Văn mẫu lớp 11: Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Thuý Kiều qua đoạn trích Trao duyên Những bài văn hay lớp 11
Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên gồm 3 đoạn văn mẫu cực hay ấn tượng nhất. Qua đó giúp các bạn có thêm nhiều tài liệu học tập hữu ích, trau dồi ngôn ngữ để biết cách viết đoạn văn cảm nhận nhân vật Thúy Kiều.
TOP 3 đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên giúp các em biết cách trả lời câu hỏi 7 trang 47 SGK Ngữ văn 11 tập 1 Cánh diều. Đồng thời qua đó chúng ta biết cách nêu cảm nhận của cá nhân mình về nhân vật Thúy Kiều. Vậy sau đây là 3 đoạn văn mẫu cảm nghĩ nhân vật Thúy Kiều mời các bạn đón đọc. Bên cạnh đó các bạn xem thêm phân tích Trao duyên, phân tích 12 câu đầu Trao duyên và nhiều tài liệu khác tại chuyên mục Văn 11 Cánh diều.
Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên
Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên
Qua đoạn trích Trao duyên, Nguyễn Du đã khắc họa thành công tâm trạng, nỗi lòng của Thúy Kiều khi trao mối duyên của mình cho Thúy Vân. Kiều trao duyên cho em. Cách trao duyên tha thiết, tâm huyết; trao kỉ vật lại dùng dằng nửa trao, nửa níu để thấy tâm trạng của Kiều trong thời khắc đoạn trường này: Kiều đang mâu thuẫn giữa hành động và lời nói, lí trí và tình cảm. Kiều trao duyên chứ không muốn trao tình. Sau khi trao duyên, dự cảm về cái chết cứ trở đi, trở lại trong tâm hồn Kiều. Từ chỗ nói với em Kiều chuyển sang nói với mình, nói với người yêu; từ giọng đau đớn chuyển thành tiếng khóc, khóc cho mình, khóc cho mối tình đầu trong sáng, đẹp đẽ vừa mới chớm nở đã tan vỡ. Với nghệ thuật miêu tả tinh tế diễn biến nội tâm nhân vật và ngôn ngữ độc thoại sinh động, đoạn trích Trao duyên đã ánh lên vẻ đẹp nhân cách Thúy Kiều thể hiện qua nỗi đau đớn khi tình yêu tan vỡ và sự hy sinh đến quên mình vì hạnh phúc của người thân.
Đoạn văn cảm nghĩ của em về nhân vật Thuý Kiều
Trao duyên là một trong những đoạn trích tiêu biểu trong Truyện Kiều. Đoạn trích đã thành công trong việc khắc họa tâm lí nhân vật Thúy Kiều, tái hiện lại bi kịch tình yêu đầy đau đớn Thúy Kiều. Vì chữ hiếu nàng phải gả cho Mã Giám Sinh vốn dĩ trong cuộc sống chữ hiếu và chữ tình thường không được trọn vẹn cả hai. Với nàng Kiều cũng vậy, nàng chọn cứu cha nhưng không đành lòng phụ tình cảm của Kim Trọng. Từ đó, cho dù nàng đau xót, khóc than nhưng cũng phải dặn lòng trao tín vật và thuyết phục em gái mình thay mình đến với Kim Trọng. Qua đó ta thấy Kiều là người con gái tài sắc vẹn toàn, một người con hiếu thảo, giàu ân tình và có tấm lòng thủy chung son sắt. Thúy Kiều là người con gái sống tại thời kỳ phong kiến phồn thịnh, những giáo huấn của lề thói tam tòng, tứ đức buộc chặt lên tấm thân của những người phụ nữ, chính bởi vậy mà sự hy sinh tưởng chừng rất lớn lao cao cả của Thúy Kiều đặt trong hoàn cảnh xã hội đó lại thấy sự hy sinh như vậy là rất đỗi bình thường. Qua đây có thể thấy, thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa thật sự đáng thương vô cùng.
Viết đoạn văn về nhân vật Thuý Kiều qua đoạn trích Trao duyên
Qua đoạn trích Trao duyên, Nguyễn Du đã khắc họa được bi kịch tình yêu, cùng với thân phận bất hạnh cũng như nhân cách cao đẹp của Thúy Kiều. Bọn sai nha vu oan sai đối với gia đình Thúy Kiều, nàng buộc phải hy sinh mối tình với Kim Trọng, bán mình lấy tiền hối lộ cho chúng để cha và em khỏi đòn tra khảo dã man. Việc bán mình đã xong, Thúy Kiều ngồi suốt đêm suy nghĩ về mối duyên dang dở, rồi nhờ em gái là Thúy Vân thay mình kết duyên với Kim Trọng. Nàng đã hạ mình, cầu khẩn em một cách xót xa, ở đó có tư thế của một người chị cùng với tư thế của người cầu xin. Thúy Kiều để lại những kỉ vật trong tình yêu cho thấy Thúy Kiều rất trân trọng tình yêu với Kim Trọng, nội tâm nàng đau đớn, giằng xé và tự trách bản thân đã phụ tấm chân tình của Kim Trọng.