Văn mẫu lớp 7: Biểu cảm về loài cây em yêu Tuyển tập 55 bài văn mẫu lớp 7 hay nhất

Mỗi loài cây đều có những vẻ đẹp riêng. Vì vậy, Download.vn sẽ cung cấp tài liệu Bài văn mẫu lớp 7: Biểu cảm về loài cây em yêu.

Biểu cảm về loài cây em yêu
Biểu cảm về loài cây em yêu

Nội dung của tài liệu bao gồm dàn ý và 55 bài văn mẫu lớp 7. Các bạn học sinh có thể tham khảo để biết cách làm bài văn biểu cảm về một loài cây.

Đề bài: Loài cây em yêu (Chọn bất cứ cây gì ở làng quê Việt Nam: Tre, dừa, chuối, gạo đa,...)  

Biểu cảm về cây phượng

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

Dẫn dắt, giới thiệu và nêu cảm nhận về cây phượng.

2. Thân bài

- Miêu tả khái quát về cây phượng: rễ cây, thân cây, lá cây, hoa phượng.

- Cây phượng như là một người bạn thân thiết, gắn bó với học sinh:

  • Cây phượng cao lớn, vững chắc tạo bóng mát cho học sinh ngồi nghỉ, chơi đùa, học bài dưới gốc cây.
  • Những chiếc lá được các cô cậu học trò khéo tay dùng để bện những chiếc râu tôm
  • Hoa phượng đỏ rực như màu nhiệt huyết tuổi học trò.

- Những cảm nhận riêng về hoa phượng: mỗi khi hoa phượng nở lại gợi lên nhiều điều:

  • Báo hiệu một mùa thi lại sắp về. Những đêm thao thức ôn bài, hoa phượng như cây đuốc soi sáng giữa trời đêm.
  • Báo hiệu những ngày nghỉ dài của mùa hè sắp đến, các em HS sẽ được vui chơi thỏa thích sau một năm học dài.
  • Báo hiệu những chia ly, khi những học sinh tạm biệt thầy cô và mái trường.

- Có học sinh nào mà chưa từng ép những chú bướm đỏ rực từ hoa phượng vào trang vở. Đó là kỉ niệm của tuổi hồng ngây thơ.

- Mỗi lần nhìn hoa phượng, những kỉ niệm, cảm xúc lại bâng khuâng, xuyến xao đến lạ kì.

- Hoa phượng chính là hoa của tuổi học trò, có lúc buồn, lúc vui, nhưng luôn căng tràn nhựa sống và nhiệt huyết mạnh mẽ.

3. Kết bài

Nêu những suy nghĩ, tình cảm của em dành cho cây phượng.

Bài văn mẫu số 1

Thế giới loài cây thật đa dạng. Mỗi cây đều mang một nét đẹp riêng. Nhưng có lẽ em cảm thấy gắn bó và yêu mến nhất với cây phượng - loài cây đã vô cùng gắn bó với tuổi học trò.

Phượng được trồng nhiều trong các trường học. Cây cao lớn, có tuổi đời gần bằng với tuổi đời của ngôi trường. Thân cây to, phải ba bốn người mới ôm vừa. Những lớp vỏ màu nâu đậm xù xì, in đậm dấu vết của thời gian. Tán phượng rộng lớn như một chiếc ô khổng lồ tỏa bóng mát xuống sân trường. Dưới bóng mát đó, chúng em đã có thật nhiều kỉ niệm đẹp đẽ với bạn bè.

Gần đến hè, phượng đã bắt đầu ra hoa. Hoa phượng thường mọc thành từng chùm, có màu đỏ. Khác với bằng lăng, phượng nở rực rỡ. Mỗi bông hoa gồm có năm cánh. Trong đó có bốn cánh đỏ và một cánh vàng nhạt có pha những đốm trắng li ti. Các cánh hoa xếp xung quanh nhị hoa dài màu đỏ. Hoa phượng là loài hoa của những ngày hè sôi động. Nhưng cũng là loài hoa của tuổi học trò say mê.

Khi phượng rực rỡ khắp sân trường thì cũng là lúc một mùa chia tay lại đến. Lòng em lại cảm thấy xao xuyến, bồi hồi. Những dòng lưu bút trao tay gửi gắm biết bao tâm tư, kẹp vào đó là cánh hoa đỏ rực rỡ. Hoa phượng nở cũng là lúc tiếng ve kêu râm ran như một bản đồng ca mùa hè. Vẻ đẹp của hoa phượng cùng với âm thanh của tiếng ve đã làm nên một mùa hè rực rỡ.

Với em, mùa hè thật tuyệt vời khi có hoa phượng. Em yêu thích và trân trọng loài hoa này, như trân trọng những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi học trò.

Bài văn mẫu số 2

Phượng là loài hoa của tuổi học trò, cũng là một biểu tượng của ngày hè sôi động. Những hàng phượng vĩ trong nở rực rỡ đã đi vào những trang lưu bút với biết bao tình cảm chân thành.

Những cây phượng vĩ trên sân trường tôi đã được trồng hơn hai mươi năm rồi, từ khi ngôi trường này được xây dựng. Thân cây nào cũng to, chúng tôi phải ba bốn đứa mới ôm vừa. Những lớp vỏ màu nâu đậm xù xì, in hằn dấu vết của thời gian. Tán phượng rộng lớn như một chiếc ô khổng lồ tỏa bóng mát xuống sân trường. Cành lá xanh tươi, đung đưa trong gió. Những chiếc lá nhỏ xíu, bay trong gió rơi xuống sân trường thật thơ mộng.

Mùa hè về, hoa phượng lại rực rỡ. Những bông hoa nở thành từng chùm. Mỗi bông có bốn cánh có màu đỏ, một cánh có đốm trắng. Mỗi cánh hoa ép trong trang nhật kí lưu lại những kỉ niệm thật đẹp. Ở chính giữa của bông hoa là nhị hoa đang vươn dài, đầu to, mang túi phấn hơi cong. Những chiếc nhị thường được học trò dùng làm trò chơi. Đến lúc hoa tàn, từ đài hoa mọc ra quả phượng, rất đẹp. Ban đầu quả phượng có màu xanh nhưng khi chúng chín già chúng có màu đen thẫm và vỏ cứng.

