Văn mẫu lớp 9: Phân tích nhân vật bé Thu trong truyện Chiếc lược ngà (Sơ đồ tư duy) 4 Dàn ý & 27 bài văn mẫu lớp 9 hay nhất
TOP 27 bài Phân tích nhân vật bé Thu trong Chiếc lược ngà SIÊU HAY, giúp các em học sinh lớp 9 thấy rõ những mất mát, đau thương và khát vọng yêu thương của tuổi thơ của nhân vật bé Thu.
Bé Thu hiện lên trong truyện ngắn Chiếc lược ngà là một cô bé đáng yêu nhưng cũng rất cá tính, bướng bỉnh. Thế nhưng sự ngang ngạnh, bướng bỉnh đó chỉ là lớp vỏ ngụy trang cho tình thương ấm áp, thiêng liêng dành cho ba. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để ngày càng học tốt môn Văn 9:
Phân tích nhân vật bé Thu trong truyện Chiếc lược ngà
- Sơ đồ tư duy Phân tích nhân vật bé Thu
- Dàn ý phân tích nhân vật bé Thu (4 mẫu)
- Phân tích nhân vật bé Thu ngắn gọn
- Phân tích nhân vật bé Thu hay nhất
- Phân tích bé Thu hay nhất
- Phân tích nhân vật bé Thu chi tiết (20 mẫu)
- Phân tích diễn biến tâm lí và tình cảm của nhân vật bé Thu
- Phân tích diễn biến tâm lí và tình cảm, tính cách của bé Thu trong lần gặp cha cuối cùng khi ông Sáu về thăm nhà
- Viết đoạn văn phân tích nhân vật bé Thu (2 mẫu)
Sơ đồ tư duy Phân tích nhân vật bé Thu
Dàn ý phân tích nhân vật bé Thu
1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Giới thiệu về nhân vật bé Thu.
2. Thân bài:
2.1. Nội dung:
a) Giới thiệu qua về hoàn cảnh của bé Thu:
- Ba đi bộ đội từ khi cô bé còn chưa đầy một tuổi.
- Chỉ được nhìn thấy ba qua bức hình chụp chung với má.
b) Khi mới gặp ba:
- Trong lần gặp đầu tiên:
- Lạ lẫm, ngơ ngác. Không biết người đàn ông này là ai.
- Sợ hãi, vụt chạy và kêu thét lên gọi má.
- Lúc anh Sáu ở nhà:
- Nói trổng khi má bảo kêu ba vào ăn cơm.
- Khi cần nhờ sự giúp đỡ của anh Sáu mà không được -> Tự mình làm.
- Hất miếng trứng cá ra khỏi bát.
=> Mạnh mẽ, quyết liệt, ngang bướng với người không phải là cha mình.
c) Khi biết anh Sáu là ba mình:
- Khi được bà giải thích cho: "Nằm im và lăn lộn, thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn".
- Nhất định không chịu gọi người khác là ba mình vì tình yêu và sự tôn trọng dành cho ba => Rất yêu thương ba.
- Khi chia tay ba:
- Kêu thét lên: "Ba...a.a...ba".
- Hôn ba cùng khắp.
- Tay siết chặt lấy cổ ba, không cho ba đi.
- Vừa nói vừa nấc.
=> Tình yêu thương ba mãnh liệt, quấn quýt không rời.
2.2. Nghệ thuật:
- Lối kể chuyện nhẹ nhàng, giản dị.
- Xây dựng hình tượng nhân vật gần gũi, chân thực mà không kém phần độc đáo.
3. Kết bài:
- Nêu cảm nghĩ của em về nhân vật bé Thu trong truyện ngắn "Chiếc lược ngà".
>> Tải file để tham khảo đầy đủ 4 mẫu dàn ý
Phân tích nhân vật bé Thu ngắn gọn
Nguyễn Quang Sáng là nhà văn, là chiến sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Ông viết nhiều về con người Nam Bộ trong chống và chiến đấu, trong những năm chiến tranh ác liệt. “Chiếc lược ngà” là tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn. Ông đã thể hiện trọn vẹn vẻ đẹp của tình cha con trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Kể về mối quan hệ cha con giữa ông Sáu và bé Thu. Tác giả đã làm nổi bật lên hình ảnh bé Thu – một cô bé đầy cá tính, có tình yêu thương cha thật thắm thiết, mãnh liệt. Nhân vật bé Thu đã gieo vào lòng mỗi người về nỗi đau, sự mất mát và khát vọng yêu thương của tuổi thơ.
Nhân vật bé Thu được khắc họa trong một tình huống truyện thật độc đáo, sau tám năm dài xa cách, ngày hội ngộ bé Thu đã không chịu nhận ông Sáu là ba. Bé Thu còn có những phản ứng quyết liệt, xa lánh ông Sáu, thậm chí là biểu hiện vô lễ với ông. Nhưng bất ngờ đến lúc chia tay, bé Thu lại cất tiếng gọi ba cùng với những cử chỉ quyến luyến, không muốn xa ba. Những biểu hiện của bé Thu đã làm cho mọi người xung quanh phải xót xa, thương cảm cho một đứa bé sống trong chiến tranh thiếu vắng tình cha con. Có lẽ ai trong chúng ta khi đọc tác phẩm cũng đều không thể quên được hình ảnh của bé Thu vừa ương bướng, hồn nhiên, đáng yêu, vừa có tình yêu thương cha thắm thiết.
Từ nhỏ, bé Thu đã phải sống trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, hết chống Pháp rồi đến chống Mỹ. Chưa đầy một tuổi thì em phải xa cách người cha suốt tám năm dài, chưa hề được gặp cha một lần. Bé Thu khao khát tình cảm của người cha biết bao nhiêu. Đến khi gặp lại, em hụt hẫng vì cái vết sẹo dài trên mặt, em như lại phải xa ba thêm một lần nữa. Niềm hạnh phúc cứ xa mãi trong tầm tay của em vì chiến tranh, ba lại phải lên đường theo tiếng gọi của non sông trong kháng chiến chống Mỹ. Nỗi khao khát được gần ba theo ngày tháng vẫn cứ nồng nàn, cháy bỏng, mãnh liệt. Mọi lời lẽ, cử chỉ của bé Thu đều gợi lên trong người đọc nỗi nhức nhối xen lẫn sự yêu thương, sự đồng cảm.
Bé Thu là một đứa bé ương bướng nhưng hồn nhiên, đáng yêu. Thu kiên quyết không chịu nhận ông Sáu là ba, không chịu gọi ba ngay từ lúc gặp ông Sáu lần đầu. Phản ứng của bé Thu thật bất ngờ, làm ông Sáu phải sững sờ, nó nghe ông Sáu gọi, nó giật mình tròn mắt nhìn ngơ ngác, nó hét lớn cầu cứu. Nó vụt chạy và kêu thét lên “Má! Má”. Chẳng những nó không nhìn nhận ông Sáu mà nó còn tỏ ra sợ hãi vì bỗng dưng có một người xa lạ tự xưng là ba nó. Trong tâm hồn non nớt của trẻ thơ, nó chỉ ghi khắc hình ảnh của người ở trong tấm ảnh chụp chung với má nó. Vết sẹo dài ửng đỏ trên khuôn mặt của người đàn ông kia trong cái nhìn của một đứa trẻ như nó thì hình ảnh đó thật đáng sợ. Ba nó có khuôn mặt đẹp không có vết sẹo. Chính cái nghĩ hồn nhiên ấy càng làm rõ hơn tình yêu cha thắm thiết của cô bé. Nó ương bướng không chịu gọi tiếng ba và luôn tìm cách xa lánh ông Sáu trong ba ngày phép của ông ở nhà. Nó nói trổng, nó hất tung cái trứng cá khi ông Sáu muốn thể hiện sự yêu thương, chăm sóc đối với con gái. Ông Sáu càng muốn gần gũi nó thì nó càng lùi xa, ông càng tỏ ý chiều thương thì nó lại càng lảng tránh. Nó không chấp nhận sự chăm sóc của người đàn ông mà nó cho là xa lạ, nhất định không phải là cha.
