu rõ sự đau khổ và bất lực của họ khi sống trong một xã hội thối nát với đầy rẫy những bất công, định kiến, của tư tưởng trọng nam khinh nữ.

Người phụ nữ đương thời, ai cũng đều thùy mị, đảm đang nhưng chẳng bao giờ giữ được hạnh phúc cho riêng mình. Đến cả việc mưu cầu hạnh phúc cũng chỉ như một giấc mơ xa vời với họ. Họ mang thân phận người phụ nữ hèn mọn, dù mỗi người một cuộc sống riêng, nhưng chẳng ai thoát khỏi sức nặng của hai từ “bạc mệnh. Ta có thể thấy rõ được điều đó qua nhân vật Vũ Nương và Thúy Kiều trong hai tác phẩm của hai tác giả đại tài.

Người phụ nữ xuất hiện trong văn chương đều là những người xinh đẹp, đẹp cả ngoại hình cho đến tính cách và nội tâm. Ở Vũ Nương, nàng mang nét đẹp “thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp”, luôn biết cách dung hòa mặc cho tính khí của chồng khi “giữ gìn khuôn phép, chưa từng lúc nào để vợ chồng xảy ra bất hòa”. Nàng luôn một lòng một dạ vì gia đình, không hề than thở hay mong cầu vinh hoa phú quý.

Với Thúy Kiều, nàng là một người con gái tài sắc vẹn toàn. Khi gia đình gặp biến cố, nàng đã không ngại đối diện với thị phi, với tương lai mù mịt phía trước để bán mình chuộc cha. Và rồi, nàng bỏ lỡ lời hẹn thề với Kim Trọng - người mà nàng yêu thương nhất. Cuộc đời nàng dẫu có bao nhiêu biến cố, bao nhiêu thăng trầm, nhưng nàng vẫn cam chịu, vẫn lo nghĩ cho Kim Trọng, cho gia đình mà chẳng màng đến bản thân. Nàng có một tâm hồn thủy chung và cao thượng.

Đó cũng chính là nét đẹp chung của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Họ đẹp người đẹp nết, dẫu đời đưa họ vào cảnh khốn cùng, họ vẫn luôn một lòng thủy chung, hiếu thảo với gia đình, mặc kệ bản thân chịu dày vò trong hố đen tuyệt vọng.

Họ đẹp đẽ là thế, đáng trân trọng là thế, nhưng họ lại sống trong một xã hội quá thối nát với bộ máy quan lại mục rỗng, với tư tưởng lạc hậu trọng nam khinh nữ. Họ càng xinh đẹp thì càng phải chịu cảnh bất công “hồng nhan bạc phận”. Vũ Nương cứ ngỡ sẽ được sum vầy hạnh phúc nếu luôn chăm lo chu toàn mọi thứ, nhưng số phận bạc bẽo lại trêu ngươi nàng. Đến cả khi nàng chết trong oan ức, nàng cũng không được nhớ nhung, không được thương tâm. Đáp lại nàng chỉ là sự hời hợt, vô tâm của người chồng. Và chính cái chết của nàng đã tố cáo xã hội phong kiến lúc bấy giờ. Cái xã hội ấy đã đẩy người phụ nữ vào đường cùng, ban cho họ thân phận thấp hèn và một cuộc đời bi thương.

Còn Thúy Kiều, nàng dường như có cuộc sống lênh đênh hơn Vũ Nương rất nhiều bởi những biến cố đi qua và hằn sâu vết sẹo vào đời nàng. Gia đình nàng vì đồng tiền hôi tanh mà phải chia ly, tan tác. Nàng cũng vì thế mà phải bán mình chuộc cha, để rồi trở thành món hàng không hơn không kém trong tay bọn buôn người. Đau đớn thay cho nàng, một người con gái trong trắng, tài sắc vẹn toàn nay chỉ là một món đồ chơi của bọn khách làng chơi. Không chỉ thế, nàng còn phải chịu cảnh đời lênh đênh bèo dạt, lưu lạc mười lăm năm và bị giáng xuống đầu muôn vàng tai ương.

Vũ Nương và Thúy Kiều chính là những nhân vật đại diện cho số phận người phụ nữ trong xã hội xưa. Họ không có quyền lợi, không có tự do, cũng chẳng có quyền được hạnh phúc - một cái quyền cơ bản nhất của con người. Họ bị hủ tục thối nát của xã hội phong kiến đẩy xuống vực sâu, chịu muôn vàn tủi hờn và đau thương. Dù họ cam chịu hay vùng vẫy, họ cũng chẳng bao giờ thoát được nanh vuốt của xã hội thối nát đó. Nhưng sau tất cả, họ vẫn giữ được cho mình vẻ đẹp đáng trân quý của tâm hồn thanh cao.

Phân tích số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vật Vũ Nương và Thúy Kiều

Số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến - Mẫu 1

Nền văn học trung đại thế kỷ XVI trở đi có lẽ đã đánh dấu một xu hướng nhận thức mới mẻ trong tư tưởng của các văn nhân thi sĩ, của các nhà nho đương thời về thân phận của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến. Nguyễn Dữ và Nguyễn Du dù sinh sống tại các thời đại cách nhau đến gần 2 thế kỷ thế nhưng ở hai tác giả lại có một điểm tương đồng trong các sáng tác của mình đó là tấm lòng xót thương, cảm thông cho thân phận nhỏ bé, yếu đuối của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến cổ hủ lạc hậu, khiến họ phải chịu nhiều thương tổn, oan khuất, dù rằng bản thân họ có nhiều những đức tính tốt đẹp. Mà ta có thể thấy rất rõ tư tưởng này thông qua các tác phẩm nổi tiếng như Chuyện người con gái Nam Xương (nằm trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ) và các đoạn trích của Truyện Kiều (Nguyễn Du).

