Lịch Sử 12 Bài 10: Cách mạng khoa học - công nghệ và xu hướng toàn cầu hóa nửa sau thế kỉ XX Soạn Lịch sử 12 trang 69

Soạn Sử 12 Bài 10: Cách mạng khoa học - công nghệ và xu hướng toàn cầu hóa nửa sau thế kỉ XX giúp các em học sinh lớp 12 trả lời các câu hỏi in nghiêng và câu hỏi phần bài tập trang 69. Đồng thời hiểu được kiến thức về cuộc cách mạng công nghệ và ảnh hưởng của nó đối với các nước đang phát triển.

Lịch sử 12 Bài 10 được biên soạn bám sát theo chương trình SGK trang 69 →70. Qua đó giúp học sinh nhanh chóng nắm vững được kiến thức để học tốt môn Lịch sử. Vậy sau đây là nội dung chi tiết tài liệu, mời các bạn cùng theo dõi tại đây.

Lý thuyết Sử 12 bài 10

I. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ

1. Nguồn gốc và đặc điểm

a. Nguồn gốc

- Do đòi hỏi của cuộc sống và của sản xuất, nhằm đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần ngày càng cao của con người.

- Nhân loại đang đứng trước những vấn đề to lớn mang tính toàn cầu, như: bùng nổ dân số, tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm môi trường,... ⇒ đặt ra những yêu cầu mới đối với khoa học - kĩ thuật như tìm ra công cụ sản xuất mới có kĩ thuật cao, nguồn năng lượng mới, những vật liệu mới...

- Cuộc cách mạng công nghiệp (cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XIX) là tiền đề thúc đẩy cách mạng khoa học - kỹ thuật hiện đại.

b. Đặc điểm:

- Mọi phát minh kĩ thuật đều bắt nguồn từ nghiên cứu khoa học. Khoa học trở thành nguồn gốc chính của những tiến bộ kĩ thuật và công nghệ.

- Khoa học trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất: khoa học gắn liền với kĩ thuật, đi trước mở đường cho kĩ thuật phát triển. Đến lượt mình, kĩ thuật lại mở đường cho sản xuất phát triển.

2. Thời gian.

- Cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật phát triển quan hai giai đoạn.

+ Từ đầu những năm 40 đến đầu những năm 70 của thế kỉ XX.

+ Từ đầu những năm 70 của thế kỉ XX – nay – được gọi là cách mạng khoa học – công nghệ.

3. Thành tựu tiêu biểu

Lĩnh vựcThành tựu nổi bật
Khoa học cơ bản

- Tháng 3/1997, tạo ra cừu Đô-li bằng phương pháp sinh sản vô tính.

- Tháng 6/2000, “Bản đồ Gen người” được công bố, đến tháng 4/2003 “bản đồ gen người” mới hoàn chỉnh.

Công cụ sản xuất

- Máy tính điện tử; Máy tự động, hệ thống máy tự động; Rôbốt,...

Nguồn năng lượng mới

- Phát hiện và đưa vào sử dụng các nguồn năng lượng mới, như: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy triều, nguyên tử,...

Sáng chế những vật liệu mới- Pô-li-me (chất dẻo); Gốm sứ chịu áp lực cao; Chất bán dẫn,...
Cuộc “cách mạng xanh” trong nông nghiệp

- Các phương pháp lai tạo giống mới, chống sâu bệnh.

- Các biện pháp: cơ khí hóa, điện khí hóa, hóa học hóa,...

Giao thông vận tải và thông tin liên lạc

- Giao thông vận tải: Máy bay siêu âm, tàu hỏa tốc độ cao,...

- Thông tin liên lạc: cáp sợi thủy tinh quang dẫn,...

Chinh phục vũ trụ

- Phóng vệ tinh nhân tạo lên khoảng không vũ trụ.

- Đưa con người lên mặt trăng.

- Đưa con người bay vòng quanh trái đất,...

