Văn mẫu lớp 12: Nghị luận về phong trào tiếp sức mùa thi của thanh niên Việt Nam (Dàn ý + 4 mẫu) Những bài văn hay lớp 12
Nghị luận về phong trào tiếp sức mùa thi gồm 4 mẫu kèm theo gợi ý cách viết chi tiết nhất. Qua 4 bài viết về phong trào tiếp sức mùa thi siêu hay trong bài viết dưới đây do Download.vn tổng hợp sẽ giúp các bạn học sinh có thêm nhiều gợi ý tham khảo, trau dồi kiến thức, biết cách viết bài văn nghị luận hay, đủ ý.
TOP 4 Bài viết về phong trào tiếp sức mùa thi của thanh niên dưới đây sẽ là tư liệu hữu ích, giúp các bạn học sinh tự tin không phải lo nghĩ quá nhiều về việc làm sao để viết được bài văn hay. Bên cạnh đó các bạn xem thêm nghị luận về sự im lặng trong cuộc sống.
Nghị luận về phong trào tiếp sức mùa thi của thanh niên
Dàn ý nghị luận phong trào tiếp sức mùa thi
I. Mở bài:
- Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học từ lâu đời.
- Hằng năm, có hàng triệu thí sinh thi vào các trường Đại học và Cao đẳng trong cả nước.
- Trong mấy năm gần đây, phong trào “Tiếp sức mùa thi” đã giúp đỡ thí sinh vượt qua khó khăn để thi cho tốt, thực hiện ước mơ được bước chân vào giảng đường Đại học...
II. Thân bài:
1. Khó khăn của thí sinh ngày nay
- Thí sinh từ nhiều địa phương trong cả nước tập trung về các thành phố lớn để dự thi. Thí sinh từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc rất đông nên các bến tàu, bến xe trở nên quá tải, việc đi lại rất khó khăn...
- Mỗi thí sinh đi thi thường có người thân đi theo, chuyện tìm được chỗ ăn, chỗ ở trong vài ngày không phải dễ dàng. Vì thế tâm trạng chung của thí sinh là lo ngại, bỡ ngỡ...
2. Vai trò của các tình nguyện viên phong trào "Tiếp sức mùa thi"
- Họ là sinh viên năm thứ nhất hoặc năm thứ hai của các trường Cao đẳng và Đại học, tình nguyện làm người hướng dẫn và giúp đỡ thí sinh những điều cần thiết như nơi ăn chốn ở, giờ giấc và các tuyến xe buýt đến địa điểm thi, những hiểu biết ban đầu về trường đăng kí dự thi...
- Thái độ của các tình nguyện viên rất nhiệt tình, tận tâm, phong cách làm việc năng động, sáng tạo. Kết quả công việc họ làm rất hữu ích vì giúp đỡ được các thí sinh vượt qua khó khăn để thi cho tốt.
3. Ý nghĩa của phong trào “Tiếp sức mùa thi”
- Phong trào mang tính chất xã hội rộng lớn, khơi gợi trách nhiệm của mọi người đối với thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.
- Tiếp thêm niềm tin và sức mạnh để thí sinh yên tâm thi thật tốt...
- Góp phần làm vơi bớt khó khăn cho ngành Giáo dục - Đào tạo và xã hội.
- Phong trào là sự kế thừa và phát huy truyền thống nhân ái tốt đẹp của dân tộc ở thế hệ trẻ ngày nay.
III. Kết bài:
- Tuổi trẻ Việt Nam luôn mong muốn hành động, cống hiến cho lợi ích của tập thể, cộng đồng...
- Đó cũng là biểu hiện của thanh niên làm theo lời Bác dạy: Mình vì mọi người, mọi người vì mình.
Nghị luận phong trào tiếp sức mùa thi - Mẫu 1
Cứ vào tháng 6, tháng 7 chúng ta lại thấy ở các địa điểm thi, cụm thi vào các trường cao đẳng, đại học lại có các bạn thanh niên mặc những chiếc áo xanh tình nguyện và làm công việc mang tên “Tiếp sức mùa thi”. Phong trào này như thế nào? Và nó để lại những suy nghĩ gì đối với các sĩ tử nói riêng và mọi người nói chung, chúng ta sẽ đi tìm hiểu về phong trào “tiếp sức mùa thi”.