Trước hết nói về thân phận người phụ nữ trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ. Trước hết nói về những phẩm chất đáng quý của Vũ Nương, nàng tuy là con gái nhà nghèo, thế nhưng lại là một người con gái có nhan sắc xinh đẹp, nhân phẩm cao quý. Chính vì vậy Trương Sinh con trai nhà phú hộ mới không màng đến chuyện môn đăng hộ đối mà dành cả trăm lượng bạc, sính lễ hậu hĩnh để rước nàng về làm vợ hiền dâu thảo. Tuy nhiên cuộc sống vợ chồng êm ấm chưa được bao lâu thì chồng nàng phải tòng quân đánh giặc xa nhà, để lại nàng đang mang thai và người mẹ chồng già yếu. Là một người con gái đức hạnh thế nên khi mẹ chồng vì nhớ con trai mà ốm đau nàng vẫn luôn hết lòng chăm sóc như mẹ để, lúc bà mất nàng cũng lo toan tang lễ thật chu toàn, không có gì có thể chê trách được. Rồi sau đó còn một thân một mình, nàng sinh con sau đó lại nuôi nấng, chăm bẵm hết lòng cho đứa con trai nhỏ, một lòng thủy chung đợi ngày chồng trở về sum họp. Những tưởng một người đàn bà có tấm lòng hiếu thuận, thương yêu chồng con, cùng nhan sắc xinh đẹp như vậy, ắt hẳn khổ tận rồi cũng đến ngày cam lai. Thế nhưng không, Vũ Nương khi ở nhà chồng dù đã hết mực làm tròn bổn phận, nhưng vẫn phải dè dặt cẩn trọng vì sợ chồng ghen tuông. Đến khi vất vả chờ được chồng trở về thì chỉ vì một câu nói khờ dại của đứa con lên ba, mà nàng hàm oan tội bất trinh với chồng. Cuối cùng vì giải thích trăm bề mà không được chồng tin tưởng, Vũ Nương vì khuất nhục, vì cùng đường mà phải chọn giải pháp tự kết liễu để minh oan cho bản thân. Có thể nói rằng tư tưởng trọng nam khinh nữ và việc người phụ nữ dưới chế độ phong kiến không có tiếng nói, không được bênh vực, phải phụ thuộc vào gia đình nam nhi, đã khiến cho họ dễ dàng bị rơi vào bế tắc và chịu nhiều thiệt thòi. Nguyễn Dữ vì thấu hiểu và thông cảm cho số phận của người phụ nữ thế nên đã cho Vũ Nương một cái kết đỡ bất công hơn, ấy là để nàng sống lại dưới thủy cung có cuộc sống cẩm y ngọc thực. Thế nhưng suy xét kỹ thì đó vẫn là một cái kết không vẹn toàn, bởi lẽ dù được sống lại, chứng minh được oan khuất thế nhưng Vũ Nương vẫn không được đoàn tụ với chồng con, phải chịu cảnh cô đơn đời đời dưới đáy nước. Chung quy lại, dù thế nào bản thân Vũ Nương vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi và khổ đau nhất, câu chuyện là minh chứng cho việc người phụ nữ dưới chế độ phong kiến đương thời chưa bao giờ có hạnh phúc. Họ bị đối xử quá bất công, dù có bỏ bao nhiêu công lao, hy sinh hay một lòng trung trinh thì cũng dễ dàng bị gạt bỏ và phủ nhận, cuối cùng phải chịu kết quả bi thương. Điều đó không chỉ phản ánh thân phận bèo bọt của người phụ nữ xưa, mà còn phản sự bất công, cổ hủ của chế độ phong kiến lỗi thời, phản ánh cả những cuộc chiến tranh vô nghĩa đã khiến các gia đình ly tán, mà người chịu hậu quả cuối cùng vẫn luôn là người phụ nữ.

Hai trăm năm sau, Nguyễn Du đã xuất hiện trên nền văn học trung đại Việt Nam như một ngôi sao sáng, hầu hết các tác phẩm của ông đều mang tư tưởng nhân đạo sâu sắc, với đối tượng chủ yếu là người phụ nữ tài sắc nhưng cuộc đời lắm trái ngang bất hạnh. Điều đó đã cho thấy một sự thật rõ ràng rằng sau hơn hai trăm năm bãi biển nương dâu, thương hải tang điền, thì thân phận người phụ nữ, vai trò và giá trị của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến vẫn không hề thay đổi. Họ vẫn phải chịu nhiều bất công, nhiều đớn đau và uất hận nhất, cũng chẳng mấy ai chú ý và thương cảm cho cuộc đời họ ngoài một số văn nhân, thi sĩ có tư tưởng khoáng đạt như Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn, và các nhà thơ nữ ý thức sâu sắc về thân phận mình như Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm. Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du từng là một nhân vật nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều, tuy nhiên xét về khía cạnh nhân văn nhân đạo thì đích thị nàng là một trong những nạn nhân thê thảm và đáng thương nhất của chế độ phong kiến hà khắc, cổ hủ và lạc hậu. Thúy Kiều có xuất phát điểm tốt hơn Vũ Nương, nàng là con gái nhà giàu, lại có nhan sắc chim sa cá lặn, tài văn chương thơ phú "thông minh vốn sẵn tính trời", thêm ngón hồ cầm tinh thông. Thành thử Kiều có lẽ là hình tượng người con gái mang vẻ đẹp toàn diện và tuyệt đối trong văn học Việt Nam. Không chỉ vậy bản thân Thúy Kiều còn có tự do lựa chọn cho mình một tình yêu đẹp với Kim Trọng, thậm chí cả hai đã đến hồi đính ước. Thế nhưng cũng như Vũ Nương, Thúy Kiều không vì những phẩm chất tốt đẹp của bản thân mà được hưởng cuộc sống hạnh phúc dài lâu. Đầu tiên nhà Kiều lâm đại nạn, cha và em bị bắt giải đi, bị đánh đập, tài sản nhà cửa bị niêm phong, tai họa đổ ập xuống đôi vai bé nhỏ của người con gái mới chớm tuổi cập kê. Trước tình cảnh khốn cùng đó, Thúy Kiều đành phải bỏ "tình", theo "hiếu", bán mình làm lẽ cho Mã Giám Sinh để chuộc cha và em. Đồng thời bội ước với Kim Trọng, nhờ em gái của mình là Thúy Vân trả nghĩa cho chàng. Thông qua những chi tiết này người ta có thể nhận định rằng thân phận phụ nữ trong chế độ phong kiến quả thực quá mong manh và nhỏ bé. Mới hôm trước còn là tiểu thư đài các, thì ngày nay đã trở thành một món hàng được người ta ngã giá, trở thành thiếp cho một người đàn ông đáng tuổi cha chú, phải nén đau thương từ biệt gia đình, từ bỏ tình yêu đầu đời. Trước những biến cố đổi đời như thế, Thúy Kiều hoàn toàn không có sức phản kháng, cũng không thể xoay chuyển được tình huống và phải cam chịu khuất phục trước số phận bọt bèo của mình. Bao nhiêu nhan sắc, tài năng của người phụ nữ đứng trước tư tưởng trọng nam khinh nữ, trước sự bất công của xã hội hoàn toàn không có một chút phân lượng nào, cùng lắm chỉ đáng giá vài ba trăm lượng bạc trắng, đổi một kiếp người. Nhưng cuộc đời Kiều không dừng lại ở việc làm vợ lẽ cho người ta, mà nàng còn bị đẩy đến bước đường buôn phấn bán hương. Sống một cuộc đời đau đớn, khổ sở, tuyệt vọng trăm bề sau nhiều lần bị lừa dối bởi những gã đàn ông đáng ghê tởm. Trong mắt những kẻ này, Thúy Kiều là một món lợi, bọn chúng lợi dụng sắc đẹp của nàng, rồi biến nàng thành những khoản tiền cho mình, chẳng bao giờ có sự xót thương, thấu hiểu gì với nàng. Cho đến khi Thúy Kiều gặp Thúc Sinh, những tưởng là đã gặp được vị cứu tinh của cuộc đời, nhưng đời Kiều lại rơi vào nỗi khổ ải với chế độ đa thê phong kiến, một lần nữa phải gánh chịu những nhục nhã, chèn ép từ người vợ cả của Thúc Sinh, lần nữa chịu áp bức dưới cường quyền. Nhan sắc, tài năng của nàng trở thành thứ khiến người ta ghen ghét, đố kỵ và tìm cách trừ khử. Có thể nói rằng thân phận người phụ nữ dưới chế độ phong kiến phải chịu quá nhiều bất công và khổ sở, không chỉ vậy tài năng và nhân phẩm của họ cũng không hề được coi trọng và đánh giá một cách đúng đắn. Thân làm kiếp đàn bà ở thời đại này, đã xác định là không có được hạnh phúc mà mình muốn, kẻ may mắn thì được an yên nhẫn nhịn một đời, kẻ xui xẻo thì phải chịu trăm ngàn đắng cay, cuộc đời nhục nhã, sống không bằng chết đi.

