Các dạng bài tập tiếng Việt 7 học kì 1 Ôn tập phần Tiếng Việt lớp 7

Các dạng bài tập tiếng Việt 7 học kì 1 là tài liệu vô cùng hữu ích, tổng hợp 138 trang tóm tắt toàn bộ kiến thức lý thuyết và các dạng bài tập tiếng Việt 7 học kì 1

Ôn tập phần Tiếng Việt 7 học kì 1 được biên soạn đầy đủ kiến thức về ngữ pháp, ngữ âm và từ vựng tiếng Việt với đầy đủ các bài học trong phần Tiếng Việt theo chương trình sách giáo khoa, mỗi bài được cấu tạo gồm các phần: củng cố kiến thức, các dạng bài tập và đáp án chi tiết kèm theo. Tài liệu này dùng chung cho các bộ sách lớp 7 chương trình mới. Vậy sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng đón đọc tại đây.

Ôn tập phần Tiếng Việt 7 học kì 1

A. Từ ghép

I. CỦNG CỐ, MỞ RỘNG

1. Khái niệm

- Từ ghép là sản phẩm của phương thức ghép, là phương thức cấu tạo từ mới bằng cách ghép hai hoặc hơn hai hình vị với nhau. Ví dụ:

hoa + hồng à hoa hồng

đất + nước à đất nước

2. Phân loại

2.1. Căn cứ vào tính chất hình vị, đặc trưng về nghĩa của các hình vị, người ta chia từ ghép tiếng Việt thành hai loại lớn:

a. Từ ghép thực:

- Là từ ghép do hai hoặc hơn hai hình vị thực (là những hình vị có ý nghĩa từ vựng hoặc vốn có ý nghĩa từ vựng) kết hợp với nhau theo phương thức ghép: hoa hồng, đất nước, nhà máy…

b. Từ ghép hư:

- Là những từ ghép do hai hình vị hư (những hình vị chỉ có ý nghĩa ngữ pháp mà không có ý nghĩa từ vựng) ghép lại với nhau: bởi vì, cho nên, để mà, đề cho, nếu mà…Những từ này có số lượng rất ít trong tiếng Việt.

2.2. Căn cứ vào tính chất của mối quan hệ giữa các hình vị, vào đặc trưng ngữ nghĩa của từ, người ta chia từ ghép thực thành hai loại:

a. Từ ghép chính phụ (từ ghép phân nghĩa)

- Là từ ghép gồm tiếng chính và tiếng phụ bổ sung nghĩa cho tiếng chính.

- Về mặt ý nghĩa, từ ghép chính phụ có tính chất phân nghĩa. Tiếng chính có ý nghĩa chỉ loại, tiếng phụ thu hẹp ý nghĩa của tiếng chính; làm cho từ ghép chính phụ có ý nghĩa chỉ loại nhỏ trong loại mà tiếng chính biểu thị. Ví dụ: máy ảnh, máy bơm, máy tiện, máy phay, máy nổ, máy khoan, máy cán, máy kéo, máy khâu, máy xúc…là loại nhỏ của máy.

- Ngoài ra, tiếng phụ còn có tác dụng làm cho từ ghép chính phụ biểu thị các sắc thái khác nhau đối với nghĩa của tiếng chính. Ví dụ: đỏ au, đỏ hỏn, đỏ tươi…là các sắc thái khác nhau của đỏ.

b. Từ ghép đẳng lập (từ ghép hợp nghĩa)

- Về mặt cấu tạo, từ ghép đẳng lập có các tiếng bình đẳng với nhau (không có tiếng chính, tiếng phụ)

- Về mặt ý nghĩa, từ ghép đẳng lập có tính chất hợp nghĩa, mang tính khái quát, tổng hợp. Ví dụ: đêm ngày, áo quần, nhà cửa, phố phường, trông nom, mua bán, đi lại, tươi sáng, vui buồn, sách vở…

- Do vậy, từ ghép đẳng lập không thể trực tiếp kết hợp với các số từ. Không thể nói: một sách vở.

