Tập làm văn lớp 5: Kể câu chuyện về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên Kể chuyện lớp 5 - Tuần 8

TOP 5 mẫu Kể câu chuyện về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên hay, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 5 rèn luyện kỹ năng kể chuyện thật tốt, để chuẩn bị tốt cho tiết Kể chuyện đã nghe, đã đọc - Tuần 8.

Thiên nhiên

Với 5 bài kể chuyện dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều ý tưởng mới, dễ dàng kể lại các câu chuyện về tình cảm gắn bó giữa con người với thiên nhiên, câu chuyện cổ tích giải thích các hiện tượng trong thiên nhiên.... Chi tiết mời các em cùng theo dõi bài viết nhé:

Kể câu chuyện về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên ngắn gọn

Một trong những câu chuyện mà em ấn tượng nhất về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, chính là câu chuyện Con chó nhà hàng xóm.

Câu chuyện kể về một bé gái nhỏ rất thân thiết với chú cún nhà hàng xóm. Đối với cô, cún không chỉ là một chú thú cưng, mà còn là một người bạn thân thiết. Hằng ngày, cô đều sang thăm và cùng chú cún vui vẻ nhảy nhót khắp vườn. Tuy nhiên, một lần nọ khi đang vui chơi thì cô bé vấp phải cành cây và bị ngã, phải bó bột chân. Điều đó khiến cô không được sang chơi với chú cún nhiều ngày. Vì vậy, cô bé buồn lắm. Dù được bạn bè và người thân quan tâm, cô vẫn cảm thấy trống vắng, vì thiếu đi người bạn bốn chân của mình. Nghe cô tâm sự, mẹ đã kể với bác hàng xóm. Thế là ngày hôm sau, bác hàng xóm đã dẫn cún sang chơi với bé. Từ hôm đó, người bạn bốn chân hôm nào cũng sang thăm bé và mang theo cho cô những món quà nhỏ. Tuy rất muốn cùng cô bé ra vườn chạy nhảy, nhưng biết cô bé còn đau nên con vật thông minh đã kìm nén và chờ ngày cô bé khỏi bệnh.

Câu chuyện tuy đơn giản vậy thôi, nhưng đã giúp em hiểu và cảm nhận được tình bạn sâu sắc giữa cô bé và chú cún hàng xóm. Đó là tình cảm thân thiết gắn bó giữa con người và thiên nhiên.

Kể câu chuyện về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên - Mẫu 1

Thiên nhiên tươi đẹp, kì thú, hoà hợp tương hỗ lẫn nhau. Mọi vật xung quanh ta đều tồn tại trên cơ sở đó. Nhưng con người, vì những nhu cầu cá nhân hoặc tính tham lam đã làm tổn hại những yếu tố tự nhiên theo một cách thiếu suy nghĩ. Câu chuyện “Người đi săn và con vượn” em đã học lúc lớp Ba đáng để loài người suy ngẫm.

Có một người thợ săn lành nghề, bắn rất giỏi, bách phát bách trúng, chưa hề bắn trượt một con thú nào. Con thú nào gặp người thợ săn đó là cầm chắc cái chết.

Một hôm, ông xách nỏ vào rừng săn bắn. Ông thấy một con vượn mẹ ngồi ôm con trên tảng đá, ông nhẹ nhàng giương nỏ bắn một mũi tên trúng tim nó. Vượn mẹ giật mình, nó hết nhìn mũi tên lại nhìn người thợ săn một cách căm giận. Tay vượn mẹ vẫn không rời vượn con. Máu ở vết thương của nó rỉ ra, ướt hết cả ngực. Bỗng vượn mẹ đặt con xuống, vơ nắm bùi nhùi gối đầu cho con. Đoạn nó hái cái lá to, vắt sữa vào và đặt lên miệng vượn con. Vượn mẹ chăm chú nhìn vượn con, nét mắt của nó vô cùng đau khổ. Sau đó, vượn mẹ nghiến răng, giật phắt mũi tiên ra, hét lên thật to rồi ngã xuống.

Chứng kiến cái chết của vượn mẹ, người thợ săn đứng lặng, nước mắt chảy ròng. Người đi săn vô cùng hối hận. Lúc ấy, một câu hỏi vang lên trong đầu ông: “Vượn mẹ chết, rồi đây vượn con sẽ sống ra sao?”. Càng nghĩ càng thấy đau lòng, người đi săn bẻ gãy chiếc nỏ và lẳng lặng quay gót ra về. Từ đấy, người thợ săn bỏ nghề săn thú.