Bé Thu có những thái độ và suy nghĩ rất ngây thơ, rất đáng yêu. Đó là khi nó do dự gọi ba hay không lúc nó muốn nhờ ông Sáu chắt nước cơm giùm. Tiếng ba đối với nó rất quan trọng, nên nó rất phân vân và nó rất chắc lòng, chắc dạ khi quyết định không gọi tiếng ba. Rồi khi bị ông Sáu đánh, nó bỏ sang nhà ngoại mét với ngoại, nó như trút tất cả sự giận dỗi vào hành động khua sợi dây lò tói, xô mạnh chiếc xuồng ra… Những hành động ương bướng của Thu có thể làm cho người đọc nghĩ rằng nó ngỗ nghịch, nhiễu sách. Thế nhưng, nếu hiểu sâu xa hơn thì tất cả mọi biểu hiện ấy đều xuất phát từ tình yêu thương cha quá đỗi thắm thiết. Có hiểu được hoàn cảnh gia đình thời chiến, hiểu được khát vọng yêu thương của trẻ thơ thì mới cảm nhận được tình yêu cha của bé Thu nồng nàn đến dường nào.
Bé Thu có sự so sánh giữa người trong ảnh với người ở ngoài đời khác nhau ở vết sẹo, đó là nguyên nhân nó không nhận ông Sáu là ba. Tâm hồn, trái tim nó ấp ủ một hình ảnh duy nhất và không muốn ai thay thế. Nó chối từ cái dang tay của ông Sáu trong lần hội ngộ đầu tiên khiến ông Sáu bàng hoàng. Nó không gọi tiếng ba bởi vì tiếng ba ấy rất thiêng liêng, chỉ dành cho người ba đích thực. Đối với nó, ông Sáu là ba “giả”, những đau buồn, khổ tâm của ông Sáu không làm nó bận tâm. Không ai có thể tháo gỡ được những vướng mắc thầm kín trong lòng của cô bé. Tại sao phải gọi người đàn ông xa lạ kia là ba? Nó là đứa bé có lập trường, chính tình cảm yêu thương cha mãnh liệt đã khiến cho cô bé rất kiên định, quyết liệt. Và đây cũng chính là cái mầm sâu kín để làm nên tính cách cứng cỏi, ngoan cường của một cô giao liên mưu trí, dũng cảm sau này.
Tưởng chừng như tình cảm cha con không thể nối kết được nhưng khi Thu được nghe bà ngoại giải thích nguyên nhân vết sẹo trên má ông Sáu thì bé Thu hoàn toàn thay đổi thái độ, từ xa lánh nó lại khao khát được gần gũi, từ hờn giận nó chuyển sang yêu kính, tự hào. Trước lúc ông Sáu đi xa, tình cảm thiêng liêng giữa con với cha bỗng cháy bùng lên. Vết sẹo trên mặt ba nó là vết tích chiến tranh bị Tây bắn, vết thương chắc làm ba nó đau đớn lắm, thái độ lạnh lùng, xa cách của nó trong mấy ngày nay chắc làm ba nó đau lòng lắm. Nó đã gây ra vết sẹo trong trái tim của người cha. Cho nên trong buổi chia tay, nó đứng lặng lẽ ở góc nhà hướng về người cha với vẻ mặt “sầm lại buồn rầu, cái vẻ buồn trên gương mặt ngây thơ của bé trông rất dễ thương”, ấy chắc là có biết bao xúc động, ý nghĩ, tình cảm. Khi ông Sáu khoác ba lô lên đường, nói lời từ biệt, tiếng kêu ba của bé Thu vang lên chất chứa sự hối lỗi “Ba… a… a… ba !”, tiếng kêu xé lòng, “xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa” cùng cử chỉ nhảy thót lên, ôm chặt lấy cổ ba, “hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết sẹo dài trên má của ba nó nữa”. Đó là biểu hiện tình yêu ruột thịt nồng nàn của đứa con đối với cha, bé Thu muốn chuộc lại lỗi lầm và muốn thỏa tình cảm nhớ thương sau tám năm xa cách. Và khi nghe ông Sáu hứa hẹn “Ba đi rồi ba về với con” thì cô bé lại hét lên “Không !”, hai tay nó xiết chặt lấy cổ ba nó, rồi nó dang cả hai chân câu chặt lấy ba nó và đôi vai nhỏ bé của nó run run. Những dòng chữ trong câu chuyện đến đây chắn đã làm xốn xang trái tim bao bạn đọc. Mọi người lặng đi, con tim thổn thức, dường như nước mắt không thể chảy ra được mà chỉ có thể chảy ngược vào tim. Thương cho bé Thu trong cảnh ngộ éo le, tình yêu thương cha của bé Thu dường như đã xóa đi vết sẹo trong trái tim của người cha, để lại niềm vui trong hành trang người chiến sĩ khi ông Sáu lên đường. Tình cảm cha con thật thiêng liêng, vượt lên sự hủy diệt của chiến tranh.
Tình huống truyện kịch tính giữa không nhận và nhận ba là cả một quá trình diễn biến tâm lý đầy phức tạp. Nhưng thông qua đó, tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn trẻ thơ hồn nhiên, vô tư và cả sự ương ngạnh, đáng yêu nhất là tình cha con thắm thiết. Kết hợp với phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả, biểu cảm, ngôn ngữ đối thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm… Tác giả đã khắc họa nhân vật bé Thu là một đứa trẻ điển hình cho biết bao đứa trẻ trong chiến tranh phải trải qua những đau thương, mất mát, phải sống trong những năm dài xa cách người thân. Qua truyện ngắn “Chiếc lược ngà”, ta có thể thấy Nguyễn Quang Sáng đã rất thành công trong việc miêu tả tâm lý trẻ thơ.
Nhân vật bé Thu đã để lại một dấu ấn đậm nét trong tâm hồn của bạn đọc. Càng yêu thương bé Thu bao nhiêu, chúng ta càng cảm thấy căm ghét chiến tranh bấy nhiêu. Chúng ta cần biết quý trọng những mất mát to lớn mà các thế hệ đi trước đã hy sinh cho cuộc sống hôm nay. Để đáp lại tình cảm, sự hy sinh ấy chúng ta phải cố gắng học tập để góp phần xây dựng cuộc sống này ngày càng tươi đẹp.
Phân tích nhân vật bé Thu hay nhất
Tình phụ tử thiêng liêng cao đẹp là đề tài muôn thuở trong thơ ca, với mỗi thời kỳ, chúng ta sẽ có những tác phẩm nghệ thuật gắn liền với thời đại đó. Tác phẩm "Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã kể câu chuyện về tình phụ tử trong chiến tranh đầy xúc động. Bé Thu, nhân vật người con, chính là điểm sáng trong câu chuyện này.
Ba bé Thu đi chiến trường từ em còn chưa đầy 1 tuổi, cũng vì thế mà em gần như chẳng có ký ức nào về ba. Cô bé cũng không nhớ rõ mặt ba, chỉ được nhìn trong tấm ảnh ba chụp chung với má. Hình ảnh người đàn ông trẻ trung, khuôn mặt rạng ngời đứng bên má đó cũng là ấn tượng duy nhất của em về ba.
Khi ông Sáu, ba của bé Thu được về nhà, tưởng như hai cha con sẽ rất yêu thương, quấn quýt nhau nhưng cô bé không chịu nhận cha. Trong lần gặp đầu tiên, khi ba bé Thu đang xúc động chỉ muốn chạy đến ôm chầm lấy nó thì nó bỗng hoảng sợ, hét lên và chạy vụt đi. Trong những ngày ông Sáu ở nhà, dù mọi người có làm cách nào thi con bé cũng không chịu gọi "ba". Khi má bảo gọi ba vào ăn cơm, con bé chỉ nói trổng "vô ăn cơm". Thậm chí khi má nổi giận quơ đũa định đánh, bé Thu vẫn nhất định không chịu gọi một tiếng "ba". Hay lúc bị dồn vào thế bí, dáng người nhỏ bé của Thu không thể bê nồi cơm để chắt nước, em quyết không gọi "ba" mà vẫn nói trổng. Nhờ không được, con bé lì lợm đành lấy cái vá múc từng vá nước ra ngoài. Không những không gọi cha, Thu còn khước từ sự quan tâm của ông Sáu. Ông Sáu đã gắp miếng trứng cá ngon nhất vào bát nó nhưng nó lại hẩy ra, khiến ba nó tức giận đánh đòn, nó vẫn im im rồi bỏ đi. Tất cả những hành động đó cho thấy Thu là một cô bé mạnh mẽ, cá tính, gan lì. Em không gọi người đàn ông trước mặt là ba vì em vẫn đinh ninh người trong tấm ảnh chụp với má mới chính là người ba thực sự. Đó là người còn trẻ trung và không có vết thẹo dài trên mặt cơ. Tất cả mọi việc làm của bé Thu đều để chứng minh cho tình yêu ba sâu sắc, mãnh liệt. Cũng chính vì lẽ đó, em đã vô tình làm tổn thương ba mình.