4. Tác động của cách mạng khoa học – kĩ thuật.

* Tác động tích cực:

+ Tăng năng suất lao động ⇒ tạo ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ.

+ Mức sống và chất lượng cuộc sống của con người ngày càng được nâng cao.

+ Góp phần đưa đến sự thay đổi lớn về cơ cấu dân cư lao động với xu hướng tỉ lệ dân cư lao động trong nông nghiệp và công nghiệp giảm dần, tỉ lệ cư dân lao động trong các ngành dịch vụ ngày càng tăng lên.

+ Đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về giáo dục và đào tạo để không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

+ Thúc đẩy xu thế toàn cầu hóa.

* Tác động tiêu cực:

+ Ô nhiễm môi trường.

+ Chế tạo ra các loại vũ khí hiện đại, có sức công phá và hủy diệt khủng kiếp.

+ Gia tăng: tai nạn giao thông, tai nạn lao động, các loại dịch bệnh mới...

+ Những mối lo từ việc: đạo đức bị băng hoại, an ninh xã hội không ổn định,...

II. Xu thế toàn cầu hóa và ảnh hưởng của nó

1. Thời gian: từ đầu những năm 80 của thế kỉ XX, nhất là từ sau Chiến tranh lạnh, trên thế giới đã diễn ra xu thế toàn cầu hóa.

2. Bản chất: toàn cầu hóa là quá trình tăng lên mạnh mẽ những mối liên hệ, những ảnh hưởng tác động lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các khu vực, các quốc gia, các dân tộc trên thế giới.

3. Biểu hiện:

- Sự phát triển nhanh chóng của quan hệ thương mại quốc tế.

+ Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến cuối thập kỉ 90, giá trị trao đổi thương mại trên phạm vi quốc tế đã tăng 12 lần.

+ Nền kinh tế của các nước trên thế giới có quan hệ chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau, tính quốc tế hóa của nền kinh tế thế giới tăng.

- Sự phát triển và tác động to lớn của các công ti xuyên quốc gia.

+ khoảng 500 công ti xuyên quốc gia lớn kiểm soát tới 25% tổng sản phẩm thế giới và giá trị trao đổi của những công ti này tương đương ¾ giá trị thương mại toàn cầu.

- Sự sát nhập và hợp nhất các công ti thành những tập đoàn lớn, nhất là các công ti khoa học - kĩ thuật.

- Sự ra đời của các tổ chức liên kết kinh tế, thương mại, tài chính quốc tế và khu vực.

+ Ví dụ: Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Liên minh châu Âu (EU),...

⇒ Toàn cầu hóa là xu thế khách quan, là một thưc tế không thể đảo ngược được.

4. Tác động của xu thế toàn cầu hóa

* Tác động tích cực:

- Thúc đẩy rất mạnh, rất nhanh sự phát triển và xã hội của lực lượng sản xuất.

- Góp phần chuyển biến cơ cấu kinh tế, đòi hỏi phải tiến hành cải cách sâu rộng để nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế.

* Tác động tiêu cực:

- Làm trầm trọng thêm sự bất công xã hội, đào sâu hố ngăn cách giàu –nghèo trong từng nước và giữa các nước.

- Làm cho mọi mặt hoạt động và đời sống con người kém an toàn (từ kém an toàn về kinh tế, tài chính đến kém an toàn về chính trị).

- Tạo ra nguy cơ đánh mất bản sắc dân tộc và xâm phạm nền độc lập tự chủ của các quốc gia v.v..

Trả lời câu hỏi in nghiêng Lịch sử 12 bài 10

❓ Hãy nêu những đặc điểm và thành tựu chính của cuộc cách mạng khoa học-công nghệ trong nửa sau thế kỉ XX

Trả lời:

Đặc điểm: Khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.

Thành tựu chính:

Khoa học cơ bản: Có những bước nhảy vọt trong các ngành Toán học, Vật lý học, Sinh học... Con người đã ứng dụng vào cải tiến kĩ thuật, phục vụ sản xuất...