Tiếp sức mùa thi là một phong trào được diễn ra để nhằm giúp đỡ các bạn sĩ tử ở khắp các nơi, các vùng quê khác nhau đến để tham gia kì thi cao đẳng, đại học. Phong trào này, chủ yếu là tổ chức ra để giúp các bạn sĩ tử và người thân khi xuống các thành phố lớn để tham gia kì thi có thể tìm được chỗ ăn, chỗ ở phù hợp, an toàn. Và bên cạnh đó, các bạn thanh niên tham gia phong trào tiếp sức mùa thi còn giúp đỡ mọi người về mặt an toàn giao thông, chỉ đường cho các bạn sĩ tử vẫn chưa thể tìm thấy địa điểm thi. Chúng ta còn bắt gặp hình ảnh, những thành viên tham gia tiếp sức mùa thi đi phát nước, phát quạt giấy cho các bậc phụ huynh đứng bên ngoài đợi con em mình thi. Tất cả các hành động, việc làm ấy đều do các bạn thanh niên trẻ làm trong dịp tiếp sức mùa thi. Chỉ là một hành động nhỏ thôi nhưng nó như là sự động viên, khích lệ các bạn sĩ tử nơi đất lạ tự tin làm tốt bài thi trong kì thi quan trọng này.
Chương trình tiếp sức mùa thi ngày càng phát triển và lan rộng như một làn sóng vô cùng mạnh mẽ và được đông đảo các bạn thanh niên hưởng ứng nhiệt tình. Bắt đầu từ những hình ảnh các bạn sĩ tử mới chân ướt chân ráo từ quê lên còn lạ lẫm đường xá, nơi ăn chốn ở mà bị gặp nhiều khó khăn, nhiều gia đình nghèo đưa con đi thi không đủ điều kiện thuê phòng ở khi giá cả phòng trọ mỗi dịp thi lại tăng vọt lên một cách lạ thường họ phải ngủ ở vỉa hè, gầm cầu. Với tinh thần của tuổi trẻ, các bạn thanh niên đã lập thành những hội sinh viên, liên kết nhau lại và lập ra phong trào tiếp sức mùa thi, nhằm giúp đỡ tất cả những bạn sĩ tử trong mùa thi quan trọng này. Phong trào này đã kêu gọi được rất nhiều các bạn thanh niên, chủ yếu là các bạn sinh viên, bởi các bạn đã từng trải qua chuỗi ngày thi cử như vậy và các bạn hiểu về những khó khăn ấy hơn ai hết, vì vậy các bạn sinh viên muốn mang một chút công sức của mình vào giúp đỡ các bạn sĩ tử đang đối mặt với kì thi. Phong trào này, cũng đã huy động được sự giúp đỡ của các đoàn thể, những người dân giàu sự nhiệt tình và nhân ái. Có rất nhiều gia đình sau khi nghe được sự phát động và nhờ sự giúp đỡ của hội thanh niên đã quyên góp tiền, cho thuê phòng trọ với giá rẻ để chung tay giúp đỡ các bạn sĩ tử trong kì thi.
Đây có thể nói là một phong trào thể hiện được cái nghĩa cử cao đẹp của con người Việt Nam, một việc làm vô cùng có ý nghĩa của các bạn thanh niên hiện nay. Các bạn thanh niên với màu áo xanh tình nguyện, với những chiếc mũ tai bèo màu xanh, đứng ngoài trời mùa hè nắng gắt, nhưng các bạn vẫn nở nụ cười vui tươi và nhiệt tình giúp đỡ mọi người, chỉ đường cho các em, đón các em khi ra khỏi khu vực thi, hỏi han một cách thân thiện, đó sẽ là những dấu ấn đẹp đẽ đầu tiên trong lòng của mỗi sĩ tử khi trải qua mùa thi đại học của mình.