Khi nhận ra ông Sáu chính là ba mình thì cũng là lúc ông Sáu lên phải lên đường. Em đã hét gọi ba. Tiếng nói từ tận trong tim ấy đã dồn nén bao nhiêu năm rồi được bật ra vào thời khắc chia tay. Tiếng thét gọi như cứa vào tâm can của ông Sáu và của cả mọi người. Tiếng ba đó tuôn ra cùng những cái ôm, cái hôn yêu thương quấn quýt không muốn ba đi chính là minh chứng rõ ràng nhất cho tình cảm của bé Thu dành cho ba. Không thể giữ ba ở lại bên mình, con bé chỉ biết ôm siết ba mình thật chặt rồi mếu máo "Ba về ! Ba mua cho con một cây lược nghe ba". Đây không chỉ là một yêu cầu về món quà giữa hai cha con mà điều bé Thu mong muốn hơn nữa là ba mình sẽ sống sót trở về từ chiến trường. Từ đây, ta thấy được Thu là cô bé thông minh, hiểu chuyện. Tuy rất yêu thương và nhớ ba nhưng vẫn quyết định tạm biệt để ba trở về với đồng đội.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã xây dựng hình tượng bé Thu rất thành công, bằng giọng văn gần gũi giản dị, bé Thu hiện lên là một cô bé mạnh mẽ, bướng bỉnh nhưng lại yêu thương ba tha thiết sau này đã trở thành một cô giao liên dũng cảm, tiếp bước cha bảo vệ dân tộc.
Phân tích bé Thu hay nhất
“Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng là một truyện ngắn viết về tình phụ tử sâu nặng của cha con ông Sáu sau chiến tranh. Đây là một truyện ngắn giản dị nhưng chứa đầy sức bất ngờ như ta thường thấy ở văn của Nguyễn Quang Sáng. Đoạn trích trong sách giáo khoa đã cho thấy một khoảnh khắc nhỏ mà trong đó có sự cao cả thiêng liêng về tình phụ tử.
Truyện xoay quanh một kỉ vật đơn sơ mà vô giá đó là chiếc lược ngà. Nhưng suốt cả câu chuyện, suốt những quãng đời, suốt cả cuộc đời ấy chỉ có một tiếng kêu, một tiếng kêu bình dị và thiêng liêng bậc nhất cõi đời này: tiếng cha!. Câu chuyện “Chiếc lược ngà” đã kể lại thật cảm động về cuộc gặp gỡ và những tình cảm của cha con anh Sáu. Hình ảnh anh Sáu đã để lại trong lòng người đọc nỗi cảm thông, yêu mến và những ấn tượng sâu sắc.
Cũng như bao người khác anh Sáu đi theo tiếng gọi của quê hương đã lên đường chiến đấu, để lại người vợ và đứa con thân yêu. Sự xa cách càng làm dâng lên trong anh nỗi nhớ nhung tha thiết đứa con gái mà khi anh đi nó chưa đầy một tuổi. Nỗi nhớ ấy đã trở thành niềm khao khát, mơ ước cháy bỏng trong lòng anh. Chính vì vậy mỗi lần vợ lên thăm là một lần anh hỏi “Sao không cho con bé lên cùng?’’. Không gặp được con anh đành ngắm con qua ảnh vậy … Mặc dầu tấm ảnh đó đã rách nát, cũ kĩ lắm rồi, nhưng anh luôn giữ gìn nó vô cùng cẩn thận, coi nó như một báu vật. Còn đối với con gái Thu của anh thì sao? Từ nhỏ đến hồi tám tuổi nó chỉ được biết ba nó qua ảnh và qua lời kể của bà ngoại và mẹ. Dù được sống trong tình yêu thương của mọi người nhưng có lẽ Thu cũng cảm thấy thiếu hụt một tình thương, sự che chở của người cha. Chắc bé Thu từng giờ từng phút trông chờ ba nó lắm nhỉ? Và tám năm trời là những năm tháng dài đằng đẵng ấy cũng làm tăng lên trong lòng hai cha con anh sáu nỗi nhớ nhung, mong chờ, anh Sáu ao ước gặp con, còn bé Thu ao ước gặp bố.
Hình ảnh bé Thu là nhân vật trọng tâm của câu chuyện, được tác giả khắc họa hết sức tinh tế và nhạy bén, là một cô bé giàu cá tính, bướng bỉnh và gan góc. Bé Thu gây ấn tượng cho người đọc về một cô bé dường như lì lợm đến ghê gớm, khi mà trong mọi tình huống em cũng nhất quyết không gọi tiếng “Ba”, hay khi hất cái trứng mà ông Sáu gắp cho xuống, cuối cùng khi ông Sáu tức giận đánh một cái thì bỏ về nhà bà ngoại. Nguyễn Quang Sáng đã khéo léo xây dựng nhiều tình huống thử thách cá tính của bé Thu, nhưng điều khiến người đọc phải bất ngờ là sự nhất quán trong tính cách của bé, dù là bị mẹ quơ đũa dọa đánh, dù là bị dồn vào thế bí, dù là bị ông Sáu đánh, bé Thu luôn bộc lộ một con người kiên quyết, mạnh mẽ. Có người cho rằng tác giả đã xây dựng tính cách bé Thu hơi “thái quá”, song thiết nghĩ chính thái độ ngang ngạnh đó lại là biểu hiện vô cùng đẹp đẽ mà đứa con dành cho người cha yêu quý. Trong tâm trí bé Thu chỉ có duy nhất hình ảnh của một người cha “chụp chung trong bức ảnh với má”. Người cha ấy không giống ông Sáu, không phải bởi thời gian đã làm ông Sáu già đi mà do cái thẹo trên má. Vết thẹo, dấu tích của chiến tranh đã hằn sâu làm biến dạng khuôn mặt ông Sáu. Có lẽ trong hoàn cảnh xa cách và trắc trở của chiến tranh, nó còn quá bé để có thể biết đến sự khốc liệt của bom lửa đạn, biết đến cái cay xè của mùi thuốc súng và sự khắc nghiệt của cuộc sống người chiến sỹ. Cái cảm giác đó không đơn thuần là sự bướng bỉnh của một cô bé đỏng đảnh, nhiễu sách mà là sự kiên định, thẳng thắn, có lập trường bền chặt, bộc lộ phần nào đó tính cách cứng cỏi ngoan cường của cô gian liên giải phóng sau này.
Dường như sự lạnh lùng và bướng bỉnh của bé Thu đã làm tổn thương những tình cảm đang trào dâng tha thiết nhất trong lòng ông. Vì quá yêu thương con nên anh Sáu không cầm nổi cảm xúc của mình. Trong bữa cơm, cưng con, anh gắp cho nó cái trứng cá nhưng bất ngờ nó hất tung cái trứng ra khỏi chén cơm. Giận quá, anh đã vung tay đánh và quát nó. Có lẽ việc đánh con bé là nằm ngoài những mong muốn của ông. Tất cả cũng chỉ là do anh quá yêu thương con. Có thể coi việc bé Thu hất cái trứng ra khỏi chén như một ngòi nổ làm bùng lên những tình cảm mà lâu nay anh dồn nén và chất chứa trong lòng.
Nhưng khi ta hiểu ra thì lại thấy rằng: Chính cái hành động đáng ghét ấy lại vô cùng đáng quý. Chính thái độ ngang ngạnh đó lại là biểu hiện tuyệt vời của tình cảm người con dành cho cha. Đơn giản vì lúc bấy giờ trong trí nhớ thơ ngây của Thu thì cha em đẹp lắm. Vì bom đạn quân thù, cha mang sẹo trên mặt. Đấy là điều đau khổ vậy mà nó không hiểu, lại xa lánh khiến cha đau khổ thêm. Cô bé không tin, thậm chí còn ngờ vực, điều đó chứng tỏ cô bé không dễ tin người. Cả bạn của cha, cả mẹ xác nhận là cha nhưng không ai tháo gỡ được thắc mắc thầm kín trong lòng mình thì cô bé vẫn chưa gọi. Nó không đơn thuần là sự bướng bỉnh của một cô bé đỏng đảnh, nhiễu sách mà đó là sự kiên định, quyết liệt của một người có lập trường. Đây chính là cái mầm sâu kín sau này làm nên tính cách cứng cỏi, ngoan cường của cô giao liên giải phóng. Đến khi được bà ngoại giảng giải về cái thẹo trên má ba, thì Thu mới vỡ lẽ đó thực là ba mình. Hình ảnh người cha thân yêu trên ảnh, người cha kính mến mà cô ghi sâu trong lòng, đến lúc ấy mới nhập vào người đang xưng ba có vết thẹo dài đây. Đã vỡ lẽ thì tình yêu ba nhân lên gấp bội nhưng … đã muộn rồi. Song đến giây phút cuối cùng, trước khi anh Sáu đi xa thì tình cảm thiêng liêng ấy bỗng cháy bùng lên. Lúc ra đi, chân anh ngập ngừng không muốn bước. Hẳn rằng anh Sáu muốn ôm con, hôn con nhưng sợ nó lại giẫy đạp và bỏ chạy nên anh chỉ đứng đấy nhìn nó với cặp mắt trìu mến xen lẫn buồn rầu. Trong ánh mắt của anh, chất chứa bao yêu thương mà anh muốn trao gửi tới con. “Thôi ba đi nghe con”. Phải chi bé Thu hiểu được ánh mắt của ba nó, hiểu được tâm trạng của ba nó lúc này nhỉ? Rồi bỗng nó chạy đến kêu thất thanh “Ba…a….a…ba!”. Tiếng kêu như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Tiếng kêu bật lên sau bao năm kìm nén, chờ đợi khắc khoải. Đó cũng là cái tiếng ba mà anh Sáu đã chờ đợi suốt tám năm trời xa con, đã chờ đợi suốt mấy ngày về bên con, ông đã tưởng chẳng thể còn được nghe thì bất ngờ nó thét lên. Nó vỡ ra còn lòng người đọc thì nghẹn lại.