Tình yêu con của vượn mẹ đã đánh thức tâm trí của người thợ săn, để đọng lại trong tim ông nỗi niềm ân hận day dứt. Ông bỏ nghề thợ săn là quyết định đúng. Chuyện kể cũng là lời cảnh báo cho toàn thể loài người, khơi dậy trong tâm hồn con người lòng từ ái đối với vạn vật, hoa lá, chim muông. Bảo vệ thiên nhiên là bảo vệ chính mình.

Cái chết của vượn mẹ, cái lá đựng sữa của vượn mẹ đặt gần con là thông điệp tố cáo sự tàn nhẫn của con người, rất may mắn là bác thợ săn đã nhận thức đúng lúc: bác bỏ nghề để không còn bắn giết thú rừng nữa.

Kể câu chuyện về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên - Mẫu 2

Tôi xin kể cho các bạn cùng nghe câu chuyện về Sự tích sông Cửu Long mà tôi đọc được.

Sông Cửu Long có rất nhiều tên gọi, trong đó có một cái tên rất quen thuộc với người Việt Nam cũng như trên thế giới. Đó là sông Công. Theo tiếng Lào Thái, Công nghĩa là “chờ”. Tại sao lại gọi là sông “Chờ”? Có một sự tích lí thú kể lại như sau:

Vào một thời xa lắc xa lơ có hai vị thần khổng lồ có thể dời núi lấp biển chỉ trong khoảnh khắc. Hai vị thần kiếm ăn bằng một nghề khác nhau, và tính cách cũng đối lập nhau. Kẻ thì nóng nảy, chân thật, người thì điềm đạm, tính toán. Tuy thế, họ là đôi bạn thân thiết. Một hôm, không rõ vì lí do gì, hai bên nổ ra một cuộc tranh cãi gay go, chẳng ai chịu ai. Cuối cùng họ đi tìm trọng tài để phân xử. Gặp được một thiên thần, cả hai đều trình bày đầu đuôi sự việc. Nghe xong, vị thiên thần bảo:

- Chuyện này thật khó xử. Ta tạm giải quyết thế này: Cả hai hãy chạy đua với nhau, ai đến đích trước coi như người đó thắng cuộc.

Cả hai đồng ý. Thế rồi vị thiên thần nọ dẫn họ đến địa điểm xuất phát. Chỗ ấy là một vùng rừng núi đại ngàn. Đích đến là vùng biển Đông.

Lệnh xuất phát ban ra. Hai vị thần (Thần Săn và Thần Câu) bắt đầu di chuyển. Thần Săn vốn quen leo đồi vượt dốc nên chạy miết, còn Thần Câu tỏ ra ngần ngại vì không quen trèo dốc vượt núi nên cứ dựa vào thế núi mà chạy nên rất chậm. Còn Thần Săn cắm đầu cắm cổ chạy, chẳng bao lâu đã đến được cánh đồng bát ngát và bằng phẳng. Thần bèn ngồi lại nghỉ. Thần Câu, vì men theo chân núi nên kéo dài thời gian và tốc độ thì quá chậm. Sốt ruột quá, Thần bèn bay vọt lên cao để tìm đường gần nhất. Thần Săn sau khi xả hơi vội làm một mạch đến đích và được thiên thần công nhận thắng cuộc.

Ngày nay, con đường Thần Săn chạy, đá văng đất lún trở thành dòng sông. Tuy dòng sông có thẳng hơn nhưng lại lắm ghềnh nhiều thác. Chỗ Thần Săn ngồi nghỉ lại chính là Biển Hồ. Còn con đường mà Thần Câu chạy cũng thành sông nhưng ngoằn ngoèo hơn. Thần Săn đến trước phải đợi chờ và hay đi đi lại lại. Những chỗ đi lại ấy đều biến thành những cửa sông. Có đến chín cửa sông như chín con rồng. Vì thế con sông còn có tên là Cửu Long.

Kể câu chuyện về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên - Mẫu 3

Hôm sinh nhật, Hùng nhận được rất nhiều quà. Nhưng cậu ta thích nhất là chiếc lồng bẫy chim của người anh họ gửi cho. Chiếc lồng làm bằng những thanh tre vuốt tròn. Phía trên có một cái lưới và miếng gỗ nhỏ, rắc thức ăn lên đó để ngoài sân, hễ chim đậu vào mổ thóc là miếng gỗ bật lên, lưới ụp xuống. Hùng mừng quá, chạy khoe với bố. Bố bảo:

- Thứ đồ chơi này không tốt. Con không nên bắt chim làm gì!

- Con sẽ nhốt chim vào lồng và nuôi cho chim hót.