Phượng nở rực đỏ cả một vùng trời. Không giống như màu hoa bằng lăng gợi nét buồn bã. Hoa phượng lại mang vẻ rực rỡ, sôi động của ngày hè. Chúng tôi nhìn hoa phượng nở, lại nghe thấy tiếng ve bắt đầu kêu râm ran. Đó là âm thanh báo hiệu mùa hè sôi động đã đến. Sắc phượng càng đỏ thắm, tiếng ve càng rộn ràng là ngày chia tay lại càng đến gần. Tôi cảm thấy lưu luyến, tiếc nuối trong ngày chia tay mái trường. Vậy là hàng cây phượng vĩ lại một mình suốt ba tháng hè.

Đã từ lâu, người ta coi phượng là biểu tượng của mùa hè. Còn tôi luôn dành cho phượng một tình yêu riêng biệt. Loài cây đã trở thành người bạn tri kỉ của không chỉ riêng tôi, mà của mỗi cô cậu học trò.

Biểu cảm về cây dừa

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

Giới thiệu chung về cây dừa.

2. Thân bài

a. Miêu tả đôi nét về cây dừa

  • Nhìn từ xa, cây như chiếc chổi chổng ngược.
  • Cây cao quá mái nhà.
  • Gốc to cỡ vòng tay ôm của em.
  • Những chùm rễ bám gốc như những con giun đất to.
  • Vỏ cứng có nhiều vết sẹo xen kẽ đều đặn trên thân cây hơi nghiêng về ao cá.
  • Từng chùm quả xinh xinh như những hồ lô xanh bóng.
  • Vô số tàu lá tủa ra, rũ xuống hệt những chiếc lược khổng lồ.

b. Cảm nhận về cây dừa

  • Gắn bó với cuộc sống của người nông dân.
  • Chứa đựng nhiều kỉ niệm tuổi thơ....

3. Kết bài

Khẳng định lại tình cảm về cây dừa.

Bài văn mẫu số 1

Mỗi vùng đất khác nhau đều có một loại cây đặc trưng. Và cây dừa chính là một biểu tượng của vùng đất quê hương em.

Khi còn thơ bé, hình ảnh cây dừa đã xuất hiện trong lời thơ mà em đã từng được học:

“Cây dừa xanh tỏa nhiều tàu,
Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng”

(Cây dừa, Trần Đăng Khoa)

Giống như nhà thơ đã miêu tả, cây dừa có tán rộng với những lá dài, xanh mướt và nhiều tàu. Thân hình cao lớn, tán lá xanh dày nên những hôm trời nắng. Cây dừa đứng sừng sững như một chiếc ô khổng lồ, dang rộng những cánh lá xanh dài của mình để che bớt đi cái nắng gay gắt, đem lại bóng mát cho người dân. Những tán dừa xanh cũng trở thành một món đồ chơi ưa thích của chúng tôi.

Trong cuộc sống hằng ngày, cây dừa cũng đem đến rất nhiều lợi ích to lớn. Người nông dân có thể dùng thân dừa để chế tạo thành đồ mỹ nghệ và vật liệu trong xây dựng. Chiếc lá dứa tưởng chừng vô dụng nhưng có thể được thì dùng làm chất đốt bảo vệ môi trường. Đặc biệt là quả dừa đem đến nhiều lợi ích nhất. Những ngày hè nóng bức được thưởng thức một cốc nước dừa ngọt thơm, mát lành khiến chúng ta cảm thấy thật thoải mái. Phần cùi dừa trắng giòn có thể dùng để nấu xôi, kho thịt, làm mứt hay nấu chè. Chúng tôi lại thích thú với món thạch dừa hơn cả. một món đồ ăn vật vô cùng được yêu thích, nhất là đối với trẻ em.

Đối với riêng tôi, cây dừa gợi nhắc về kỉ niệm tuổi thơ được sống bên bà ngoại. Trước nhà bà có hàng dừa cao lớn, xanh tươi. Dưới bóng dừa, tôi ngồi nghe bà kể chuyện, hay thưởng thức những món ăn thôn quê do bà nấu. Hương vị ngọt thơm của món cá kho dừa đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ mãi. Giờ đây, bà đã không còn nữa. Nhưng tình cảm dành cho bà thì vẫn vậy. Tôi ước ao được một lần thưởng thức lại món ăn thấm đẫm yêu thương.

Có thể nói rằng, dừa đã gắn bó với cuộc sống của người dân Việt Nam từ xa xưa - trở thành một biểu tượng đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam. Tôi yêu biết bao loài cây của quê hương mình.

Bài văn mẫu số 2

“Ai đứng như bóng dừa, tóc dài bay trong gió…” - Đó là lời trong bài hát “Dáng đứng Bến Tre” gợi nhắc mỗi người nhớ về hình ảnh cây dừa - một loài cây rất quen thuộc.

Cây dừa được trồng phổ biến ở khá nhiều nơi. Ở nước ta, dừa thường tập trung ở các tỉnh miền Trung, nổi tiếng nhất là phải kể đến hai tỉnh là Bến Tre và Bình Định. Hình ảnh hàng dừa xanh kéo dài vô tận đã in đậm trong tâm trí con người nơi đây. Thân dừa cao lớn, thẳng tắp. Những tàu lá xanh mướt giống như trong lời thơ của Trần Đăng Khoa:

“Cây dừa xanh tỏa nhiều tàu,
Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng”

(Cây dừa)

Đặc biệt, cây dừa cũng có hoa. Nhưng hoa dừa lại nhỏ, có màu trắng. Bởi vậy mà người ta ít nhắc đến hoa dừa. Em vẫn nhớ về tuổi thơ cùng bạn bè nô đùa dưới bóng cây. Có lẽ đặc biệt nhất chính là quả dừa. Bên trong quả có nước dừa ngọt mát, thanh khiết. Lớp cùi trắng cũng có thể sử dụng để nấu ăn.

Đối với người dân quê em, cây dừa giống như một người bạn thân thiết. Mỗi một bộ phận của cây đều có ích đối với con người. Thân dùng làm dùng làm đồ mỹ nghệ và vật liệu trong xây dựng. Lá dừa héo khô thì dùng làm chất đốt bảo vệ môi trường. Rễ là nguyên liệu quan trọng để làm các loại thuốc nhuộm, thuốc sát trùng... Cây dừa có tán lá xòe rộng như một chiếc ô nên thường được trồng ở các khu nghỉ mát, ven bờ biển để vừa tạo vẻ đẹp thẩm mỹ vừa dùng che nắng. Quả dừa cung cấp nước uống, cùi dừa làm mứt nấu chè…

Nhưng không chỉ hiện hữu trong cuộc sống thường nhật, cây dừa cũng đã đi vào lời thơ, câu hát hay những bức tranh để trở thành một phần hồn của làng quê Việt Nam:

“Thấy dừa thì nhớ Bến Tre
Thấy bông sen nhớ đồng quê Tháp Mười”

(Ca dao)

Hay như:

“Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ
Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ
Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió
Tôi hỏi nội tôi: Dừa có tự bao giờ?
Nội nói: Lúc nội còn con gái
Đã thấy bóng dừa mát rượi trước sân
Đất này xưa đầm lầy chua mặn
Đời đói nghèo cay đắng quanh năm…”

(Dừa ơi)

Có thể thấy rằng, cây dừa là một loại cây hữu ích đối với con người. Dừa cũng trở thành một biểu tượng đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam.

Biểu cảm về cây hoa hồng

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

Giới thiệu về ý nghĩa của loài hoa hồng: Hoa hồng là loài hoa biểu tượng cho tình yêu thương, là sự bắt đầu cho những điều mới mẻ. Vì vậy mà em rất thích loài hoa này.

2. Thân bài

a. Cảm nghĩ về vẻ đẹp của hoa hồng

- Toàn thân cây hoa hồng có vô số gai nhọn như thể nhắn gửi để cảm nhận được sự điều tốt đẹp nhất thì cần phải trải qua những khó khăn mới nhận ra được.

- Những chiếc lá với hai màu sắc khác cùng với những lưỡi cưa xếp chung quanh như làm bông hoa nổi bật hơn.

- Loài hoa hồng khi trổ bông mới rực rỡ làm sao, chúng hé nở những nụ hoa trông như ngọn lửa thắp sáng cả khu vực xung quanh. Cho đến khi búp hoa nở ra trông thật đẹp. Ôi! những cánh hoa hồng mới đẹp làm sao! Những cánh hoa đỏ thắm như những giọt máu.

b. Cảm nghĩ về ý nghĩa của loài hoa hồng

Hoa hồng ngày nay được trồng trên khắp thế giới, con người đã tạo ra vô số loài hồng khác nhau, mỗi loài mang một màu sắc ý nghĩa của chúng.

c. Cảm nghĩ về việc trồng và chăm sóc loài hoa hồng

Hoa hồng khá dễ trồng, chỉ cần chăm chỉ tưới nước và bón phân, sau một thời gian chúng sẽ nở những nụ hoa đẹp nhất, sau khi hoa tàn thì chỉ cần tỉa cành đó đi thì cây hoa sẽ mọc thêm nhiều cành hoa mới.

3. Kết bài

Khẳng định lại tình cảm dành cho loài hoa hồng: Em rất thích loài hoa hồng vì nó là tình yêu thương. Em muốn tất cả mọi người đều có thể gửi cho nhau những cành hoa hồng đỏ thắm.

Bài văn mẫu số 1

Hoa hồng được coi là loài hoa đẹp nhất trong các loại hoa bởi nó tượng trưng cho tình yêu mãnh liệt.

Hoa hồng như cái tên của nó - rất đẹp, nhưng cũng rất “nhọn”. Từ gốc đến ngọn được bao trùm bởi gai nhọn. Lá hoa hồng tròn trịa được viền răng cưa xung quanh. Nụ hồng chúm chím thường được như đôi môi đỏ hồng của các cô thiếu nữ.

Hoa hồng đỏ được xem là hoa thánh dành riêng cho thần Vệ nữ. Hoa hồng gắn liền với truyền thuyết về tình yêu của thần thánh. Hoa hồng không chỉ là nữ hoàng các loài hoa bởi vẻ đẹp kiêu sa và hương thơm quyến rũ, mà còn là một dược phẩm quý của thiên nhiên với những công dụng làm đẹp.

Trong khi mỗi loài hoa đều có một câu chuyện tuyệt vời để kể, hoa hồng lại riêng biệt với vô vàn truyền thuyết và ý nghĩa. Nhiều đến độ chúng ta không thể không dành cho hoa hồng một cách đối xử ưu ái và một không gian riêng biệt với những biểu tượng phong phú của mình.

Được sử dụng từ hàng trăm năm nay để truyền tải thông điệp tình yêu phi ngôn ngữ, hoa hồng là một biểu tượng của niềm tin. Cụm từ tiếng Latinh sub rosa – dưới hoa hồng, ám chỉ một điều đang được giữ trong bí mật.

Chưa kể tới màu sắc, vẻ đẹp độc nhất vô nhị của hoa hồng và hương thơm tinh tế của nó khơi gợi niềm vui cho người nhận và sự ganh tỵ từ những người khác. Nếu bạn đang tìm một cách để thêm chút truyền cảm từ nỗi đam mê thầm lặng của mình, chúng ta hãy cùng xem hàng loạt những ý nghĩa được kết hợp với màu sắc của hoa hồng.

Bài văn mẫu số 2

Thế giới loài hoa vô cùng phong phú, đa dạng. Và hoa hồng là một trong những loài hoa mà em yêu thích nhất.

Trước hết, hoa hồng được trồng ở nhiều quốc gia. Thân cây nhỏ, xung quanh có những chiếc gai nhọn bao phủ. Lá có nhiều răng cưa nhỏ ở xung quanh. Hoa hồng có nhiều cánh, từng cánh hoa chụm vào nhau rất duyên dáng. Hoa có mùi thơm dịu dàng, dễ chịu.