Ai có thể ngờ được một người lính dạn dày nơi chiến trường, quen với cái chết cận kề lại là người vô cùng yếu mềm trước con gái mình. Những giọt nước mắt hiếm hoi của một cuộc đời từng trải nhiều gian khổ vất vả, song lại rơi khi lần đầu tiên ông cảm nhận được sự ấm áp của cha con thực sự! (“Không ghìm được xúc động và không muốn cho con thấy mình khóc, anh Sáu một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt”). ”Ba về! Ba mua cho con một cây lược nghe ba!”, đó là mong ước đơn sơ của con gái bé bỏng trong giây phút cha con từ biệt. Nhưng đối với người cha thì đó là mơ ước đầu tiên và duy nhất, cho nên nó cứ thôi thúc trong lòng ông. Tình cảm ông Sáu dành cho bé Thu trở nên thiêng liêng, cao cả và mãnh liệt hơn biết bao khi ông tự tay làm chiếc lược ngà cho con. ”Khi ông Sáu tìm được khúc ngà sung sướng như trẻ con vớ được quà”, ”Ông thận trọng, tỉ mỉ…”, ”Ông gò lưng khắc từng nét…”. Một loạt hành động cảm động như khẳng định tình cha con sâu đậm. Tất cả tình yêu, nỗi nhớ con dồn cả vào công việc làm chiếc lược ấy. Ông nâng niu chiếc lược như nâng niu đứa con bé nhỏ của mình. Lòng yêu con đã biến một người chiến sỹ trở thành một nghệ nhân sáng tạo tài tình, dù chỉ sáng tạo một tác phẩm duy nhất trong đời. Cuối truyện có chi tiết ông Sáu đưa tay vào túi, móc lấy cây lược, đưa cho bác Ba và nhìn một hồi lâu. Ông Sáu hi sinh mà không kịp trăn trối điều gì, chỉ có một ánh mắt với niềm ước nguyện cháy bỏng mong người bạn của mình sẽ là người thực hiện nốt lời hứa duy nhất của mình với con. Tình cảm của ông Sáu khiến người ta phải thấy ấm lòng và cảm động sâu sắc.
Người mất, người còn nhưng kỷ vật duy nhất, gạch nối giữa cái mất mát và sự tồn tại, chiếc lược ngà vẫn còn ở đây. Chiếc lược ngà là kết tinh tình phụ tử mộc mạc, đơn sơ mà đằm thắm, kỳ diệu, là hiện hữu của tình cha con bất tử giữa ông Sáu và bé Thu; và là minh chứng chứng kiến lòng yêu thương vô bờ bến của ông Sáu với con. Có thể chiếc lược ấy chưa chải được mái tóc của bé Thu nhưng lại gỡ rối được tâm trạng của ông. Chiếc lược ngà xuất hiện đánh dấu một kết cấu vòng tròn cho câu chuyện, và cũng là bài ca đẹp tồn tại vĩnh cửu của tình cha con.
“Chiếc lược ngà” như một câu chuyện cổ tích hiện đại, thành công trong việc xây dựng hình tượng bé Thu và gửi gắm thông điệp đẹp về tình cha con. Nhân vật ông Ba - người kể chuyện hay chính là nhà văn Nguyễn Quang Sáng, phải là người từng trải, sống hết mình vì cách mạng kháng chiến của quê hương, gắn bó máu thịt với những con người giàu tình yêu, nhân hậu mà rất kiên cường, bất khuất, nhà văn mới có thể nhập hồn được vào các nhân vật, sáng tạo nhiều hình tượng với các chi tiết sinh động, bất ngờ, hơn nữa lại có giọng văn dung dị, cảm động!
Phân tích nhân vật bé Thu chi tiết
Phân tích nhân vật bé Thu - Mẫu 1
Đề tài tình cảm gia đình là một đề tài vô cùng quan trọng trong kháng chiến của Việt Nam. Nhiều tác giả đã khai thác đề tài này, những tác phẩm “Chiếc lược ngà” của tác giả Nguyễn Quang Sáng là một tác phẩm để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho người đọc.
Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” kể về nhân vật bé Thu một đứa trẻ dễ thương nhưng vô cùng cá tính, gai góc và có nội tâm vô cùng phức tạp.Tác giả đã vô cùng tinh tế khi mà đặt ra những tình huống vô cùng độc đáo.
Anh Sáu một người chiến sĩ cách mạng, đi bộ đội chiến đấu khi con gái mình vừa mới sinh xong. Ngày anh Sáu về phép thì con gái đã 7-8 tuổi. Bé Thu là người chỉ biết mặt ba qua những bức ảnh gia đình, nên trong tâm thức của bé, không có nhiều kỷ niệm với ba.
Rồi một ngày anh Sáu về phép cô bé khó mở lòng tiếp nhận một người cha bằng xương bằng thịt được.
Trong ba ngày phép ở nhà anh Sáu làm đủ mọi cách tiếp cận cô bé nhưng bé Thu không chịu gọi một tiếng ba. Cho tới khi anh phải lên đường đi là nhiệm vụ thì tiếng ba mới được thốt ra nghẹn ngào xúc động.
Nhân vật bé Thu là một cô bé mới chỉ tám tuổi nhưng có cá tính mạnh mẽ, gai góc và ương ngạnh. Tuy nhiên trong tâm của bé Thu thì vô cùng trong sáng, thể hiện tình yêu của mình với ba. Bởi em bé chỉ nhìn hình ba trong bức ảnh ba mẹ chụp với nhau trong ngày cưới. Nên khi nhìn thấy ông Sáu ngoài đời nó không thể nghĩ đó là ba mình.
Ông Sáu là một chiến sĩ dũng cảm, đã trải qua nhiều trận đánh ác liệt gương mặt của ông không còn được như xưa mà có nhiều biến đổi theo thời gian, nên khi bé Thu nhìn ba ngoài đời không còn giống ba trong bức hình chụp ngày cưới ba mẹ nữa. Đó là chuyện bình thường.
Qua những tình tiết miêu tả của tác giả ta thấy bé Thu có cá tính và suy nghĩ vô cùng đáng yêu. Những suy nghĩ vừa rất trẻ con vừa người lớn. Nó thể hiện tình cảm của một người con dành cho ba của mình thể hiện tình cảm gia đình thắm thiết. Khi cả nhà bảo ra mời ba vào ăn cơm. Bé thu cứng đầu chỉ nói trống không “Vô ăn cơm”.
Dù ai có nói thì thì cô bé cũng không chịu gọi một tiếng ba, chỉ cho tới khi biết tin ông Sáng phải lên đường đi đánh trận, tiếng ba mới nức nở vỡ òa lên trong lồng ngực của cô bé. “Không cho ba đi. Ba phải ở nhà với con” những tiếng ba mong chờ từ lâu được cô bé thốt ra một cách trơn tru, từ đáy lòng của một đứa trẻ mong chờ có ba.
Rồi kèm theo hành động đó là việc Thu ôm chầm lấy ba của mình khóc nghẹn nức nở. Thu không muốn rời xa ba thêm nữa cô bé đã phải chờ đợi suốt tám năm mới được gặp ba, giờ này cô bé không muốn lại phải tiếp tục chờ đợi, không muốn xa cách.