- Nghĩa của từ ghép đẳng lập có thể là nghĩa của một tiếng trong nó (xét ở thời điểm hiện nay), nhưng vẫn mang tính khái quát. Ví dụ: chợ búa, gà qué…có nghĩa chỉ chợ nói chung, gà nói chung. Vì thế chúng không để dùng nói về chợ hay gà cụ thể được. Không thể nói: Hôm nay tôi đi hai cái chợ búa mà không mua được rau.

3. Các từ ghép chính phụ sau khi được tạo ra vẫn có thể được dùng để tiếp tục tạo ra các từ ghép chính phụ nữa: máy khoan à máy khoan tay, máy khoan điện…

II. CÁC DẠNG BÀI TẬP

Bài 1: Xác định rõ 2 kiểu từ ghép đã học (từ ghép có nghĩa phân loại, từ ghép có nghĩa tổng hợp) trong các từ ghép sau: nóng bỏng, nóng ran, nóng nực, nóng giãy, lạnh buốt, lạnh ngắt, lạnh giá.

Bài 2: Em hãy ghép 5 tiếng sau thành 9 từ ghép thích hợp: thích, quý, yêu, thương, mến.

Bài 3: Phân các từ ghép sau thành 2 loại:

Học tập, học đòi, học hỏi, học vẹt, học gạo, học lỏm, học hành, anh cả, anh em, anh trai, anh rể, bạn học, bạn đọc, bạn đường.

Bài 4: Phân loại từ ghép sau đây theo cấu tạo của chúng.

- Ốm yếu, xe lam, tốt đẹp, kỉ vật, xăng dầu, binh lính, núi non, kì công, sắc lẻm, bởi vì, xem bói, cá lóc, chợ búa, vui tươi, móc ngoặc, bánh cuốn, hèn mọn, cơm nước, xe ngựa, vườn tược, vôi hóa, dưa gang, non song, cấp bậc, rau muống, tái diễn, sưng vù, sưng húp.

- Giác quan, cảm tính, thiết giáp, suy nghĩ, can đảm.

Bài 5: Trong các từ ghép sau đây từ nào có thể đổi trật tự các tiếng? vì sao?

- Tướng tá, ăn nói, đi đứng, binh lính, giang sơn, ăn uống, đất nước, quần áo, vui tươi, sửa chữa, chờ đợi, hát hò.

- Cha con, giàu nghèo, vua tôi, thưởng phạt, vững mạnh,

Bài 6: Cho các từ sau đây: Xe đạp, cơm nếp, khoai tây, cá quả, cũ rích, xanh tưng, già cấc, mỏng tanh.

- Em có nhận xét gì về nghĩa của các tiếng: đạp, nếp, tây, quả và các tiếng: rích, tưng, cấc, tanh.

Bài 7. Hãy sắp xếp các từ ghép : xe máy, xe cộ, cá chép, nhà cửa, nhà máy, cây cam, cây tre, quần âu, cây cỏ, quần áo, xanh lè, xanh đỏ, xanh um, đỏ quạch, đỏ au, đỏ đen, đỏ hỏn thành hai nhóm và điền vào chỗ trống theo mẫu cho dưới đây :

Từ ghép chính phụ: xe máy…

Từ ghép đẳng lập: xe cộ…

Bài 8. Tìm 3 từ ghép mà khi sử dụng, có thể chỉ cần dùng tiếng phụ là đã bao gồm nghĩa của cả tiếng chính.

Mẫu: Bác cân cho cháu một con chép. (chép đã bao hàm nghĩa “cá chép”)

Bài 9. Tìm 5 từ ghép chính phụ có tiếng chính là đỏ. Giải thích nghĩa của từng từ và đặt câu với mỗi từ.

Bài 10. Đặt với mỗi từ ghép đẳng lập: chợ búa, gà qué, giấy má một câu.

Bài 11. Nghĩa của các từ ghép đẳng lập: làm ăn, ăn nói, ăn mặc có phải do nghĩa của từng tiếng cộng lại không ? Đặt câu với mỗi từ.

III. GỢI Ý ĐÁP ÁN

Bài 1:

- Từ ghép chính phụ: nóng bỏng, nóng ran, nóng giãy, lạnh buốt, lạnh ngắt

- Từ ghép đẳng lập: nóng nực, lạnh giá.

Bài 2: Yêu thích, yêu quý, yêu thương, yêu mến, mến yêu, mến thương, quý mến, thương yêu, yêu thương.