Thông qua hai tác phẩm tiêu biểu về thân phận người phụ nữ dưới chế độ cũ là Chuyện người con gái Nam Xương và Truyện Kiều, ta nhận thấy rằng những người phụ nữ xưa đã phải nhận quá nhiều bất công và trái ngang trong cuộc đời, họ không có quyền tự do, không có quyền được mưu cầu hạnh phúc, không được coi trọng, dù đẹp xấu, giàu nghèo thì cuộc đời cũng gắn với hai chữ bọt bèo trôi nổi không biết là về đâu. Mà cho đến ngày hôm nay khi xã hội đã đổi thay, đọc lại ta mới lại càng thấy trân trọng, yêu thương và thông cảm cho thận phận tội nghiệp, xót xa của biết bao nhiêu kiếp hồng nhan thuở xưa.

Số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến - Mẫu 2

Nhà thơ Huy Cận từng viết:

Chị em tôi tỏa nắng vàng lịch sử
Nắng cho đời nên cũng nắng cho thơ

Có thể nói, ngày nay, vị trí của người phụ nữ đã được đề cao, tôn vinh. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện diện ở nhiều vị trí trong cuộc đời và đã để lại nhiều hình ảnh bóng sắc trong văn thơ hiện đại. Nhưng thật đáng tiếc thay, trong xã hội cũ người phụ nữ lại phải chịu một số phận đầy bi kịch và đáng thương:

Đau đớn thay thân phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

Câu thơ trên đã hơn một lần xuất hiện trong sáng tác của đại thi hào Nguyễn Du giống như một điệp khúc rùng rợn. Chả thế mà chị em miền núi lại than rằng "Thân em chỉ là thân con bọ ngựa, chao chược mà thôi!", còn chị em miền xuôi lại thân mình như con ong cái kiến. Đây không phải là một lời nói quá mà điều này lại được thể hiện khá phổ biến trong văn học Việt Nam, đặc biệt là trong hai tác phẩm "Truyện Kiều" của Nguyễn Du và "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ.

Trong một xã hội phong kiến suy tàn và thối nát lúc bấy giờ, số phận của người phụ nữ thật bé nhỏ, long đong lận đận. Văn học thời ấy cũng đã nhắc nhiều đến kiếp đời của người phụ nữ, mà có lẽ điển hình trong số ấy là nhân vật Vũ Nương trong "Chuyện người con gái Nam Xương".

Tục ngữ có câu "Gái có công thì chồng chẳng phụ" thế nhưng công lao của Vũ Nương chẳng những không được biết đến mà chính nàng còn phải hứng chịu những phũ phàng của số phận. Nàng phải một mình một bóng âm thầm nuôi già dạy trẻ, những nỗi khổ về vật chất đề nặng lên đôi vai mà nàng phải vượt qua hết. Những tưởng khi giặc tan, chồng về, gia đình được sum vầy thì không ngờ giông bão đã ập đến, bóng đen của cơn ghen đã làm cho Trương Sinh lú lẫn, mù quáng. Chỉ nghe một đứa trẻ nói những lời ngây thơ mà anh đã tưởng vợ mình hư hỏng. Trương Sinh chẳng những không tra hỏi mà đánh đập phũ phàng rồi ruồng rẫy đuổi nàng đi, không cho nàng thanh minh. Bị dồn vào bước đường cùng, Vũ Nương phải tìm đến cái chết để kết thúc một kiếp người.

Bên cạnh Vũ Nương, một hình ảnh nổi bật nữa là nhân vật Thuý Kiều của Nguyễn Du. Thật hiếm có người phụ nữ nào trong văn học có một số phận "đoạn trường" như Vương Thuý Kiều trong “Truyện Kiều”. Ngay từ đầu tác phẩm, nhận định của tác giả "Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen" đã dự báo cho điều đau đớn này. Thuý Kiều mang một vẻ đẹp đằm thắm, mảnh mai là thế, tài sắc lại vẹn toàn hiếu nghĩa, đáng ra nàng phải được sống hạnh phúc, êm ấm, vậy mà do một biến cố trong gia đình nên đã bị bán đi với cái giá ngoài bốn trăm lạng vàng. Bất hạnh này mở đầu cho hàng loạt bất hạnh khác mãi cho tới khi nàng tìm tới sông Tiền Đường để tự vẫn. Dẫu biết kết chuyện Thúy Kiều được về sum họp với gia đình nhưng cả một kiếp người trôi nỗi truân chuyên ấy đã vùi dập cả một trang sắc nước hương tài. Độc giả đã khóc cho bao lần chia phôi vĩnh viễn, những tháng ngày sống không bằng chết trong lầu Ngưng Bích, những nỗi tủi nhục vò xé thân mình của Thuý Kiều. Số phận bi đát ấy của người con gái đã khiến muôn đời sau phải thốt lên "Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều".

Có lẽ bi kịch của Vũ Nương và Thúy Kiều không phải là trường hợp cá biệt mà là số phận của bao người phụ nữ, là kết quả của bao nhiêu nguyên nhân mà chế độ phong kiến đã sản sinh ra làm số phận của họ thật bi đát. Từ những kiếp đời bạc mệnh ấy, Nguyễn Dữ và Nguyễn Du đã góp phần khái quát lên thành lời chung, thành kiếp đau khổ chung của người phụ nữ, mà từ xa xưa số phận ấy cũng đã được thể hiện trong lời ca dao:

Thân em như hạt mưa sa
Hạt rơi xuống giếng, hạt ra đồng ngoài.

Đó không chỉ là tiếng kêu thương mà còn là lời tố cáo, vạch trần thực trạng xã hội đen tối, thế lực và tiền bạc lộng hành. Đồng thời cũng gián tiếp lên án thế lực phong kiến đã đẩy con người vào tình cảnh đau đớn. Với chế độ Nam quyền: “Trọng nam khinh nữ”, người phụ nữ đã bị tước đoạt mọi quyền lợi chính đáng, nhân phẩm họ bị dấu dúm. Họ bị ràng buộc bởi những lễ giáo phong kiến khắc nghiệt như đạo “tam tòng”, hay các quan niệm lạc hậu như "nữ nhân ngoại tộc". Số phận của người phụ nữ hoàn toàn bị phụ thuộc, chà đạp, thậm chí còn bị coi như món hàng. Tàn dư ấy của chế độ cũ vẫn còn rơi rớt cho đến ngày nay, trên nạn bạo hành đối với phụ nữ vẫn còn khá phổ biến. Nhất là ở nông thôn.

Phải chăng vì thế mà người xưa vẫn nói "Hồng nhan thì bạc phận" nhưng những lễ giáo khắc nghiệt, lạc hậu cũng đã lùi vào dĩ vãng. Người phụ nữ giờ đây đã được quyền bình đẳng, nhất là quyền tự do trong hôn nhân và quyền quyết định số phận của mình. Những hành vi xúc phạm nhân phẩm của người phụ nữ chắc chắn sẽ đều bị trừng trị một cách nghiêm khắc. Tuy ra đời cách đây gần hai thế kỉ nhưng những tác phẩm tâm huyết trên vẫn gây xúc động sâu xa, nhức nhối trong lòng người đọc. Với nhân vật Vũ Nương, Nguyễn Dữ đã xây dựng được một hình tượng rất đẹp, rất có ý nghĩa về người phụ nữ. Bởi trong tác phẩm Vũ Nương chỉ là một người phụ nữ bình thường như bao người phụ nữ khác, hơn nữa nàng lại xuất thân kẻ khó vậy mà lại trở thành nhân vật trung tâm, nhân vật thẩm mĩ, nhân vật lý tưởng. Còn riêng “Truyện Kiều” lại mang một cảm hứng nhân đạo rõ rệt - đây chính là sự kết tinh sức sống và tinh thần dân tộc Việt Nam. Chính cảm hứng này là kết tinh giá trị ưu tú nhất trong “Truyện Kiều”. Có được điều ấy không phải là do cái tài của Nguyễn Du mà là do tấm lòng yêu thương con người của Nguyễn Du.

Viết “Chuyện người con gái Nam Xương” và “Truyện Kiều”, Nguyễn Dữ cùng với Nguyễn Du đã góp một tiếng nói xúc động vào sự nghiệp giải phóng người phụ nữ.

Số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến - Mẫu 3

Trong văn học trung đại đã có nhiều tác giả viết về đề tài người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến. Ví như Nguyễn Dữ với tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” đã khắc hoạ nhân vật Vũ Nương và Truyện Kiều của Nguyễn Du với Thúy Kiều - đại diện cho hình ảnh người phụ nữ trong xã hội phong kiến với những phẩm chất tốt đẹp nhưng lại gặp nhiều đau khổ

Vũ Nương là một người phụ nữ xuất thân bình dân, có “tư dung tốt đẹp”. Nàng được Trương Sinh con trai nhà hào phú trong làng “mang trăm lạng vàng” cưới về làm vợ. Nhưng chính sự không bình đẳng trong quan hệ gia đình, đồng tiền đã phát huy “sức mạnh” của nó khiến cho Vũ Nương luôn sống trong mặc cảm “con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu”. Biết chồng bản tính đa nghi, nàng luôn giữ gìn khuôn phép, không để vợ chồng có mối thất hoà. Cuộc sum vầy chưa được bao lâu, Trương Sinh bị bắt đi lính. Khi tiễn chồng ra trận, nàng rót chén rượu đầy và nói những lời dặn dò đượm tình thuỷ chung: “Thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ…”. Điều ước ao lớn nhất của nàng không phải là danh vọng, tiền bạc mà là một cuộc sống gia đình đầm ấm yên vui. Trong những ngày tháng chồng đi xa, một mình nàng phải chèo lái con thuyền gia đình. Nàng chăm sóc, thuốc thang cho mẹ chồng đau ốm, bệnh tật như đối với cha mẹ đẻ. Sự hiếu thảo của nàng khiến bà hết sức cảm động, trước khi qua đời bà đã nhắn nhủ: “Sau này, trời xét lòng lành, ban cho phúc đức, giống nòi tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ”. Không chỉ vậy nàng còn phải chăm lo cho đứa con thơ vừa lọt lòng. Vì thương con, lo cho con thiếu thốn hình bóng người cha và cũng để nàng gửi gắm nỗi nhớ thương, mong mỏi chồng, Vũ Nương đã nghĩ ra trò cái bóng. Đêm đêm, nàng chỉ vào cái bóng của mình trên tường và nói với đứa con nhổ rằng đó là cha nó. Xã hội phong kiến trong buổi suy tàn khiến con người luôn cảm thấy bất an: chỉ một trò đùa, một vật vô tri, vô giác như cái bóng cũng khiến hạnh phúc gia đình tan vỡ. Qua năm sau, việc quân kết thúc, Trương Sinh về tới nhà. Nghe lời của đứa con, chàng chẳng thèm suy nghĩ dù đó là lời nói của một đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ và quá mập mờ. Trương Sinh mắng nhiếc vợ rồi đánh đuổi nàng đi, không cho nàng giải thích. Nàng thật sự thất vọng. Hạnh phúc gia đình đã tan vỡ. Tình yêu, lòng tin không còn. Thất vọng đến tột cùng, chán chường vô hạn, nàng đã tìm đến cái chết để thanh minh cho bản thân. Niềm tin vào cuộc sống đã mất khiến cho Vũ Nương không thể trở về với cuộc sống trần gian dù điều kiện có thể.

Thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến cũng đều giống như Vũ Nương. Số phận của họ như đã được định đoạt từ trước. Sinh ra mang kiếp đàn bà thì dù giàu nghèo sang hèn không trừ một ai, lời “bạc mệnh” cũng đã trở thành “lời chung” - như Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều:

Đau đớn thay phận đàn bà,
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

Và đến Thúy Kiều trong “Truyện Kiều” - tiếng kêu thương thống thiết, ai oán, não nùng của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Số phận của nàng còn lênh đênh hơn Vũ Nương rất nhiều. Lần này, dưới chế độ đồng tiền hôi tanh đen bạc. Nó đã tạo ra mười lăm năm đau đớn phiêu bạt của nàng Kiều xinh đẹp. Chỉ vì tiền mà bọn sai nha đã gây nên cảnh tan tác, chia lìa của gia đình Kiều. Để có tiền cứu cha và em trai của mình, nàng đã quyết định bán thân cho Mã Giám Sinh - một tên gian ác buôn thịt bán người. Và Kiều bỗng trở thành một món hàng để cho hắn cân đong, đo đếm, cò kè, ngã giá... Và từ tay Mã Giám Sinh đểu cáng thì Kiều đã rơi vào tay Tú Bà, mụ chủ nổi tiếng của thanh lâu. Là một người con gái xinh đẹp, tài năng, và đã sinh trưởng trong một gia đình trung lưu, lương thiện gia giáo, dòng dõi cao quý, nên Thúy Kiều không thể chấp nhận trở thành gái lầu xanh. Nàng cay đắng chịu đựng những trận đòn tàn khốc của Tú Bà, nàng đã đi tìm cái chết nhưng không được vì bị Tú bà bắt gặp. Tú Bà đã bày muốn thuê Sở Khanh lừa nàng, buộc nàng trở thành một cô gái lầu xanh thực thụ. Thế là nàng đau đớn, cay đắng cam chịu số phận dấn thân vào cuộc sống ô nhục. Đau đớn thay! Từ một cô gái trong trắng, đức hạnh, nàng đã trở thành một món đồ chơi thú vị cho bọn khách chơi. Số phận trái ngang của Kiều không chỉ dừng lại ở đây mà số phận của nàng còn lênh đênh, bèo dạt, mây trôi và lưu lạc mười lăm năm trời, đã chịu bao nhiêu tai họa giáng xuống đầu.

Họ là nạn nhân của chế độ phong kiến với những điều luật hà khắc, bất công với nữ nhi. Ở đó sinh mạng người phụ nữ không được coi trọng, họ bị mua bán, trả giá một cách công khai. Ở cái xã hội ấy, họ chỉ như một thứ đồ vật vô tri, không được có ý kiến hay thanh minh cho bản thân. Trong ca dao cũng nhắc đến người phụ nữ với sự đau khổ tương tự :

Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.

Dù ca dao có xuất xứ từ nhân dân lao động, nhưng nó vẫn phản ánh đúng số phận của người phụ nữ - “những hạt mưa sa”. “Hạt mưa ấy” không biết mình sẽ rơi vào đâu: một nơi “đài các” hay ra “ruộng cày” ? Dù đó là đâu, dù muốn hay không họ cũng phải chấp nhận.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng là một người phụ nữ phong kiến, bà cũng hiểu số phận của mình sẽ bị xã hội đưa đẩy như thế nào. Bà đã viết:

Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non

Bà không cam chịu sống cuộc sống bất công như vậy. Bà đã khẳng định người phụ nữ phải có một vị trí khác trong xã hội. Nhưng sự cố gắng của bà chỉ như một tia sáng hiếm hoi trong chuỗi đời u tối của người phụ nữ. Xét cho cùng, những đau khổ ấy đến với họ cũng là do họ sống quá cam chịu, quá dễ dàng thỏa hiệp. Nếu như họ biết đấu tranh tới cùng, nếu như họ không chọn cái chết để thanh minh thì những bất công ấy sẽ không có điều kiện phát triển.