Như chúng ta vừa nói, thì những công việc mà các bạn thanh niên làm trong tiếp sức mùa thi đâu hề to tát gì đâu, chỉ là những hành động việc làm nhỏ thôi nhưng lại mang lại ý nghĩa to lớn và nhân văn sâu sắc. Nhiều gia đình gần địa điểm thi còn tổ chức nấu cơm và phát cơm miễn phí cho các gia đình sĩ tử gặp khó khăn. Những hành động này ngày càng được nhân rộng hơn.
Chắn chắn các bạn học sinh như em sẽ cảm thấy đây là một phong trào đầy ý nghĩa và để lại nhiều ấn tượng trong lòng. Đang là một học sinh lớp 12, sau khi vào được đại học trở thành sinh viên em muốn tham gia cùng các anh chị thanh niên tham gia tiếp sức mùa thi, để có thể chung tay giúp đỡ các bạn khác những điều như em đã được nhận từ các anh chị trước.
Nghị luận phong trào tiếp sức mùa thi - Mẫu 2
Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học từ lâu đời. Điều đó đã ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của nhiều thế hệ và là nền tảng lịch sử, văn hoá của đất nước. Vì vậy, tuy là một nước nông nghiệp nghèo nàn lạc hậu nhưng Việt Nam lại là một trong những quốc gia có chế độ khoa cử và có trường Đại học sớm nhất trên thế giới. Câu: Nhân bất học bất tri lí lưu truyền rộng rãi trong dân gian nhiều thế kỉ qua. Nhiều gia đình hoàn cảnh kinh tế eo hẹp, chạy ăn từng bữa nhưng vẫn quyết tâm cho con cái học hành tới nơi tới chốn trước là để nắm vững đạo lí và sau là để mở mặt với đời. Đã thành quy luật, mỗi năm cứ đến mùa thi là hàng triệu thí sinh từ khắp mọi miền đất nước nô nức kéo nhau về các thành phố lớn như Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quy Nhơn, Vinh để dự thi vào hàng trăm trường Đại học và Cao đẳng với các ngành nghề khác nhau. Cảnh các “sĩ tử thời hiện đại” đi thi tuy không phải “lều chõng” lỉnh kỉnh giống sĩ tử ngày xưa như nhà văn Ngô Tất Tố đã miêu tả trong tiểu thuyết Lều chõng, hay trong bài thơ Vịnh khoa thi Hương của Trần Tế Xương nhưng khó khăn mà họ gặp phải thì vẫn rất nhiều. Có những bạn khăn gói theo tàu xe từ Bắc vào Nam vì mong muốn được đào tạo ở các trường Cao đẳng, Đại học ở miền Nam. Ngược lại, không ít bạn từ miền Nam lại làm cuộc hành trình ngược gần hai ngàn cây số ra tận Hà Nội để thử sức và thỏa mãn ao ước được học tập, tu dưỡng ở Thủ đô.
Vào những ngày gần kì thi, thí sinh từ khắp các địa phương trong cả nước đổ về các thành phố lớn. Người vùng biển lên, người trên núi xuống, khung cảnh tại các bến tàu, bến xe thật đông đúc, náo nhiệt. Hàng trăm ngàn thí sinh tay xách nách mang nào là sách vỏ, nào là tư trang với nét mặt lo lắng, ngơ ngác nhưng cũng không kém phần háo hức, phấn chấn. Cùng với thí sinh là các ông bố, bà mẹ hoặc anh chị em đi theo để đỡ đần, phục vụ và cũng là chỗ dựa tinh thần nơi đất khách quê người. Lần đầu tiên ra thành phố nên các thí sinh đều có chung tâm trạng ngỡ ngàng vì cái gì cũng mới lạ. Trong lúc chân ướt chân ráo, các thí sinh đã may mắn gặp được đội quân tình nguyện “Tiếp sức mùa thi” giúp đỡ, chỉ dẫn chu đáo, tận tình. Họ là sinh viên năm thứ hai, thứ ba của các trường Cao đẳng và Đại học mà mới năm ngoái, năm kia thôi cũng “ngơ ngác nai vàng” như các thí sinh bây giờ. Điểm dễ nhận thấy là các “tiếp sức viên” mặc đồng phục mùa hè xanh, trên môi luôn nở nụ cười thân