Bài 3:

- Từ ghép chính phụ: học đòi, học vẹt, học gạo, học lỏm, anh cả, anh trai, anh rể, bạn học, bạn đọc.

- Từ ghép đẳng lập: học tập, học hỏi, học hành, anh em, bạn đường.

Bài 4: Tham khảo cách phân loại sau:

- Từ ghép chính phụ: xem lam, xem bói, cá lóc, bánh cuốn, xe ngựa, dưa gang, rau muống, sưng vù, sưng húp, thiết giáp, kỉ vật, kì công, sắc lẻm, vôi hóa, cảm tính

- Từ ghép đẳng lập: ốm yếu, tốt đẹp, xăng dầu, binh lính, núi non, bởi vì, chợ búa, vui tươi, móc ngoặc, hèn mọn, cơm nước, vườn tược, non sông, cấp bậc, tái diễn, giác quan, suy nghĩ, can đảm.

Bài 5: - Các từ có thể đổi trật tự các tiếng: quần áo, vui tươi, chờ đợi, giàu nghèo, thưởng phạt.

Bài 6:

- Các tiếng: đạp, nếp, tây, quả có tính chất phân nghĩa trong từ ghép chính phụ

- Các tiếng: rích, tưng, cấc, tanh biểu thị các sắc thái khác nhau trong từ ghép chính phụ.

Bài 7. Dựa vào khái niệm về từ ghép chính phụ và từ ghép đẳng lập để phân loại các từ đã cho. Viết vào vở theo mẫu cho trong bài tập, rồi tự điền các từ đã được phân loại vào bảng.

Bài 8. Chú ý tìm các từ ghép chính phụ chỉ các loại “cá, chim”. Ví dụ : đại bàng, sẻ, trắm, mè, trôi, trê…

Bài 9. Tham khảo các từ sau : đỏ hoe, đỏ hỏn, đỏ loè, đỏ lòm, đỏ lựng, đỏ ngầu, đỏ quạch, đỏ rực, đỏ ửng, đỏ tươi v.v…

Tra từ điển để tìm hiểu nghĩa của chúng và đặt câu.

Bài 10. Tham khảo câu sau :

a. Công việc chợ búa dạo này thế nào?

b. Ông đến chơi là vui rồi, còn gà qué làm gì cho mất công.

c. Sao cậu làm gì mà phòng đầy giấy má lung tung thế?

Bài 11. Lưu ý nói: làm ăn là có nghĩa “làm nói chung”, ăn nói có nghĩa “nói nói chung”, ăn mặc có nghĩa “mặc nói chung”. Cho nên chúng không phải nghĩa của từng tiếng cộng lại.

* Đặt câu

a. Công việc làm ăn dạo này ra sao?

b. Cậu nên ăn nói lịch sự với người lớn tuổi.

c. Con nên chịu khó quan tâm đến ăn mặc một chút.

.........

B. Từ láy

I. CỦNG CỐ, MỞ RỘNG

1. Khái niệm

- Từ láy là sản phẩm của phương thức láy, là phương thức láy lại toàn bộ hay bộ phận hình thức ngữ âm của hình vị gốc. (Hình vị gốc là hình vị mang nghĩa từ vựng)

- Ví dụ: xanh → xanh xanh

may → may mắn

rối → bối rối

2. Các vấn đề xác định từ láy

Xung quanh việc xác định, nhận diện từ láy có một số điểm đáng lưu ý sau:

a. Trong tiếng Việt có một số từ mà giữa hai yếu tố cấu thành có quan hệ với nhau về âm. Ví dụ:

  • lững thững, thướt tha, nhí nhảnh, đủng đỉnh, bâng khuâng, lác đác…
  • róc rách, thì thào, khúc khích, líu lo, lách cách, lộp bộp…
  • ba ba, cào cào, chôm chôm, châu chấu, đu đủ, thằn lằn…