Công nghệ: phát minh ra những công cụ sản xuất mới, những vât liệu mới, công nghệ sinh học với những đột phá trong công nghệ di truyền, công nghệ tế bào... Công nghệ thông tin cũng phát triển mạnh mẽ...

❓Xu thế àn cầu hóa được thể hiện trên những lĩnh vực nào?

Trả lời:

Về kinh tế: tăng cường những ảnh hưởng, tác động lẫn nhau.

Sự phát triển nhanh chóng của quan hệ thương mại quốc tế.

Sự phát triển và tác động to lớn của các công ti xuyên quốc gia

Sự sáp nhập và hợp nhất các công ti thành những tập đoàn lớn.

Sự ra đời của các tổ chức liên kết kinh tế, thương mại, tài chính quốc tế và khu vực.

Về chính trị: Tất cả các nước đều có sự phụ thuộc lẫn nhau, tăng sự ảnh hưởng lẫn nhau.

Giải bài tập SGK Lịch sử 12 Bài 10

Câu 1

Hãy giải thích thế nào khoa học đã trở thành một lực lượng sản xuất trực tiếp?

Trả lời

Mọi phát minh kĩ thuật đều bắt nguồn từ nghiên cứu khoa học, khoa học gắn liền với kĩ thuật, khoa học mở đường cho kĩ thuật. Đến lượt mình, kĩ thuật lại đi trước mở đường cho sản xuất. Khoa học đã tham gia trực tiếp vào sản xuất, đã trở thành nguồn gốc chính của những tiến bộ kĩ thuật và công nghệ.

Câu 2

Vì sao nói: Toàn cầu hóa vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với các nước đang phát triển.

Trả lời

- Về thời cơ:

+ Từ sau Chiến tranh lạnh, hòa bình thế giới được củng cố, nguy cơ chiến tranh thế giới bị đẩy lùi. Xu thế chung của thế giới là hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển.

+ Các quốc gia đều ra sức điều chỉnh chiến lược phát triển và lấy kinh tế làm trọng điểm, cùng sự tăng trưởng hợp tác và tham gia các liên minh kinh tế khu vực và quốc tế.

+ Các nước đang phát triển có thể khai thác các nguồn vốn đầu tư, kĩ thuật công nghệ và kinh nghiệm quản lí từ bên ngoài, nhất là các tiến bộ khoa học-kĩ thuật để có thể :”đi tắt đón đầu” rút ngắn thời gian xây dựng và phát triển đất nước…

Như thế, bối cảnh chung của thế giới là có nhiều cơ hội và thuận lợi cho các nước trong công cuộc phát triển đất nước. Vấn đề là có tầm nhìn và nắm bắt kịp thời, không bỏ lỡ thời cơ.

- Về thách thức:

+ Các nước đang phát triển cần nhận thức đầy đủ sự cần thiết tất yếu và tìm kiếm con đường, cách thức hợp lí nhất trong quá trình hội nhập quốc tế, phát huy thế mạnh: hạn chế với mức thấp nhất những rủi ro, bất lợi và cả sai lầm; có những bước đi thích hợp, kịp thời.

+ Phần lớn các nước đang phát triển đều từ điểm xuất phát thấp về kinh tế, trình độ dân trí thấp, nguồn nhân lực đào tạo có chất lượng còn nhiều hạn chế.

+ Sự cạnh tranh quyết liệt của thị trường thế giới và các quan hệ kinh tế quốc dân còn nhiều bất bình đẳng, gây nhiều thiệt hại đối với các nước đang phát triển.

+ Vấn đề sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay.

+ Vấn đề giữ gìn, bảo vệ bản sắc bản sắc văn hóa dân tộc, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại…

⟹ Toàn cầu hóa vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với các nước phát triển.

Chia sẻ bởi: 👨 Tiểu Hy
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 10
  • Lượt xem: 991
  • Dung lượng: 189,4 KB
Tìm thêm: Lịch sử 12
Sắp xếp theo