thiện. Thái độ của các “tiếp sức viên” rất nhiệt tình, tác phong làm việc năng động và khoa học. Họ dùng máy vi tính để tư vấn từ giờ giấc của các tuyến xe buýt đến các địa điểm tổ chức thi, chỉ dẫn những điều cơ bản cần biết cho thí sinh về trường đăng kí dự thi, giới thiệu các nhà trọ rẻ tiền hoặc miễn phí... Có nhiều “tiếp sức viên” đã kiêm luôn nhiệm vụ làm “bác tài xe ôm” đưa thí sinh về nhà trọ hoặc kí túc xá của các trường Đại học. \/ới các thí sinh đang bỡ ngỡ “lạ nước lạ cái” thì điều đó quan trọng vô cùng bởi nỗi lo về chỗ ăn, chỗ ở đã nhẹ bớt. Được sự hỗ trợ nhiệt tình, tận tụy của các anh chị sinh viên “tiếp sức mùa thi”, thí sinh an tâm và phấn khởi bước vào kì thi với quyết tâm cao nhất. Điều đáng quý là không chỉ đội ngũ sinh viên tình nguyện tham gia phong trào “Tiếp sức mùa thi” mà rất nhiều người dân ở các thành phố lớn cũng nhiệt tình giúp đỡ thí sinh, không tiếc công, tiếc của. Họ coi các thí sinh như con em mình nên lo chu đáo từ bữa cơm, chỗ ngủ. Một bà cụ bán vé số ở Đà Nẵng bao năm nay âm thầm lo cho các thí sinh nghèo ăn ở miễn phí tại căn phòng trọ nhỏ bé nhưng đầy ắp tình thương của mình. Nhiều cán bộ, giáo viên về hưu sống tại thành phố Hồ Chí Minh với đồng lương ít ỏi nhưng mỗi mùa thi lại mở rộng cửa đón các thí sinh về nhà cho ăn, cho ở, cho cả tiền tàu xe về quê. Cứ như thế, phong trào “Tiếp sức mùa thi” nay đã trở thành một phong trào có tính xã hội rộng lớn.
Phong trào “Tiếp sức mùa thi” do Đoàn thanh niên ở các thành phố lớn phát động và tổ chức là một nét đẹp văn hoá của tuổi trẻ. Nó đã mang lại hiệu quả rất cao về tinh thần cũng như vật chất cho xã hội trong mùa thi Đại học và Cao đẳng hằng năm, góp phần giải quyết đỡ khó khăn cho xã hội. Nó tiếp thêm niềm tin và sức mạnh cho các thí sinh - thế hệ chủ nhân tương lai, đồng thời thể hiện sự tiếp thu có sáng tạo của tuổi trẻ thời đại Hồ Chí Minh đối với truyền thống nhân ái tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đã có tự ngàn xưa: Thương người như thể thương thân, Người đi trước rước người đi sau.
Tuổi trẻ mạnh mẽ và sục sôi nhiệt huyết bao giờ cũng mong muốn được cống hiến bằng những hành động mang tính đoàn thể, tính cộng đồng cao với một động cơ hoàn toàn trong sáng, vô tư. Phong trào “Tiếp sức mùa thi” là một phần của phong trào “Thanh niên tình nguyện Mùa hè xanh”. Đó cũng là biểu hiện cụ thể của phương châm sống đúng đắn: "Mình vì mọi người, mọi người vì mình" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã dạy.
Nghị luận phong trào tiếp sức mùa thi - Mẫu 3
Nước Việt Nam chúng ta có truyền thống hiếu học lâu đời từ ngàn xưa để lại. Điều này thể hiện trong nếp sống nếp suy nghĩ của ông cha ta, thể hiện trong thái độ “Tôn sư trọng đạo” rồi “Học thầy không tày học bạn”
Nước ta là một nước nông nghiệp nền kinh tế trong giai đoạn đang phát triển. Chính vì vậy, nhiều gia đình vẫn còn khó khăn, nhưng vẫn cố gắng cho con cái của mình học rộng, mở mang kiến thức để thoát nghèo ước mơ đỗ đạt là con đường duy nhất để các bạn con nhà nghèo vượt lên số phận của mình. Chính vì vậy, hàng năm cứ đến kỳ thi đại học hàng trăm, hàng triệu thí sinh lại kéo nhau ra những thành phố lớn để chắp cánh ước mơ được ngồi trên giải đường đại học của mình.