Chúng ta đều xót thương và cảm thông cho số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Là một con người sống trong thời đại mới, ta thật hạnh phúc khi không phải bó buộc vào những luật lệ, lề thói xấu ấy.

Số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến - Mẫu 4

Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

Nguyễn Du đã phải thốt lên một cách ai oán về thân phận của người “đàn bà” - người phụ nữ trong xã hội phong kiến Việt Nam xưa. Quả thực, từ xưa đến nay, người phụ nữ chân yếu tay mềm là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất. Trong xã hội phong kiến, thân phận họ lại càng bị rẻ rúng hơn, cực khổ hơn. Cứ nhìn vào Vũ Thị Thiết trong “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ và nàng Kiều trong kiệt tác văn học “Truyện Kiều” của Nguyễn Du chúng ta sẽ cảm biết được một cách đủ đầy về số phận của họ.

Số phận của người phụ nữ xưa là một số phận đầy bi kịch: Đau khổ, bất hạnh, oan khuất tài hoa bạc mệnh - Hồng nhan đa truân.

Vũ Thị Thiết, người con gái thùy mị nết na, tư dung xuất sắc, vừa đẹp người vừa đẹp nết. Nhưng không có cuộc sống hạnh phúc. Nàng kết hôn với Trương Sinh - một người đàn ông nhà quyền lực, giàu có nhưng lại đa nghi và hay ghen. Vì vậy, sống trong gia đình đó, Vũ Nương luôn phải cố gắng giữ gìn khuôn phép để vợ chồng phải thất hòa. Những người như nàng phải sống trong cái xã hội trọng nam khinh nữ, sống trong xã hội ấy, họ làm sao có thể có được cuộc sống bình đẳng, hạnh phúc. Rồi họ còn là nạn nhân của những cuộc chiến tranh phi nghĩa. Khi Trương Sinh phải đi ra chiến trường, nàng ở nhà vừa chăm con, vừa lo cho mẹ chồng già yếu bệnh tật. Thế nhưng, nàng vẫn bị chồng nghi oan và cuối cùng chỉ biết chọn cái chết để chứng minh cho sự trong sạch của bản thân mình.

Số phận vương Thuý Kiều là một tấn bi kịch, bi kịch tình yêu, mối tình đầu tan vỡ. Nàng phải bán mình chuộc cha, thanh lâu hai lượt thanh y hai lần. Hai lần tự tử, hai lần đi tu, hai lần phải vào lầu xanh, hai lần làm con ở quyền sống và quyền hạnh phúc bị cướp đoạt nhiều lần. Tấm lòng trong trắng, trinh bạch của người con gái tài sắc vẹn toàn như bèo dạt mây trôi. Suốt mười lăm năm đoạn trường lưu lạc, nàng Kiều đã phải chịu biết bao nhiêu cay đắng, tủi nhục dày vò bản thân. Nỗi đau đớn nhất của nàng là nỗi đau khi phẩm giá của con người bị chà đạp, lòng tự trọng bị sỉ nhục:

Thân lươn bao quản lấm đầu
Tấm lòng trinh bạch lần sau xin chừa.

Như cánh bèo trôi trên ngọn sóng, như cánh buồm trôi dạt trên biển khơi, cuộc đời Kiều trôi dạt, lênh đênh đến tận cùng của bến bờ khổ ải. Giữa trời cao bể rộng không có chỗ dung thân cho một con người. Dù con người ấy chỉ có một nguyện vọng đơn giản là được sống bình yên bên cạnh cha mẹ, được yêu thương chung thủy với người mình yêu.

Chính xã hội phong kiến suy tàn đã biến những người phụ nữ tài sắc, đức hạnh như Vũ Nương và Kiều phải có cuộc sống bất hạnh, thân phận bèo bọt, nổi trôi như vậy!

Căm ghét xã hội phong kiến thối tha, mục ruỗng bao nhiêu, các nhà văn nhà thơ lại càng trân trọng, thương yêu, bảo vệ và ca ngợi phẩm giá của người phụ nữ bấy nhiêu. Vũ Thị Thiết, được Nguyễn Dữ giới thiệu một cách trang trọng: “…người con gái quê ở Nam Xương, tính đã thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp“. Ngay từ đầu văn bản, chân dung nàng đã được hiện lên với sự ngợi ca, trân trọng của nhà văn. Không dừng lại ở đó, suốt chiều dài văn bản, người đọc bắt gặp một người con gái Nam Xương vừa đẹp người, vừa đẹp nết. Nàng là một người mẹ hiền, người dâu thảo, người vợ chung thủy. Chồng đi chiến trận, nàng luôn giữ mình, thương nhớ chồng và một lòng chung thủy với chồng. Một tay Vũ Nương chăm sóc con thơ, chăm lo cho mẹ già vì thương nhớ người con trai của mình mà sinh ra đau yếu, bệnh tật. Có thể nói rằng, viết về nhân vật của mình, Nguyễn Dữ đã ca ngợi và rất trân trọng vẻ đẹp phẩm chất cao quý ấy.

Còn nàng Kiều thì sao? Viết về Kiều, Nguyễn Du càng nâng niu, trân trọng:

Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một tài đành họa hai.

Kiều là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, xét về nhan sắc. Trong nhân gian chỉ có Kiều là nhất, còn về tài năng thì ngoài nàng ra may ra có người thứ hai là Đạm Tiên. Ngòi bút của nhà thơ viết về Kiều có lẽ đã đạt đến độ cực đỉnh, không còn có một từ ngữ nào có thể miêu tả được về tài sắc của nàng nữa. Bên cạnh cái tài, cái sắc, Nguyễn Du còn ca ngợi Kiều là một người có tình có nghĩa. Kiều là một người phụ nữ thủy chung, bị bán vào lầu xanh nhưng nguyện lấy cái chết để bảo vệ danh tiết cho mình. Nàng là một người con có hiếu, khi không hề nghĩ đến hạnh phúc riêng của bản thân mình, sẵn sàng “bán mình chuộc cha”, giúp gia đình thoát khỏi cơn hoạn nạn. Kiều làm tròn đạo hiếu, báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. Trong suốt quãng đời lưu lạc dài dằng dẵng, Kiều không bao giờ cam chịu, không bao giờ chịu khuất phục, trong ý thức, nàng luôn là “con người chống đối”, là “kẻ nổi loạn”. Nàng vượt ra khỏi chốn lầu xanh ô nhục của Tú Bà, Bạc Bà, trốn khỏi chốn “hang hùm nọc rắn” của nhà quý tộc họ Hoạn, cuối cùng đến được với người anh hùng Từ Hải. Và cuối cùng nàng đã đền ơn, trả oán, minh bạch, công khai. Kiều là hiện thân của người phụ nữ có khát vọng tự do, công lý và chính nghĩa.

Bằng tấm lòng nhân đạo sâu sắc, cao cả, Nguyễn Dữ và Nguyễn Du đã miêu tả chân thực và đầy xót xa số phận của người phụ nữ trong xã hội cũ. Viết về những người đàn bà bất hạnh, đẹp người đẹp nết này, các nhà văn, nhà thơ đã dành một sự ca ngợi, một sự nâng niu vô bờ bến. Chúng ta cảm nhận được điều đó và càng thương xót cho thân phận của họ hơn bao giờ hết.

