Thuyết minh về Chủ tịch Hồ Chí Minh (2 Dàn ý + 10 mẫu) Bài văn thuyết minh hay nhất

TOP 10 bài Thuyết minh về Chủ tịch Hồ Chí Minh hay, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 9 hiểu rõ hơn về tinh thần yêu nước của Bác Hồ kính yêu - Vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời để các thế hệ sau học tập, noi theo để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Chi tiết mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để viết văn thuyết minh ngày càng hay hơn.

Dàn ý thuyết minh về Bác Hồ

Dàn ý 1

I. Mở bài:

* Giới thiệu chung về Hồ Chủ tịch:

  • Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lãnh tụ cách mạng vô sản kiệt xuất, chiến sĩ hòa bình, danh nhân văn hóa thế giới.
  • Với dân tộc Việt Nam: Người là Cha, là Bác, là Anh...
  • Đất nước ta tự hào về Bác.

II. Thân bài:

* Tinh thần yêu nước nồng nàn của Hồ Chủ tịch:

  • Vào đầu thế kỉ XX, thấm thía nỗi nhục nô lệ, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi khắp năm châu bốn biển tìm đường cứu nước.
  • Sau ba chục năm bôn ba hoạt động cách mạng ở nước ngoài, năm 1941, Bác về Việt Nam, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng giải phóng dân tộc.
  • Bác lãnh đạo toàn dân vùng lên làm Cách mạng tháng Tám năm 1945, lật đổ chính quyền thực dân, phong kiến, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có chủ quyền, độc lập, tự do. Bác Hồ là vị chủ tịch nước đầu tiên.
  • Bác sáng suốt và kiên trì lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ xâm lược.
  • Lí tưởng và mục đích phấn đấu cao cả của Bác là vì dân, vì nước.
  • Lòng nhân ái của Bác bao trùm khắp non sông, mọi tầng lớp nhân dân.
  • Phẩm chất thanh cao, giản dị, đức khiêm tốn của Bác có sức thuyết phục rất lớn.

* Sự tôn vinh của dân tộc và nhân loại đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

  • Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại, anh hùng cứu nước mà tên tuổi đời đời sống mãi với lịch sử và trong lòng nhân dân.
  • Bác là chiến sĩ hòa bình xuất sắc của thế giới, danh nhân văn hóa của nhân loại.

III. Kết bài:

  • Chúng ta tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh, kết tinh tinh hoa truyền thống bốn ngàn năm của dân tộc Việt Nam.
  • Bác Hồ là hình ảnh đẹp nhất về một con người chân chính của mọi thời đại.

Dàn ý 2

I. Mở bài

Đất nước Việt Nam tự hào khi có Bác Hồ, bởi Bác chính là tinh hoa truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta là lãnh tụ vĩ đại, anh hùng cứu nước, danh nhân văn hóa thế giới.

II. Thân bài

1. Đôi nét về tiểu sử của Hồ Chí Minh

  • Năm sinh, năm mất
  • Quê quán, gia đình

2. Vai trò của Hồ Chí Minh

* Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại:

  • Bác đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình đối với nhân dân, với đất nước.
  • Bác là người sáng lập ra Đảng Cộng Sản Việt Nam, cùng đảng dẫn đường chỉ lối cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thoát khỏi xiềng xích nô lệ của thực dân, phong kiến.
  • Bác đã trở thành vị chủ tịch nước đầu tiên của nước Việt Nam có chủ quyền, tự do, độc lập. Bác cống hiến cuộc đời mình cho lý tưởng cao đẹp: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng Việt Nam thành một quốc gia hùng cường.
  • Bác lãnh đạo nhân dân ta chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, khẳng định tên tuổi Việt Nam trên trường quốc tế.
  • Công lao của Bác có thể sánh với trời cao, biển rộng.

* Bác Hồ - tấm gương sáng ngời về quan điểm sống “Mình vì mọi người”

  • Nếp sống của Bác vô cùng giản dị,gần gũi với cuộc sống nhân dân.
  • Bác “hi sinh tất cả, chỉ quên mình”, lấy cống hiến cho đất nước làm niềm vui và hạnh phúc.
  • Đức tính giản dị và khiêm tốn của Bác có sức cảm hóa và thuyết phục mọi người rất lớn.
  • Ở Bác hội tụ đủ 3 yếu tố cao quý của phẩm giá: đại trí, đại nhân, đại dũng.

* Tình cảm của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới với Bác Hồ:

  • Yêu mến, khâm phục và biết ơn sâu sắc.
  • Bác được tôn vinh là lãnh tụ cách mạng kiệt xuất,chiến sĩ hòa bình,danh nhân văn hóa thế giới.
  • Bác sống mãi với đất nước và dân tộc.

III. Kết bài

  • Tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem lại vinh quang cho dân tộc và đất nước Việt Nam.
  • Các thế hệ sau đang ra sức thực hiện tâm nguyện của Bác Hồ, xây dựng Tổ quốc giàu mạnh, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Thuyết minh về Bác Hồ - Mẫu 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lãnh tụ vĩ đại, một danh nhân văn hóa thế giới. Ông như vị cha già dân tộc, có công lớn trong việc tìm đường cứu nước, đưa nhân dân thoát khỏi kiếp lầm than lầm than.

Chính nhờ con đường mà Người đã chỉ cho chúng ta mới có cơ hội đánh thắng hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ, đưa dân tộc ta thoát khỏi ách thống trị của các nước thuộc địa của đế quốc. Chỉ có con người mới tự do làm chủ cuộc đời mình, làm chủ vận mệnh cuộc đời mình.

Hồ Chí Minh là một nhà yêu nước vĩ đại, vì lòng yêu nước mà sinh thời, đất nước ta đang chìm trong đêm dài nô lệ. Người dân khốn khổ, đìu hiu, làm lụng quanh năm nhưng không đủ ăn, vì bị bóc lột, do chế độ phong kiến thối nát và chế độ thực dân Pháp cai trị.

Cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 nền kinh tế nước ta lâm vào tình trạng khủng hoảng. Chế độ phong kiến dưới thời vua Khải Định là một tên vua bù nhìn, ham danh lợi, ham của cải, ruồng bỏ thân phận của thần dân và đất nước. Thực dân Pháp cải trang thành dân văn minh, vào nước ta cai trị.

Chúng đã văn minh dân tộc ta bằng lối sống ăn chơi, đầu độc bằng rượu và ma tuý để dân ta sống trong nghiện ngập để chúng dễ bề cai trị. Những nhà yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, tuy là những người yêu nước nhưng cũng nhiều lần ra đi tìm đường cứu nước nhưng đều thất bại vì các bậc tiền bối chỉ sang Trung Quốc và các nước Đông Nam Á cứu nước, nên tôi không thấy phương pháp hữu hiệu để khôi phục đất nước.