Rồi Hùng lấy thóc rắc lên miếng gỗ, đem bẫy đặt ngoài vườn. Hùng nấp vào gốc cây, chờ mãi vẫn không thấy con chim nào bay tới. Hùng để bẫy ở đó đi ăn cơm trưa. Sau bữa ăn, cậu vui mừng thấy lưới đã sập. Một chú chim nhỏ đang giãy giụa trong lưới. Hùng bắt chim bỏ vào lồng và chạy vào khoe với bố:

- Bố ơi, bố xem này, con bẫy được một chú họa mi.

- Đây là chim sâu, đừng làm tội nó con ạ! Tốt hơn thì con thả nó ra …

Hùng thưa lại bố:

- Bố yên tâm, con sẽ chăm sóc nó chu đáo!

Mấy hôm đầu, Hùng đều rắc thóc cho chim, thay nước, rửa lồng ... Đến ngày thứ năm, Hùng quên mất. Bố Hùng bảo:

- Đây, con quên chim rồi. Cứ thả nó ra là hơn.

- Con sẽ không quên nữa! Con đi lấy thóc và thay nước ngay bây giờ. Tội nghiệp chú chim nhỏ của tôi!

Hùng mở cửa lồng lau chùi. Chú chim sợ hãi, cuống cuồng đập cánh bay khắp lồng. Hùng dọn sạch lồng xong, bỏ đi lấy thóc và nước mà quên đóng cửa lồng. Hùng vừa bước đi, chú chim nhỏ vội bay qua cửa sổ thoát thân. Không ngờ, chim đập đầu vào cửa kính ngã lăn xuống nền nhà. Hùng vội chạy đến bắt chim bỏ vào lồng. Chú chim nhỏ nằm bẹp xuống, sải cánh và thở mệt nhọc. Hùng nhìn chim rồi nước mắt chảy:

- Bố ơi, con làm thế nào bây giờ hả bố?

Bố nhìn con lắc đầu:

- Biết làm thế nào được nữa!

Suốt ngày, Hùng không rời chiếc lồng. Con chim nhỏ vẫn nằm thở dồn dập. Sáng hôm sau, Hùng lại gần lồng chim. Con chim nhỏ đã nằm ngửa, chân duỗi thẳng cứng đờ. Từ đấy, Hùng không bao giờ bẫy chim nữa.

Câu chuyện có ý nghĩa thật sâu sắc. Chim chóc cũng như con người phải được sống tự do và sống cùng đồng loại. Nếu cô đơn và mất tự do, chim cũng vô cùng đau đớn và khó bề sống nổi.

Kể câu chuyện về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên - Mẫu 4

Nhân ngày sinh nhật, Hưng được tặng một cái lồng chim rất đẹp, làm bằng những thanh tre vuốt tròn. Khi được tặng Hưng nghĩ ngay đến việc tìm cách bẫy chim để nuôi.

Nói là làm ngày hôm đó cậu tìm cách nhử chim vào lồng bằng cách đặt bẫy thức ăn ngay cạnh lồng chim. Chờ đợi mãi thì cũng có một chú chim sâu sập bẫy, Hưng vui vẻ còn chú chim kia đang vùng vẫy nhưng không có cách gì thoát ra khỏi.

Hưng vui vẻ chạy đến khoe với người bố, những người bố lại khuyên em nên thả đi.

Hưng: "Con vừa bắt được một con chim sâu”

Bố: “Con nên thả nó đi con ạ, nuôi nó cũng sẽ không sống được”

Hưng bảo rằng sẽ chăm sóc cho nó chu đáo.

Những ngày đầu tiên, cậu rất chu đáo khi chuẩn bị nước uống, thức ăn và chơi với chú chim sâu. Được vài ngày thì chim sâu không ăn, không uống, Hưng tìm mọi cách nhưng vẫn không biết nguyên nhân tại sao bèn hỏi bố thì bố đáp: “môi trường và thức ăn không hợp với chim sâu”, “con nên thả nó đi thì hơn”.

Hưng vẫn không chịu nghe theo lời bố, sức khỏe của chú chim ngày càng yếu dần và vào một buổi sáng thức dậy chim sâu không còn cựa quậy, chân duỗi thẳng, mắt nhắm nghiền lại. Cậu ấy buồn bã mấy ngày liền và từ đó không còn nuôi bất kì loài chim nào nữa.

Qua câu chuyện trên có thể thấy loài chim khi sống trong môi trường tự nhiên, tự do mới khỏe mạnh và phát triển. Con người đừng nên ép buộc, sống nuôi nhốt loài chim, hãy để chúng tự do trong môi trường tự nhiên.

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
66
  • Lượt tải: 114
  • Lượt xem: 16.497
  • Dung lượng: 158,7 KB
Tìm thêm: Thiên nhiên
Sắp xếp theo