Số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến - Mẫu 5

Có lẽ đề tài người phụ nữ đã không còn xa lạ trong văn học trung đại Việt Nam. Nhưng nổi bật hơn cả phải kể đến “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ và “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.

Trước hết là “Chuyện người con gái Nam Xương” của nhà văn Nguyễn Dữ đã xây dựng hình ảnh nàng Vũ Nương là nạn nhân của xã hội Nam quyền với đầy những bất công. Nàng là một người vợ biết giữ gìn khuôn phép không bao giờ để vợ chồng phải thất hòa. Đến khi chồng phải đi lính, nàng cùng không nửa lời oán trách mà còn ân cần, dịu dàng dặn dò: “Lang quân đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong được đeo ấn hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi…”. Vũ Nương không mong muốn chồng trở về với vinh hoa phú quý hay công danh sự nghiệp, mà nàng chỉ mong muốn bình yên”. Một ước mong giản dị nhưng lại thể hiện được tình yêu thương sâu sắc dành cho chồng. Bởi bước ra nơi chiến trường là đối đầu với hiểm nguy, chết chóc. Nên hy vọng chồng có thể trở về bình yên chính là điều thiết thực nhất.

Năm tháng không có chồng ở nhà, dù phải một mình nuôi con, chăm sóc mẹ chồng nhưng Vũ Nương chẳng mảy may oán thán lấy một lời. Khi mẹ chồng ốm đau vì nhớ con, nàng vẫn hết lời khuyên bảo. Đến khi mẹ chồng mất, nàng “hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ; lo liệu như đối với cha mẹ sinh ra”. Đứa con thơ còn nhỏ, nàng thương con và mong muốn con có một gia đình đầy đủ. Vũ Nương đã nói dối con, chỉ vào chiếc bóng và bảo rằng đó là cha Đản. Chính vì một lời nói dối vô hại ấy, sau này lại đem đến lại bi kịch cho cuộc đời nàng.

Trương Sinh đi lính trở về, gia đình đoàn tụ, tưởng rằng giờ đây cuộc sống sẽ được hạnh phúc, nhưng ai ngờ cuộc đời Vũ Nương lại trở nên bất hạnh. Nghe tin mẹ mất, hết sức đau lòng, liền bế con ra mộ thăm mẹ. Khi thấy đứa trẻ quấy khóc bèn dỗ dành: “Con nín đi, đừng khóc! Lòng cha đã buồn khổ lắm rồi!”. Đứa bé ngây thơ hỏi cha: “Ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha trước kia chỉ nín thin thít”. Lời nói ngây thơ của con trẻ đã khiến chàng nghi ngờ vợ là thất tiết. “Cái bóng” trở thành người cha để an ủi con trẻ, nhưng lại trở thành lý do dẫn đến bi kịch của Vũ Nương. Khi trở về, Trương Sinh liền mắng vợ một bữa cho hả giận. Dù Vũ Nương hết sức tủi thân nhưng nàng vẫn hết lời giải thích cho chồng hiểu. Họ hàng, làng xóm bênh vực cũng không ăn thua. Biết là vô tác dụng, nàng liền tìm đến cái chết để chứng minh sự trong sạch của mình. Xót xa thay cho người phụ nữ mang danh là thất tiết, chẳng thể minh oan cho sự trong sạch của bản thân, bị chồng ruồng bỏ và phải tìm đến cái chết để hết tội. Cuộc đời người phụ nữ trong xã hội phong kiến vốn đầy những bất công. Không thể tự mình quyết định tình yêu, hôn nhân và cả cuộc đời. Họ phải cam chịu, nhẫn nhục mà không thể phản kháng lại cái xã hội phong kiến ấy. Họ bị cái xã hội Nam quyền chà đạp mà không thể tự mình quyết định số phận.

Còn trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã khắc họa hình ảnh Thúy Kiều - Nàng là nạn nhân của xã hội đồng tiền. Vì tiền mà bọn sai nha gây nên cảnh tan tác, chia lìa gia đình Kiều:

Một ngày lạ thói sai nha
Làm cho khốc liệt chẳng qua vì tiền.

Xinh đẹp, tài năng là thế nhưng trong xã hội đó, Thúy Kiều chẳng những không được hưởng hạnh phúc mà còn phải chịu nhiều đắng cay, bất hạnh. Nàng đã phải bán mình cho Mã Giám Sinh để lấy tiền chuộc cha, cứu em trai thoát khỏi cảnh tù tội. Kiều trở thành món hàng để người ta rao bán, mặc cả. Không chỉ vậy, nàng còn bị lừa bán vào lầu xanh, bị giam lỏng và bắt buộc phải tiếp khách. Cuộc đời nàng chẳng khác nào cánh hoa mỏng manh bị dòng nước cuốn trôi trở nên tan tác. Trước lầu Ngưng Bích - nơi Kiều bị Tú Bà giam lỏng, nàng bộc lộ nỗi đau đớn xót xa cho thân phận của mình:

Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác, biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

Nỗi buồn như bám lấy cuộc đời nàng thật dai dẳng. Nàng cay đắng chịu đựng những chiêu trò hiểm ác của Tú Bà. Mười lăm năm lưu lạc chịu nhiều tủi nhục, đớn đau. Thân xác nàng héo tàn bởi cảnh ngộ “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”.

Điểm giống nhau của hai nhân vật này là họ đều là những người phụ nữ xinh đẹp, tài năng và đức hạnh. Họ đều là nạn nhân của xã hội phong kiến với đầy rẫy những bất công. Xã hội mà thân phận người phụ nữ luôn bị coi rẻ, khinh thường và vùi dập không thương tiếc. Vũ Nương hay Thúy Kiều đều là những người phụ nữ đại diện cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa. Khi viết về người phụ nữ, cả Nguyễn Dữ và Nguyễn Du đều đứng trên tư tưởng nhân đạo để bênh vực cho họ, lên tiếng tố cáo xã hội đã chà đạp cuộc đời của họ.

Tóm lại, qua phân tích trên, người đọc dường như thấu hiểu hơn cho người phụ nữ. Vũ Nương và Thúy Kiều chính là một trong những nhân vật tiêu biểu đại diện cho người phụ nữ Việt Nam thời xưa.

.....

Số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vật Thúy Kiều

Cuộc đời và số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến lạc hậu, bất nhân có lẽ là nguồn đề tài chính trong sáng tác văn học của các tác giả trung đại, thể hiện cảm quan hiện thực và khuynh hướng tư tưởng có màu sắc nhân văn. Bày tỏ niềm cảm thương sâu sắc cho thân phận người phụ nữ qua cuộc đời chìm nổi truân chuyên đầy sóng gió của người thiếu nữ tài sắc đức hạnh Vương Thúy Kiều, đại thi hào Nguyễn Du đã phải thốt lên:

Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung

"Truyện Kiều" được coi là tập đại thành của đại thi hào Nguyễn Du và của nền văn học thế giới không chỉ bởi những giá trị nghệ thuật đặc sắc mà tác giả đạt được khi chuyển tải từ một thể loại tiểu thuyết sang truyện thơ mà hơn hết đó chính là tư tưởng nhân đạo sâu sắc qua cách khai thác nội dung tác phẩm. Nhà thơ đã xây dựng hình tượng nhân vật Thúy Kiều với đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp nhưng số phận lại bất hạnh để rồi lên án, tố cáo xã hội; ngợi ca tài năng, nhan sắc, phẩm hạnh của người phụ nữ và bộc lộ niềm thương cảm sâu sắc cho số phận của họ. Qua nhân vật Thúy Kiều và cuộc đời chìm nổi của nàng, người đọc thấy hiện lên cả một xã hội phong kiến thối nát với những ung nhọt và nỗi đau thương, bất hạnh của con người chủ yếu là người phụ nữ.