Trong sự bế tắc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1911, khi mới 21 tuổi đã ra đi, ông không đi các nước láng giềng mà muốn đến Pháp, một đất nước để thuyết trình về văn minh, tự do, bình đẳng và bác ái, xiềng xích của nô lệ để ràng buộc đất nước của chúng tôi?

Anh muốn sang Pháp để hiểu rõ hơn về đối phương. Trong chuyến đi này, ông đã đến Nga và chứng kiến sự thành công của giai cấp vô sản trong Cách mạng Tháng Mười Nga. Từ đó Người đến với chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Người đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam.

Sau đó, Người về nước tham gia hợp nhất ba tổ chức Đảng tồn tại ở cả nước lúc bấy giờ: An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.

Ba tổ chức này đều do những trí thức tiểu tư sản yêu nước có tư tưởng yêu nước tiên tiến nhưng không biết lãnh đạo, đoàn kết trong một khối thống nhất, không biết trọng dụng nông dân, công nhân tưởng như không có kiến thức, nhưng sẽ những người rất dũng cảm cầm súng và dao giết giặc.

Chính nhờ sự hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam, lá cờ đỏ sao vàng đã trở thành quốc kỳ.

Nhờ sự ra đời của Đảng Cộng sản dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Từ Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thành lập.

Ngày 2-9-2015, chiến thắng thực dân Pháp năm 1954, thống nhất hai miền Nam-Bắc Triều Tiên mùa xuân năm 1975, tất cả những chiến công đó đều là do công lao của Lãnh tụ vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông thực sự là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, vị cha già của cả dân tộc. Cũng như thơ Tố Hữu viết về người:

Chú tôi, trái tim của chú rất lớn
Ôm trọn non sông, trọn kiếp con người.

Thuyết minh về Bác Hồ - Mẫu 2

Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc đời trong sáng cao đẹp của một người cộng sản vĩ đại, một anh hùng dân tộc kiệt xuất, một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, đã đấu tranh không mệt mỏi và hiến dâng cả đời mình vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, vì độc lập, tự do của các dân tộc, vì hòa bình và công lý trên thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung khi đi học là Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc và nhiều bí danh, bút danh khác) sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 ở Kim Liên huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, mất ngày 2 tháng 9 năm 1969 tại Hà Nội. Người sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước lớn lên ở một địa phương có truyền thống yêu nước anh dũng chống giặc ngoại xâm. Sống trong hoàn cảnh đất nước chìm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, thời niên thiếu và thanh niên của Người đã chứng kiến nỗi khổ cực của đồng bào và những phong trào đấu tranh chống thực dân nên sớm có lòng yêu nước, nhiệt huyết cách mạng.

Năm 1911 Người đã rời Tổ quốc đi sang phương Tây để tìm con đường giải phóng dân tộc. Từ năm 1912 đến năm l917, Nguyễn Tất Thành đến nhiều nước ở Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ, châu Phi - sống cùng với nhân dân lao động khắp nơi trên thế giới. Bác thông cảm sâu sắc cuộc sống khổ cực của nhân dân lao động và các dân tộc thuộc địa cũng như nguyện vọng thiêng liêng của họ. Người sớm nhận thức được cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam là một bộ phận trong cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới. Người đã hoạt động tích cực nhằm đoàn kết nhân dân các dân tộc giành tự do, độc lập.

Cuối năm 1917, Người từ Anh trở lại Pháp tiếp tục hoạt động trong phong trào Việt kiều và phong trào công nhân Pháp. Năm 1919, lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi tới Hội nghị Versailles bản yêu sách đòi quyền tự do cho nhân dân Việt Nam và cũng là quyền tự do cho nhân dân các nước thuộc địa. Dưới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, tháng 12 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp và Người bỏ phiếu tán thành Đảng gia nhập Quốc tế III, Quốc tế Cộng sản và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Từ một người yêu nước trở thành người cộng sản, Người khẳng định con đường cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại mới là con đường của chủ nghĩa Mác – Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.

Năm 1921, cùng với một số người yêu nước của các thuộc địa Pháp, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa. Tháng 4 năm 1922, Hội ra báo “Người cùng khổ” (Le Paria) nhằm đoàn kết, tổ chức và hướng dẫn phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các thuộc địa. Nhiều bài báo đã được đưa vào tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, xuất bản năm 1925. Đây là một công trình nghiên cứu về bản chất của chủ nghĩa thực dân, thức tỉnh và cổ vũ nhân dân các nước thuộc địa đứng lên tự giải phóng. Tháng 6 năm 1923, Nguyễn Ái Quốc từ Pháp sang Liên Xô, làm việc trong Quốc tế Cộng sản. Tháng 10 năm l923, tại Hội nghị Quốc tế nông dân lần thứ nhất Bác được bầu vào Hội đồng Quốc tế Nông dân. Người là đại biểu duy nhất của nông dân thuộc địa được cử vào Đoàn Chủ tịch của Hội đồng. Người tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V, Đại hội Quốc tế Cộng sản Thanh niên lần thứ IV, Đại hội Quốc tế Công hội đỏ. Người kiên trì bảo vệ và phát triển sáng tạo tư tưởng của V.I.Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, hướng sự quan tâm của Quốc tế Cộng sản tới phong trào giải phóng dân tộc. Nguyễn Ái Quốc là Ủy viên thường trực Bộ phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục phương Nam của Quốc tế Cộng sản.

Tháng 11 năm 1924, Bác về Quảng Châu (Trung Quốc) chọn một số thanh niên Việt Nam yêu nước đang sống ở Quảng Châu, trực tiếp mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ Việt Nam, các bài giảng của Người được tập hợp in thành cuốn sách “Đường Kách Mệnh” – một văn kiện lý luận quan trọng đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam. Năm 1925, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra báo “Thanh niên”, tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin về Việt Nam, chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 5 năm 1927, Nguyễn Ái Quốc rời Quảng Châu đi Mátxcơva (Liên Xô), sau đó đi Berlin (Đức), đi Brussel (Bỉ) tham dự phiên họp mở rộng của Đại hội đồng Liên đoàn chống chiến tranh đế quốc, sau đó đi Ý và từ đây về Châu Á. Từ tháng 7 năm 1928 đến tháng 11 năm 1929, Người hoạt động trong phong trào vận Đảng Việt kiều yêu nước ở Thái Lan, tiếp tục chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Mùa xuân năm 1930, Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng họp tại Cửu Long gần Hương Cảng, thông qua “Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt” của Đảng Cộng sản Việt Nam (Hội nghị của Đảng tháng 10 năm 1930 đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương), đội tiên phong của giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc Việt Nam lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc. Ngay sau khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cao trào cách mạng 1930 - 1931, đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh, cuộc tổng diễn tập đầu tiên của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Tháng 6 năm 1931, Nguyễn Ái Quốc bị chính quyền Anh bắt giam tại Hong Kong. Đây là một thời kỳ sóng gió trong cuộc đời hoạt Đảng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc. Mùa xuân năm 1933, Người được trả tự do.

