Địa lí 12 Bài 8: Thực hành: Viết báo cáo về dân số, lao động và việc làm, đô thị hoá Soạn Địa 12 Cánh diều trang 40
Bài 8 Thực hành Viết báo cáo về dân số, lao động và việc làm, đô thị hoá giúp các em học sinh có thêm nhiều gợi ý tham khảo để biết cách viết biết báo về các vấn đề: mất cân bằng giới tính khi sinh, định hướng nghề nghiệp của học sinh trong tương lai, ảnh hưởng của đô thị hoá đến cơ cấu lao động hoặc môi trường ở địa phương.
Bài 8 thực hành Địa 12 Cánh diều được biên soạn với các lời giải chi tiết, đầy đủ và chính xác. Đây là tài liệu cực kì hữu ích hỗ trợ các em học sinh lớp 12 trong quá trình giải bài tập. Vậy sau đây là nội dung chi tiết bài soạn Thực hành viết báo cáo về dân số, lao động và việc làm, đô thị hoá mời các bạn theo dõi.
Địa lí 12 Bài 8: Thực hành viết báo cáo về dân số, lao động và việc làm, đô thị hoá
I. Nội dung thực hành
Thu thập thông tin và viết báo cáo về một trong các chủ đề sau:
1. Dân cư: Mất cân bằng giới tính khi sinh, sức khỏe học đường.
2. Lao động và việc làm: Định hướng nghề nghiệp của học sinh trong tương lai.
3. Đô thị hóa: Ảnh hưởng của đô thị hóa đến cơ cấu lao động hoặc môi trường ở địa phương.
II. Chuẩn bị
Các tài liệu về dân cư, lao động và việc làm, đô thị hóa ở Việt Nam.
III. Thu thập tài liệu
Một số website có tài liệu về dân cư, lao động và việc làm, đô thị hóa ở Việt Nam:
- Tổng cục Thống kê: https://www.gso.gov.vn/
- Niên giám thống kê Việt Nam 2021: https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/08/nien-giam-thong-ke-2021
- Quỹ Dân số Liên hợp quốc: https://vietnam.unfpa.org/vi
- Bộ Giáo dục và Đào tạo: https://moet.gov.vn
IV. Viết báo cáo
Báo cáo mẫu 1
Định hướng nghề nghiệp tương lai cho học sinh trong thời đại 4.0
Định hướng nghề nghiệp là quá trình mà từng cá nhân tự đặt ra để xác định lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với mình trong tương lai. Quá trình này yêu cầu sự tự nhận thức, khám phá bản thân, và đánh giá cẩn thận các yếu tố như sở thích, khả năng, tính cách, tình hình gia đình, cũng như các yếu tố bên ngoài như cơ hội việc làm và thu nhập trong từng ngành nghề.
Cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến nhiều cơ hội lớn, song cũng đi kèm với những rủi ro tiềm ẩn. Trong bối cảnh này, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh trở nên cấp bách. Công nghệ tự động hóa nhiều càng phát triển trong nhiều ngành nghề. Đồng nghĩa với việc nhiều công việc hiện tại có thể bị thay thế hoàn toàn bởi công nghệ, nhưng đồng thời cũng tạo ra nhiều ngành nghề mới. Chúng đòi hỏi sự linh hoạt và thích nghi với xu hướng. Định hướng nghề nghiệp sớm giúp học sinh tiếp cận với các ngành nghề này từ đầu, giúp các bạn có thời gian để phát triển kỹ năng và kiến thức cần thiết. Việc định hướng nghề nghiệp giúp học sinh tránh những sai lầm trong việc chọn, giúp học sinh hiểu rõ về sở thích và năng lực của mình, từ đó có thể chuẩn bị một cách tốt nhất cho tương lai.
Các yếu tố học sinh cần cân nhắc khi định hướng nghề nghiệp: sở thích cá nhân, sở trường và tính cách, lợi ích tài chính, nhu cầu thị trường.
Các ngành nghề hot trong tương lai cho học sinh:
- Ngành Truyền thông – Marketing
- Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng
- Công nghệ thông tin, Trí tuệ nhân tạo (AI)
- Ngành Y tế - Dược.
