Đề cương ôn tập học kì 1 môn Ngữ văn 9 sách Cánh diều Ôn tập cuối kì 1 Ngữ văn 9
Đề cương ôn tập cuối kì 1 Văn 9 Cánh diều bao gồm 2 đề thi minh họa bám sát nội dung học trong chương trình sách giáo khoa hiện hành.
Đề cương ôn tập Ngữ văn 9 Cánh diều học kì 1 năm 2024 bao gồm 4 trang giúp học sinh tự ôn luyện củng cố lại kiến thức, tránh cảm giác hoang mang trước khối lượng kiến thức khổng lồ. Đồng thời đề cương ôn tập học kì 1 Ngữ văn 9 được biên soạn rõ ràng, dễ hiểu giúp các em tự tin hơn trong kì thi học kì 1 sắp tới. Vậy sau đây là trọn bộ đề cương học kì 1 Ngữ văn 9 Cánh diều mời các bạn theo dõi tại đây.
Đề cương ôn tập cuối kì 1 Ngữ văn 9 Cánh diều
A. PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)
Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ
Chân trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.
(Trích Truyện Kiều, Nguyễn Du)
Câu 1 (0,5 điểm): Tìm hai điển cố, điển tích trong doạn thơ và nêu hiệu quả nghệ thuật của cách sử dụng điển cố đó?
Câu 2 (0,5 điểm): Trong đoạn thơ trên, tại sao khi nói tới nỗi nhớ của Kiều hướng tới Kim Trọng, tác giả sử dụng từ “tưởng”, còn khi nói tới nỗi nhớ của Kiều dành cho cha mẹ, nhà thơ lại dùng từ “xót”?
Câu 3 (1,0 điểm): Hai câu thơ “Chân trời góc bể bơ vơ/Tấm son gột rửa bao giờ cho phai” có thể hiêu theo mấy cách? Qua nỗi nhớ và những kí ức của Kiều về Kim Trọng, em thấy kiều là người như thế nào?
Câu 4 (1,0 điểm): Em có nhận xét gì về cách sử dụng từ ngữ của tác giả khi diễn tả nỗi nhớ thương của Kiều.
Câu 5 (1,0 điểm): Tình cảm của Kiều đối với cha mẹ như thế nào? Hãy diễn đạt tình cảm của Kiều bằng lời văn của mình?
PHẦN VIẾT (6.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm): Từ nội dung đoạn thơ ở phần đọc hiểu, kết hợp với những hiểu biết xã hội của bản thân, em hãy viết một đoạn văn khoảng 2/3 trang giấy thi nêu suy nghĩ của em về ý nghĩa của gia đình trong cuộc sống.
Câu 2 (4.0 điểm): Em hãy phân tích văn bản truyện ngắn sau:
Bố tôi
Tôi đi học dưới đồng bằng. Còn bố tôi, từ nơi núi đồi hiểm trở, ông luôn dõi theo tôi.
Bao giờ cũng vậy, ông mặc chiếc áo kẻ ô phẳng phiu nhất, xuống núi vào cuối mỗi tuần. Ông rẽ vào bưu điện để nhận những lá thư tôi gửi. Lặng lẽ, ông vụng về mở nó ra. Ông xem từng con chữ, lấy tay chạm vào nó, rồi ép vào khuôn mặt đầy râu của ông. Rồi lặng lẽ như lúc mở ra, ông xếp nó lại, nhét vào bao thư. Ông ngồi trầm ngâm một lúc, khẽ mỉm cười rồi đi về núi.
Về đến nhà, ông nói với mẹ tôi: “Bà ơi, con mình vừa gửi thư về”. Ông trao thư cho bà. Bà lại cẩn thận mở nó ra, khen: “Con mình viết chữ đẹp quá! Những chữ tròn, thật tròn, những cái móc thật bén. Chỉ tiếc rằng không biết nó viết gì. Sao ông không nhờ ai đó ở bưu điện đọc giùm?”. Ông nói: “Nó là con tôi, nó viết gì tôi đều biết cả”. Rồi ông lấy lại thư, xếp vào trong tủ cùng với những lá thư trước, những lá thư được bóc ra nhìn ngắm, chạm mặt rồi cất vào, không thiếu một lá, ngay cả những lá đầu tiên nét chữ còn non nớt[...]
Hôm nay là ngày đầu tiên tôi bước chân vào trường đại học. Một ngày khai trường đầu tiên không có bố. Bố tôi đã mất. Nhưng tôi biết bố sẽ đi cùng tôi trên những con đường mà tôi sẽ đi, suốt cả hành trình cuộc đời.
Chú thích: Nguyễn Ngọc Thuần (sinh năm 1972- quê: Bình Thuận) là nhà văn đương đại với nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi hay, đạt được nhiều giải thưởng văn chương trong và ngoài nước. Các tác phẩm của ông mang đến một thế giới trong trẻo, tươi mới, ấm áp, đầy chất thơ như: Giăng giăng tơ nhện, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Một thiên nằm mộng, …
(Theo Bố tôi - Nguyễn Ngọc Thuần, NXB Hội nhà văn, 1992)
ĐỀ SỐ 2
I. ĐỌC – HIỂU (4,0 điểm)
Đọc văn bản:
Đầu lòng hai ả tố nga ,
Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân.
Mai cốt cách tuyết tinh thần,
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.
Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.
(Trích “Truyện Kiều”, Nguyễn Du, NXB Văn hoá – Thông tin Hà Nội, 1995, tr.11)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1 (0,5 điểm). Xác định thể loại và thể thơ của văn bản.
Câu 2 (0,5 điểm). Tìm những chi tiết miêu tả chân dung Thuý Vân trong những dòng thơ trên.
Câu 3 (1,0 điểm). Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ nhân hoá trong hai dòng thơ sau:
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.
Câu 4 (1,0 điểm). Nêu ngắn gọn nội dung của văn bản.
Câu 5 (1,0 điểm). Từ dòng thơ “Hoa cười, ngọc thốt đoan trang”, em hãy rút ra bài học về cách ứng xử khi giao tiếp trong cuộc sống.
PHẦN II. VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm). Em hãy viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày cảm nhận về nhân vật Thuý Kiều trong đoạn trích sau:
“Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.”
Câu 2 (4,0 điểm). Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ suy nghĩ của em về vấn đề: tuổi trẻ với cách đối mặt và vượt qua thử thách