Từ năm 1934 đến 1938, Người nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc thuộc địa tại Matxcơva. Kiên trì con đường đã xác định cho cách mạng Việt Nam, Người tiếp tục theo dõi chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước. Tháng 10 năm 1938, Người rời Liên Xô về Trung Quốc bắt liên lạc với tổ chức Đảng chuẩn bị về nước. Ngày 28 tháng 1 năm 1941, Người về nước sau hơn 30 năm xa Tổ quốc. Bao nhiêu năm thương nhớ đợi chờ khi qua biên giới, Người vô cùng xúc động. Tháng 5 năm 1941, Người triệu tập Hội nghị lần thứ Tám Ban chấp hành Trung ương Đảng. quyết định đường lối cứu nước trong thời kỳ mới, thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh). Tổ chức lực lượng vũ trang giải phóng, xây dựng căn cứ địa cách mạng. Tháng 8 năm 1942, lấy tên là Hồ Chí Minh, Người đại diện cho Mặt trận Việt Minh và Phân hội Việt Nam, thuộc Hiệp hội quốc tế chống xâm lược sang Trung Quốc tìm sự liên minh quốc tế, cùng phối hợp hành động chống phát xít trên chiến trường Thái Bình Dương. Người bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam trong các nhà lao của tỉnh Quảng Tây. Trong thời gian 13 tháng đi tù, Người đã viết tập thơ “Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù) với 133 bài thơ chữ Hán. Tháng 9 năm 1943, Người được trả tự do. Tháng 9 năm 1944. Người trở về căn cứ Cao Bằng. Tháng 12 năm 1944, Người chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cuộc chiến tranh thế giới thứ II bước vào giai đoạn cuối với những thắng lợi của Liên Xô và các nước đồng minh. Tháng 5 năm 1945, Hồ Chí Minh rời Cao Bằng về Tân Trào (Tuyên Quang). Tại đây theo đề nghị của Người, Hội Nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân Đã họp quyết định tổng khởi nghĩa. Đại hội Quốc dân đã bầu ra Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Tháng 8 năm 1945, Người lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Người đọc “Tuyên ngôn độc lập”, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.

Ngay sau đó, thực dân Pháp gây chiến tranh, âm mưu xâm chiếm Việt Nam một lần nữa. Trước nạn ngoại xâm Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi cả nước đứng lên bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc với tinh thần: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Người đã khởi xướng phong trào thi đua yêu nước cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, từng bước giành thắng lợi.

Đại hội lần thứ II của Đảng (1951), Người được bầu làm Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đã giành thắng lợi to lớn, kết thúc vẻ vang bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954), giải phóng hoàn toàn miền Bắc.

Từ năm 1954, Người cùng Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Đại hội Đảng Lao động Việt Nam lần thứ III, họp vào tháng 9 năm 1960, Người khẳng định: “Đại hội lần này là Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình, thống nhất nước nhà”. Tại Đại hội, Người được bầu lại làm Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Năm 1964, đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam. Người động viên toàn thể nhân dân Việt Nam vượt qua khó khăn gian khổ, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Người nói: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do! Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Từ năm 1965 đến năm 1969, cùng với Trung ương Đảng, Người tiếp tục lãnh đạo nhân dân Việt Nam thực hiện sự nghiệp cách mạng trong điều kiện cả nước có chiến tranh, xây dựng và bảo vệ miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất đất nước.

Có thể thấy, cả cuộc đời của Hồ Chủ tịch đều dành trọn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Hồ Chí Minh chính là vị lãnh tụ đáng kính của nhân dân Việt Nam.

Thuyết minh về Bác Hồ - Mẫu 3

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 trong một gia đình nhà nho, nguồn gốc nông dân, ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nơi có truyền thống đấu tranh kiên cường chống ách thống trị của thực dân phong kiến. Hoàn cảnh xã hội và sự giáo dục của gia đình đã ảnh hưởng sâu sắc đến Người ngay từ thời niên thiếu.

Với tinh thần yêu nước nồng nàn, thương dân sâu sắc, sự nhạy bén về chính trị, Người đã bắt đầu suy nghĩ về những nguyên nhân thành bại của các phong trào yêu nước lúc bấy giờ và quyết tâm ra đi tìm con đường để cứu dân, cứu nước.

Tháng 6 năm 1911, Người đi ra nước ngoài, suốt ba mươi năm hoạt động, Người đã đi đến nước Pháp và nhiều nước châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ. Người hòa mình với những phong trào của công nhân và nhân dân các dân tộc thuộc địa, vừa lao động kiếm sống, vừa học tập, hoạt động cách mạng và nghiên cứu các học thuyết cách mạng. Năm 1917, thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga và sự ra đời của Quốc tế Cộng sản đã đưa Người đến với chủ nghĩa Mác – Lênin. Từ đây, Người đã nhận rõ đó là con đường duy nhất đúng đắn để giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp.

Năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp và hoạt động trong phong trào công nhân Pháp. Tháng 6 năm 1919, thay mặt Hội Những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Người gửi tới Hội nghị Versailles (Pháp) Bản yêu sách của nhân dân An Nam, yêu cầu Chính phủ Pháp thừa nhận các quyền tự do và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Tháng 12 năm 1920, tại Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp tại thành phố Tours, Người bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến chủ nghĩa cộng sản.

Năm 1921, tại Pháp, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, nhằm tuyên truyền cách mạng trong nhân dân các nước thuộc địa. Người viết nhiều bài đăng trên các báo “Người cùng khổ”, “Đời sống thợ thuyền”. Đặc biệt, Người viết tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” lên án mạnh mẽ chế độ thực dân, thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân các nước thuộc địa. Tất cả các bài viết của Người đều được bí mật chuyển về nước và lưu truyền trong mọi tầng lớp nhân dân. Ngày 30 tháng 6 năm 1923, Người đến Liên Xô và bắt đầu một thời kỳ hoạt động, học tập và nghiên cứu về chủ nghĩa Mác – Lênin, về chế độ xã hội chủ nghĩa ngay trên đất nước Lênin vĩ đại. Tại Đại hội lần thứ I Quốc tế Nông dân (10/1923), Người được bầu vào Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân. Năm 1924, Người dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản và được cử làm cán bộ Ban phương Đông của Quốc tế Cộng sản, đồng thời là Ủy viên Đoàn chủ tịch Quốc tế Nông dân, Nguyễn Ái Quốc được giao theo dõi và chỉ đạo phong trào cách mạng ở một số nước Châu Á. Năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông, sáng lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ra báo Thanh niên để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin về trong nước, đồng thời mở lớp đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam.