Báo cáo mẫu 2
MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH
Hiện trạng | Theo Tổng cục Thống kê, tỷ số giới tính khi sinh (SRB) phản ánh sự cân bằng giới tính của số bé trai và bé gái khi được sinh ra. Tỷ số này ở mức sinh học thông thường là 104-106 bé trai/100 bé gái. Bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào của tỷ số giới tính khi sinh chệch khỏi mức sinh học bình thường đều phản ánh những can thiệp có chủ đích và sẽ làm ảnh hưởng đến sự mất cân bằng tự nhiên, đe dọa sự ổn định dân số của quốc gia và toàn cầu. Vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh thực sự đang trở thành thách thức với công tác dân số tại Việt Nam. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong giai đoạn đầu từ năm 1999 đến năm 2005, xu hướng biến động SRB của Việt Nam không rõ ràng và dường như dao động trong khoảng 104 đến 109 bé trai/100 bé gái. Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay, SRB của Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu tăng đáng kể. Năm 2021, SRB ở mức 112 bé trai/100 bé gái và năm 2022, SRB giảm 0,5 điểm phần trăm so với năm 2021 (tương ứng là 111,5 bé trai/100 bé gái so với 112,0 bé trai/100 bé gái). Dù tỷ số này có sự tăng giảm qua các năm nhưng hiện vẫn đang ở mức cao hơn so với mức cân bằng tự nhiên. Số liệu của Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho thấy, mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam tuy xuất hiện muộn hơn một số nước nhưng tăng nhanh và lan rộng, xảy ra ở cả thành thị và nông thôn. Xét ở phạm vi vùng kinh tế – xã hội, năm 2006 có 3/6 vùng mất cân bằng giới tính khi sinh thì đến năm 2021 cả 6/6 vùng đã bị mất cân bằng giới tính khi sinh ở cả thành thị và nông thôn. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đặc biệt cao ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc (114,1), tiếp đến là Đồng bằng sông Hồng (110,6). Đặc biệt có 6 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh rất cao trên 120 bé trai/100 bé gái như: Bắc Giang (126,8/100), Hà Nam (125,3/100), Hưng Yên (123,6/100), Sơn La (121,8/100), Hòa Bình (121,8/100), Bà Rịa – Vũng Tàu (121,1/100).Đáng lưu ý, Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới có sự chênh lệch giới tính khi sinh ngay từ đứa con đầu tiên (110/100), tức là các cặp vợ chồng đã nghĩ đến lựa chọn giới tính khi sinh ngay ở lần sinh đầu.Bên cạnh đó, mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh cao hơn nhiều ở những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao, tình hình kinh tế khá giả. Năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh trong nhóm nghèo nhất là 108,2 so với 112,9 ở nhóm giàu nhất. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy tỷ số giới tính khi sinh cao hơn ở một số nhóm dân tộc thiểu số so với các dân tộc khác. |
Nguyên nhân và những hệ lụy | Theo giới chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam, nhưng nguyên nhân gốc rễ, cốt lõi vẫn là định kiến giới. Tư tưởng trọng nam khinh nữ đã “ăn sâu, bám rễ” vào tiềm thức của mỗi cá nhân và trở thành quan niệm truyền thống của người Việt Nam. Quan niệm thiên lệch về giới này đã được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác, gây ảnh hưởng tiêu cực đến vị trí, vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Tiếp đến là việc tiếp cận kỹ thuật mới để lựa chọn giới tính phổ biến rộng trong thời gian gần đây. Hầu hết người dân đều có thể tiếp cận dịch vụ siêu âm, phá thai với mục đích lựa chọn giới tính. Mặc dù Chính phủ đã tăng cường khung pháp lý để giải quyết sự gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh (đã có các quy định cấm xác định giới tính thai nhi và tất cả các hình thức lựa chọn giới tính nhằm đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức sinh học bình thường vào năm 2025), song việc thực thi chưa mang lại hiệu quả tích cực. Bên cạnh các nguyên nhân kể trên, hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi của nước ta chưa phát triển. Ở các khu vực nông thôn, nhiều người già không có lương hưu, hay trợ cấp xã hội, trong khi họ cần sự chăm sóc về y tế. Tất cả phụ thuộc vào khả năng phụng dưỡng của con cái mà theo quan niệm của gia đình truyền thống, trách nhiệm đó chủ yếu thuộc về con trai. Nhiều người vì thế sẽ cảm thấy lo lắng cho tương lai và bất an khi về già nếu không có con trai. Ở nhiều vùng nông thôn, các công việc nặng nhọc đều đòi hỏi sức lao động chân tay của nam giới. Vì vậy, con trai vừa là trụ cột về tinh thần, vừa là trụ cột về kinh tế cho cả gia đình. Những chuẩn mực xã hội mới như gia đình qui mô nhỏ, mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con cũng là lý do khiến các cặp vợ chồng tìm kiếm và sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính để chắc chắn sinh con theo ý muốn. |
Giải pháp khắc phục cần đồng bộ và bền bỉ | Theo các chuyên gia, để giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam hiện nay, phải giải quyết nguyên nhân “gốc rễ” của vấn đề, tức là thay đổi nhận thức của người dân về việc sinh con trai hay con gái. Đồng thời, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, hướng đến một xã hội bình đẳng hơn, không còn tình trạng “trọng nam khinh nữ” cũng là việc cần thiết phải làm. Tại Việt Nam, trước tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng gia tăng, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, văn bản để giải quyết vấn đề này như Luật Bình đẳng giới, Luật hôn nhân gia đình, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Pháp lệnh dân số, các nghị định, Quy định về cấm lựa chọn giới tính khi sinh… Trong các bộ luật này, ngoài những quy định chung áp dụng một cách bình đẳng đối với nam và nữ còn có những chính sách điều chỉnh pháp luật riêng phù hợp với những đặc thù về giới tính của phụ nữ, trẻ em gái. Đặc biệt, Luật Bình đẳng giới ra đời là sự khẳng định rõ ràng nhất, tập trung nhất nỗ lực và bước tiến không ngừng của Chính phủ Việt Nam trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng nam nữ, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và đưa ra những biện pháp thiết thực có tính đến những đặc thù về giới tính của phụ nữ. Theo Tổng Cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, công tác dân số hiện nay phải giải quyết đồng bộ và toàn diện các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế – xã hội. Để giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, cần can thiệp, giải quyết nguyên nhân căn bản, gốc rễ của vấn đề là “định kiến giới, tâm lý ưa thích con trai hơn con gái” đã “ăn sâu” vào tiềm thức của mỗi cá nhân và trở thành quan niệm truyền thống của người Việt Nam. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông theo các nhóm đối tượng; đặc biệt cần quan tâm đến việc nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh đã được quy định trong các luật, pháp lệnh, quy định về cấm lựa chọn giới tính khi sinh; tranh thủ sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế để vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách dân số… Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chỉ được giải quyết triệt để khi Việt Nam triển khai đồng bộ các giải pháp lâu dài và bền bỉ với sự quyết tâm và vào cuộc của cả hệ thống chính trị. |