Mở đầu cho Truyện Kiều, Nguyễn Du viết:

“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”

Vâng! Truyện Kiều chính là những điều đau đớn mà tác giả được thấy, được chứng kiến mà xót xa. Những điều thay đổi chóng mặt như bãi biển hóa nương dâu khiến lòng ta không khỏi ngậm ngùi chua xót. Còn gì đau đớn hơn khi một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn, hiếu tình hòa hợp như Thúy Kiều lại phải chịu số phận bi đát với mười lăm năm lưu li oan khổ, nếm đủ mọi cay đắng đoạn trường? Thật bất công thay, trong cái xã hội phong kiến thời kì suy sụp, thối nát ấy, cái đẹp thường đi liền với nỗi bất hạnh và những tai hoạ khôn lường.

Trong những trang thơ đầu tiên giới thiệu về gia cảnh nhà Thuý Kiều, Nguyễn Du đã dành cho nàng kiều những vần thơ hay nhất để giới thiệu vẻ đẹp cũng như tài năng của nàng. Vẻ đẹp của nàng “ sắc sảo mặn mà”, vẻ đẹp ấy khiến “thành nghiêng nước đổ”, nàng giỏi cả cầm, kì, thi, họa, tài năng của nàng có thể coi là đạt đến mức lí tưởng theo quan niệm đạo đức nho gia. Người như nàng xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Ấy vậy mà tai họa lại ập đến cuộc đời nàng ngay ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời – cái tuổi “cập kê”. Chỉ vì mấy lời nói hàm hồ của tên bán tơ, chỉ vì sự mịt mờ của cán cân công lí mà tai bay vạ gió đến với gia đình nàng, làm thay đổi cuộc đời nàng. Một người con hiếu thảo như nàng tất không thể để cha và em bị hành hạ, nàng quyết định bán mình chuộc cha, phải từ bỏ mối tình đầu say đắm với Kim Trọng để giữ trọn đạo hiếu. Bàn tay hắc ám của những kẻ buôn thịt bán người vô nhân đạo Mã Giám Sinh, Tú Bà đã đưa nàng từ một tiểu thư khuê các rơi vào chốn lầu xanh, chịu bao nỗi ê chề bướm lả ong lơi để rồi nàng phải xót xa than cho thân phận mình:

Khi tỉnh mộng, lúc tàn canh
Giật mình, mình lại thương mình xót xa
Xưa sao phong gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường
Mặt sao dày gió, dạn sương
Thân sao bướm chán, ong chường bấy thân.

Quá khứ và hiện tại sao khác vời, quá khứ ấm êm mà sao hiện tại nghiệt ngã? Ai sẽ giúp nàng trả lời câu hỏi này đây!

Ngỡ tưởng kiếp phong trần sẽ chấm dứt khi nàng được Thúc Sinh cứu giúp khỏi chốn lầu xanh. Nhưng bất hạnh thay, hai tiếng bạc mệnh đã đi theo nàng khó bề dứt bỏ. Nàng bị Hoạn Thư - vợ của Thúc Sinh chà đạp cả thể xác lẫn tinh thần, nàng bỏ trốn khỏi nhà họ Hoạn những mong thoát khỏi kiếp tai ương vậy mà cái số “hoa đào” lại một lần nữa trói buộc lấy đời nàng. Nàng rơi vào tay Bạc Bà cũng là “phường buôn thịt bán người” như Tú Bà, lần thứ hai nàng rơi vào lầu xanh. Oán hận, uất ức, Nguyễn Du đã phải căm phẫn mà thốt lên:

“Chém cha cái kiếp hoa đào
Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi”

Những ngày tháng ở tại lầu xanh của Bạc Bà, chịu bao nỗi ê chề, cay đắng, may mắn đến khi nàng gặp được Từ Hải – một người anh hùng đầu đội trời, chân đạp đất “Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”. Cảm phục tấm lòng son sắt và phẩm chất đức hạnh của nàng Kiều, Từ Hải đã cứu nàng thoát khỏi kiếp lầu xanh nhơ nhuốc và lấy nàng làm vợ, giúp nàng được đền ân báo oán. Khoảng thời gian sống bên Từ Hải là khoảng thời gian hạnh phúc nhất, bình yên nhất đối với nàng kể từ khi gia đình li tán. Từ Hải đối với nàng không chỉ là tri âm tri kỉ mà còn là ân nhân. Nhưng phúc đoản, hạn trường, đau đớn biết bao nhiêu khi chính nàng lại là kẻ tiếp tay giết chết Từ Hải. Vì mắc mưu quan tổng đốc trọng thần Hồ Tôn Hiến, nàng đã khuyên Từ Hải ra hàng, để rồi khát vọng hạnh phúc chưa thấy đâu nàng đã phải gục ngã dưới cái chết đứng “Trơ như đá, vững như đồng” của người anh hùng Từ Hải. Nỗi đau đớn chưa kịp nguôi ngoai, nàng lại bị Hồ Tôn Hiến ép gả cho một viên thổ quan khi mà nấm mồ Từ Hải chưa kịp xanh ngọn cỏ. Tuyệt vọng đến cùng đường, nàng tìm đến sông Tiền Đường tự vẫn:

Một mình cay đắng trăm đường
Thôi thì nát ngọc tan vàng thì thôi.

Chẳng còn luyến lưu gì nữa, nàng lao mình xuống con sông có thủy triều dữ dội kinh hoàng nhất như muốn tan đi trong con sóng dữ một kiếp giai nhân oan trái đoạn trường.

Sóng Tiền Đường không nỡ tước đi cuộc sống của nàng, có phải cho nàng được sống những mong được đáp đền hạnh phúc về sau? Nàng không chết, nàng gặp được sư bà Giác Duyên và lần thứ hai nàng nương nhờ cửa phật. Nàng đã gặp lại Kim Trọng- người mà trong suốt mười lăm năm lưu lạc nàng không bao giờ quên- hình bóng của mối tình đầu thắm thiết. Tuy nhiên đó vẫn chưa phải là cái kết cho bi kịch của Thuý Kiều, bởi vì tấm thân nàng đã không còn trong trắng, cuộc đời “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần” không cho phép nàng mặn mà với Kim Trọng như xưa. Tuy sum họp nhưng mối tình đầu trong sáng, đắm say của “Người quốc sắc, kẻ thiên tài” mãi mãi không còn nữa. Kim – Kiều đoàn tụ nhưng giữa họ giờ đây “Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy”.