Ngày 3 tháng 2 năm 1930, tại Cửu Long (Hồng Kông), Người triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước, thống nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 1930 đến năm 1940, Người tham gia công tác của Quốc tế Cộng sản ở nước ngoài, đồng thời theo dõi sát phong trào cách mạng trong nước và có những chỉ đạo đúng đắn cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta.

Sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, năm 1941 Người về nước, triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám, quyết định đường lối đánh Pháp, đuổi Nhật, thành lập Mặt trận Việt Minh, gấp rút xây dựng lực lượng vũ trang, đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng quần chúng, chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Thực hiện chỉ thị của Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 12 năm 1944, tại khu rừng Sam Cao, thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Tháng 8 năm 1945, Người cùng Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng và chủ trì Đại hội Quốc dân ở Tân Trào. Đại hội tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng và Tổng bộ Việt Minh, cử Hồ Chí Minh làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thay mặt Chính phủ lâm thời, Người đã phát lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Cuộc đời của Bác được biết đến không chỉ bằng những công lao to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Mà còn là bởi phong cách sống giản dị không giống với bất kì một vị nguyên thủ quốc gia nào trên thế giới. Vẻ đẹp trong phong cách Hồ Chí Minh đến từ sự giản dị trong cuộc sống hằng ngày. Hàng loạt những dẫn chứng cụ thể và toàn diện để chứng minh điều ấy. Với cương vị của một nhà lãnh đạo nhưng Bác Hồ lại “lấy chiếc nhà sàn nhỏ bé bằng gỗ bên cạnh chiếc áo làm “cung điện” của mình”. Chiếc nhà sàn “vỏn vẹn có vài phòng dùng làm nơi tiếp khách, nơi họp Bộ chính trị, nơi làm việc và ngủ”. Trang phục của Bác cũng đơn giản hết mực “với bộ áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp thô sơ”. Món ăn hàng ngày thì vô cùng đạm bạc - toàn là món ăn dân tộc không chút cầu kì: “cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa”. Bác sống ở đó một mình với “tư trang ít ỏi là một chiếc va li con và một bộ quần áo, vài vật kỉ niệm”. Dường như, ta có thể cảm nhận được hình ảnh của chính người nông dân Việt Nam trong con người Bác - một vị lãnh tụ của dân tộc. Lối sống giản dị của Người khiến mỗi người dân Việt Nam cảm nhận được sự gần gũi, thân tình không thể tìm thấy được trong bất kì một vị chủ tịch hay tổng thống nào trên thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương sáng ngời để các thế hệ sau học tập và làm theo.

Thuyết minh về Bác Hồ - Mẫu 4

Bác Hồ là một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời của Người là một cuộc đời trong sáng, cao đẹp của một vị anh hùng dân tộc, một chiến sĩ cộng sản lỗi lạc. Người đã dành cả cuộc đời mình để cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 tại làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và mất ngày 2 tháng 9 năm 1969 tại Hà Nội. Tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung, sinh thời Bác có rất nhiều tên gọi, mỗi tên gọi lại gắn với khoảng thời gian hoạt động cách mạng riêng và trong những hoàn cảnh riêng.

Người sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước và tại quê hương có truyền thống anh dũng chống giặc ngoại xâm. Sinh ra trong hoàn cảnh nước mất, nhân dân lầm than dưới ách đô hộ của Thực dân Pháp càng khiến lòng yêu nước được trỗi dậy và nung nấu ý chí đánh đuổi thực dân từ khi Bác còn rất trẻ. Cũng lúc ấy Bác Hồ đã chứng kiến rất nhiều những nỗi khổ cực của nhân dân và các cuộc đấu tranh chống thực dân của dân tộc chịu thất bại và đi vào bế tắc.

Cũng chính khi ấy, chàng thanh niên Nguyễn Sinh Cung quyết định ra đi tìm đường cứu nước vào năm 1911. Bác quyết định sang các nước phương Tây và sống hòa mình với nhân dân lao động. Trong suối ba mươi năm hoạt động ở nước ngoài Người đã đi đến nhiều nước, vừa học tập vừa hoạt động cách mạng, vừa nghiên cứu tìm đường cứu nước. Năm 1917 sau thắng lợi của cách mạng tháng mười Nga và sự ra đời của quốc tế cộng sản đã đưa Người đến với chủ nghĩa Mác – Lênin. Cũng từ đây Người nhận ra được con đường để giải phóng dân tộc đó chính là cách mạng vô sản. Năm 1919 Người gia nhập Đảng xã hội Pháp, tích cực tham gia đòi quyền tự do, bình đẳng cho dân tộc. Sau 30 năm ở nước ngoài thì Bác đã trở về nước lãnh đạo phong trào cách mạng của dân tộc. Quân và dân ta đã giành được nhiều thắng lợi và đặc biệt là sự thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Khi hòa bình được lập lại thì Bác đã đứng ra điều hành đất nước. Đưa ra nhiều chính sách, phát động nhiều phong trào và tiếp tục lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng miền Nam để thống nhất đất nước.

Có thể thấy Hồ chủ tịch là một người có lòng yêu nước nồng nàn. Một người lãnh đạo tài ba, dũng cảm. Ngoài ra Người còn được thế giới biết đến với vai trò của một nhà thơ lớn. Mặc dù thời gian Bác dành cho thơ ca không nhiều nhưng vốn là người có tâm hồn thơ nhạy cảm, lãng mạn và là người có phong thái ung dung, tự tại nên Người có nhiều bài thơ gắn với từng hoàn cảnh của cuộc đấu tranh của dân tộc cũng như hoạt động cách mạng của Người.

Khi hoạt động ở bên Trung Quốc, Bác Hồ đã từng bị chính quyền Tưởng bắt giam. Cũng lúc này người đã sáng tác một tập thơ có giá trị và được nhiều người biết đến, tập thơ “Nhật ký trong tù”. Có thể thấy dù hoàn cảnh như thế nào thì Người vẫn rất tự tại, vẫn rất nhạy cảm trước thiên nhiên, trước thời cuộc. Thơ của Người chính là sự kết hợp tinh túy giữa tinh hoa dân tộc và văn hóa thời đại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từ lâu đã trở thành tấm gương về nhiều mặt cho nhiều lớp người noi theo. Người không chỉ tài giỏi, dũng cảm, ý chí quyết tâm sắt đá mà còn là người mang nhiều phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Một người là chủ tịch của cả một quốc gia nhưng lại hết sức giản dị. Sự giản dị của Bác đã được bác Phạm Văn Đồng viết rất rõ trong bài “Đức tính giản dị của Bác Hồ”. Giản dị từ cách ăn mặc, sinh hoạt đến lời nói, cử chỉ. Những chiếc áo nâu sờn cũ, đôi dép cao su đã theo bác từ những ngày còn ở chiến khu đến khi về thủ đô. Nó đã theo Bác đi khắp nẻo đường. Rồi những bữa cơm giản dị, nơi ở là một căn nhà sàn nhỏ, đơn sơ. Bác luôn có thái độ gần gũi với nhân dân, yêu quý và chăm lo cho đời sống của mọi người, của các cháu thiếu nhi. Mỗi câu chuyện về Bác đều đem lại những cảm xúc nghẹn ngào thấm thía, những bài học cho chúng ta noi theo. Chính vì vậy chủ tịch Hồ Chí Minh được nhân dân yêu quý và gọi bằng tên gọi rất đỗi thân thương, kính trọng: Bác Hồ - vị cha già của dân tộc.

