Văn mẫu lớp 12: Dàn ý nghị luận về vượt qua nghịch cảnh (2 Mẫu) Nghị luận về cách vượt qua nghịch cảnh trong cuộc sống

Văn mẫu lớp 12: Dàn ý nghị luận về vượt qua nghịch cảnh bao gồm 2 mẫu chi tiết đầy đủ nhất để các em học sinh tham khảo, ôn luyện kiến thức để biết cách triển khai bài văn nghị luận xã hội hay.

Nghịch cảnh là hoàn cảnh bất lợi, là những khó khăn, thách thức cản trở ta trên con đường chinh phục mục tiêu. Bởi vậy, mỗi lần đối diện với nghịch cảnh là một lần ta đối diện với chính mình, vượt lên nghịch cảnh là vượt lên cái tôi yếu đuối – hèn nhát và vỏ bọc hoàn hảo. Vậy sau đây là 2 dàn ý nghị luận về nghịch cảnh hay nhất mời các bạn theo dõi. Bên cạnh đó các bạn xem thêm dàn ý nghị luận giữ gìn bản sắc dân tộc.

Dàn ý nghị luận vượt qua nghịch cảnh trong cuộc sống

I. Mở bài

– Đại thi hào người Đức, Gớt từng nói: “Trí tuệ trưởng thành trong tĩnh lặng, tính cách trưởng thành trong bão táp”. Môi trường và hoàn cảnh sống là những yếu tố quan trọng góp phần làm nên tính cách con người.

– Khẳng định vai trò của hoàn cảnh đối với việc rèn luyện bản lĩnh cho con người, danh ngôn Pháp có câu: “Nghịch cảnh không chỉ là một phép thử của tình cảm mà còn là thước đo của trí tuệ và bản lĩnh con người”.

II. Thân bài

1. Giải thích

– Giải thích từ ngữ:

  • Nghịch cảnh: là hoàn cảnh trớ trêu, éo le, những nghịch lí cản trở cuộc sống của con người; là những rủi ro con người không mong muốn trong cuộc sống.
  • Phép thử: là thử thách cho lòng kiên trì và bản lĩnh của con người trước những hoàn cảnh có vấn đề.

– Nội dung cả câu: Câu nói khẳng định ý nghĩa của nghịch cảnh trong quá trình nhận thức và tự nhận thức của con người: Qua nghịch cảnh, con người không chỉ hiểu biết thêm về tâm hồn, tình cảm của mình, của người khác mà quan trọng hơn thấy được trí tuệ và bản lĩnh trong cuộc sống.

2. Bàn luận

a) Biểu hiện của nghịch cảnh

– Nghịch cảnh là một phần tất yếu của cuộc sống mà ai cũng phải trải qua trong cuộc đời, như: ốm đau, tai nạn, chiến tranh, xung đột…

– Nghịch cảnh cuộc đời là điều không thể tránh. Không ai tránh được những bất trắc trong cuộc sống.

  • Những nghịch cảnh học sinh gặp phải trong học tập: Có khi kết quả đạt được không đồng nhất với những nỗ lực mình bỏ ra.
  • Những nghịch lí trong tình yêu: Những cách trở, bước cản trong tình yêu mà những người yêu nhau thường phải đối diện.
  • Những thất bại trong đường đời: người thì bị mất việc, kinh doanh thất bại, mất đi người thân, khủng hoảng tài chính, người thì đổ vỡ trong các mối quan hệ, hoặc thậm chí sức khỏe sa sút.

– Đôi khi những thử thách đó lại nằm ngoài tầm kiểm soát của ta, nên dù cố gắng đến mấy, ta vẫn phải chấp nhận và đối đầu với nó.

b) Vai trò của nghịch cảnh

– Nghịch cảnh là phép thử của tình cảm:

  • Qua nghịch cảnh, ta hiểu thêm về trái tim, tình cảm của người, thấy được tình cảm của tập thể và của cả dân tộc.
  • Khi thất bại trên đường đời, con người mới nhận ra những giá trị đích thực của cuộc sống, những tình cảm chân – giả mà người, tập thể dành cho mình. Khi đó, chúng ta sẽ trân trọng hơn những tình cảm chân thành mà ta nhận được, sáng suốt hơn khi nhận rõ bạn – thù vốn bị cái hỗn tạp của đời sống làm mờ khuất đi.

