Phân tích tính biểu tượng của nhan đề truyện Bến quê (Dàn ý + 3 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 9 hay nhất

Để có thể giúp đỡ cho các bạn có thể bổ sung thêm nhiều kiến thức Ngữ văn lớp 9. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu dàn ý và một số bài văn mẫu lớp 9: Phân tích tính biểu tượng của nhan đề truyện Bến quê.

Bến quê là một tác phẩm đặc sắc của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Sau đây chúng tôi xin mời các bạn cùng tham khảo tài liệu phân tích tính biểu tượng của nhan đề truyện Bến quê.

Phân tích tính biểu tượng của nhan đề truyện Bến quê

Dàn ý phân tích tính biểu tượng nhan đề truyện Bến quê

I. Mở bài:

- Giới thiệu tác phẩm và nhan đề Bến quê.

+ Bến quê của Nguyễn Minh Châu là một tác phẩm giàu giá trị tư tưởng và chứa đựng những tầng ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.

+ Nhan đề tác phẩm là một nét độc đáo mang tính biểu tượng, góp phần tạo nên sự thành công của tác phẩm.

II. Thân bài:

+ Bến quê là chốn quê nhà, là nơi mà mỗi còn người dẫu đi xa luôn mong về

+ Bến quê chứa đựng cả những chân giá trị bền vững nhất, sâu xa nhất, những gì đẹp đẽ và đáng trân trọng nhất.

+ Bến quê còn là biểu tượng cho những gì gần gũi đó là bông bằng lăng tím, là bãi phù sa, là hình ảnh người vợ dịu hiền tần tảo,...

+ Bến quê - chỉ hai tiếng bình dị mà như một lời thức tỉnh mỗi con người về cách sống, về cách nhìn nhận những giá trị sống, mang thông điệp của tác giả.

III. Kết bài:

- Cách đặt tên nhan đề "Bến quê" đã cho thấy được ý đồ của tác giả trong việc sáng tạo một truyện ngắn đặc sắc.

Phân tích tính biểu tượng nhan đề truyện Bến quê - Mẫu 1

Truyện ngắn Bến quê là một tác phẩm giàu giá trị nhân văn sâu sắc của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Qua tác phẩm, ông đã giúp người đọc nhận ra rất nhiều điều ý nghĩa, và điều đầu tiên đọng lại trong tâm trí người đọc, có lẽ bắt nguồn từ nhan đề: Bến quê. Tính biểu tượng của nhan đề thể hiện qua từng chi tiết và nhân vật của câu chuyện.

Nội dung truyện xoay quanh nhân vật Nhĩ. Anh làm nghề từng đi khắp mọi nơi trên thế giới. Nhưng đến tuổi xế chiều lại mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo, phải nằm liệt giường. Hàng ngày anh chỉ nằm một chỗ và nhìn bên ngoài qua ô cửa sổ. Đến việc di chuyển đến bên cửa sổ cũng phải nhờ sự giúp đỡ. Mọi sinh hoạt đều phải nhờ đến vợ anh. Vào một buổi sáng ngày mùa thu, khi Nhĩ nhìn ra cửa sổ, anh bỗng phát hiện ra bãi bồi bên kia sông đẹp đến lạ thường: bên kia những hàng cây bằng lăng, tiết trời đầu thu đem đến cho con sông Hồng màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra, vòm trời cũng như cao hơn… những màu sắc thân thuộc như da thịt, như hơi thở. Chính lúc này đây, Nhĩ chợt nhận ra có những điều rất đỗi bình thường nhưng anh chưa làm được, có những nơi rất đỗi thân thuộc như bãi bồi bên kia sông Hồng nhưng anh chưa một lần được đặt chân đến. Nhĩ biết giờ đây anh không còn cơ hội để đến đó nữa rồi. Anh quyết định nhờ cậu con trai duy nhất sang đó thay anh. Nhưng đáng buồn thay, con trai anh trên đường qua đó lại bị cuốn hút, mải mê xem trò đánh cờ. Anh nhìn con bất lực, chỉ biết khoát tay ra hiệu để bảo con đi nhanh cho kịp chuyến đò cuối ngày sang bên kia sông, sợ là sắp không kịp nữa rồi. Và rồi anh nhận ra rằng, con người ta trên đường đời, không thể qua được những điều vòng vèo hay chùng chình. Đó chính là những cám dỗ, những điều làm chúng ta bị thu hút, mà chúng ta cần phải vượt qua.

Câu chuyện có kết thúc mở khiến cho người đọc cảm thấy day dứt và ám ảnh. Tác phẩm có nhiều chi tiết đắt giá, đặc sắc tạo nên giá trị của tác phẩm. Nhan đề “Bến quê” cũng góp một phần không nhỏ đến giá trị của tác phẩm. Mới nghe qua tưởng chừng như nhan đề không hề có sự liên quan gì đến tác phẩm. Tại sao tác giả lại chọn nhan đề là “Bến quê” ? Nhưng sau khi đọc tác phẩm, nghiền ngẫm, ta mới thấy nó có tính biểu tượng rất cao.

Với mỗi người, bến quê chính là nơi thân thuộc, gắn bó từ lúc sinh ra cho đến khi từ giã cõi đời. Đó là nơi mà bất cứ ai dù cho có đi đến đâu, cũng muốn trở về để tìm chốn bình yên. Nhưng tiếc thay, người ta thường hay bỏ lỡ rất nhiều những năm tháng tuổi trẻ để theo đuổi những giá trị vô thường, mà quên mất những thứ gần gũi thân thương nhất. Nhĩ cũng là một người như vậy. Anh dùng nửa cuộc đời để đi khắp nơi, nhưng bến bồi quê hương thì chưa từng đặt chân đến, đó thật sự là một nghịch lý trớ trêu của cuộc đời Nhĩ.

Bến quê còn là nơi lưu giữ những điều bình dị nhất với mỗi người. Là hơi thở của tình yêu thương, tình thân. Nơi đó có cha mẹ già đợi con, có những người mẹ, người vợ dịu hiền tần tảo sớm hôm. Mà sau bao nhiêu năm tháng, nhân vật Nhĩ mới nhận ra.

Bến quê cũng là nơi gần gũi nhất, thân thương nhất. Nơi đón chúng ta mỗi khi chúng ta mệt mỏi trên đường đời, cần một nơi bình yên để trở về. Thế nhưng có lẽ Nhĩ đã nhận ra điều này quá muộn màng. Khi mà anh sắp lìa xa cõi đời, anh mới nhận thức được rằng những điều giản dị, gần gũi nhất lại là những thứ quý giá nhất. Nhưng anh không còn thời gian để làm những điều anh mong muốn nữa rồi.

Thật vậy, nhan đề “Bến quê” mang tính biểu tượng, cùng giá trị nhân văn sâu sắc. Như một lời nhắn gửi đến tất cả chúng ta, hãy biết trân trọng những điều bình dị, đời thường nhất, không nên để những thứ phù phiếm làm mờ mắt mà quên đi giá trị của nơi có tình yêu thương, có gia đình, nơi đã sinh ra ta và nuôi dưỡng ta trưởng thành.

Phân tích tính biểu tượng nhan đề truyện Bến quê - Mẫu 2

Nhĩ, nhân vật chính trong truyện, một người từng đi khắp mọi nơi trên thế giới nhưng đột nhiên bị mắc căn bệnh hiểm nghèo, hầu như bị liệt toàn thân. Tất cả mọi sinh hoạt của anh đều phải nhờ vào sự giúp đỡ của người khác, mà chủ yếu là Liên, vợ anh. Vào một buổi sáng đầu thu, Liên đỡ chồng ngồi dậy bón cho anh từng thìa cháo, Nhĩ nhìn qua cửa sổ phát hiện ra bãi bồi bên kia sông Hồng: "Bên kia những hàng cây bằng lăng, tiết trời đầu thu đem đến cho con sông Hồng một màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra. Vòm trời cũng như cao hơn. Những tia nắng sớm đang từ từ di chuyển từ mặt nước lên những khoảng bờ bãi bên kia sông, và cả một vùng phù sa lâu đời của bãi bồi ở bên kia sông Hồng lúc này đang phô ra trước khuôn cửa sổ của gian gác nhà Nhĩ một thứ màu vàng thau xen với màu xanh non - những màu sắc thân thuộc quá như da thịt, hơi thở của đất màu mỡ". Từ lúc nhận ra vẻ đẹp ấy, Nhĩ rất muốn được đặt chân sang bãi bồi. Không thể thực hiện được, Nhĩ nhờ Tuấn, con trai anh sang đó thay anh. Tuấn không hiểu ý bố nên sa vào đám chơi cờ thế. Nhĩ muốn đến gần cửa sổ để nhìn cho rõ bãi sông, nhưng tự anh không thể dịch chuyển được nên anh phải nhờ lũ trẻ hàng xóm giúp đỡ. Thấy Tuấn sa vào đám cờ thế có thể bỏ lỡ mất chuyến đò ngang trong ngày khiến anh buồn rầu nghĩ ngợi: "con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình". Cũng trong những ngày đó anh nhận ra sự vất vả tần tảo của vợ, nhận ra vẻ đẹp vẹn nguyên của tâm hồn vợ. Cuối cùng anh dồn hết sức rướn người qua cửa sổ khoát khoát tay như ra hiệu giục giã con.

