Bài thơ Mẹ Tác giả Đỗ Trung Lai
Bài thơ Mẹ của tác giả Đỗ Trung Lai là lời của người con, bộc lộ cảm xúc xót xa, thương cảm khi mẹ ngày càng có tuổi.
Download.vn sẽ cung cấp tài liệu về tác giả, tác phẩm. Bạn đọc hãy cùng tham khảo chi tiết ngay sau đây.
Mẹ
Lưng mẹ còng rồi
Cau thì vẫn thẳng
Cau - ngọn xanh rờn
Mẹ - đầu bạc trắng
Cau ngày càng cao
Mẹ ngày một thấp
Cau gần với giời
Mẹ thì gần đất!
Ngày con còn bé
Cau mẹ bổ tư
Giờ cau bổ tám
Mẹ còn ngại to!
Một miếng cau khô
Khô gầy như mẹ
Con nâng trên tay
Không cầm được lệ
Ngẩng hỏi giời vậy
- Sao mẹ ta già?
Không một lời đáp
Mây bay về xa.
I. Đôi nét về tác giả Đỗ Trung Lai
- Tác giả Đỗ Trung Lai sinh năm 1950
- Quê ở Hà Nội.
- Ngoài làm thơ, làm báo, Đỗ Trung Lai còn vẽ tranh, có phòng thơ, làm báo.
Tác phẩm đã xuất bản: Đêm sông Cầu (thơ, 1990), Đắng chát và ngọt ngào (thơ, in chung, 1991), Thơ và tranh (1998), Người chơi đàn nguyệt ở Hàng Châu (truyện và ký, 2000), Thời thơ ấu của chàng lau sậy (tiểu thuyết, 2008),...
II. Giới thiệu về bài thơ Mẹ
1. Thể thơ
Bài thơ được sáng tác theo thể thơ bốn chữ.
2. Đọc hiểu
a. Hình ảnh người mẹ
- Hình ảnh mẹ được đối chiếu với hình ảnh cây cau - một loài cây đã quen thuộc ở làng quê Việt Nam.
- Những hình ảnh về “mẹ” và “cau”:
- lưng mẹ “còng” - cau “thẳng”
- cau “ngọn xanh rờn” - mẹ “đầu bạc trắng”
- cau “ngày càng cao” - mẹ “ngày một thấp”
- cau “gần giời” - mẹ “gần đất”
=> Người mẹ ngày một già đi theo năm tháng, thời gian.
b. Tình cảm của người con dành cho mẹ
- Hình ảnh so sánh “một miếng cau khô/khô gầy như mẹ”: Xót xa, đau đớn khi tuổi tác của mẹ ngày càng lớn, sức khỏe ngày càng yếu đi.
- “Con nâng trên tay”: Thái độ trân trọng, nâng niu của người con dành cho mẹ.
- “Không cầm được lệ”: Nỗi xót xa, cay đắng bị dồn nén.
- Câu hỏi tu từ “Sao mẹ ta già?”: Câu hỏi tu từ không nhận được lời đáp, để lại sự cô đơn, trống vắng.
- Hình ảnh “mây bay về xa” cũng giống như mái tóc mẹ bạc hòa cùng với mây trắng trên cao thể hiện một niềm xót xa, tiếc nuối.
=> Niềm thương cảm, nỗi xót xa và sự trân trọng dành cho người mẹ.