Những sĩ tử thời hiện đại tay bị tay gậy lên thủ đô, thành phố lớn ứng thí, không còn là chuyện hiếm gặp vào mùa thi hàng năm. Cảnh những ông bố bà mẹ ngồi hàng giờ đồng hồ ngoài cổng trường, vườn hoa, ghế đá để chờ đợi con cái mình thi xong không có gì làm lạ. Những ước mơ giản dị được chắp cánh từ những kỳ thi nhiều cam go thử thách, khiến chúng ta tốn nhiều thời gian và công sức mới có thể mang lại thành quả tốt đẹp.
Để làm giảm tải những khó khăn gánh nặng cho những thí sinh từ quê ra thành phố ứng thí, hoạt động của sinh viên tình nguyện các trường đại học. Chương trình tiếp xúc mùa thi được thành lập nhằm giảm tải những áp lực của học sinh và phụ huynh ở quê xa tới thành phố. Đây là một chương trình hết sức ý nghĩa thiết thực và có tinh thần nhân văn cao cả.
Vào những ngày gần kề kỳ thi sinh tử của đời người, hàng triệu thí sinh từ các địa phương trên cả nước đổ về thành phố lớn. Những người vùng biển ra thành phố, miền núi về xuôi làm cho tình trạng giao thông của các thành phố lớn đã ồn ào náo nhiệt, lại trở nên tắc đường huyên náo hơn.
Những khuôn mặt học sinh non nớt, tay mang túi lo lắng, bơ vơ giữa thành phố sa hoa lạ lẫm. Những người cha người, người mẹ quanh năm bán lưng cho trời bán mặt cho đất ngơ ngác giữa phố phường đông đúc xe cộ. Những lo lắng, ngơ ngác về những con phố ngôi trường lạ lẫm. Nhờ có những sinh viên tình nguyện, chương trình tiếp sức mùa thi sẽ trở thành điểm tựa tinh thần cho họ.
Nhờ sự nhiệt tình của các bạn sinh viên trẻ mà nhiều nhà trọ giá rẻ, được tìm thấy thuận lợi cho người dân tìm nhà để thuê ở trong những mùa thi. Những người không biết đường thì được các bạn hướng dẫn tận tình, nhiệt thành giúp đỡ.
Những người Việt trẻ mang trên mình chiếc áo sinh viên tình nguyện màu xanh, thể hiện cho lòng nhiệt tình, sự nhiệt huyết trong tư tưởng trí hướng của người trẻ đã mang lại những nụ cười rạng rỡ cho những con người ở phương xa tới.
Nó chính là sự cứu cánh cho những thí sinh lần đầu đặt chân tới thủ đô, hay những thành phố lớn, biết bao lạ lẫm, ngơ ngác nhưng được các anh chị sinh viên giúp đỡ nên đã giúp cho các thí sinh, và phụ huynh yên tâm phần nào. Không chỉ có các bạn sinh viên tham gia nhiệt tình cho phong trào này mà nhiều người dân ở thành phố cũng sẵn sàng giúp đỡ. Họ cho ở nhờ rồi cho những thí sinh vùng quê nghèo ở miễn phí. Những tình cảm ấm áp đầy ắp tình người khiến cho mùa thi trở nên thân thiện bớt căng thẳng, cam go hơn
Phong trào tiếp sức mùa thi được Đoàn thanh niên ở các thành phố lớn phát động nhưng đã được nhân rộng như một nét đẹp văn hóa, truyền thống tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc Việt Nam. Nó mang lại hiệu quả cao tinh thần nhân văn cao cả, nghĩa cử cao đẹp của toàn xã hội trong mỗi mùa thi tới.