Đó là nội dung chính của truyện Bến quê. Sức hấp dẫn của truyện Bến quê không nằm ở cốt truyện với những tình tiết li kì, gay cấn, không nằm ở những sự kiện, những nhân vật có tầm vóc lớn lao, mà nằm ở chò tác giả đã xây dựng được một hệ thống yếu tố, một hệ thống hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng nhằm diễn đạt suy ngẫm, chiêm nghiệm của mình về những giá trị đích thực, giản dị, gần gũi mà bền vững của cuộc đời. Một hình tượng bao trùm toàn bộ tác phẩm, có tác dụng liên kết các yếu tố, hình ảnh khác là hình tượng bến quê mà tác giả dùng làm nhan đề không chỉ cho truyện ngắn cùng tên này mà còn là nhan đề cho một tập truyện ngắn ông viết sau năm 1975. Vậy các tầng nấc ý nghĩa của hình tượng bến quê là gì, các tầng nấc ý nghĩa ấy được biểu hiện ra sao?

Qua phần nội dung câu chuyện đã tóm tắt ở trên, bến quê đối với nhân vật Nhĩ là những gì gần gũi thân thiết nhất với anh. Đó là những bông hoa bằng lăng đậm sắc với những cánh hoa có màu tím sẫm như bóng tối, là cái bờ lở dốc đứng có chuyến đò ngang cập bến mỗi ngày, là bãi bồi bên kia sông Hồng có màu vàng thau xen lẫn xanh non thân thuộc như da thịt, hơi thở của đất màu mỡ. Không chỉ có thế, bến quê còn là người vợ tảo tần, chăm chút anh từng li từng tí khi anh đau ốm, là bầy trẻ với những bàn tay chua lòm mùi nước dưa và ông lão láng giềng sẵn sàng giúp đỡ, hỏi han động viên anh mỗi ngày. Như vậy, Nguyễn Minh Châu không dựng lên một bến sông chung nào đó. Đây là Bến quê như đầu đề tác phẩm. Nó là tất cả những phát hiện ấm áp tình đời và tình người của nhân vật (cũng là của tác giả), trước những gì thân quen nhất, thương yêu nhất (người vợ), những gì hồn nhiên gần gũi nhất (bầy trẻ, ông lão láng giềng), là những gì giàu có đẹp đẽ thuần phác và cổ sơ nhất của mảnh đất đã sinh thành ra anh, và sẽ nhận anh về khi nhắm mắt xuôi tay. Nhưng thật đau đớn cho Nhĩ, đến lúc anh nhận ra giá trị bình dị mà bền vững của bến quê thì cũng là lúc anh sắp từ giã cõi đời. Những nhận thức đau đớn mà sáng ngời đó của Nhĩ có giá trị cảnh tỉnh chúng ta, nhắc chúng ta hãy biết giữ gìn, trân trọng bến quê thân thiết của môi người. Đó là ý nghĩa mà tác giả muốn gửi gắm tới độc giả được cảm nhận qua hình ảnh nhan đề truyện - Bến quê.

Phân tích tính biểu tượng nhan đề truyện Bến quê - Mẫu 3

“Bến quê” là một truyện ngắn giàu giá trị, nhắc nhở con người ta về những triết lý cần phải nhận ra và trân trọng trong cuộc sống của mỗi người. “Bến quê” gieo vào lòng người những khắc khoải, nuối tiếc và cả sự đợi chờ. Tác giả đã giúp người đọc nhận ra rất nhiều điều từ chính bản thân mình. Và có lẽ điều gây ám ảnh đầu tiên của tác phẩm chính là ở nhan đề “Bến quê”. Cùng nhau đi tìm tính biểu tượng sâu xa của nhan để này qua từng chi tiết và hệ thống nhân vật của truyện ngắn.