Qua diễn biến tâm lý nhân vật ta thấy Thu là cô bé giàu tình cảm, dù bên ngoài cô bé là người gai góc, nhưng bên trong lại yếu đuối, trẻ con, và mong muốn có ba hơn bao giờ hết.
Tình cảm của Thi dành cho ba là tình cảm thiêng liêng của một đứa trẻ khát khao có ba như những đứa trẻ khác. Bất kỳ đứa trẻ nào sinh ra cũng cần tình thương, sự chăm sóc của cả ba và mẹ, có như vậy chúng mới phát triển và trưởng thành đúng nghĩa.
Qua tác phẩm của mình tác giả Nguyễn Quang Sáng muốn tố cáo tội ác của chiến tranh, chính chiến tranh đã làm cho bao gia đình ly biệt, những đứa con không được gần cha, vợ không được gần chồng, biết bao gia đình sinh ly tử biệt bởi chiến tranh tàn ác.
Phân tích nhân vật bé Thu - Mẫu 2
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Nam Bộ, Nguyễn Quang Sáng luôn dành những những trang viết mộc mạc, bình dị cùng giọng văn đậm chất Nam Bộ về con người và cuộc sống ở nơi đây. Mỗi trang viết của ông đều để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc và truyện ngắn “Chiếc lược ngà” là một trong số những tác phẩm như thế. Ra đời trong những năm tháng cuộc kháng chiến chống Mĩ diễn ra ác liệt, tác phẩm đã thể hiện thành công tình cảm cha con sâu nặng trong hoàn cảnh chiến tranh éo le. Và qua nhân vật bé Thu sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về tình cảm thiêng liêng, cao quý ấy.
Cũng như bao người khác, Thu là một đứa bé giàu lòng yêu thương cha và bởi vậy, trong cô gái nhỏ bé ấy vẫn luôn hiện hữu khao khát đến ngày được gặp cha, được sà vào vòng tay cha vỗ về, che chở. Và rồi, ngày tháng ấy cũng đã tới sau tám năm dài đằng đẵng xa cách. Những tưởng, Thu sẽ vui lắm, sẽ hạnh phúc lắm mà ôm lấy cha, nhưng không, ngày gặp cha, Thu có một thái độ rất khác thường, trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Ông Sáu xuống bến xuồng, ông dồn hết bao nỗi nhớ thương con vào tiếng gọi thiêng liêng “Thu! Con!” nhưng trước nỗi niềm xúc động ấy của ông Sáu, Thu từ sự ngạc nhiên này sang đến ngạc nhiên khác, “tròn mắt nhìn”, cô bé thấy “lạ quá, chớp chớp mắt” như muốn hỏi là ai rồi vội chạy đi tìm sự giúp đỡ từ mẹ. Trong suốt ba ngày được nghỉ phép ở nhà, ông Sáu luôn cố gắng tìm mọi cách để bù đắp cho con với mong muốn sẽ làm con thay đổi, kiên nhẫn chờ đợi tình cảm từ con. Nhưng đáp lại tình cảm ấy của ông Sáu chỉ có sự lạnh nhạt của Thu, ông Sáu “càng vỗ về con bé càng đẩy ra” và thậm chí cô bé còn tỏ ra ngang ngạnh và ương bướng. Sự ương bướng ấy của Thu thể hiện rõ nét ở việc cô bé nhất quyết không chịu gọi một tiếng ba, lúc cần thiết phải nói thì lại lựa chọn cách nói trống không với ông Sáu. Thậm chí, ngay cả trong những tình huống cấp bách như phải chắt nước của một nồi cơm to thì cô bé vẫn cố loay hoay, tự tìm cách làm chứ nhất định không chịu nhờ tới sự giúp đỡ của ông Sáu. Bé Thu cố từ chối mọi sự yêu thương, vỗ về mà ông Sáu dành cho mình, khi ông Sáu gắp trứng cá vào chén cho bé Thu thì cô bé “liền lấy đũa xoi vào chén, để đó rồi bất thần hất cái trứng ra”, làm cho cơm văng hết cả ra mâm. Và đỉnh điểm, khi bị ông Sáu đánh, bé Thu không phản ứng gì mà bỏ về nhà bà ngoại. Có thể thấy, bé Thu là một cô bé rất ngang ngạnh, bướng bỉnh nhưng sự bướng bỉnh ấy của cô bé không hề đáng trách. Bởi Thu không nhận ba không phải vì không yêu ba mà bởi trong suốt những năm tháng chiến tranh, cô chỉ nhìn ba qua tấm ảnh để rồi đến ngày gặp gỡ, vết thẹo trên mặt của ông Sáu khiến cho ông khác lạ so với trong ảnh, điều đó khiến bé Thu không nhận ba. Những hành động và phản ứng của bé Thu hoàn toàn là tất yếu, bởi cô bé còn quá nhỏ để hiểu được sự dữ dội và tàn ác mà cuộc chiến tranh để lại.
Nhưng rồi, mọi chuyện đã thực sự thay đổi khi bé Thu được bà ngoại kể cho câu chuyện về vết thẹo trên gương mặt của ba và khi cô bé hiểu ra mọi thứ cũng chính là lúc ông Sáu phải lên đường nhận nhiệm vụ. Hoàn cảnh gặp gỡ ấy đã khiến cho tình cảm cha con có dịp được thể hiện rõ nét và xúc động hơn bao giờ hết. Khác với một bé Thu ngang ngạnh, cau có, bướng bỉnh trong ba ngày trước, hôm nay khuôn mặt bé Thu “sầm lại buồn rầu” và “nhìn với vẻ nghĩ ngợi sâu xa”. Và khi cô bé bắt gặp ánh mắt buồn rầu của ông Sáu thì “đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao”. Có lẽ, giờ đây, bao nhiêu niềm yêu thương cha của cô bé gửi cả vào trong ánh mắt và cô cất tiếng gọi ba – một tiếng kêu đến xé lòng khi ông Sáu khẽ cất lời từ biệt. Không dừng lại ở đó, bé Thu còn chạy tới ôm thật chặt lấy ba, hôn ba và hôn lên cả vết thẹo. Nụ hôn ấy, nụ hôn của tình yêu vô bờ bến và còn là nụ hôn của nỗi nhớ không nguôi. Hơn bao giờ hết, chắc hẳn bé Thu muốn giây phút này sẽ còn lại mãi mãi, để cô có thể được ở cạnh ba, được ba ôm chặt trong vòng tay của mình. Rồi trong phút giây ấy, bô bé cất lời giữ ba ở lại với mình “Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con!” Một ước mơ, một lời nói rất đỗi trẻ con nhưng lại chất chứa trong đấy tình cảm sâu đậm của bé Thu dành cho ba, đó là tình cảm thiêng liêng, cao quý. Cô bé chia tay ba với hi vọng ba sẽ tặng cho mình một chiếc lược ngà, để cô luôn cảm thấy ấm áp như có ba luôn bên mình. Như vậy, trong khoảnh khắc chia li, mọi khoảng cách đã bị xóa bỏ, chỉ còn lại ở đó tình cảm sâu đậm mà bé Thu dành cho ba.
Như vậy, truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng đã miêu tả thành công những biến đổi tinh tế trong tình cảm của bé Thu, qua đó cho chúng ta thấy bé Thu là một cô bé ngang ngạnh, bướng bỉnh nhưng yêu thương ba đến vô ngần. Đồng thời, qua đó cũng cho thấy tình cảm cha con sâu đậm trong cuộc chiến tranh cam go, ác liệt của dân tộc.
Phân tích nhân vật bé Thu - Mẫu 3
Có những trang viết khiến người đọc rơi nước mắt khi chứng kiến những giằng xé, đau đớn và cả nước mắt. Có những nhân vật dù chỉ được vẽ qua nét bút của tác giả nhưng có sức ám ảnh. Nhân vật bé Thu trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà" của Nguyễn quang sáng là một hình tượng luôn khiến người đọc xúc động mạnh khi lật giở từng trang viết của tác giả.
“Chiếc lược ngà” được sáng tác năm 1966, trong lúc cuộc kháng chiến đang diễn ra ác liệt, nhiều cam go. Ông Sáu lên đường ra chiến trận khi bé Thu chưa tròn một tuổi, nhưng khi ông trở về thăm con thì bé đã lớn và nhất quyết không nhận ba. Những day dứt, sự giằng xé, nước mắt, tủi hờn, mâu thuẫn nội tâm trong một đứa bé đã khiến cho cốt truyện được đẩy đến cao trào. Ba ngày ở cạnh ba nhưng bé Thu nhất quyết không chịu nhận, chỉ khi nghe bà ngoại kể về vết thẹo trên gương mặt ba thì lúc đó bé mới ôm chặt ông Sáu, không cho đi. Tình cảm cha con vỡ òa, cảm xúc trong lòng người đọc cứ thế tan chảy.
Mặc dù mới lên 8 tuổi nhưng bé Thu được xây dựng rất sắc nét, cá tính mạnh, bướng bỉnh. Trong tâm trí của bé Thu chỉ có một tấm hình duy nhất của ba chụp với má vào ngày cưới. Đó là những gì nó có để gìn giữ và đợi chờ ba trở về. Khi ông Sáu nhất quyết gọi “Thu! Ba đây con” thì bé vẫn nhất quyết không chịu nhận, cự tuyệt một cách thẳng thừng. Ông Sáu luôn dành tình cảm yêu thương chân thành và sâu sắc nhất cho bé Thu nhưng ông nhận lại là sự lạnh lùng, xa lánh. Chỉ bởi về vết thẹo dài trên mặt, chỉ vì chiến tranh, vì những tàn khốc mà nó đã gây ra. Cá tính mạnh của một cô bé 8 tuổi được Nguyễn Quang Sáng thể hiện rất sắc nét và táo bạo. Qua đó giúp người đọc hình dung được sự kiên định, vững chắc trong trái tim con người Nam Bộ.
Sự bướng bỉnh, lạnh lùng của bé Thu dành cho ông Sáu còn thể hiện qua cử chỉ và lời nói. Khi mẹ bảo mời ba vô ăn cơm thì nó chỉ nói cộc lốc “vô ăn cơm”. Đặc biệt qua chi tiết chắt nước ở nồi cơm ra, bé Thu không chắt được nhưng nhất quyết không để cho ông Sáu chắt. Bướng bỉnh, lạnh lùng, hờ hững đã khiến cho ông Sáu đau lòng. Cao trào của tính cách bé Thu thể hiện qua bữa cơm, khi ông Sáu gắp cho bé Thu cái trứng cá vào bát, bé hất đổ cả chén cơm. Ông Sáu đánh đòn, và tất cả mọi người cứ tưởng Thu sẽ giãy nảy lên và bỏ đi, nhưng không, ”Nhưng không, nó ngồi im, đầu cúi gằm xuống. Nghĩ thế nào nó cầm đũa, gắp lại cái trứng cá để vào chén, rồi lặng lẽ đứng dậy, bước ra khỏi mâm”.
Suy nghĩ đã thôi thúc, đẩy thành hành động quyết liệt, khước từ mọi tình cảm và yêu thương của ba dành cho mình. Vì với bé Thu, đó không phải là ba. Có lẽ chính cá tính mạnh, sự ngang bướng như thế này đã thôi thúc cô trở thành cô giao liên kiên cường trong cuộc kháng chiến về sau.
Nguyễn quang sáng không chỉ dừng lại ở việc miêu tả tâm lí nhân vật của một đứa trẻ lên 8 mà lấy tính cách đó làm tiền để cho tình yêu thương ba tha thiết và mãnh liệt như thế nào. Suốt 3 ngày ở cạnh ba nhưng bé Thu nhất quyết không nhận ba, chỉ đến khi nghe bà ngoại kể về vết thẹo trên mặt ba do chiến tranh gây nên thì lúc đó bé thu mới vỡ òa. Gương mặt nó buồn rầu như nghĩ ngợi gì, khi ông Sáu lên đường ra trận, không dám lại gần vì sợ nó lại giãy nảy như lần trước. Chỉ dám nói rằng “Ba đi nghe con” nặng nề, đau đớn, dằn vặt của một người ba nhưng không làm cách nào để thuyết phục con gái.
Lúc ấy một cảnh tượng xúc động diễn ra. Nó khóc thét lên “ba”, tiếng “ba” như vỡ òa, trào ra từ tận trong tim mà nó đã dồn nén bao nhiêu năm qua. Tiếng “ba” đó như khiến người đọc nghẹn đắng ở cổ họng, cho một tình yêu bền bỉ và sâu nặng. Tiếng kêu của bé Thu như tiếng xé, xé tan không khí tĩnh lặng, xé ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Bao nhiêu năm rồi, bé Thu vẫn luôn khát khao được gặp ba, được gọi tiếng ba. Tình cảm của bé Thu hoàn toàn đối lập với những ngày ông Sáu còn ở đây. Đó chính là niềm khao khát, tình yêu ba tha thiết.
Sự ngang tàng, bướng bỉnh và tình yêu ba tha thiết là đặc điểm hội tụ để bé Thu có thể xác định cho mình con đường đi trong tương lai, sẽ nối bước cha, đánh đuổi kẻ thù xâm lược
Như vậy việc xây dựng nhân vật bé Thu với những tính cách, tâm tư tình cảm đã khiến người đọc thêm xúc động về tình phụ nữ, tình cảm thiêng liêng nhất. Qua đó, tác giả còn muốn lên án, tố cáo chiến tranh đã khiến cho nhiều gia đình rơi vào cảnh nước mất nhà tan.
Phân tích nhân vật bé Thu - Mẫu 4
Chiếc lược ngà là truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Với cảm hứng viết về tình cha con và nỗi đau do chiến tranh, chuyện đã để lại cho người đọc những rung động thấm thía. Đặc biệt là diễn biến tâm lý và tình cảm tính cách của bé Thu trong lần gặp cha cuối cùng khi ông Sáu về thăm nhà.
Bằng nghệ thuật kể chuyện mang phong cách Nam Bộ với những tình huống bất ngờ. Tác giả đã để cho một nhân vật kể về nhân vật chính nhằm làm cho câu chuyện thêm khách quan và tin cậy. Đó là cách kể chuyện lồng trong chuyện, từ đó ta thấy rõ được những diễn biến tâm lý của nhân vật bé Thu.
Bé Thu là một cô bé có cá tính độc đáo mạnh mẽ. Bởi xa cha biền biệt và cũng chỉ vì một vết sẹo mà em vô tình không nhận ra cha, khi nhận ra cha thì mãi mãi em phải xa cha. Tình thương nỗi đau và sự uất hận đã giúp bé Thu sau này trở thành cô giao liên dũng cảm.
Cha đi chiến đấu biền biệt xa nhà. Đến khi Thu lên tám tuổi hai cha con mới được gặp lại nhau. Cô bé tóc ngang vai, mặc quần đen, áo hoa đỏ, hồn nhiên, xinh đẹp, mới nhìn ông Sáu đã nhận ra ngay con gái mình. Nhưng niềm vui sau bao năm xa cách là được gặp lại con thì thật trớ trêu đáp lại sự vồ vập ấy của người cha bé Thu tỏ ra ngờ vực lảng tránh. Bé Thu hốt hoảng, mặt tái đi, vụt chạy kêu thét lên, nói trống. Trong suốt ba ngày ở bên cha bé Thu đã không nhận ra cha của mình, bé ương ngạnh, cư xử vùng vằng. Bé nhất định không nhờ ông Sáu chắt nước nồi cơm, nó hất cái trứng cá mà ông gắp cho. Bị ông Sáu đánh nó bỏ về nhà ngoại khua loảng xoảng dưới xuồng. Đó là thái độ rất ương ngạnh của một đứa bé mới tám tuổi. Nhưng thái độ đó không hề chê trách được bởi tất cả vì chiến tranh. Chiến tranh đã gây ra những mất mát và đau thương. Mà một đứa trẻ như Thu còn quá bé bỏng để có thể hiểu được những tình thế khắc nghiệt, éo le mà ngay cả người lớn cũng không kịp chuẩn bị cho nó. Chỉ vì một vết sẹo trên mặt người cha cộng với bức ảnh mà nó biết về cha, nó đã không nhận cha. Vết thương do chiến tranh đã trở thành vết thương lòng sâu nặng của tình cảm cha con.
Ngày cuối cùng, trước phút giây ông Sáu lên đường, thì tình cảm thiêng liêng của bé Thu dành cho cha đã bùng cháy. Mọi thái độ và hành động của bé Thu bỗng đột ngột thay đổi. Khi nhìn thẳng, đối diện với người cha “đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao”. Đằng sau đôi mắt mênh mông ấy chắc đang xao động biết bao ý nghĩ, tình cảm. Lần đầu tiên bé cất tiếng gọi “Ba…ba” và tiếng kêu như tiếng xé “chạy nhanh như sóc ôm lấy cổ ba nó” cùng với cử chỉ hôn khắp mọi nơi: nó hôn tóc hôn cổ, hôn cả vết thẹo dài trên má của ba. Tâm lý ngờ vực chỉ vì vết sẹo đã được giải tỏa. Vì thế trong phút chia tay với cha tình yêu và nỗi mong nhớ suốt bao năm trời bị dồn nén nay trở nên mạnh mẽ và có cả sự hối hận. Cảnh tượng ấy diễn ra xúc động trong lòng mọi người. Và khi ông Sáu nói “Ba đi rồi ba về với con”, bé Thu đã hét lên là “không”, rồi hai tay siết chặt cổ, dang cả hai chân quặp lấy ba, đôi vai nhỏ run run. Chắc cô bé đã khóc, khóc vì sự ân hận của mình đã không nhận ra cha, khóc vì xót thương người cha vì chiến tranh mà phải xa gia đình.Chỉ vì bom đạn quân thù, mà ba đã mang sẹo trên mặt. Đó là điều đau khổ.Vậy mà, bé Thu đã không hiểu, lại còn xa lánh cha khiến cha đau khổ. Được bà ngoại giảng cho, bé đã hiểu. Nhưng có lẽ khi bé hiểu ra thì… muộn rồi. Cha bé đã phải xa gia đình trở về chiến trường, phải chịu bao gian khổ của mưa bom bão đạn. Vì vậy, mà bé Thu mới siết cổ cha, níu chặt lấy người cha, như muốn đền bù những hành động sai lầm của bé. Từ giây phút bé thu thức tỉnh, tình cảm tính cách của bé đã thay đổi sự ương ngạnh của cô bé tám tuổi đã không còn, mà thay vào đó là tình yêu cha, thương cha, tự hào về cha. Cuộc chia tay của bé Thu trong những giây phút cuối cùng này có ai biết được rằng đó là cuộc chia tay lần cuối là lúc cha xa em vĩnh viễn, không thực hiện lời hứa “ba đi rồi ba về với con”. Nhưng lòng yêu cha thành kính đã tạo nên một sức mạnh thôi thúc, rèn giũa để Thu trưởng thành sau này, khi cô trở thành một chiến sĩ giao liên gan dạ, dũng cảm.
Tóm lại, qua diễn biến tâm lý của bé Thu ta thấy được bé là người có tình cảm mạnh mẽ, sâu sắc, hồn nhiên, ngây thơ. Cá tính ấy của bé được tập trung thể hiện trong tình cảm cha con đằm thắm. Nhân vật bé Thu đã để lại trong ta những ấn tượng sâu đậm về tình cảm mà bé dành cho cha. Người đọc thêm yêu mến bé Thu với tình cảm mạnh mẽ ấy.
Phân tích nhân vật bé Thu - Mẫu 5
Có một nhà văn đã nói rằng: "Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng chính cuộc sống viết ra". Cuộc chiến tranh chống Mĩ của dân tộc ta với biết bao câu chuyện đã trở thành huyền thoại được các nhà văn ghi lại như những câu chuyện cổ tích hiện đại. Trong số ấy phải kể đến "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng. Nhân vật bé Thu trong truyện đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu sắc về tình thương cha mãnh liệt và có cá tính mạnh mẽ.
Ra đời năm 1966, những năm tháng gian khổ, đau thương nhất của đồng bào Nam bộ trong 30 năm chiến tranh, “Chiếc lược ngà” được kể lại qua sự chứng kiến của bác Ba, người đồng đội của anh Sáu. Người đã lặng lẽ dõi theo từ đầu đến cuối câu chuyện cảm động của cha con anh Sáu- bé Thu. Qua sự quan sát tinh tế, sâu sắc của bác Ba, chúng ta mới thấm thía hết nỗi đau của người dân Nam bộ trong chiến tranh và sức mạnh của tình cha con thiêng liêng, bất tử.
Bé Thu trong câu chuyện, cũng như bao cô bé miền Nam khác đều thiếu thốn tình cha từ nhỏ do cuộc chiến tranh. Khi anh Sáu ra đi, em chưa đầy một tuổi, tám năm trời, cha con em chỉ biết nhau qua hai tấm ảnh. Lần về phép ba ngày của anh Sáu là cơ hội hiếm hoi để ba con Thu gặp gỡ nhau, bày tỏ tình phụ tử. Nhưng nhà văn lại đặt bé Thu vào một tình huống đầy éo le: vì một sự hiểu lầm trẻ con, Thu không chịu nhận anh Sáu là ba, đến lúc nhận ra thì cũng là giây phút ba em lên đường tập kết. Và lần gặp mặt ấy, là lần gặp mặt đầu tiên, duy nhất, cuối cùng của cha con em.
Tuy nhiên, từ tình huống truyện éo le ấy, người đọc vẫn nhận ra đặc điểm riêng, cá tính riêng của nhân vật bé Thu: một cô bé tám tuổi bướng bỉnh nhưng dễ thương và đặc biệt có tình yêu ba sâu sắc, mãnh liệt. Tình yêu ấy được thể hiện trong hai hoàn cảnh trái ngược nhau, trước và sau khi nhận ra ba.
Lúc chưa chịu nhận anh Sáu là ba, Thu là một cô bé trẻ con, bướng bỉnh và đáo để đến nỗi làm anh Sáu đau lòng vì thái độ khước từ tình thương ba dành cho em. Phút đầu tiên hai ba con gặp mặt, trái ngược với nỗi mong nhớ, sự sốt ruột và suy nghĩ của anh Sáu, bé Thu vụt chạy đi, nét mặt đầy sợ hãi kêu “má, má” để lại anh Sáu đứng một mình “nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai cánh tay buông xuống như bị gãy”. Trong ba ngày anh Sáu ở nhà, anh không dám đi đâu vì muốn ở bên con, vỗ về, chăm sóc và bù đắp sự thiếu thốn trong 8 năm qua cho nó nhưng bé Thu lại tỏ ra cứng đầu, không chịu nhận anh, cũng không chịu gọi anh một tiếng “ba” dù chỉ một lần. Nhà văn đã xây dựng một loạt các chi tiết để miêu tả tâm lí, thái độ rất trẻ con, cố chấp của bé Thu. Khi má bắt kêu ba vô ăn cơm, dọa đánh để cô bé gọi ba một tiếng, Thu vẫn chỉ nói trống không “vô ăn cơm! cơm chín rồi”, “con kêu rồi mà người ta không nghe”. Hai tiếng “người ta” mà Thu thốt lên làm anh Sáu đau lòng đến mức “không khóc được, chỉ khe khẽ lắc đầu cười”. Thậm chí, ngay cả khi bị má đặt vào một hoàn cảnh khó khăn để buộc Thu gọi anh Sáu một tiếng ba là chắt nước nồi cơm to đang sôi, Thu cũng lại nói trống không “cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái”. Sự im lặng của anh Sáu và cả sự gợi ý của bác Ba đều không thể làm cô bé gọi tiếng “ba” đơn sơ, giản dị. Tiếng gọi mà mỗi đứa trẻ đều ghi nhớ và bập bẹ lần đầu tiên trong cuộc đời mình. Đỉnh điểm của sự kiên quyết chối từ tình yêu thương của anh Sáu trong bé Thu là chi tiết cái trứng cá trong bữa cơm gia đình. Bằng lòng thương con của người cha, anh Sáu gắp cái trứng cá ngon nhất vào chén cơm của Thu nhưng con bé bất thần hất nó ta khỏi chén cơm. Nỗi đau khổ trong ba ngày nén chịu trào lên, anh Sáu đánh con, Thu không khóc, lầm lì bỏ trứng cá lại vào chén cơm và bỏ sang nhà bà ngoại, lúc đi còn cố ý khua dây tiếng cho thật to. Những chi tiết bình thường mà tinh tế này chứng tỏ nhà văn rất thấu hiểu tâm lí trẻ em.
Trẻ con vốn rất thơ ngây nhưng cũng đầy cố chấp, nhất là khi chúng có sự hiểu lầm, chúng kiên quyết chối từ tình cảm của người khác mà không cần cân nhắc, nhất là với một cô bé cá tính, bướng bỉnh như Thu. Người đọc nhiều khi thấy giận em, thương cho anh Sáu. Nhưng thật ra em vẫn là cô bé dễ thương. Sự ương ngạnh của Thu không hoàn toàn đáng trách. Trong hoàn cảnh xa cách và trắc trở của chiến tranh, nó còn quá nhỏ để có thể hiểu được những tình thế éo le, khắc nghiệt của đời sống và người lớn cũng không ai kịp chuẩn bị cho nó đón nhận những khả năng bất thường. Chính thái độ ngang ngạnh , quyết liệt của bé Thu lại thể hiện sâu sắc tình cảm yêu thương dành cho ba. Đơn giản Thu không nhận ra cha là vì người tự nhận là ba kia không hề giống người cha mà em đã thấy trong bức ảnh. Ba em trong ảnh không có vết sẹo dài trên mặt như thế. Cô bé không tin, thậm chí là ngờ vực. Không ai tháo gỡ được thắc mắc thầm kín trong lòng của Thu, nghĩa là bé Thu chỉ dành tình cảm cho người cha duy nhất trong bức ảnh. Sự bướng bỉnh của Thu phải chăng còn là mầm sâu kín, sau này làm nên tính cách cứng cỏi ngoan cường của cô giao liên kiến định có lập trường.