– Nghịch cảnh là thước đo của trí tuệ và bản lĩnh con người:

  • Đối diện và vượt qua nghịch cảnh, dân tộc đó sẽ chứng tỏ được tầm vóc của trí tuệ và bản lĩnh của mình. Trong cuộc chiến chống xâm lược, dân tộc ta đã chứng minh được bản lĩnh khi đối đầu với những kẻ thù xâm lược mạnh hơn mình.
  • Đối diện và vượt qua nghịch cảnh, con người sẽ khẳng định được sức mạnh của ý chí, nghị lực và bản lĩnh. Cách con người nhìn nghịch cảnh, cách con người vượt qua nghịch cảnh chính là những bài học vô giá về sức mạnh trí tuệ và bản lĩnh con người.

c) Mở rộng, phản đề

– Tuy nhiên, không chỉ trong nghịch cảnh, con người mới nhận thức được nhiều điều mà ngay trong hoàn cảnh bình thường của cuộc sống thường ngày, chỉ cần con người luôn có ý thức học hỏi, trau dồi kiến thức, cầu tiến, tỉnh táo trong nhận thức… thì con người hoàn toàn có thể rút ra kinh nghiệm cho bản thân và rèn giũa năng lực trí tuệ lẫn bản lĩnh của mình.

– Phê phán quan niệm và hành động sai lầm: chạy trốn hay đầu hàng nghịch cảnh, thiếu tỉnh táo, sáng suốt khi gặp cảnh éo le, ngang trái, dễ thất bại trong công việc, thậm chí bị kẻ thù lợi dụng.

III. Kết bài: Bài học nhận thức và hành động

- Tự làm giàu cho tâm hồn và trí tuệ để có đủ sức mạnh vượt qua nghịch cảnh.

- Sống yêu thương, đoàn kết, tỉnh táo để cùng nhau chiến thắng nghịch cảnh với cả cộng đồng.

Dàn ý nghị luận về vượt qua nghịch cảnh

I. Mở bài

- Giới thiệu câu nói: Nhấn mạnh đến vai trò của hoàn cảnh sống đối với việc hình thành tính cách và bản lĩnh con người, danh ngôn Pháp có câu “Nghịch cảnh không chỉ là một phép thử của tình cảm mà còn là thước đo của trí tuệ và bản lĩnh con người”.

II. Thân bài

– Cắt nghĩa câu nói:

+ “Nghịch cảnh” là hoàn cảnh éo le, trớ trêu mang đến những khó khăn, thách thức cho cuộc sống của con người.

+ “Phép thử” là thử thách cho lòng kiên trì và bản lĩnh của con người trước những hoàn cảnh có vấn đề.

–> Câu nói đã khẳng định vai trò của hoàn cảnh sống đối với sự hình thành nhân cách và bản lĩnh của con người.

– Nghịch cảnh là những hoàn cảnh không ai mong muốn nhưng nó vẫn xảy đến như một lẽ tất yếu của cuộc sống.

– Trong những hoàn cảnh khó khăn, không mong muốn của cuộc sống, chúng ta sẽ hiểu hơn về tình cảm của bản thân, nhận thức được về tình cảm chân thành từ những người bạn, người thân.

– Trải qua những biến cố ta sẽ thêm trân trọng những người thân yêu.

– Đối diện với những nghịch cảnh, con người sẽ nhận ra những giá trị đích thực của cuộc sống để từ đó ta biết trân trọng hơn những thứ ta đang có và nhận thức được những hạn chế để khắc phục và phát triển trong tương lai.

III. Kết bài

- Không chỉ trong nghịch cảnh mà ngay cả trong những hoàn cảnh thường, để trưởng thành về tính cách, phát triển về trí tuệ chúng ta cần không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức đồng thời có ý thức phê phán những hành động trốn chạy hoàn cảnh, trở thành con rùa rụt cổ.

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt xem: 1.472
  • Dung lượng: 125,1 KB
Sắp xếp theo