Nhĩ là người đã từng đi khắp mọi nơi trên thế giới nhưng khi ở tuổi xế chiều thì anh lại mắc bệnh hiểm nghèo, bị liệt toàn thân. Anh chỉ nhìn cuộc sống bên ngoài qua ô cửa sổ nhỏ, qua sự giúp đỡ của vợ anh. Một buổi sáng đầu thu, Nhĩ nhìn ra cửa sổ, phát hiện ra “Bên kia những hàng cây bằng lăng, trên trời đầu thu đem đến cho con sông Hồng màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra. Vòm trời cũng như cao hơn. Những tia nắng sớm đang chuyển từ mặt nước lên những khoảng bờ bãi bên kia sông, và cả một vùng phù sa lâu đời . Rồi ở bên kia sông Hồng lúc này đang phô ra trước khuôn cửa sổ của gian gác nhà Nhĩ màu vàng thau xen với màu xanh non – những màu sắc thân thuộc như da thịt, như hơi thở”. Dường như Nhĩ nhận ra những điều rất đỗi bình thường nhưng Nhĩ chưa bao giờ làm được. Nhĩ từng đi rất nhiều nơi nhưng nơi thân thuộc nhất, gần gũi nhất là bãi bên kia sông hồng là Nhĩ chưa từng đặt chân tới.

Nhĩ đã nhờ Tuấn sang đó thay anh nhưng con trai anh lại mải mê xem đánh cờ. Chính lúc này anh nhận ra “con người ta trên đường đời thật kì lạ, không thể qua được cái vòng vèo hoặc chùng chình”. Trong những ngày này anh nhận ra vẻ đẹp của vợ từ hình thức đến tâm hồn, người phụ nữ đã ở bên cạnh Nhĩ hơn nửa cuộc đời. Và cuối cùng Nhĩ đành phải khoát tay bảo con trai đi nhanh.

Một câu chuyện dường như không có kết thúc nhưng lại khiến cho người đọc day dứt và ám ảnh rất nhiều. Câu chuyện nhẹ nhàng nhưng có nhiều chi tiết đắt giá, những chi tiết tạo nên linh hồn của tác phẩm. Tuy nhiên yếu tố nhan đề là yếu tố chi phối rất lớn đến giá trị biểu tượng của tác phẩm này. Tại sao tác giả không chọn nhan đề khác mà nhất định lại là “bến quê”. Thoáng qua tưởng chừng như bến quê không có liên quan gì đến tác phẩm nhưng càng đọc, càng nghiền ngẫm mới thấy nó có tính biểu tượng rất cao.

Bến quê là nơi chốn thân thuộc của mỗi người từ lúc sinh ra cho đến khi mất đi. Đó là nơi đi xa ai cũng muốn về nhưng đó cũng là nơi mà rất nhiều người đã bỏ lỡ suốt những năm tháng của tuổi trẻ. Và Nhĩ cũng vậy, anh đi nhiều nơi nhưng cái nơi thân thuộc nhất lại chưa từng đặt chân đến. Đó là một nghịch lý trớ trêu của cuộc đời.

Bến quê nói một cách ngắn gọn chính là nơi lưu giữ những điều bình dị, thân thương và mộc mạc nhất. Đó là những bông hoa bằng lăng ở bên kia sông Hồng, là bãi sông có màu vàng thau, là hơi thở của đất. Bến quê còn chính là người vợ dịu hiền và tần tảo, mà cho đến những giờ phút ấy Nhĩ mới nhận ra.

Bến quê là hiện thân của những điều cụ thể và gần gũi như thế, là những gì giàu có và đẹp đẽ nhất, là nơi đón anh về khi anh đã mệt.

Tuy nhiên Nhĩ lại nhận ra những điều này quá muộn màng, sự thức tỉnh lương tâm và nhận thức của anh về quê hương, về những gì trong cuộc sống so với cuộc đời anh quá ít ỏi và ngắn ngủi. Nhan đề “bến quê” như nhắc nhở mọi người hãy luôn nâng niu và trân trọng những gì bình dị, đời thường nhất, đừng để mất đi mới ân hận.

Chia sẻ bởi: 👨 Đỗ Duyên
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 03
  • Lượt xem: 305
  • Dung lượng: 122,5 KB
Sắp xếp theo

    Chủ đề liên quan