Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng

Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

---------------
Số: 07/2012/QĐ-TTg

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------------------------------

Hà Nội, ngày 08 tháng 02 năm 2012

QUYẾT ĐỊNH
Ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng
____________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật bảo vệ và Phát triển rừng;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Mục tiêu

Ban hành một số chính sách và giải pháp tăng cường hiệu quả bảo vệ rừng, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội và người dân tham gia bảo vệ rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân và góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng.

Điều 2. Phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp đối với Ủy ban nhân dân các cấp

1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).

a) Ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền về quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp để chỉ đạo các cấp, ngành, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn thực hiện các quy định của pháp luật.

b) Tổ chức, triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

c) Quản lý hệ thống các khu rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng sản xuất theo quy định của pháp luật.

d) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp; chỉ đạo và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng đất lâm nghiệp theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo các tổ chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, huy động và phối hợp các lực lượng để ngăn chặn mọi hành vi gây thiệt hại đến rừng và đất lâm nghiệp; kiên quyết đấu tranh, chấm dứt tình trạng khai thác rừng, phá rừng trái pháp luật, chống người thi hành công vụ trên địa bàn.

đ) Chỉ đạo thực hiện công tác giao, cho thuê, thu hồi rừng và đất lâm nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu rừng, quyền sử dụng đất lâm nghiệp theo quy định của pháp luật; giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về rừng và đất lâm nghiệp.

e) Tổ chức việc điều tra, kiểm kê, thống kê, phân loại rừng, lập bản đồ rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

g) Lập và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, đất lâm nghiệp của địa phương; các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản; ngăn ngừa tình trạng lợi dụng để tiêu thụ, hợp thức hóa nguồn gỗ, lâm sản trái pháp luật.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có rừng (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện).

a) Triển khai thực hiện các quy định của pháp luật, chính sách, chế độ Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp.

b) Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, khai thác lâm sản theo quy định của pháp luật; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định về giao đất, giao rừng và khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng.

c) Huy động, chỉ đạo các lực lượng trên địa bàn để ngăn chặn mọi hành vi gây thiệt hại đến tài nguyên rừng; tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng trừ sinh vật hại rừng.

d) Tổ chức thực hiện công tác giao rừng, thu hồi rừng và đất lâm nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật; giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về rừng và đất lâm nghiệp.

đ) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện thống kê, theo dõi diễn biến rừng, đất lâm nghiệp.

e) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trên địa bàn. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản theo quy định của pháp luật; theo dõi chặt chẽ đối tượng vi phạm có tính chuyên nghiệp để xử lý; đấu tranh kiên quyết, chấm dứt tình trạng chống người thi hành công vụ.

g) Tổ chức việc lập, thực hiện quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, đất lâm nghiệp, các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản; thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi tiêu thụ, hợp thức hóa nguồn gỗ, lâm sản trái pháp luật.

3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có rừng (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã)

a) Quản lý diện tích, ranh giới các khu rừng; các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.

b) Tổ chức việc lập, thực hiện quy hoạch, kế hoạch, phương án bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

c) Tổ chức thực hiện quy hoạch ba loại rừng trên thực địa, quy hoạch chi tiết về bảo vệ và phát triển rừng gắn với các chủ rừng.

d) Tiếp và xác nhận hồ sơ xin giao rừng, thuê rừng và giao đất, thuê đất lâm nghiệp đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư theo thẩm quyền.

đ) Chỉ đạo cộng đồng dân cư thôn xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn phù hợp với quy định của pháp luật; hướng dẫn thực hiện sản xuất lâm nghiệp; canh tác nương rẫy và chăn thả gia súc theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt.

e) Tổ chức hoạt động có hiệu quả của các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ; huy động các lực lượng trên địa bàn kịp thời ngăn chặn các hành vi phá rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương án bốn tại chỗ (chỉ huy, lực lượng, phương tiện, hậu cần); kịp thời báo cáo lên cấp trên đối với vụ việc khi vượt quá tầm kiểm soát của xã; giám sát hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản theo quy định của pháp luật.

g) Xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp theo quy định của pháp luật.

h) Theo dõi, cập nhật diễn biến rừng, đất lâm nghiệp; thường xuyên kiểm tra việc sử dụng rừng, đất lâm nghiệp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trên địa bàn xã.

i) Tổ chức quản lý, bảo vệ diện tích rừng Nhà nước chưa giao, chưa cho thuê và xây dựng phương án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để giao lại cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê diện tích rừng này để rừng thực sự có chủ cụ thể.

k) Hòa giải các tranh chấp về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn.

Địa phương nào để xảy ra tình trạng phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng, giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp trái quy định pháp luật, cháy rừng nghiêm trọng, kéo dài mà trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để, thì lãnh đạo địa phương đó phải kiểm điểm và bị xử lý trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật.

Download file tài liệu để xem thêm chi tiết

Chia sẻ bởi: 👨 Vũ Thị Chang
Mời bạn đánh giá!
Sắp xếp theo