Hồ Chí Minh là một nhà yêu nước, nhà cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Nhắc đến Bác, nhân dân Việt Nam đều kính trọng và thương yêu vô cùng.

Thuyết minh về Bác Hồ - Mẫu 5

Hồ Chủ tịch là lãnh tụ cách mạng vô sản kiệt xuất, một chiến sĩ cộng sản lão thành, Danh nhân văn hóa của thế giới. Với dân tộc Việt Nam, Người là Cha, là Bác, là Anh, Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ… (Tố Hữu). Đất nước ta, dân tộc ta tự hào về Hồ Chủ tịch - con người giản dị và vĩ đại - tiêu biểu cho truyền thống bốn ngàn năm lịch sử vẻ vang.

Đầu thế kỉ XX, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành thấu hiểu nỗi nhục nô lệ dưới ách xâm lược của thực dân Pháp nên đã noi gương các sĩ phu tiền bối như Phạn Bội Châu, Phan Chu Trinh tìm đường cứu nước. Rời bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) năm 1911, Nguyễn Tất Thành nung nấu ý chí là phải sang tận nước Pháp để tìm hiểu kẻ thù, từ đó có cách chống lại chúng.

Ba mươi năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, người chiến sĩ cộng sản quốc tế Nguyễn Ái Quốc đã cống hiến rất nhiều cho phong trào đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của các dân tộc thuộc địa bị áp bức bóc lột trên toàn thế giới và trở thành người sáng lập ra Đảng cộng sản Việt Nam. Năm 1941, với vốn sống thực tế, với kinh nghiệm dày dặn và trình độ hiểu biết sâu sắc về chủ nghĩa Mác – Lênin, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, trực tiếp lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 bùng nổ, dân tộc ta vùng lên phá tan xiềng xích của chế độ phong kiến suy tàn và ách nô lệ của thực dân Pháp cùng phát xít Nhật, giành lại chủ quyền độc lập, tự do. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, người chiến sĩ cộng sản lão thành Nguyễn Ái Quốc đã đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” và trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong suốt chín năm kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ sáng suốt lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân trường kỳ kháng chiến và đã kết thúc vẻ vang bằng chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Nhân dân miền Bắc sau giải phóng phấn khởi bắt tay vào xây dựng đất nước và sát cánh cùng đồng bào miền Nam tiếp tục đấu tranh. Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng trí tuệ siêu việt, bằng tấm gương suốt đời phấn đấu, hy sinh vì dân vì nước, đã đoàn kết toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chiến đấu đến cùng để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khẳng định truyền thống bất khuất, anh hùng của dân tộc Việt Nam.

Lòng nhân ái của Hồ Chủ tịch thể hiện lí tưởng cao cả là một đời phấn đấu, hy sinh để mưu cầu độc lập tự do cho dân, cho nước: “Tự do cho tổ quốc tôi, cơm áo cho đồng bào tôi. Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Tình yêu thương con người của Bác sâu sắc và rộng lớn. Trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ, Bác thương em bé mới nửa tuổi đã phải theo mẹ vào chốn lao tù (Cháu bé trong nhà lao Tân Dương, Nhật kí trong tù). Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác thương các cháu nhi đồng phải sống khổ sở vì thiếu thốn, vì bom đạn: Nay vì vận nước gian nan, trẻ em cũng phải lầm than cực lòng. Bác luôn quan tâm và yêu thương các cháu với tình cảm chân thành, ruột thịt: Ai yêu nhi đồng, bằng Bác Hồ Chí Minh.

Bác thông cảm với người lao động vất vả, cơ cực, lo nỗi lo mất mùa, chia sẻ niềm vui được mùa với nông dân: Nghe nói năm nay trời đại hạn, Mười phân thu hoạch chỉ vài phân… Khắp chốn nông dân cười hớn hở, Đồng quê vang dậy tiếng ca vui... (Nhật kí trong tù).

Lòng nhân ái của Bác Hồ bao trùm khắp các tầng lớp nhân dân:

“Bác sống như trời đất của ta,
Yêu từng ngọn lúa, mỗi nhành hoa,
Tự do cho mỗi đời nô lệ,
Sữa để em thơ, lụa tặng già”

(Bác ơi, Tố Hữu)

“Ôi lòng Bác vậy, cứ thương ta,
Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa,
Chỉ biết quên mình cho hết thảy,
Như dòng sông chảy nặng phù sa”

(Theo chân Bác, Tố Hữu).

Bác suốt đời cống hiến, hy sinh vì quyền lợi của đất nước và dân tộc: Nâng niu tất cả chỉ quên mình (Theo chân Bác, Tố Hữu). Bác sống giản dị, thanh bạch, không bao giờ nói về mình. Đức khiêm tốn, sự hài hòa giữa tư tưởng vĩ đại và phong thái tự nhiên, hồn hậu, gắn bó chan hòa với con người và thiên nhiên của Bác đã tạo nên sức thuyết phục lớn lao đối với dân tộc và nhân loại.

Hồ Chủ tịch là một nhân cách khiêm tốn, giản dị và vĩ đại. Tài năng và đức độ của Bác rất xứng đáng với những danh hiệu cao quý mà cả nhân loại đã tôn vinh: lãnh tụ cách mạng vô sản xuất sắc, chiến sĩ hòa bình, Danh nhân văn hóa thế giới. Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi Bác là kết tinh tinh hoa của bốn ngàn năm lịch sử và thời đại. Bác Hồ là hình ảnh đẹp nhất về một Con Người chân chính.

Thuyết minh về Bác Hồ - Mẫu 6

“Tháp mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”

Nếu như Xô - Viết tự hào vì có Mác - Lênin; nước Mỹ tự hào với Oasinhton thì Việt Nam tự hào biết mấy khi có Bác Hồ. Bác không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam mà còn là một doanh nhân văn hóa của cả nhân loại. Hình ảnh Bác Hồ kính yêu luôn là hình mẫu lý tưởng để nhân dân ta noi gương, học tập.