Trong từng tiếng trên, tư cách hình vị của mỗi yếu tố (ví dụ: yếu tố “lững” và yếu tố “thững” trong từ “lững thững”) đều không rõ ràng. Mặt khác, ở mỗi từ láy này, không xác định được yếu tố nào là hình vị gốc. Vì vậy, đối chiếu với định nghĩa về từ láy nói trên, những từ này không được coi là từ láy. Có quan điểm gọi những từ này là từ đơn có hình thức láy. Nhưng nếu chỉ nhấn mạnh về quan hệ ngữ âm giữa hai yếu tố (sự hài hòa âm thanh) và một số đặc trưng về nghĩa của những từ trên cùng với cấp độ nhận thức của học sinh tiểu học hay THCS thì có thể coi đó là những từ láy (từ láy không điển hình về mặt cấu tạo).

b. Có một số từ mà cả hai hình vị đều có nghĩa từ vựng, ví dụ: mặt mũi, tốt tươi, đi đứng, thúng mủng, tươi cười…Hai hình vị trong những từ này có quan hệ với nhau về nghĩa. Những từ này là từ ghép mà chúng có hình thức ngẫu nhiên giống từ láy.

c. Một số từ khác có một trong hai hình vị đá bị mất nghĩa (hình vị mất nghĩa thường đứng sau): chùa chiền, tuổi tác, đất đai, chim chóc…và tất cả những từ như: thịt thà, gậy gộc, cây cối, máy móc, bạn bè…Nếu nhìn nhận những từ này dưới góc độ lịch đại và nhấn mạnh những đặc trưng ngữ nghĩa của chúng thì có thể coi đây là những từ ghép. Dưới góc độ đồng đại và nhấn mạnh vào mối quan hệ ngữ âm của hai hình vị, ta có thể coi đây là những từ láy có nghĩa khái quát.

c. Có một số từ mà các âm tiết trong từng từ được biểu hiện trên chữ viết không có phụ âm đầu:

+ ồn ã, ấm áp, ép uổng, êm ái, im ắng, ế ẩm, êm ả, ít ỏi, oằn oại, oi ả, yên ả, yếu ớt, ẩm ướt, ấm ức, o ép…(những từ xác định được hình vị gốc)

+ ấp úng, ẽo ợt, ỉ eo, oái oăm, óc ách, ỏn ẻn, õng ẹo, ỡm ờ, ậm ọe, ánh ỏi…(những từ không xác định được hình vị gốc)

→ Thoạt nhìn và đối chiếu với định nghĩa về từ láy, ta dễ dàng khẳng định những từ trên không phải là từ láy. Nhưng nếu quan sát kĩ, ta thấy các từ trên đều giống nhau về hình thức ngữ âm: cùng khuyết phụ âm đầu. Cạnh đó đặc trưng ngữ nghĩa của những từ này cũng gần giống với đặc trưng ngữ nghĩa của từ láy. (trong đó các từ thuộc nhóm (1) mang nhiều đặc trưng của từ láy hơn các từ thuộc nhóm (2)). Đối với các nhóm từ này, hiện có hai quan điểm: Một cho rằng ở vị trí đầu mỗi âm tiết, tồn tại một phụ âm tắc – thanh hầu, nhưng phụ âm đó không được biểu hiện trên chữ viết (giống thanh ngang là thanh không dấu). Ý kiến kia cho rằng ở vị trí này của âm tiết không có phụ âm đầu.

d. Khi nhận biết từ láy, không nên để hình thức chữ viết của từ “đánh lừa”. Ví dụ, cần hiểu rằng những từ như: cuống quýt, cập kênh, cồng kềnh là những từ láy âm (phụ âm đầu “cờ” được lặp lại, được ghi bằng những chữ khác nhau).

3. Phân loại

Từ láy toàn bộ

Từ láy bộ phận

Từ láy phụ âm đầu

Từ láy vần

- Các tiếng trong từ láy giống nhau hoàn toàn: xanh xanh, vàng vàng, xinh xinh…

- Các tiếng trong từ láy khác nhau về thanh điệu: đo đỏ, trăng trắng…

- Các tiếng trong từ láy khác nhau về âm cuối và thanh điệu:

[m-p]: đèm đẹp…

[n-t]: tôn tốt…

[ng-c]: khang khác…

[nh-ch]: khanh khách…

Các tiếng trong từ láy giống nhau phụ âm đầu: mếu máo, xấu xa, nhẹ nhàng, bập bềnh, gập ghềnh…

- Các tiếng trong từ láy giống nhau về phần vần: linh tinh, liêu xiêu, lao xao, lộn xộn…

4. Nghĩa của từ láy

- Nghĩa của từ láy được tạo nên nhờ sự hòa phối âm thanh của các tiếng

+ Bản thân từ láy tượng thanh có mặt âm thanh gần hoặc trùng khớp với âm thanh trong tự nhiên mà nó biểu thị: rào rào, ào ào, ầm ầm, róc rách…

+ Khuôn vần của các tiếng trong từ láy phụ âm đầu ảnh hưởng nhất định đến ý nghĩa của từ láy:

* Khuôn vần “i” (li ti, ti hí…) thường miêu tả tính chất nhỏ hẹp.

* Khuôn vần âp –ênh (gập ghềnh, bập bềnh, bấp bênh, khấp khểnh, tập tễnh, khập khiễng…) thường miêu tả sự dao động theo chiều lên xuống.

* Khuôn vần âp – ay (nhấp nháy, mấp máy, lấp láy…) thường miêu tả sự dao động nhỏ, không ổn định, lúc ẩn lúc hiện.

+ Nghĩa của từ láy có thể có những sắc thái giảm nhẹ hoặc nhấn mạnh (về cường độ) so với nghĩa của tiếng gốc.

* Giảm nhẹ: xanh xanh, trăng trắng, đo đỏ, đèm đẹp, hiền hiền…

* Nhấn mạnh: dửng dưng, cỏn con…

II. CÁC DẠNG BÀI TẬP

Bài 1. Xác định các từ láy trong các đoạn sau:

1.

Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

2.

Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

3.

Tà tà bóng ngả về tây
Chị em thơ thẩn dang tay ra về
Bước lần theo ngọn tiểu khê
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

4

. Nao nao dòng nước uốn quanh
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang
Sè sè nấm đất bên đường
Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

5.

Mùa xuân ơi, em mới đến dăm năm
Mà cuộc sống đã tưng bừng ngày hội.

(Tố Hữu)

6.

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng bến cô liêu.

(Huy Cận)

7.

Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si.

(Xuân Diệu)

8.

Ôi tuổi thơ, ta dầm mưa ta tắm
Ta lội tung tăng trên mặt nước mặt sông.
Ta lặn xuống, nghe vang xa tiếng sấm
Nghe mưa rơi, tiếng ấm tiếng trong.

(Ca Lê Hiến)

9.

Mịt mù dặm cát đồi cây
Tiếng gà điếm nguyệt, dấu giày cầu sương.

(Nguyễn Du)

10.

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền suôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng

(Huy cận)

11.

Đã có ai lắng nghe
Tiếng mưa trong rừng cọ
Như tiếng thác dội về
Như ào ào trận gió.

(Nguyễn Viết Bình)

12.

Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Côn sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm.

(Nguyễn Trãi)

13.

Con trâu đen lông mượt
Cái sừng nó vênh vênh
Nó cao lớn lênh khênh
Chân đi như đập đất.

(Trần Đăng Khoa)

14.

Đây con sông xuôi dòng nước chảy
Bốn mùa soi từng mảnh mây trời
Từng ngọn dừa gió đưa phe phẩy
Bóng lồng trên sóng nước chơi vơi.

(Hoài Vũ)

15.

Thuyền ta chầm chậm vào Ba Bể
Núi dựng cheo leo, hồ lặng im
Lá rừng với gió ngân se sẽ
Họa tiếng lòng ta với tiếng chim.

(Hoàng Trung Thông)

16.

Dáng tre vươn mộc mạc, màu tre tươi nhũn nhặn.

(Thép Mới)

17.

Gió rào rào nổi lên. Có một tiếng động gì lạ lắm. Những chiếc lá khô lạt xạt lướt trên cỏ. Cây xấu hổ co rúm mình lại. Nó bỗng thấy xung quanh lao xao. He hé mắt nhìn: không có gì lạ cả. Lúc bấy giờ nó mới mở bừng những con mắt lá và quả nhiên không có gì lạ thật.

(Trần Hoài Dương)

................

Mời các bạn tải File tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 123
  • Lượt xem: 1.608
  • Dung lượng: 1,4 MB
Liên kết tải về
Sắp xếp theo