Ở Việt Nam, loài hoa này cũng được trồng khá nhiều. Nhiều người gọi đó là “nữ hoàng của các loài hoa”. Hoa hồng có nhiều màu sắc khác nhau. Mỗi màu lại mang một ý nghĩa riêng. Ví dụ như hoa hồng nhung tượng trưng cho tình yêu mãnh liệt. Hoa hồng vàng mang ý nghĩa của tình bạn chân thành. Còn hoa hồng là sự cảm kích, biết ơn. Cũng bởi điều này, mà nhiều người rất thích tặng hoa hồng cho người khác để gửi gắm tâm ý của mình.

Cây hoa hồng như một món quà thiên nhiên đã ban tặng cho con người. Loài hoa này đã làm phong phú thêm đời sống vật chất và tinh thần của con người. Không những phục vụ cho đời sống tinh thần, hoa hồng còn phục vụ cho đời sống vật chất. Đây là loài hoa có giá trị kinh tế cao. Nó còn được sử dụng để làm nước hoa, mỹ phẩm…

Mỗi loài hoa đều có một vẻ đẹp, giá trị riêng. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta coi hoa hồng là chúa tể của các loài hoa. Vẻ đẹp của hoa hồng quả thật khiến chúng ta phải say mê, yêu thích.

Biểu cảm về cây tre

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

- Cây tre loại cây gần gũi và gắn bó với nhiều người nông dân.

- Cây tre mang ý nghĩa tượng trưng kiên cường, mạnh mẽ anh hùng của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay.

2. Thân bài

a. Miêu tả đôi nét về cây tre

- Thân tre gầy guộc, cao vút mang ý nghĩa cho con người mạnh mẽ, hiên ngang, bất khuất.

- Lá tre mỏng manh.

- Bên dưới gốc tre là những chồi măng vươn lên đứng đầy sức sống. Từ xưa trẻ đã được chế tạo thành bẫy tham gia chống quân xâm lược: “Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín” tre người bạn thân thiết, người tham gia mọi trận đánh của dân tộc ta.

- Cây tre chính là biểu tượng của sự mạnh mẽ bền bỉ, kiên cường mà bất cứ ai trong chúng ta cũng cần noi gương.

b. Cảm nghĩ về cây tre

- Cây tre trong tuổi thơ của em, tre gần gũi với người dân và tỏa bóng mát cho dân làng.

- Trẻ không chỉ tạo bóng mát mà những chồi măng còn dùng làm thực phẩm rất bổ dưỡng.

- Cây tre rất nhiều công dụng và mọi bộ phận cây trẻ đều sử dụng có ích cho con người.

3. Kết bài

Cây tre như là một người bạn thân thiết chia sẻ niềm vui, nỗi buồn. Gìn giữ cây tre như một biểu tượng của sự mạnh mẽ kiên cường.

Bài văn mẫu số 1

"Tre xanh
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh
Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi?"

(Tre Việt Nam, Nguyễn Duy)

Cây tre có một vai trò quan trọng trong đời sống của con người Việt Nam. Đã từ lâu, cây tre trở thành biểu tượng cho dân tộc Việt Nam.

Cây tre với thân với thân dài thẳng, được chia thành những đốt nhỏ đều nhau. Thân cây có màu xanh thẫm. Mỗi đốt có màu đậm hơn hoặc ngả vàng. Các nhánh tre thường không mọc trên cao mà mọc ngay gần dưới đất. Lá tre khá mỏng, dài. Tre thường mọc thành từng bụi, hay còn gọi là lũy tre. Hình ảnh lũy tre xanh đã quá đỗi quen thuộc ở những làng quê Việt Nam.

Cây tre với con người như một người bạn tri kỷ. Bóng tre trùm lên âu yếm thôn xóm. Tre gắn bó trong nếp sống lao động cần cù và cuộc sống yên vui êm đềm của nhân dân ta qua hàng nghìn năm lịch sử. Màu xanh của tre cũng là màu tâm hồn, màu thời gian, màu sắc của nền văn hoá, màu chung thuỷ. Ngược về quá khứ, tre đã đồng hành cùng người dân Việt Nam trong chiến đấu. Tre cũng mang trong mình những phẩm chất của một người hùng bất khuất, kiên cường. Tre vào chiến trận cũng gan dạ, kiên cường oanh liệt, lấy thân mình giữ làng nước quê hương.

Cây tre còn đi vào lời thơ, câu hát. Với tôi, cây tre gợi về kỉ niệm gắn bó với quê hương. Hồi còn thơ bé nằm trong chiếc nôi tre. Dưới bóng tre xanh, chúng tôi cùng nhau nô đùa nghịch ngợm. Những chiều thơ thẩn ngoài đồng lấy lá tre để chơi đồ hàng. Hay cả những trò chơi đánh chuyền, đánh thẻ được làm bằng thân tre… Tất cả đã đem đến thật nhiều kỉ niệm đẹp đẽ về cây tre.

Có thể khẳng định rằng, cây tre Việt Nam là người bạn thân thiết của chúng ta. Tre gợi về những kỉ niệm đẹp đẽ không thể nào quên trong kí ức mỗi người Việt Nam.

Bài văn mẫu số 2

Từ bao đời nay, cây tre đã trở thành một biểu tượng của dân tộc Việt Nam:

"Tre xanh
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh
Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi?"

(Tre Việt Nam, Nguyễn Duy)

Không biết từ bao giờ, tre đã gắn bó với cuộc sống của người dân Việt Nam. Từ câu chuyện cổ tích “Cây tre trăm đốt” đến “Thánh Gióng” nhổ tre đánh tan giặc Ân.

Khi con nhỏ, tre chỉ là một mầm măng yếu ớt với cái thân hình bé nhỏ hình nón, trên đầu nhọn hoắc và khoác ngoài nhiều lớp áo xếp chồng lên nhau bao lấy tấm thân nhỏ bé. Đến khi trưởng thành tre vươn lên cao lớn. Thân tre gầy guộc, hình ống và nên trong rỗng, bên trong màu xanh lục, đậm dần xuống gốc. Lá tre mỏng manh, có màu xanh non mơn mởn với những hình gân song song trên lá như những chiếc thuyền nan rung rinh theo những cơn gió thoảng. Rễ tre thuộc loại rễ chùm, gầy guộc và cằn cỗi nhưng bám rất chắc chắn vào đất giúp giữ mình không bị đổ trước những cơn gió dữ.

Xuất hiện trong bài thơ “Tre Việt Nam” của nhà thơ Nguyễn Duy, hình ảnh cây tre tượng trưng cho những phẩm chất của con người Việt Nam:

"Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu"

Đó là sức sống mãnh liệt của một dân tộc đã trải qua biết bao nhiêu khó khăn gian khổ.

Tre cần cù, chịu khó giống như người nông dân Việt Nam quanh năm lam lũ vất vả lao động:

"Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít chắt dồn lâu hoá nhiều
Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù"

Tre còn tượng trưng cho tinh thần yêu thương, đoàn kết của dân tộc Việt Nam:

"Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre không ở riêng
Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người
Chẳng may thân gãy cành rơi"

Không chỉ vậy, tre cũng giống như một người bạn đi trong cuộc sống của con người. Từ thuở còn thơ, khi vừa mới chào đời, chúng ta được nằm trong chiếc nôi tre. Khi lớn dần lên, chúng ta được chơi những trò chơi làm từ tre, sử dụng những vật dụng được làm từ tre. Không chỉ cung cấp những giá trị vật chất, tre còn đem đến những giá trị tinh thần. Dưới bóng tre xanh người dân lao động ngồi nghỉ ngơi, tán gẫu sau những buổi làm đồng vất vả. Tre xuất hiện những tác phẩm văn học, hội họa, kiến trúc; tre xuất hiện ở những lễ hội truyền thống... Tre đã hiện diện trong đời sống của con người mọi lúc mọi nơi.

Tre còn gắn bó với công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong “Cây tre Việt Nam”, nhà văn Thép Mới có viết: “Tre xung phong vào xe tăng đại bác. Tre giữ làng giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hy sinh để bảo vệ con người”. Vũ khí được làm bằng tre (gậy tre, chông tre) tuy thô sơ nhưng đã giúp ta đánh bại kẻ thù…

Hôm nay, khi cuộc sống ngày hiện đại, tre dường như không còn nhiều nữa. Nhưng trong kí ức của nhiều người, tre vẫn chứa đựng nhiều kỷ niệm đẹp đẽ. Đối với riêng tôi, tre đã gợi về những kỉ niệm tuổi thơ vui đùa bên bạn bè. Những trò chơi đậm chất thôn quê chứa đựng cái hồn nhiên của trẻ thơ.

Tre - trong đời sống của con người Việt Nam dường như đã trở thành một kí ức thật đẹp đẽ.

Biểu cảm về cây bàng

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

Một loài cây lưu trữ biết bao kí ức hồn nhiên, vô tư của tuổi học trò ngoài cây phượng thì đó chính là cây bàng.

2. Thân bài

a. Miêu tả một vài nét về cây bàng

  • Rễ cây: sần sùi, ngoằn ngoèo như những con rắn khổng lồ.
  • Gốc cây: to màu nâu đậm
  • Thân cây: màu nâu nhạt chỗ gần gốc, màu xanh chỗ gần ngọn.
  • Cành cây: Cây có nhiều tán lá, như những cái ô khổng lồ.
  • Tả lá: Lá to như bàn tay.
  • Tả quả: Quả bàng nhỏ, giữa phình to, hai đầu nhỏ.

b. Tình cảm, kỉ niệm với cây bàng

  • Ngồi dưới gốc bàng, những kỉ niệm thời học sinh cứ xuất hiện trong đầu tôi.
  • Vào giờ ra chơi, tôi cùng các bạn trong lớp xuống sân để bày trò chơi
  • Những câu chuyện sẻ chia cùng nhau dưới gốc bàng, cùng những tiếng cười khúc khích, giòn tan của tuổi học trò chúng tôi….

3. Kết bài

  • Bàng đã trở thành một người bạn thân thiết của tôi.
  • Một người mà tôi tin tưởng để chia sẻ niềm vui và nỗi buồn.

Bài văn mẫu số 1

Khi sắp hết một đời lá, cây thường trả cái màu xanh cho trời đất để tìm đến với hanh hao vàng. Từ vàng nhạt màu nắng non đến vàng thẫm ưu tư rồi nhẹ nhàng tạm biệt cành theo gió trở về cõi vĩnh hằng. Bởi thế, người ta nghĩ đến thu, nhớ đến mùa thu người ta nhớ đến màu vàng định mệnh. Nhưng có một loài cây không chịu tuân theo sự sắp đặt của tạo hoá. Nó không tìm về với màu vàng nguyên thuỷ của lá thu, cũng không tìm về với thu để rụng lá. Nó tìm về với màu đỏ và dừng lại vài ngày trên gam màu ấy trước khi rụng. Lúc những cơn gió đông lạnh buốt len khắp. Đó là cây bàng, thứ cây người ta trồng nhiều trên sân trường để lấy bóng mát cho lũ học trò. Thứ cây gần gũi với học trò chỉ sau phượng.

Trời lạnh dài suốt tháng chạp, bàng bắt đầu chuyển màu cũng vào những ngày cuối đông ấy. Từ màu lục già sẫm, bàng ghé một chút nhìn màu vàng rồi chuyển mình sang màu đỏ. Trong cuộc chuyển mình ấy, bàng cho ta cảm giác bất ngờ đầy thú vị. Giữa trời đông xám lạnh, bàng đem đến sắc đỏ lộng lẫy. Cả cây không sót một chiếc lá nào màu xanh, sắc đỏ như ngọn lửa bừng sáng, ấm nồng những ngày đông giá rét. Ta yêu cái màu đỏ rực nồng nàn ấy như yêu cái nồng nàn mãnh liệt của con người đất Việt. Rồi lá đỏ rơi, lá đỏ tạm biệt cây để trở về với hư vô khi đã đi trọn một đời lá, khi đã làm xong phần việc mà tạo hoá giao cho khi sinh ra nó. Tạm biệt cây để lại nhường chỗ cho một lứa lá mới, một thế hệ mới. Không cố hữu, không tranh giành, những chiếc lá đỏ ấy thanh thản vì biết rằng, suốt một năm qua, nó đã cần mẫn xoè tán, che mát cho bao cô cậu học trò. Nó cũng đã chứng kiến bao buồn vui, bao kỉ niệm, vui cùng, buồn cùng học trò. Nó thấy mình đã thật sự có ích nên ra đi mà không còn phải vấn vương hay tự trách thân tiếc nuối. Lá rụng đến tận cùng, không còn một chiếc nào trên cây.

Dáng bàng được xem là đẹp nhất. Ngay cả lúc này, khi chỉ còn trơ lại những cành khô khốc nó vẫn kiêu hãnh vươn mình, xoè bàn tay gầy guộc lên trời cao như chờ đợi để đón nhận quà tặng của thời gian. Vốn không hào phóng nhưng lúc này bà mẹ thời gian lại mở lòng thơm thảo với bàng. Những cây khác phải đợi suốt cả một mùa đông dằng dặc lạnh mới được ban chồi non thì bàng được ưu ái hơn hẳn. Chỉ sau cái hành động quyết liệt, rũ đến tận cùng, tận ngọn những chiếc lá đỏ của mùa thu, một thời gian không dài lộc đã về trên bàn tay gầy xoè rộng của bàng. Không chỉ riêng một mình lá lạ khác khi rụng, búp bàng cũng thế. Dáng mọc thẳng đứng trên cành, nhanh đến ngỡ ngàng như là vừa qua một đêm thôi, ai đã thả ngàn vạn búp lá nhỏ khắp các cành cây. Xanh biếc, chi chít. Những búp non ấy xoay thành tán tròn quanh thân cây. Bàng lại vươn mình, kiêu sa khoe dáng, khoe sắc. Rồi búp non lớn nhanh thành lá, lá đứng thẳng và cao chừng gang tay nhưng chưa xoè ra mà cuộn tròn, vểnh lên như tai chú thỏ mỗi khi giọng lên nghe ngóng. Bàng thật lạ phải không? Nhưng chưa hết đâu. Nếu để ý bạn sẽ thấy, khi lứa lộc đầu tiên ấy bắt đầu xoè thành những chiếc lá nhỏ bàng sẽ cho ta lứa lộc nối tiếp. Lứa lộc thứ hai của bàng có màu hồng thẫm. Bàng bây giờ khoác một chiếc áo màu lục non, điểm những chấm hồng thẫm đó. Nó lại kiêu hãnh vươn mình. Và nếu ta bận bịu, ta mải mê với công việc, ta quên không để ý cây mỗi ngày thì chỉ mười, mười lăm ngày sau, chợt nhớ đến cây, nhìn đến cây ta phải thốt lên tiếng xuýt xoa, ngỡ ngàng. Lá đã xoè kín, tán đã như chiếc ô xanh khổng lồ, và hơn hết, ta có cảm giác như nó vẫn y như thế từ năm ngoái, năm kia và từ bao giờ không biết nữa. Đứng sừng sững như vĩnh hằng cùng thời gian, như bình thản trước mọi sự đổi thay.

Nắng hè tưng bừng khắp nơi. Bàng càng có cơ hội thể hiện mình với các cô cậu học trò. Lá bàng như mời, như vẫy gọi, như khiêu khích cái khát vọng vươn lên mãnh liệt của tuổi trẻ mà những ngày tháng học trò mới là sự bắt đầu. Trong tán lá bàng xanh mươn mướt ấy sự sống và ước mơ ăm ắp trào dâng, chảy không vơi cạn. Nào các bạn trẻ, hãy đồng hành với màu xanh hy vọng ấy đến tận cùng của ước mơ. Và ngày mai, trong bộn bề kí ức của tuổi học trò bạn sẽ thấy có thấp thoáng tán lá xanh bền bỉ của bàng. Thấy cuộc đời mình đẹp hơn khi mỗi ngày ta biết vươn mình lớn dậy, sống mãnh liệt và có ích như cây bàng tưởng như vô tri kia.

Bài văn mẫu số 2

Nhắc đến Hà Nội là nhắc đến cánh hoa đào Nhật Tân tươi thắm, đến bát canh sấu ngày hè làm dịu mát cái nắng gắt gay, đến hương hoa sữa dịu dàng, vương vấn từng bước chân trên phố. Và, đã là người Hà Nội, có lẽ tuổi thơ ai cũng ít nhất từng một lần nếm thử vị thơm bùi của quả bàng khi gió lạnh se se…

Không hiểu sao, tôi lại yêu nhất cây bàng vào mùa thu, khi nắng thu vàng dịu như mật ngọt làm sáng bóng lên từng mặt lá. Ai thấy mình đẹp mà chẳng vui. Cây bàng thay áo đẹp cũng vui. Bàng xôn xao dõi theo bước chân em bé cắp sách tới trường ngày khai giảng, biết khi chiều về, thể nào em bé cũng tới gốc cây, chăm chú tìm giữa tán lá những đốm sáng vàng. Quả bàng đấy! Trong bàn tay thơ bé, trái bàng nhỏ xinh đã ngọt ngào toả hương…

Tiết trời đã sang đông. Từng đợt gió lạnh làm con người phải co lại trong chiếc áo ấm. Bàng thì ngược lại, cứ nhẩn nha thả từng chiếc lá xuống như em bé chơi đếm ngón tay. Những chiếc lá từ lúc ở trên cành đã kiêu hãnh đón luồng gió lạnh từ phương Bắc tràn về, tự thấy mình khô se đi rồi dứt khoát bứt cuống mà nhẹ nhõm rơi xuống. Bấy nhiêu lá là bấy nhiêu áo cho Mẹ đất đang ấp ủ những mầm non. Sau khi cởi bỏ tấm áo đẹp của mình, bàng chỉ còn tấm thân sần sùi với những cành khẳng khiu. Bàng thu mình ngủ ngon lành trong tiếng ru của gió. Cứ ngủ ngon nhé bàng, để xuân về rồi vươn mình bừng dậy!…

Một giấc đêm của ta qua nhanh bao nhiêu thì giấc ngủ đông của bàng cũng chóng hết bấy nhiêu. Mọi người đều mong chờ cái thời khắc thiêng liêng khi mùa xuân mang theo hi vọng gõ cửa từng nhà. Cô bé nhặt trái bàng hôm nào xúng xính trong bộ quần áo mới, mang một chữ “Lộc” thắm đỏ dán lên cây. Cô bé yêu cây bàng, bé có thấy cây bàng đang vươn lên hãnh diện hay không? Có đấy, vì ngày nào cô bé cũng ra đây tâm sự với cây bàng, để một ngày mừng rỡ reo vui: Cây bàng có chồi non rồi? Đúng đấy, nhờ chữ “Lộc” của cô bé, bàng đang khoe những cái chồi nhỏ xíu đầy cành. Cũng như chúng ta chứng kiến một em bé ra đời sau bao khó khăn của người mẹ thôi. Cảm giác vui sướng nhẹ nhõm này, chẳng phải ai cũng được biết đâu. Giữa mùa xuân cả đất trời tràn một màu xanh ngọc bích, làm nên sắc màu ấy, bàng cũng góp phần.

Rồi những hạt mưa phùn lắc rắc nhường chỗ cho nắng gắt, cơn giông chiều. Cô bé ráo riết chuẩn bị cho kì thi cuối năm nên chẳng mấy khi đến chơi với bàng nữa. Bàng buồn hiu. Những chồi non đã khỏe khoắn vươn ra xoè tán, khoác chiếc áo mới cho bàng. Sau mỗi lần tắm dưới những giọt nước trĩu nặng mát lành của cơn mưa rào, những chiếc lá lại càng sáng bóng hơn, xanh mướt một màu. Nhưng bàng còn đẹp với ai, khi hầu hết con người bây giờ sống như máy, vội vã đi, hối hả về họ đắm chìm trong khói bụi cuộc sống, nhưng chẳng bao giờ dừng chân để xem cây cối bên đường đã thay đổi thế nào. Bàng thấy tiếc cho họ. Sao họ không như bàng đây, lim dim mắt nghỉ ngơi giữa tiếng dế, tiếng ve râm ran. Trong bàng đang rạo rực tuôn chảy dòng nhựa sống được những cái rễ chắc khoẻ cắm sâu vào lòng đất cần cù đưa lên. Bàng hào phóng gửi tặng dòng nhựa đó cho những chú ve nhỏ và được đền đáp bằng dàn đồng ca suốt cả một mùa hè…

Một ngày của bàng bằng một năm đời người. Từ một mầm cây nhỏ, bàng đã lớn, đã thấy, đã nghe, đã chứng kiến bao điều trong cuộc sống... Cô bé nhặt trái bàng ngày nào giờ đã trưởng thành. Đôi lúc trở lại góc phố xưa, cô vẫn ngước đôi mắt ướt nhìn lên tán bàng. Bàng lại nghiêng tán toả bóng vỗ về cô... Cứ thế, bao thế hệ người Hà Nội sinh ra, lớn lên. Còn bàng, bàng vẫn đứng đấy, mỗi mùa thu về lại thả những quả vàng cho những cô bé và xoè tán chở che cho những đứa trẻ lang thang không mái ấm.

Biểu cảm về cây đa

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

  • Quê hương em có rất nhiều cây cao, bóng cả như cây đa, cây gạo, cây bồ đề, cây si già,… Cây nào em cũng yêu thích.
  • Trong những cây cao bóng cả đó em thích nhất cây đa ở đầu làng.
  • Cây đa không chỉ cho bóng mát mà nó còn gắn với những kỉ niệm tuổi thơ của em.

2. Thân bài

a. Giới thiệu về cây đa:

  • Cây đa ở đầu làng em có từ bao giờ cũng không ai biết nữa. Chỉ biết rằng nó có từ rất lâu.
  • Bao thế hệ của làng đã gắn với những kỉ niệm về cây đa này.
  • Với riêng em, cây đa gắn với những kỉ niệm tuổi thơ rất đẹp của em.

b. Tình cảm dành cho cây đa

  • Cây đa mang vẻ đẹp cổ kính của nó.
  • Cây đa gắn với kỉ niệm tuổi thơ của em.
  • Cây đa là biểu tượng cho làng quê Việt Nam…

3. Kết bài

Khẳng định lại tình cảm với cây đa.

Bài văn mẫu số 1

Không biết tự bao giờ, cùng với bến nước sân đình, cây đa đã trở thành biểu tượng của làng quê đất Việt. Ai đó xa quê hẳn không thể không có những phút nao lòng mỗi khi nhớ về những kỉ niệm bên gốc đa làng. Cây đa đi vào ca dao, trong chuyện cổ tích, trong mỗi khúc dân ca. Quên sao được câu chuyện của bà dưới gốc đa có Thạch Sanh, chú cuội. Nhớ vô cùng điệu lí cây đa người thương ta đã hát. Cây đa bến nước sân đình phải chăng đã trở thành những thiết chế văn hóa không thể thiếu được của làng quê?

Thật vậy, với đặc tính sinh vật của mình, cây đa đã gắn bó sâu sắc với làng. Đa rất dễ trồng và sống lâu tới ngàn tuổi. Trong bão táp phong ba, trải qua bao thế hệ cây đa vẫn sừng sững tỏa bóng mát giữa trời, ôm cả một góc quê hương. Cành đa vươn đến đâu buông rễ chùm, rễ nổi đến đó. Từ rễ hóa thành thân, để cây đa có thêm nhiều cội. Có cây có tới chín cội lừng lững uy nghiêm cả một góc làng. Những cội đa đó như những cánh tay khổng lồ, cơ bắp cuồn cuộn nâng cả tán cây lên giữa trời xanh.

Ngoài những cội chính ra đó, đa còn có nhiều lá rễ chùm rễ phụ buông lơ lửng lưng trời như tóc ai đang xòa bay trong gió. Trẻ chăn trâu tha hồ ẩn náu trong từng cội đó chơi trò đuổi bắt. Lá đa xanh ngắt bốn mùa chim gọi về làm tổ. Trong vòm lá, chim ríu rít gọi bầy. Dưới gốc đa trẻ nô đùa hò hét. Và kia, con trâu nhà ai đang mơ màng lim dim nằm nhai cỏ để cho lũ chim sáo nhảy nhót cả lên đầu.

Đa không có giá trị kinh tế như các loài cây khác, không có quả thơm như mít như xoài; không có hoa đỏ như gạo, hoa tím như xoan. Đa chỉ có tấm thân lực lưỡng trăm cành hiên ngang và tán lá quanh năm xanh ngát. Đa chỉ có bóng mát cho đời. Đa càng sống lâu càng khỏe chắc kiên cường. Bởi thế giá trị tinh thần của cây đa thật lớn. Đa là cây cao bóng cả của làng. Chim muông tìm đến đa để làm tổ. Người thương lấy gốc đa để làm nơi hò hẹn đợi chờ. Xao xuyến làm sao một đêm trăng, cành đa la đà trước ngõ để cho ai đó ngắm trăng ngơ ngẩn đợi người! Những trưa hạ oi nồng, gốc đa thành nơi dừng chân cho bao lữ khách.

Người làng ra đồng ra bãi gồng gánh trên vai, cả con trâu cái cày cũng lấy gốc đa làm chỗ nghỉ. Quán nước ven đường dưới gốc đa ấy râm ran bao chuyện ở đời. Bát nước chè xanh hay bát vối đặc cùng với ngọn gió mát làng dưới bóng đa rì rào ấy đã xua đi bao gian khó nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh. Cổng làng bên cạnh gốc đa nơi thuở thiếu thời ta chong chong chờ mẹ đi chợ về có gió cành đa vỗ về ôm ấp để đến bây giờ cái cảnh ấy vẫn hoài niệm canh cánh mãi trong ta. Và anh nghệ sĩ góc máy nào gam màu nào để anh có được một tấm ảnh một bức tranh cổng làng ta, mái đình quê ta với gốc đa sần sùi rêu mốc, lá đa xanh ngát đẹp ngời đến thế!

Cây đa đi vào lịch sử mỗi làng. Thời chống Pháp, ngọn đa là nơi treo cờ khởi nghĩa, gốc đa là nơi cất giấu thư từ, tài liệu bí mật. Thời chống Mĩ gốc đa lại là chòi gác máy bay, nơi treo kẻng báo động. Còn mãi trong ta cây đa Tân Trào thủ đô kháng chiến khi xưa. Đa là nỗi kinh hoàng cho lũ giặc, là bình yên cho xóm làng. Phải chăng "thân cây đa" cũng là từ ý nghĩa đó. Đa là một trong những biểu tượng của làng.

Bác Hồ - người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người đã phát động Tết trồng cây và việc trồng cây mỗi mùa xuân đến theo lời Bác dạy là một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam chúng ta. Cả cuộc đời Người, Bác đã trồng biết bao cây xanh tạo bóng mát cho đời, trong đó có nhiều cây đa. Tết Kỉ Dậu (1969) Tết cuối cùng của đời người, Người đã kịp trồng cây đa cuối cùng tại xã Vật Lại (Ba Vì). Những cây đa Bác trồng đã vươn cành xanh lá tỏa bóng rợp mát quê hương. Theo chân Bác, cùng với việc trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, chúng ta hãy trồng thêm nhiều cây đa nữa ở những nơi trung tâm làng xã để cho "cây đa bến nước sân đình" mãi là những tín hiệu bình yên, biểu tượng của một làng quê văn hóa Việt Nam.

Bài văn mẫu số 2

Vừa bước chân trở về làng xưa, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt đồng thời cũng làm choáng ngợp tâm hồn bất cứ ai: Đó là dáng sừng sững của cây đa cổ thụ làng tôi. Không biết từ bao đời nay, nó đã đứng đó, như một vệ sĩ oai phong của làng tôi, niềm tự hào của làng tôi.

Tôi yêu làng. Trong tình yêu bao la ấy có tình yêu những mái nhà san sát lợp ngói đỏ bình yên; yêu những vườn đào nở rộ mỗi khi xuân về, yêu những vườn hồng xiêm ửng vàng trái chín. Nhưng tôi yêu nhất là cây đa – đó chính là biểu tượng của làng tôi. Cây đa làng như chứa đựng bên trong tất cả những gì tinh tuý nhất của làng tôi. Tôi không biết cây bao nhiêu tuổi. Các cụ bảo khi làng tôi ra đời thì cũng là lúc cây đa được trồng. Những buồn vui, khó khăn, gian khổ hay phát triển, và biết bao chuyện của làng quê, cây đa đều chứng kiến.

Thân cây đa to, phải năm sáu người ôm không xuể. Rễ cây dài, đâm sâu xuống lòng đất. Có nhánh rễ chồi lên khỏi mặt đất thành một chiếc ghế băng cho những người ngồi nghỉ mát dưới gốc cây. Tôi thường ngồi lên chồi rễ, tựa lưng vào thân cây, nhắm mắt lại, thầm trò chuyện với cây, và nghe cành lá xạc xào. Khi ấy, tôi có cảm giác cây đa là mái nhà mà sự an toàn và chở che của đa là tuyệt đối và không gì sánh được. Với lũ trẻ trong làng, cây đa là nguồn vui tuổi thơ, là kỉ niệm về quê hương. Sau này, các lớp anh chị trong làng di xa, hay như lũ chúng tôi còn ở lại thường nhớ về cây đa như linh hồn của quê hương. Quên sao được những buổi trưa trốn ngủ, cả lũ kéo nhau ra gốc đa chơi đánh trận giả, rồi trèo lên cây hái quả. Quả đa là món quà lí thú với lũ trẻ chúng tôi. Quả đa chín ngọt lừ đến đâu, vẫn thấy có vị chan chát ở đầu lưỡi. Có đứa ăn cả quả đa ương ương, thậm chí xanh. Có lẽ, vị chát thì nhớ lâu hơn vị ngọt. Những mùa lá đa rụng, chúng tôi vun thành đống, rồi đốt lên sưởi ấm với nhau trong những ngày se se lạnh. Những làn khói bay lên, nhuốm vào cành lá, quyện với hơi sương tạo thành một làn khói kì ảo, lung linh huyền diệu như cổ tích. Đó thực sự là thứ cổ tích hiện đại mà cây đa làng đã mang đến cho làng tôi và lũ trẻ chúng tôi.

Chia sẻ bởi: 👨 Tiểu Hy
253
  • Lượt tải: 1.621
  • Lượt xem: 266.306
  • Dung lượng: 595 KB
1 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Bình Nguyễn Thị
    Bình Nguyễn Thị

    Mợt mõi

    Thích Phản hồi 21/12/22