Bác Hồ tên thật là Nguyễn Sinh Cung, quê ở Nghệ An. Là một nhà nho yêu nước, không cam chịu cảnh nước mất nhà tan, đất nước chia cắt, với hai bàn tay trắng Bác đã lên đường ra nước ngoài học hỏi. Người đi khắp năm châu bốn bể, học những cái hay, cái khoa học, cái mới về truyền dạy cho dân ta; người đọc và tìm tòi những cương lĩnh, nghiên cứu để rồi áp dụng vào tình thế đất nước để tim ra con đường cứu nước đúng đắn nhất, đưa nhân dân ta thoát khỏi ách thống trị lầm than. Trong suốt cuộc hành trình ấy với bao gian nan, hiểm nguy, khó khăn bộn bề, có khi bị giặt bắt, dùng hình nhưng người chẳng nản trí. Người dùng tuổi trẻ và sức lực của mình để cống hiến cho dân tộc, mang lại ấm no yên bình cho nhân dân. Ta có thể kể đến các cống hiến vĩ đại trên con đường cứu nước gian nan của người như: Bản yêu sách 8 điểm; Bản án chế độ thực dân Pháp (1925); Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946). Tất cả những gì Bác làm, từ những điều đơn sơ nhỏ nhặt nhất cũng đều xuất phát từ tấm lòng yêu nước thương dân bao la. Và không phụ sự kỳ công, khó nhọc, trăn trở dưới sự lãnh đạo tài ba của Bác, quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng và giành chiến thắng, đánh đuổi được bè lũ xâm lược ra khỏi bờ cõi đất nước, trả lại vẹn toàn tổ quốc, hòa bình ấm no dân tộc.

Khi hòa bình lập lại, Hồ chủ tịch đứng ra điều hành đất nước với nhiều chính sách phát triển, đối nội và đối ngoại hợp lý để nâng cao đời sống nhân dân, ổn định và phát triển kinh tế. Hồ chủ tịch được nhân dân tin yêu với cái tên Anh hùng giải phóng dân tộc.

Một con người cứng rắn, dũng cảm trong đường lối quân sự, chính trị như thế nhưng rạo rực trong Bác lúc nào cũng là một tâm hồn thơ nhạy cảm, lãng mạn, một thi nhân văn hóa được thế giới công nhận. Thơ của Bác không nhiều, không dài nhưng lại rất cô đọng, súc tích và có giá trị. Tiếng thơ của Bác mang nhiều màu sắc đa dạng và phong thái khác nhau. Có lúc là tiếng thơ chiến đấu hừng hực:

“Chúng ta có hội Việt Minh
Đủ tài lãnh đạo chúng mình đấu tranh
Mai sau sự nghiệp hoàn thành
Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc Hồng
Dân ta xin nhớ chữ đồng:
Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh!”

Có lúc lại là tiếng lòng rạo rực, vui thú với thiên nhiên đất trời:

“Ngục trung vô tửu diệc vô hoa,
Đối thử lương tiêu nại nhược hà?
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt,
Nguyệt tòng song khích khán thi gia”

Nhưng dù ở trong hoàn cảnh nào toát lên từ thơ Bác vẫn là nỗi lòng vì non sông nước nhà, và tâm hồn phóng khoáng, lạc quan, yêu thiên nhiên, tạo vật; say mê hứng thú với cái đẹp; trân trọng những gì dù là nhỏ nhặt và dung dị nhất. Thơ của Bác chính là sự kết hợp tinh túy giữa tinh hoa dân tộc và văn hóa thời đại, tạo nên một bản sắc đặc trưng rất riêng mang âm hưởng thi ca Hồ Chí Minh.

Không chỉ tài năng vĩ đại, Bác Hồ còn là tấm gương đạo đức sáng ngời cho lớp lớp người noi theo. Bác để lại ấn tượng trong lòng quân dân ta và bạn bè quốc tế bởi sự thanh bạch, liêm khiết và giản dị. Sự giản dị của Bác được thể hiện qua cách ăn, mặc sinh hoạt của Bác: tấm áo nâu sờn cũ và đôi dép cao su đã theo chân Bác đi khắp mọi nẻo đường; đi công tác xa Bác luôn dặn anh đầu bếp chuẩn bị cơm sẵn để nhân lúc nghỉ ngơi dọc đường ăn tránh gây phiền hà địa phương; Là vị lãnh tụ vĩ đại nhưng Bác lại chọn cho mình một căn nhà sàn nhỏ đơn sơ nơi cuối vườn để nghỉ ngơi và làm việc. Bác luôn gần gũi với nhân dân, đi sâu vào cuộc sống dân tình để thấu hiểu lòng dân; yêu quý và chăm lo cho đời sống mọi người, các cháu thiếu nhi… Bác Hồ luôn đi đầu trong các phong trào, vận động nhân dân ta học và làm theo để phát triển đời sống kinh tế cá nhân và cộng đồng, ví dụ như: Phong trào diệt giặc đói; giặc dốt; phong trào tập thể dục thể thao; tết trồng cây. Mỗi câu chuyện về Bác lại thật xúc động, và thấm thía.

Kết tinh trong dáng người nhỏ bé ấy là biết bao vẻ đẹp tinh hoa. Bác Hồ – vị lãnh tụ vĩ đại dân tộc; vị cha già yêu thương của con em Việt Nam và là một tấm gương đạo đức sáng ngời. Dù Bác đã đi xa nhưng những tư tưởng chỉ đạo của Bác, những câu chuyện và lời dạy ấy vẫn được nhân dân ta tiếp nối và phát triển. Những tư tưởng đó sẽ là ngọn đèn sáng soi để Đảng, Nhà nước và nhân dân học tập, lao động, cố gắng, phấn đấu để đưa nước nhà tiến lên phát triển; xứng vai với các cường quốc năm Châu thế giới như lời Bác đã từng căn dặn.

Thuyết minh về Bác Hồ - Mẫu 7

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà yêu nước và nhà cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Cả cuộc đời của người đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, Người còn để lại một sự nghiệp văn học to lớn với nhiều giá trị. Có thể thấy, ở bất kỳ cương vị nào, Người cũng làm tốt vai trò của mình.

Hồ Chí Minh sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 trong một gia đình nhà Nho yêu nước. Quê hương của Bác ở làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thân phụ là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân mẫu là bà Hoàng Thị Loan. Khi còn trẻ, Bác từng có một thời gian ngắn dạy học ở trường Dục Thanh (Bình Thuận). Đến năm 1911, tại bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn), Người đã ra đi tìm đường cứu nước. Sau hơn 30 năm bôn ba nước ngoài, Bác đã được tiếp cận với ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Tháng 2 năm 1941, Người về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước. Đến tháng 8 năm 1942, Hồ Chí Minh lên đường sang Trung Quốc để tranh thủ sự viện trợ quốc tế. Tại đây, Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giữ và giam cầm suốt mười ba tháng. Sau khi ra tù, Bác về nước tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng, cùng nhân dân Việt khởi nghĩa giành chính quyền trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình (thủ đô Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ được biết đến với tư cách là một nhà hoạt động cách mạng. Người còn là một nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc. Đối với Hồ Chí Minh, văn chương là một vũ khí chiến đấu lợi hại phụng sự cho sự nghiệp cách. Các tác phẩm của Bác đều chú trọng tính chân thật và tính dân tộc của văn học. Mỗi khi cầm bút sáng tác Người luôn tự đặt câu hỏi cho mình: “Viết cho ai?” (đối tượng), “Viết để làm gì?” (mục đích), sau đó mới quyết định “Viết cái gì?” (nội dung), “Viết thế nào?” (hình thức). Tùy từng trường hợp cụ thể mà Người đã vận dụng phương châm đó theo những cách khác nhau. Vậy nên các tác phẩm của Bác luôn chứa đựng tư tưởng sâu sắc, nội dung thiết thực cùng với hình thức nghệ thuật sinh động, đa dạng.

Di sản văn học mà Hồ Chí Minh để lại không chỉ lớn lao về tầm vóc, phong phú về thể loại mà còn đa dạng về phong cách nghệ thuật. Đầu tiên, chúng ta cần kể đến văn chính luận. Từ những năm đầu của thế kỉ XX, các bài văn chính luận mang bút danh Nguyễn Ái Quốc viết bằng tiếng Pháp đăng trên các tờ báo Người cùng khổ, Đời sống thợ thuyền… đã thể hiện tính chiến đấu hết sức mạnh mẽ. Các tác phẩm này đã lên án những chính sách tàn bạo của chế độ thực dân Pháp, kêu gọi người nô lệ bị áp bức liên hiệp lại, đoàn kết đấu tranh. Một số tiêu biểu tác phẩm như Con rồng tre, Bản án chế độ thực dân Pháp... Nhắc đến văn chính luận của Người không thể không nhắc đến “Tuyên ngôn độc lập” - văn kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử to lớn của dân tộc Việt Nam. Cùng với đó là Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946), Không có gì quý hơn độc lập tự do (1966)... Ngoài những tác phẩm chính luận, Bác còn sáng tác một số truyện ngắn, ký, tiểu phẩm. Đa số đều là những truyện viết bằng tiếng Pháp như: Pa-ri (1922), Lời than vãn của bà Trưng Trắc (1922), Vi hành (1923)... Tất cả các tác phẩm này đều nhằm mục đích tố cáo tội ác của bọn thực dân và phong kiến tay sai đối với nhân dân lao động các nước thuộc địa. Cuối cùng là thơ ca - tên tuổi của Hồ Chí Minh gắn với tập thơ chữ Hán “Ngục trung nhật kí” (Nhật kí trong tù) được sáng tác trong thời gian Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam giữ. Người đã ghi chép những điều mắt thấy tai nghe trong nhà tù, trên đường đi đày. Tập thơ đã tái hiện bộ mặt chân thật của chế độ nhà tù Quốc dân đảng với ý nghĩa phê phán sâu sắc. Bên cạnh đó tập thơ cũng thể hiện được một nhân cách cao đẹp của Hồ Chí Minh.

Phong cách sáng tác của Hồ Chí Minh vô cùng độc đáo, đa dạng. Văn chính luận của Người thường ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, bằng chứng đầy thuyết phục, giàu tính luận chiến. Những tác phẩm truyện kí của người rất hiện đại, thể hiện tính chiến đấu mạnh mẽ và nghệ thuật trào phúng sắc bén. Thơ ca thể hiện sâu sắc và tinh tế vẻ đẹp tâm hồn của Bác. Những bài thơ với lời lẽ giản dị, mộc mạc và có sự kết hợp hài hòa giữa cổ điển với hiện đại. Điều đáng nói là phong cách sống của Bác cũng thật độc đáo. Khó có một bậc nguyên thủ quốc gia nào lại lựa chọn lối sống giản dị như Bác Hồ. Bác giản dị trong cuộc sống hàng ngày từ ăn, mặc đến ở. Bác giản dị trong cách nói, cách viết. Nhưng đó không phải lối sống khắc khổ của nhà tù hành, mà là sự lựa chọn - một cách để di dưỡng tinh thần. Cuộc đời hoạt động chính trị của Bác là tấm gương sáng ngời về đạo đức để những thế hệ sau noi theo.

“Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người” - cuộc đời của Người là sự kết tinh của tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại. Sự nghiệp cách mạng cũng như sự nghiệp văn chương mà Bác để lại đều vô cùng quý giá.

Thuyết minh về Bác Hồ - Mẫu 8

Trong hành trình gian nan và vô tận, con người luôn tìm kiếm những hình mẫu có thật trong cuộc sống để tôn vinh và noi theo với mong muốn trở nên hoàn thiện hơn. Một trong những hình mẫu lý tưởng ấy là Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Bác là vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, là người anh hùng giải phóng dân tộc, và đồng thời là một danh nhân văn hóa thế giới.

Nếu Lê-nin là niềm tự hào của nước Nga, Phi-đen Ca-xtơ-rô là vì sao của nhân dân Cuba, thì Bác Hồ chính là người anh hùng vĩ đại trong lòng người dân Việt Nam. Bác đã soi sáng con đường thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Làm thế nào người con bé nhỏ của xứ Nghệ có thể thực hiện được điều lớn lao ấy? Trước Bác cũng có rất nhiều người đi khắp thế giới, nhưng là đi thám hiểm, đi buôn, đi truyền đạo. Người đi khắp thế giới để cứu dân tộc mình thì chỉ có một. Đó chính là Bác Hồ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Đi đến đâu, Bác cũng để lại biểu tượng đẹp về lòng yêu nước. Bác lên tàu tìm đường cứu nước khi còn trẻ, khi trở về thì mái tóc Bác đã điểm bạc. Bác không tiếc cống hiến trọn tuổi thanh xuân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bác đã mang lại cuộc sống ấm no mơ ước cho nhân dân Việt Nam. Tất cả những gì Bác đã làm, từ bé nhỏ đến lớn lao, đều xuất phát từ lòng yêu nước chân thành và mãnh liệt. Chính lòng yêu nước ấy đã tạo nên Bác Hồ, người anh hùng dân tộc của chúng ta ngày hôm nay.

Dưới sự lãnh đạo tài tình của Bác, quân dân ta đã anh dũng đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược với một niềm tin tưởng tuyệt đối về ngày toàn thắng. Thế nhưng, Bác không chỉ cứng rắn trong hoạt động quân sự mà còn rất lãng mạn trong lĩnh vực văn học. Thơ của Bác không thật nhiều nhưng rất cô đọng và súc tích. Từng câu từng chữ đều thể hiện sự kiên định, niềm lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc dù lúc ấy Bác đang trong cảnh ngục tù hay đang sống giữa muôn vàn gian khổ. Một vị danh nhân đã từng nói: “Nói đến văn học Việt Nam thì trước hết cần hiểu về Bác, hiểu con người văn hóa Hồ Chí Minh”. Quả thật như thế, Bác đã hòa trộn tinh hoa văn hóa nhân loại với gốc rễ văn hóa Việt Nam, tạo nên một đặc trưng văn hóa rất riêng ở Bác. Tất cả những điều trên đã thuyết phục UNESCO trao tặng Bác danh hiệu “Danh nhân văn hóa thế giới”.

Không chỉ có tài năng, Bác còn là một tấm gương đạo đức sáng ngời. Biết bao người chiến sĩ cộng sản từng sống và làm việc với Bác thường không khỏi xúc động khi hồi tưởng lại những ký ức ấy. Bác luôn để lại ấn tượng đẹp trong tim mỗi người mà Bác gặp vì vẻ giản dị, mộc mạc vô cùng thuần khiết Trong từng lời nói của Bác đều ẩn chứa những luân lý đạo đức nhưng không khô khan mà nhẹ nhàng, sâu lắng, dễ dàng đi vào lòng người. Cách sống của Bác cũng bình dị, mộc mạc như mục đích sống của Bác là hết lòng vì nước vì dân. Bác không có dinh thự như bao vua chúa khác mà ở trong ngôi nhà sàn đơn sơ để có thể hòa mình với thiên nhiên. Tư trang của Bác cũng ít ỏi, chỉ là hai bộ quần áo Bác thường mặc với vài kỷ vật sau những chuyến bôn ba nước ngoài. Là một vị lãnh tụ vĩ đại nhưng Bác lại bình dị và mộc mạc thế đấy. Mỗi mẩu chuyện về Bác là một bài học đạo đức nhẹ nhàng, thấm thía.

Ngày nay, thế hệ trẻ luôn được khuyến khích làm việc và học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đó là kim chỉ nam vô cùng cần thiết trong cuộc sống của học sinh: “Học tập tốt, lao động tốt”, “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” là những lời dạy mà chúng em không thể nào quên được. Càng được học, càng tìm hiểu về Bác Hồ, em thấy càng tự hào vì nước Việt Nam của chúng ta nhỏ bé nhưng lại sinh ra những danh nhân không hề bé nhỏ.

Hồ Chí Minh là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, là người con anh hùng của đất nước Việt Nam, đồng thời là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Bác là ánh sáng của lý tưởng và niềm tin trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Bác đã đi xa nhưng sao dường như vẫn đang dõi theo từng bước tiến của dân tộc. Ai hiến dâng đời mình cho nhân dân, cho loài người thì người ấy trở thành bất tử. Và Bác Hồ của chúng ta sẽ sống mãi cùng non sông đất nước.

Thuyết minh về Bác Hồ - Mẫu 8

Nếu có ai hỏi: Niềm tự hào của người dân Việt Nam là gì? Tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời rõ ràng, rành mạch: “Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam”.

Bác Hồ (19/5/1890 - 2/9/1969) tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung; quê làng Kim Liên (làng Sen), xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Người xuất thân trong một gia đình nhà nho yêu nước, cha là cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Mẹ là cụ bà Hoàng Thị Loan. Trước khi tham gia hoạt động cách mạng Người học chữ Hán, sau đó học tại trường Quốc học Huế, có thời gian dạy học tại trường Dục Thanh (Phan Thiết). Ngày 5 tháng 6 năm 1911 tại bến Nhà Rồng, Người ra đi tìm đường cứu nước. Năm 1941 trở về nước lãnh đạo phong trào cách mạng. Bên cạnh sự nghiệp cách mạng, Người còn để lại một số di sản văn học quý giá, xứng đáng là một nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc. Trong sự nghiệp hoạt động Cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay đổi tên gọi của mình nhiều lần. Trong đó có những cái tên tiêu biểu phải kể đến như: Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Tất Thành, Hồ Chí Minh,… đây cũng là những cái tên gắn với nhiều tác phẩm tiêu biểu, nổi tiếng trong sự nghiệp văn học của Người.

Con dân Việt Nam chúng ta ai cũng nhớ như tạc những cống hiến của Người cho nước nhà. Những công ơn của Người kể sao cho xiết. Một vị lãnh tụ ra đi tìm đường cứu nước và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau những năm tháng bôn ba, Nguyễn Ái Quốc đã xác định con đường cứu nước muốn thành công phải kết hợp phong trào giải phóng dân tộc và phong trào công nhân quốc tế. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc ta đã giành thắng lợi vang dội trong cuộc Cách mạng Tháng Tám, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Ngày 2/9/1969, Bác Hồ đã vĩnh biệt chúng ta và để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bản Di chúc mang tầm tư tưởng và trí tuệ của thời đại.

Con cháu đời sau không khỏi xúc động trước những cống hiến to lớn của Hồ Chí Minh đối với nước nhà. Người ra đi đã lâu nhưng Người sẽ luôn sống mãi trong lòng chúng ta - những công dân Việt Nam đã, đang và sẽ được hưởng nền độc lập dân tộc do Hồ Chí Minh và thế hệ ông cha anh dũng đã mang lại.

Đoạn văn thuyết minh về Bác Hồ

Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Bác đã soi sáng con đường thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Làm thế nào người con bé nhỏ của xứ Nghệ có thể thực hiện được điều lớn lao ấy? Trước Bác cũng có rất nhiều người đi khắp thế giới, nhưng là đi thám hiểm, đi buôn, đi truyền đạo,… Người đi khắp thế giới để cứu dân tộc mình thì chỉ có một. Đó chính là Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Đi đến đâu, Bác cũng để lại biểu tượng đẹp về lòng yêu nước. Bác lên tàu tìm đường cứu nước khi còn trẻ, nhưng lúc trở về, mái tóc Bác đã điểm bạc. Bác không tiếc cống hiến trọn tuổi thanh xuân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bác đã mang lại cuộc sống ấm no hằng mơ ước cho nhân dân Việt Nam. Tất cả những gì Bác đã làm, từ bé nhỏ đến lớn lao, đều xuất phát từ lòng yêu nước chân thành và mãnh liệt. Chính lòng yêu nước ấy đã tạo nên Bác Hồ, người anh hùng dân tộc của chúng ta ngày hôm nay.

Chia sẻ bởi: 👨 Đỗ Duyên
120
  • Lượt tải: 392
  • Lượt xem: 182.085
  • Dung lượng: 599,1 KB
Sắp xếp theo

    Chủ đề liên quan