Đúng như tinh thần đoàn kết, nhường cơm sẻ áo mà người xưa thường nhắn nhủ con cháu mình phải biết lắng nghe:
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống như chung một giàn
Nghị luận về phong trào tiếp sức mùa thi - Mẫu 4
Chương trình “Tiếp sức mùa thi” đã trở thành một hoạt động quen thuộc đối với sinh viên, học sinh và cả xã hội ngày nay. Chương trình bắt nguồn từ hình ảnh bơ vơ, lạc lõng, đầy lo lắng của không ít các bạn học sinh từ các tỉnh về thành phố dự thi. Nhiều bạn và cả gia đình họ đã bị lừa gạt, mất tiền của, số khác thì không nơi nương tựa, phải ngủ ngoài công viên nhiều cạm bẫy và rủi ro. Tiếp sức mùa thi là một phong trào bắt đầu từ năm 2003 lúc đầu do công ty bút bi Thiên Long khởi xướng, sau đó là do Trung ương đoàn Hội thanh niên Việt Nam phát động. Lực lượng tham gia chủ yếu là các bạn sinh viên ở các trường Đại Học. Họ có nhiệm vụ là đưa đón thí sinh tại các bến xe bến tàu, hướng dẫn thí sinh tìm địa điểm thi, tìm chỗ trọ an toàn, trung tâm luyện thi tốt…
Đây là một hiện tượng có thể nói là rất giàu ý nghĩa bởi cho thấy được vẻ đẹp của tuổi trẻ Việt Nam giàu lòng nhân ái, yêu thương, giúp đỡ người khác chính là ta đang tạo niềm vui cho cuộc đời và thắp sáng niềm tin yêu cho muôn triệu con người. Kỳ thi đại học đang tới gần cũng là lúc chiến dịch tiếp sức mùa thi của sinh viên tình nguyện bước vào giai đoạn cao điểm. Dưới cái nắng mùa hè đổ lửa là màu áo xanh tình nguyện với khuôn mặt đẫm ướt mồ hôi nhưng lúc nào cũng niềm nở nụ cười. Những trái tim nhiệt thành đang hằng ngày, hằng giờ tiếp sức cùng các thí sinh, thắp sáng niềm tin cho các em trên chặng đường đầu tiên vào đời.
Những công việc của thanh niên tình nguyện không có gì to tát nhưng ý nghĩa thì vô cùng lớn lao. Được chia quy củ thành các hoạt động như sau: (Theo hướng dẫn của Trung ương Đoàn)
Đội hình khảo sát nhà trọ: Nhà trọ là vấn đề thí sinh quan tâm nhất khi đến Thành phố. Để hỗ trợ tốt cho thí sinh, TTHTSV đã chủ động tìm kiếm các địa chỉ nhà trọ cho thí sinh bằng cách thành lập đội hình sinh viên tình nguyện khảo sát nhà trọ. Các sinh viên tham gia đội hình này có nhiệm vụ tìm kiếm, khảo sát các khu vực có nhà cho thuê, làm việc với các chủ nhà, tổng hợp danh sách nhà trọ. Đội hình này thường bắt đầu hoạt động vào tháng 3 hàng năm.
Đội hình đón và tư vấn tại các bến xe: Đây là những sinh viên tình nguyện đầu tiên tiếp xúc với thí sinh ngay khi thí sinh bước xuống xe. Với nụ cười thân thiện, các sinh viên này sẽ nhanh chóng tiếp cận thí sinh trước khi các bạn bị “chèo kéo”. Các sinh viên tình nguyện sẽ tư vấn kỹ càng từ địa điểm thi, hướng dẫn đường đi, nhà trọ…, đồng thời phát tặng thí sinh cẩm nang hướng dẫn, bản đồ thành phố…
Đội hình giới thiệu nhà trọ: Sau khi thí sinh được các sinh viên tình nguyện tư vấn tại các bến xe và chuyển về, các bạn tham gia nhóm giới thiệu nhà trọ sẽ căn cứ vào địa điểm thi để chọn và giới thiệu các nhà trọ phù hợp cho thí sinh.
Đội hình xe chở thí sinh: Nhóm này có nhiệm vụ chở các thí sinh về nhà trọ (nếu thí sinh có nhu cầu) với mức giá hỗ trợ. Những thí sinh khó khăn sẽ được chở miễn phí về các nhà trọ miễn phí.
Đội quản lý nhà và hỗ trợ chủ nhà: Trong quá trình tìm nhà trọ cho thí sinh phát sinh tình trạng có nhiều chủ những căn nhà lớn muốn cho thí sinh ở trọ miễn phí, nhưng không có người quản lý nên không thể cho ở được. Để tháo gỡ vướng mắc này, chương trình đã nhanh chóng thành lập đội hình sinh viên tình nguyện quản lý và hỗ trợ chủ nhà. Các bạn tham gia đội hình này sẽ có nhiệm vụ thay mặt chủ nhà quản lý nhà, hướng dẫn các thí sinh trong thời gian ở trọ.
Mùa thi năm 2010, thành phố HCM có trên 15.000 sinh viên tham gia phong trào. Con số này vào mùa thi 2011 là 17.000 sinh viên tham gia. Cả nước có tới trên 100.000 sinh viên tham gia. Đây quả là một con số hết sức to lớn, cho thấy sức trẻ và nhiệt huyết con người VN đang thắp sáng ngọn nến nhân ái vốn là một truyền thống nhân đạo của dân tộc ta. Không chỉ đón tiếp lúc đến, vào những ngày thí sinh thi ĐH, các tình nguyện viên lại trở về lập các chốt khắp mọi nẻo đường thành phố để chỉ dẫn các thí sinh đến địa điểm thi an toàn nhất, đúng giờ nhất. Đó là lúc họ trở thành các chiến sỹ trật tự tham gia giải tỏa kẹt đường, kẹt xe. Hoặc dẹp trật tự tại các cổng trường nơi có các hội đồng thi. Mùa thi đi qua, họ lại tiếp tục đưa tiễn ác thí sinh trở về các tỉnh với những cái bắt tay nhau cảm động, cùng hứa hẹn sẽ gặp lại nhau nơi giảng đường đại học. Tấm chân tình của các sinh viên tình nguyện làm sao các thí sinh có thể nói hết lời cảm ơn được!
Bên cạnh các sinh viên tình nguyện, còn có rất nhiều gia đình cũng tham gia vào phong trào tiếp sức mùa thi. Đặc biệt là những gia đình ở gần các địa điểm thi. Họ tình nguyện nấu cơm, phát nước miễn phí, tạo điều kiện chỗ nghỉ cho thí sinh một cách an toàn và tiện lợi. Ngoài ra còn có các mạnh thường quân như bút bi Thiên Long và rất nhiều tổ chức cá nhân khác đã đóng góp sức người sức của vì tương lai của tuổi trẻ VN.
Trong giai đoạn 2005-2011, chương trình tình nguyện “Tiếp sức mùa thi” đã phát triển mạnh mẽ, nhân rộng ra cả nước. Các thí sinh được tiếp sức các năm trước khi trở thành sinh viên lại tiếp tục tiếp sức cho các thí sinh năm sau. Cứ như thế, chương trình ngày càng phát triển và hỗ trợ được nhiều hơn cho thí sinh. Việc tham gia của xã hội, người dân trong chương trình cũng ngày càng nhiều, rộng rãi đã góp phần quan trọng vào thành công của chương trình.
Tuy nhiên cũng cần nói tới một số bạn trẻ là sinh viên, học sinh thay vì tham gia vào những công tác có ý nghĩa như “Tiếp sức mùa thi” thì họ lại phung phí thời gian của mình vào những trò chơi vô bổ như game, quán Bar, vũ trường, tụ tập đua xe… đây là một hiện tượng xấu cần phải loại bỏ và lên án.
Năm nay tôi thi ĐH, tôi đã được sự giúp đỡ tận tình của các anh chị tình nguyện viên. Tôi hi vọng giảng đường ĐH sẽ rộng mở đón tôi để mùa thi năm sau tôi lại trở thành tình nguyện viên cho phong trào“Tiếp sức mùa thi”.