Cuộc đời lưu li oan khổ của Kiều chấm dứt sau mười lăm năm đoạn trường cay đắng. Người đọc xót thương cho số phận nàng Kiều, căm giận chế độ phong kiến bất nhân dung túng cho những thế lực hắc ám chà đạp cuộc đời nàng. Thế lực hắc ám ấy là ai? Đó là bọn quan lại sai nha bỉ ổi, dâm ô, tráo trở, một bên là những kẻ đã vì ăn hối lộ của thằng bán tơ mà vu oan cho Vương Ông, một bên là Hồ Tôn Hiến nổi tài lật lọng. Đó chính là bọn buôn người Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh Bạc Bà, chuyên nghề kiếm ăn ở miền nguyệt hoa, đã hai lần đưa Kiều vào lầu xanh- chốn bụi trần đầy rẫy nỗi ê chề nhục nhã, “ong qua bướm lại” xấu xa, coi nàng như một món đồ quý hái ra tiền. Đó chính là Hoạn Thư, Hoạn Bà- hai con người nham hiểm nanh nọc, ỷ thế danh gia, sẵn sàng làm những chuyện vô lương tâm nhất, chôn vùi danh dự Kiều vào tận cùng nỗi đau đớn, ê chề để thoả mãn cơn ghen. Cuộc đời sóng gió, đáng thương của Kiều là xã hội phong kiến thối nát, xã hội ấy đã tước đi của con người quyền sống chính đáng, biến vẻ đẹp thành thứ để mua bán, tài năng bị đem ra để mua vui và hiếu tình bị đem làm vật trao đổi. Số phận long đong, chìm nổi của Kiều đã nói lên tiếng nói khát vọng cho một xã hội bình đẳng, hạnh phúc.

Như vậy, chế độ phong kiến với nhiều tục lệ, quy định cổ hủ, khe khắt đè nặng lên cuộc đời “phận má hồng”. Người phụ nữ dưới chế độ Nam quyền độc đoán ấy phải chịu nhiều thiệt thòi, đau đớn: Người con gái Nam Xương- Vũ Nương ko thể giãi bày nỗi oan khiên nên phải trầm mình, nàng Kiều phải bán mình, phải mười lăm năm đoạn trường lưu lạc. Cho dù cuối cùng, Vũ Nương đã được “sống lại” ở thế giới tâm linh, Kiều đã vui vầy bên Kim Trọng; nhưng Vũ Nương vẫn không thể nào có được hạnh phúc như một phụ nữ bình thường, vui vẻ bên chồng con, và vĩnh viễn Kiều không thể nào tìm lại được tình yêu sôi nổi thiết tha mười lăm năm về trước, vẫn phải chịu tai tiếng ê chề. Như vậy, cả hai tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương và Truyện Kiều đã cho thấy rằng hiện thực tàn nhẫn của xã hội cũ sẽ còn đeo đuổi số phận của con người mãi mãi. Hoàn cảnh bi kịch đã chấm dứt nhưng tâm lí bi kịch vẫn tồn tại. Và chỉ qua hai tác phẩm trên, chúng ta có thể nhận thấy rõ xã hội phong kiến tàn ác ra sao, nhẫn tâm thế nào, bằng chứng là cuộc đời long đong của Vũ Nương và Thuý Kiều, và ta càng căm phẫn trước những thế lực phong kiến đen tối, hủ lậu chà đạp lên quyền hưởng hạnh phúc, quyền được sống của con người.

Cuộc đời và số phận của nàng Kiều chính là hiện thân cho những đau khổ, bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Viết Truyện kiều, Nguyễn Du đã cất lên tiếng kêu thương đứt ruột xé lòng về thân phận người phụ nữ. Mỗi chúng ta cần hiểu và trân trọng cuộc sống hiện tại khi mà vị trí và vai trò của người phụ nữ ngày một nâng cao. Ở đâu mà người phụ nữ chưa được thực sự giải phóng và thực sự tôn trọng thì tiếng kêu khẩn thiết hãy bênh vực và bảo vệ phụ nữ vẫn còn tính thời sự nóng hổi của nó, cho dù nó đã được các thi sĩ cất lên đã nhiều thế kỉ.

Nêu nhận xét về vẻ đẹp và số phận của người phụ nữ Việt Nam qua nhân vật Vũ Nương và Thúy kiều

* Số phận

Trong xã hội phong kiến xưa với đầy những hủ tục, lạc hậu, số phận người phụ nữ có thể nói là vô cùng cực khổ, bấp bênh, chìm nổi, họ không được coi trọng. Họ là nạn nhân của xã hội phong kiến với nhiều định kiến hẹp hòi, bất công với người phụ nữ. Vũ Nương phải tìm đến cái chết để giải mọi nỗi oan ức. Thúy Kiều cũng đã nhiều lần tự tử với mong muốn để giải thoát cuộc đời đầy đau khổ, oan nghiệt của mình.Vũ Nương là nạn chân của chế độ nam quyền, mà ở đó tư tưởng trọng nam khinh nữ là chủ yếu. Cuộc hôn nhân của Vũ Nương cũng được "mua" về bằng tiền của Trương Sinh. Không những thế, Trương Sinh còn có tính cách gia trưởng, hay ghen, vũ phu. Điều này càng làm số phận của Vũ Nương trở nên bi đát. Thúy Kiều là nạn nhân của của xã hội đồng tiền đen bạc. Vì đồng tiền mà sia nha đã gây nên cảnh tan tác, chia lìa trong gia đình khiến Kiều phải bán thân mình cho Mã Giám Sinh. Cũng vì tiền mà Mã Giams Sinh và Tú bà độc ác đã đã đẩy Kiều vào chốn lầu xanh nhơ nhớp, khiến nàng phải đau đớn, cay đắng suốt mười lăm năm lưu lạc, phải "thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần". Số phận của người phụ nữ phong kiến thật xót xa.

* Vẻ đẹp

Mặc dù ở trong hoàn cảnh đầy rẫy những bất công như thế, ở những người phụ nữ vẫn ánh lên vẻ đẹp tâm hồn thanh cao. Họ đều là những người phụ nữ không chỉ có vẻ ngoài xinh đẹp mà còn có cả tấm lòng đẹp đẽ. Trước hết là vẻ đẹp ngoại hình, đẹp người. Vũ Nương có tính cách thùy mị, nết na, nét đẹp dịu dàng, hiền hậu, dễ mến. Thêm vào đó lại tư dung tốt đẹp. Kiều chính là đỉnh cao của nhan sắc , một vẻ đẹp" sắc sảo, mặn mà khiến cho "hoa ghen, liễu hờn" với "Làn thu thủy nét xuân sơn".

Vẻ đẹp bên ngoài còn đi liền với một tâm hồn thanh cao, đúng là "đẹp người, đẹp nết". Với Vũ Nương, tính tình nàng không những thùy mị nết na, khéo léo, không màn danh lợi mà còn rất đảm đang, hiếu thảo, chung thủy, sắt son với chồng, hi sinh cho gia đình. Chồng đi vắng, nàng ở nhà lo lắng, chăm sóc cho con cái, mẹ già, làm thay cả bổn phận của 1 người cha, 1 người con. Còn Thúy Kiều là 1 người đa tài , chung thủy, sắt son; hiếu thảo với cha mẹ, Trong “tứ đức”, “công” là tiêu chuẩn đánh giá một người phụ nữ tài giỏi khi họ có đủ các món nghề: “cầm, kỳ, thi, họa”. Và Thúy Kiều có đủ các món ấy. Nàng luôn thủy chung một lòng với Kim Trọng. Vì hiếu thảo với cha mẹ nên nàng đã quyết định bán thân chuộc cha.

Như vậy Vũ Nương và Kiều đều là những người phụ nữ phong kiến vừa đẹp người lại đẹp nết. Trong hoàn cảnh phong kiến khắc nghiệt, số phận có bi đát nhưng không làm mờ đi vẻ đẹp của họ.

....

>> Tải file để tham khảo các mẫu còn lại!

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm