Bộ đề đọc hiểu Làng (Có đáp án) 5 Đề đọc hiểu Làng của Kim Lân

Bộ đề đọc hiểu Làng của Kim Lân của Kim Lân gồm 5 đề, có đáp án kèm theo, giúp các em học sinh lớp 9 hiểu rõ hơn, có thêm nhiều thông tin bổ ích, dễ dàng trả lời câu hỏi đọc hiểu truyện ngắn Làng.

Làng

Với 5 đề đọc hiểu Làng hay nhất dưới đây, các em sẽ hiểu rõ hơn về tác phẩm, tác giả, những điều mà Kim Lân muốn gửi gắm thông qua truyện ngắn này. Bên cạnh đó, có thể tham khảo bộ đề đọc hiểu  Chị em Thúy Kiều, Cảnh ngày xuân, Mùa xuân nho nhỏ, Sang thu để vận dụng cách hiểu, tư duy rèn kỹ năng trả lời đọc hiểu thật tốt.

Đề đọc hiểu Làng - Đề 1

Cho đoạn trích dưới đây và trả lời câu hỏi:

"Chợt ông lão lặng hẳn đi, chân tay nhũn ra, tưởng chừng như không cất lên được… Có tiếng nói léo xéo ở gian trên. Tiếng mụ chủ…Mụ nói cái gì vậy ? Mụ nói cái gì mà lào xào thế ? Trống ngực ông lão đập thình thịch.”.

Câu 1: Phần trích trên trích từ văn bản nào? Của ai? Giới thiệu đôi nét về tác giả.

Câu 2: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?

Câu 3: Tìm câu đặc biệt trong đoạn trích trên.

Câu 4: Xác định từ tượng thanh trong đoạn trích. Nêu tác dụng.

Đáp án đề đọc hiểu Làng

Câu 1: Phần trích trên trích từ tác phẩm Làng của nhà văn Kim Lân.

Giới thiệu đôi nét về tác giả: Kim Lân (1920 – 2007), tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài, quê ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông là nhà văn chuyên viết truyện ngắn và đã có sáng tác đăng báo từ trước Cách mạng tháng Tám 1945. Vốn gắn bó và am hiểu sâu sắc cuộc sống ở nông thôn, Kim Lân hầu như chỉ viết về sinh hoạt làng quê và cảnh ngộ của người nông dân. Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Câu 2: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là: Tự sự

Câu 3: Câu đặc biệt trong đoạn trích trên là: "Có tiếng nói léo xéo ở gian trên" và "Tiếng mụ chủ"

Câu 4: Từ tượng thanh trong đoạn trích: Léo xéo, lào xào, thình thịch

Tác dụng: mô phỏng âm thanh.

Đề đọc hiểu Làng - Đề 2

Cho đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

“Cả làng chúng nó Việt gian theo Tây…”, cái câu nói của người đàn bà tản cư hôm trước lại dội lên trong tâm trí ông.

Hay là quay về làng?…

Vừa chớm nghĩ như vậy, lập tức ông lão phản đối ngay. Về làm gì ở cái làng ấy nữa. Chúng nó theo Tây cả rồi. Về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ…

Nước mắt ông lão giàn ra. Về làng tức là chịu quay lại làm nô lệ cho thằng Tây(…)

Ông Hai nghĩ rợn cả người. Cả cuộc đời đen tối, lầm than cũ nổi lên trong ý nghĩ ông. Ông không thể về cái làng ấy được nữa. Về bây giờ ra ông chịu mất hết à? Không thể được! Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù.”

Câu 1: Đoạn trích trên thuộc tác phẩm nào, của tác giả nào? Ghi rõ thời gian sáng tác tác phẩm.

Câu 2: Nêu nội dung của đoạn văn?

Câu 3: Câu “Cả làng chúng nó Việt gian theo Tây..” là lời dẫn trực tiếp hay gián tiếp?

Câu 4: Câu văn “Hay là quay về làng?…” thuộc kiểu câu nào chia theo mục đích nói?

Câu 5: Dấu ngoặc kép trong đoạn văn có tác dụng gì?

Câu 6: Có bạn cho rằng đoạn trích trên đã sử dụng chủ yếu hình thức ngôn ngữ độc thoại, lại có bạn cho rằng đó là độc thoại nội tâm. Ý kiến của em thế nào?

Đáp án đề đọc hiểu Làng

Câu 1: Đoạn trích trên nằm trong truyện Làng của nhà văn Kim Lân, truyện được viết năm 1948, thời kì đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Câu 2: Nội dung của đoạn văn là: Sự giằng xé nội tâm của nhân vật ông Hai giữa việc quay về làng hay ở lại.

Câu 3: Câu “Cả làng chúng nó Việt gian theo Tây..” là lời dẫn trực tiếp.

Câu 4: Câu văn “Hay là quay về làng?…” thuộc kiểu câu nghi vấn.

Câu 5: Tác dụng dấu ngoặc kép là: Đánh dấu và trích dẫn lời thoại trực tiếp

Câu 6: Đoạn văn trích này chủ yếu dùng ngôn ngữ độc thoại nội tâm, đó là những lời nói bên trong của nhân vật, không nói ra thành tiếng.

Đề đọc hiểu Làng - Đề 3

Đọc đoạn trích và trả lời câu hỏi:

Về đến nhà, ông Hai nằm vật ra giường, mấy đứa trẻ thấy bố hôm nay có vẻ khác, len lén đưa nhau ra đầu nhà chơi sậm chơi sụi với nhau. Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão cứ tràn ra… Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu… ông lão nắm chặt hai tay lại và rít lên:

- Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này! Ông lão bỗng ngừng lại, ngờ ngợ như lời mình nói không được đúng lắm.

Chả nhẽ cái bọn ở làng lại đốn đến thế được. Ông kiểm điểm từng người trong óc. Không mà, họ toàn là những người có tinh thần cả mà. Họ đã ở lại làng. Quyết tâm một sống một chết với giặc, có đời nào lại can tâm làm điều nhục nhã ấy!… Nhưng sao lại nảy ra cái tin như vậy được? Mà thằng chánh Bệu thì đích thị là người làng không sai rồi. Không có lửa thì sao có khói? Ai người ta hơi đâu bịa tạc ra những chuyện ấy làm gì. Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian! Rồi đây biết làm ăn, buôn bán ra sao? Ai người ta chứa. Ai người ta buôn bán mấy. Suốt cả cái nước Việt Nam này người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước… Lại còn bao nhiêu người làng, tan tác mỗi người một phương nữa không biết họ đã rõ cái cơ sự này chưa?

Câu 1: Nêu nội dung chính của đoạn trích

Câu 2: Trong đoạn: Ông lão bỗng ngừng lại, ngờ ngợ như lời mình nói không được đúng lắm.

Chả nhẽ cái bọn ở làng lại đốn đến thế được. Ông kiểm điểm từng người trong óc. Không mà, họ toàn là những người có tinh thần cả mà. Họ đã ở lại làng. Quyết tâm một sống một chết với giặc, có đời nào lại can tâm làm điều nhục nhã ấy.

“Ông lão” trong đoạn trích trên là nhân vật nào? Điều “nhục nhã” được nói đến là điều gì?

Những câu văn nào là lời trần thuật của tác giả, những câu văn nào là lời độc thoại nội tâm của nhân vật? Những lời độc thoại nội tâm ấy thể hiện tâm trạng gì của nhân vật?

Câu 3: Câu “Chả nhẽ cái bọn ở làng lại đốn đến thế được.” thì từ “ Chả nhẽ” là thành phần gì trong câu? Nêu rõ tên thành phần đó?

Câu 4: Đoạn văn "Nhưng sao lại nảy ra cái tin...cái cơ sự này chưa?…" là lời của ai? Điều đó có ý nghĩa gì trong việc bộc lộ tâm trạng của nhân vật ông Hai?

Câu 5: Chỉ ra thành phần tình thái trong câu: "Ông lão bỗng ngừng lại, ngờ ngợ như lời mình không được đúng lắm. Chả nhẽ cái bọn ở làng lại đốn đến thế được"

Câu 6: Đoạn trích được kể theo ngôi thứ mấy? Từ nào là từ hán Việt trong đoạn trích.

Đáp án đề đọc hiểu Làng

Câu 1: Nội dung chính của đoạn trích trên là: Đoạn trích nói về tâm trạng đau đớn của ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc.

Câu 2: Trong đoạn: "Ông lão bỗng ngừng lại....có đời nào lại can tâm làm điều nhục nhã ấy", “Ông lão” trong đoạn trích trên là nhân vật ông Hai.

- Điều "nhục nhã" được nói đến là làng Chợ Dầu theo giặc.

- Những câu văn nào là lời trần thuật của tác giả:

(1) “Ông lão bỗng ngừng lại, ngờ ngợ như lời mình không được đúng lắm.

(3) Ông kiểm điểm từng người trong óc

- Những câu văn là lời độc thoại của nội tâm của nhân vật:

(2) Chả nhẽ cái bọn ở làng lại đốn đến thế được.

(4) Không mà, họ toàn là những người có tinh thần cả mà

(5) Họ đã ở lại làng, quyết tâm một sống một chết với giặc, có đời nào lại cam tâm làm điều nhục nhã ấy!

- Những lời độc thoại nội tâm ấy thể hiện tâm trạng của ông Hai: băn khoăn, day dứt nhưng vẫn tin tưởng vào lòng trung thành của người dân làng Chợ Dầu với cách mạng.

Câu 3: Câu “Chả nhẽ cái bọn ở làng lại đốn đến thế được.” thì từ “ Chả nhẽ” là thành phần biệt lập tình thái trong câu.

Câu 4: Đoạn văn "Nhưng sao lại nảy ra cái tin...cái cơ sự này chưa?…" là lời độc thoại nội tâm của nhân vật ông Hai.

Điều này góp phần thể hiện sự nghi vấn, hoài nghi của ông Hai trước tin đồn làng Chợ Dầu theo Tây. Sau sự hoài nghi chính là nỗi đau và sự xấu hổ vì cả làng theo Tây.

Câu 5: Thành phần tình thái trong câu: "Ông lão bỗng ngừng lại, ngờ ngợ như lời mình không được đúng lắm. Chả nhẽ cái bọn ở làng lại đốn đến thế được" là: Chả nhẽ.

Câu 6: Đoạn trích được kể theo ngôi thứ 3.

Từ hán Việt là: tinh thần.

Đề đọc hiểu Làng - Đề 4

Cho đoạn trích sau:

“Ông Hai vẫn trằn trọc không sao ngủ được, ông hết trở mình bên này lại trở mình bên kia, thở dài. Chợt ông lão lặng hẳn đi, chân tay nhũn ra, tưởng chừng như không cất lên được... Có tiếng nói léo xéo ở gian trên. Tiếng mụ chủ... Mụ nói cái gì vậy? Mụ nói cái gì mà lào xào thế? Trống ngực ông lão đập thình thịch. Ông lão nín thở, lắng tai nghe bên ngoài.”

Câu 1: Đoạn trích trên trích trong tác phẩm nào? Do ai sáng tác?

Câu 2: Chỉ ra những từ láy tượng thanh có trong đoạn trích. Những từ láy đó đã giúp bộc lộ tâm trạng của nhân vật ông Hai như thế nào? Tại sao ông Hai lại có tâm trạng đó?

Câu 3: Truyện ngắn “Làng” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Kim Lân, đã tạo một dấu ấn riêng trong lòng người đọc. Em hãy viết đoạn văn khoảng nửa trang giấy thi giới thiệu về tác phẩm này.

GỢI Ý

1

Đoạn trích trên trích trong tác phẩm nào? Do ai sáng tác?

Xuất xứ, tác giả:

-Tác phẩm: Làng

- Tác giả: Kim Lân

2

Chỉ ra những từ láy tượng thanh có trong đoạn trích. Những từ láy đó đã giúp bộc lộ tâm trạng của nhân vật ông Hai như thế nào? Tại sao ông Hai lại có tâm trạng đó?

Từ láy trong đoạn văn và tác dụng:

- Đoạn văn trên có 3 từ láy tượng thanh: “léo xéo, lào xào, thình thịch”.

- Tác dụng: bộc lộ tâm trạng ông Hai: căng thẳng, lo lắng, sợ hãi đến mức ám ảnh (tiếng động trong đêm càng tô đậm nỗi sợ trong lòng ông Hai).

=> Ông Hai rơi vào tâm trạng đó là do ông không muốn mụ chủ nhà biết chuyện làng Chợ Dầu của ông Việt gian.

3

Truyện ngắn “Làng” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Kim Lân, đã tạo một dấu ấn riêng trong lòng người đọc. Em hãy viết đoạn văn khoảng nửa trang giấy thi giới thiệu về tác phẩm này.

Viết đoạn văn thuyết minh về tác phẩm:

a. Mở đoạn:

Nêu tên tác phẩm Làng và tác giả Kim Lân, nêu ấn tượng của mình về tác giả, tác phẩm đó.

b. Thân đoạn:

- Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, khẳng định tác phẩm định giới thiệu là một trong những thành công của tác giả đó.

- Giới thiệu xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm.

- Thuật lại (tóm tắt) ngắn gọn nội dung của tác phẩm (đoạn trích). Đối với thơ thì nêu nội dung chính.

- Trình bày giá trị nội dung của tác phẩm (đoạn trích)

+ Xây dựng thành công nhân vật

+ Thông qua vẻ đẹp của các nhân vật chủ yếu là nhân vật chính (đặc điểm, tính cách, lời nói, suy nghĩ và hành động) để thấy tác giả gửi gắm, ngợi ca điều gì.

- Giá trị nghệ thuật của tác phẩm (đoạn trích)

+ Tạo tình huống truyện

+ Xây dựng nhân vật

+ Ngôi kể, điểm nhìn nghệ thuật

+ Kết hợp phương thức biểu đạt.

c. Kết đoạn:

Thông qua ý nghĩa, chủ đề, tư tưởng của tác phẩm đưa ra đánh giá chung.

Đề đọc hiểu Làng - Đề 5

Trong văn bản “Làng” của Kim Lân có đoạn:

“Nhưng sao lại nảy ra cái tin như vậy được? Mà thằng Chánh Bệu thì đích là người làng không sai rồi. Không có lửa làm sao có khói? Ai người ta hơi đâu bịa ra những chuyện ấy làm gì. Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian! Rồi đây biết làm ăn, buôn bản ra sao? Ai người ta chứa. Ai người ta buôn bán mấy. Suốt cả cái nước Việt Nam này người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước...Lại còn bao nhiêu người làng, tan tác mỗi người một phương nữa, không biết họ đã rõ cái cơ sự này chưa?”

(SGK Ngữ văn 9, tập một)

Câu 1: Tâm trạng của nhân vật được nói đến trong đoạn trích trên là ai? “Cái cơ sự này” trong đoạn trích là điều gì?

Câu 2: Việc sử dụng liên tiếp các câu nghi vấn trong đoạn văn trên có tác dụng gì trong khi diễn tả những cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật?

Câu 3: Bằng sự hiểu biết về truyện ngắn “Làng”, hay viết một đoạn văn nghị luận khoảng 12-15 câu theo theo phép lập luận Tổng hợp - Phân tích - Tổng hợp, phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật khi biết “cái cơ sự này”. Trong đoạn văn có sử dụng thành phần tình thái và khởi ngữ (gạch chân và chú thích rõ).

Câu 4: Tại sao khi xây dựng hình tượng nhân vật chính luôn hướng về làng chợ Dầu, nhưng tác giả lại đặt tên tác phẩm của mình là “Làng” chứ không phải “Làng chợ Dầu”?

Câu 5: Trong chương trình Ngữ văn THCS cũng có một tác phẩm viết về người nông dân với nỗi đau sâu sắc bộc lộ qua cử chỉ, ngoại hình. Đó là tác phẩm nào? Tác giả là ai?

GỢI Ý

1

Tâm trạng của nhân vật được nói đến trong đoạn trích trên là ai? “Cái cơ sự này” trong đoạn trích là điều gì?

Tâm trạng nhân vật được nói đến và ý nghĩa “Cái cơ sự này”:

-Tâm trạng của nhân vật được nói đến trong đoạn trích trên là: ông Hai.

- “Cái cơ sự này” trong đoạn trích là: cái tin làng Chợ Dầu theo giặc làm Việt gian.

2

Việc sử dụng liên tiếp các câu nghi vấn trong đoạn văn trên có tác dụng gì trong khi diễn tả những cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật?

Tác dụng việc sử dụng liên tiếp các câu nghi vấn:

Thể hiện tâm trạng băn khoăn, day dứt, dằn vặt, đau khổ... không nguôi của ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc.

3

Bằng sự hiểu biết về truyện ngắn “Làng”, hay viết một đoạn văn nghị luận khoảng 12-15 câu theo theo phép lập luận Tổng hợp - Phân tích - Tổng hợp, phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật khi biết “cái cơ sự này”. Trong đoạn văn có sử dụng thành phần tình thái và khởi ngữ (gạch chân và chú thích rõ). 

Viết doạn phân tích diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng Việt gian:
- Tác giả đã đặt nhân vật ông Hai vào một tình huống gay cấn để bộc lộ sâu sắc tình cảm yêu làng, yêu nước của ông.

- Khi mới nghe tin xấu đó: ông sững sờ, chưa tin, nhưng khi người ta kể rành rọt, không tin không được, ông xấu hổ lảng ra vẻ, cúi gằm mặt xuống mà đi trong xấu hổ, đau đớn...

- Về đến nhà: nhìn thấy các con, càng nghĩ càng tủi hổ, giận những người ở lại làng...

- Ba bốn ngày sau: Không dám ra ngoài. Cái tin nhục nhã ấy choán hết tâm trí ông thành nỗi ám ảnh khủng khiếp...

- Tình cảm yêu nước vả yêu làng con thể hiện sâu sắc trong cuộc xung đột nội tâm gay gắt và sự lựa chọn “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”

- Tình cảm đối với kháng chiến, đối với cụ Hồ được bộc lộ một cách cảm động nhất khi ông trút nỗi lòng vào lời tâm sự với đứa con út ngây thơ...

=> Tóm lại, với nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm trạng nhân vật tinh tế, Kim Lân đã thể hiện chân thực, cảm động tình yêu làng, yêu nước, tinh thần kháng chiến của ông Hai, của người nông dân Việt Nam buổi đầu chống Pháp.

4

Tại sao khi xây dựng hình tượng nhân vật chính luôn hướng về làng chợ Dầu, nhưng tác giả lại đặt tên tác phẩm của mình là “Làng” chứ không phải “Làng chợ Dầu”?

Tác giả dặt tên truyện là “Làng” chứ không phải là “Làng Chợ Dầu”:

- Nếu đặt tên là “Làng chợ Dầu” thì câu chuyện chỉ kể về cuộc sống và con người ở một làng quê cụ thể => Ý nghĩa tác phẩm sẽ hạn hẹp

- Đặt tên là “Làng” vì đây là tên gọi gần gũi, thân mật, cụ thể với bất kỳ ai

=> Ý nghĩa nhan đề có sức khái quát cao: Không phải chỉ có một làng là làng yêu nước như làng chợ Dầu và không chỉ có một người nông dân yêu nước như ông Hai mà trên đất nước Việt Nam có rất nhiều làng yêu nước như làng chợ Dầu và cũng có rất nhiều người nông dân yêu nước như nhân vật ông Hai

5

Trong chương trình Ngữ văn THCS cũng có một tác phẩm viết về người nông dân với nỗi đau sâu sắc bộc lộ qua cử chỉ, ngoại hình. Đó là tác phẩm nào? Tác giả là ai?

Tác phẩm viết về người nông dân với nỗi đau sâu sắc:

- Tác phẩm: Lão Hạc
-Tác giả: Nam Cao

Chia sẻ bởi: 👨 Tiêu Nại
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm