Văn mẫu lớp 10: Giới thiệu, đánh giá nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật Trương Phi và Quan Công Những bài văn hay lớp 10

Giới thiệu, đánh giá nghệ thuật xây dựng tính cách các nhân vật Trương Phi và Quan Công trong đoạn trích Hồi trống Cổ Thành (Tam quốc diễn nghĩa - La Quán Trung) là chủ đề rất hay nằm trong chương trình Ngữ văn 10 Cánh diều.

Giới thiệu nghệ thuật xây dựng tính cách Trương Phi và Quan Công mang đến 2 đoạn văn mẫu hay nhất. Qua đó giúp các bạn học sinh lớp 10 có thêm nhiều gợi ý tham khảo, trau dồi kiến thức để biết cách viết đoạn văn hay từ đó nhanh chóng trả lời câu hỏi trang 61 Ngữ văn 10 Tập 2 sách Cánh diều.

Dàn ý nghệ thuật xây dựng tính cách Trương Phi và Quan Công

1. Mở đầu:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích.

- Nếu vấn đề trình bày: giới thiệu đánh giá nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật Trương Phi và Quan Công.

2. Triển khai:

a. Tính cách nhân vật Trương Phi và Quan Công:

* Nhân vật Quan Công:

- Trọng tình nghĩa, giàu tình cảm:

  • Khi nghe tin báo thì mừng rỡ, sai người đến Cổ Thành báo tin cho Trương Phi.
  • Gặp được Trương Phi sau thời gian dài, Quan Công vui mừng, "giao long đao cho Châu Thương cầm, tế ngựa lại đón".

- Bình tĩnh, điềm đạm, từ từ xử lí mọi việc:

  • Không đáp trả lại mà tránh mũi mâu của Trương Phi.
  • Cố gắng giải thích mọi việc.
  • Lời lẽ ôn nhu, lịch sự.

- Võ nghệ cao cường, chính trực:

  • Chấp nhận lời yêu cầu của Trương Phi.
  • Giết chết Dương Sái chỉ sau một hồi trống.

* Nhân vật Trương Phi:

- Cương trực:

  • Nghe tin Quan Công đứng trước cửa thành "chẳng nói năng gì, dẫn một nghìn quân, đi tắt ra cửa bắc".

- Nóng nảy, thiếu bình tĩnh:

  • Hò thét như sấm, múa xà mâu chạy lại đâm Quan Công.
  • Dùng lời lẽ lỗ mãng, thô bạo, xưng hô "mày" - "tao".
  • Kiên quyết không nghe lời nói của hai chị dâu.

- Kiên quyết, dứt khoát: Yêu cầu Quan Công giết chết Sái Dương để tỏ lòng "thực".

- Đa nghi:

  • Mặc dù Quan Công đã giết chết Sái Dương nhưng Phi không tin hẳn, hỏi kĩ việc ở Hứa Đô.
  • Chỉ đến khi nghe đầu đuôi mọi chuyện mới tin anh và mời hai chị vào thành.

- Biết chấp nhận và sửa chữa sai lầm: khóc, cúi đầu tạ lỗi với Quan Vân Trường.

b. Nhận xét nghệ thuật xây dựng tính cách:

- Để làm nổi bật tính cách, nhân vật phẩm chất của nhân vật, tác giả đã

  • Xây dựng thông qua lời nói và hành động.
  • Vận dụng thủ pháp tương phản đối lập.

3. Kết luận:

Khẳng định tài năng của tác giả và giá trị đoạn trích.

Giới thiệu nghệ thuật xây dựng tính cách Trương Phi và Quan Công

Em xin tự giới thiệu, em là Thanh Thanh. Trong tiết thực hành nói và nghe ngày hôm nay, em xin gửi đến cô và các bạn bài giới thiệu, đánh giá nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật Trương Phi và Quan Công trong đoạn trích "Hồi trống Cổ Thành" ("Tam quốc diễn nghĩa" - La Quán Trung). Kính mong cô và các bạn cùng lắng nghe bài trình bày của em!

Thông qua quá trình đọc văn bản, có lẽ chúng ta sẽ không khó để nhận ra sự đối lập trong tính cách giữa hai nhân vật Trương Phi và Quan Công. Ở Quan Công, đó là vẻ đẹp của một con người trọng nghĩa, điềm đạm, bình tĩnh trước mọi việc. Nét tính cách này được thể hiện rõ nhất qua một số hành động, chi tiết như: Quan Công trông thấy Trương Phi thì vô cùng vui mừng, đưa mũ cho Châu Thương rồi tế ngựa lại đón; tránh mũi mâu và nhắc đến "nghĩa vườn đào"; từ tốn giải thích mọi việc với Trương Phi,... Lời nói của Quan Công hết sức ôn hòa, lịch sự. Dù cho Trương Phi có nói như thế nào thì Quan Công vẫn gọi Trương Phi bằng "hiền đệ". Ngoài ra, ở Quan Công, ta còn thấy được khí phách hiên ngang cùng tài nghệ cao cường. Quan Công không ngần ngại chấp nhận lời yêu cầu của Trương Phi và chém chết Sái Dương chỉ sau một hồi trống.

Trái ngược với Quan Công, Trương Phi hết sức nóng nảy, thiếu bình tĩnh. Vừa nhìn thấy Quan Công, Trương Phi đã "hò thét như sấm, múa xà mâu chạy lại đâm Quan Công". Trương Phi quát tháo ầm ầm, liên tục gọi Trương Phi bằng "mày", xưng "tao". Lời lẽ có phần thô tục, lỗ mãng. Ở Trương Phi là sự cứng rắn, liên quyết, dứt khoát đối với mọi việc. Ngay khi nhìn thấy đoàn quân của Sái Dương phía sau, Trương Phi yêu cầu Quan Công phải kết liễu được tên tướng sau khi dứt hồi trống thứ ba. Đó là cách duy nhất mà Quan Công có thể chứng tỏ lòng "thực" của mình. Mặc dù mạnh mẽ như vậy nhưng biết được bản thân đã hiểu lầm anh, Trương Phi cũng hết sức ân hận, biết nhận sai và sửa chữa lỗi lầm.

Như vậy, tính cách của hai nhân vật hiện lên thật chân thực, sinh động thông qua lời nói và hành động. Ngoài ra, việc tác giả vận dụng thủ pháp tương phản đối lập cũng đã góp phần thể hiện phẩm chất nhân vật. Qua "Hồi trống Cổ Thành", tác giả La Quán Trung đã làm nổi bật được tấm lòng nhân nghĩa, sự cương trực và chân thành của hai nhân vật Trương Phi, Quan Công. Từ đó, gửi gắm đến người đọc những bài học ý nghĩa về cách ứng xử trong cuộc sống.

Thưa cô và các bạn, bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Em cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe. Em rất mong nhận được ý kiến đóng góp của mọi người để bài thuyết trình ngày càng hoàn thiện hơn.

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 13
  • Lượt xem: 4.169
  • Dung lượng: 126,2 KB
Sắp xếp theo