Sự nghi ngờ của Thu được giải tỏa khi nghe bà ngoại giải thích vì sao ba lại có vết thẹo dài trên má. Nghe những điều ấy, “nó nằm im, lăn lộn và thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn”. Bởi thế, tình yêu ba trong Thu đã trỗi dậy mãnh liệt vào cái giây phút bất ngờ nhất, giây phút ông Sáu lên đường. Cái tiếng “ba” mà ông Sáu đã chờ đợi từ lâu bất ngờ vang lên “Nhưng thật lạ lùng, đến lúc ấy, tình cha con như bỗng nổi dậy trong người nó, đến lúc không ai ngờ đến thì nó bỗng kêu thét lên: - Ba...a...a...ba! Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng, xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng “ba” nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay như vỡ tung từ đáy lòng nó”. Tiếng gọi thân thương ấy đứa trẻ nào cũng gọi đến thành quen nhưng với cha con Thu là nỗi khát khao của 8 năm trời xa cách thương nhớ. Đó là tiếng gọi của trái tim, của tình yêu trong lòng đứa bé 8 tuổi mong chờ giây phút gặp ba. Nó vừa kêu, vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó. Nó vừa ôm chặt lấy cổ ba nó vừa nói trong tiếng khóc: -Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con!”.Tình cảm con với ba được thể hiện một cách mãnh liệt, mạnh mẽ, cuống quýt, hối hả và có xen lẫn phần hối hận. Đó là những cảm xúc đã dồn nén từ lâu bỗng vỡ òa ra: “Ba bế nó lên. Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai, và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa”. Bà con và người kể chuyện cũng như người đọc không thể kìm được nỗi xúc động như có ai đang nắm chặt tim mình bởi vì cái éo le của tình cha con ở đây. Lúc cha con nhận nhau lại cũng chính là lúc người cha phải ra đi. Sự níu kéo của đứa con càng khắc nhấn sự éo le của chiến tranh: “Con bé hét lên, hai tay nó siết chặt lấy cổ, chắc nó nghĩ hai tay không thể giữ được ba nó, nó dang cả hai chân rồi câu chặt lấy ba nó và đôi vai nhỏ bé của nó run run”. Những nỗ lực của Thu không giữ được ba nó. Ông Sáu vẫn phải ra đi dù giây phút cha con nhận nhau thật ngắn ngủi! Xót thương thay cho Thu bởi cô đâu hiểu rằng cuộc gặp gỡ đầu tiên này cũng là lần cuối cùng. Ba cô đã hi sinh trong một trận càn. Chứng kiến những biểu hiện tình cảm ấy trong cảnh ngộ cha con ông Sáu phải chia tay, có người không cầm được nước mắt và người kể chuyện thì cảm thấy như có bàn tay ai nắm lấy trái tim mình.
Xuyên suốt đoạn trích, trong hai hoàn cảnh và hai cách ứng xử hoàn toàn khác nhau, nhưng thực chất chỉ là một tấm lòng yêu cha sắt son của bé Thu – một em bé mới chỉ tám tuổi. Tuy nhiên, Thu trước sau vẫn chỉ là một cô bé ngây thơ, em đồng ý cho ba đi để ba mua một chiếc lược, món quà nhỏ mà bất cứ em bé gái nào cũng ao ước. Bắt đầu từ chi tiết này, chiếc lược ngà bước vào câu chuyện, trở thành một chứng nhân âm thầm cho tình cha con thiêng liêng, bất tử.
Đoạn trích kết thúc trong ánh mắt thiết tha của anh Sáu trước lúc hy sinh nhờ bác Ba trao cây lược ngà cho Thu. Với bé Thu, cây lược nhỏ mang dòng chữ đầy yêu thương “yêu nhớ tặng Thu con của ba” là kỉ vật chứa đựng tình thương, nỗi nhớ, hình bóng, tấm lòng người cha. Chiếc lược ngà đã động viên em vững vàng trong cuộc chiến đấu. Khi bác Ba tình cờ gặp lại Thu và trao cây lược, thì cô bé bướng bỉnh cá tính ngày nào đã trở thành cô giao liên dũng cảm. Và nguồn sức mạnh tiếp thêm cho Thu là tình yêu ba, tình yêu đất nước.
Nguyễn Quang Sáng đã rất thành công trong việc xây dựng nhân vật bé Thu - một nhân vật trẻ em có tính cách cứng cỏi , mạnh mẽ , dứt khoát (đến nỗi, nhìn thoáng qua, người ta có thể cho là ương ngạnh, bướng bỉnh, khó bảo nhưng cũng hết sức hồn nhiên, đáng yêu, ngoan ngoãn và có tình yêu cha sâu sắc. Có thể kể đến cách tạo tình huống bất ngờ, sự am hiểu tâm lí và tính cách trẻ em, cách chọn chi tiết nghệ thuật “đắt” (như chi tiết bé Thu không gọi ba, chi tiết bé Thu loay hoay chắt nước cơm, hất cái trứng cá ba gắp cho,chi tiết cây lược mà Thu xin ba trước lúc ba đi. Nhờ những thành công nghệ thuật này mà nhân vật bé Thu để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc về tình người – tình cha con trong những năm tháng chiến tranh xa cách, thương đau;để lại ấn tượng về một em bé Nam bộ thời chiến với tính cách đáng yêu, đáng mến.
....
Phân tích diễn biến tâm lí và tình cảm của nhân vật bé Thu
Chiếc lược ngà là sáng tác xuất sắc của Nguyễn Quang Sáng khi trở lại miền Nam công tác. Từ một câu chuyện kể về một nữ giao liên thông minh, tài trí, nhà văn đã viết nên câu chuyện cảm động này. Qua hoàn cảnh éo le của gia đình ông Sáu, nhà văn đã thể hiện thật chân thành và cảm động vẻ đẹp tình cảm gia đình trong hoàn hoàn cảnh chiến tranh. Đặc biệt, tâm lí và hành động của nhân vật bé Thu được xây dựng khá tinh tế thể hiện sự am hiểu của nhà văn đối với tâm lí trẻ thơ. Diễn biến tâm trạng của nhân vật bé Thu dường như khó hiểu nhưng đó lại là tình cảm yêu thương tha thiết mà bé dành cho người cha thân yêu của mình.
Câu chuyện được kể “vào một đêm trời sáng trăng suông, trong một ngôi nhà nhỏ giữa Tháp Mười mà xung quanh nước đã lên đầy…” . Người kể chuyện cho anh em nghe là “một đồng chí già” – ông Ba, chiến sĩ lão thành từng trải trong cuộc kháng chiến. Cách mở đầu tạo không khí nghiêm trang và gợi mở nhiều điều thú vị.
Ông Sáu, một cán bộ kháng chiến, xa nhà hơn bảy năm mới có dịp trở về thăm nhà. Khi ông đi, bé thu, con gái ông chưa tròn một tuổi. Lúc ông trở về, bé Thu đã lớn. Niềm mong mỏi và háo hức được gặp con gái, được ôm nó vào lòng cho thỏa nhớ mong khiến ông bồi hồi. Khi thuyền chưa cập bến, nhìn thấy con bé đang ngồi chơi trước sân, ông đã vội nhảy lên bờ. Nghe tiếng gọi: “Thu! Con”,bé Thu giật mình, tròn mắt nhìn vào chiếc theo nơi má của người đàn ông vừa gọi mình đang giần giật đỏ ửng lên mà sợ hãi. Nghe ông kêu: “Ba đây con!”, mặt Thu bỗng tái đi, rồi vụt chạy và thét lên: “Má! Má!” khiến ông Sáu đứng sững lại, ngỡ ngàng. Nỗi đau đớn hiện ra mặt ông trông thật đáng thương, hai tay buông thõng xuống như bị gãy.
Ba ngày về phép ngắn ngủi cứ nặng nề trôi đi. Bé Thu nhất quyết không gọi ông là ba khiến ông vô cùng đau khổ. Ông càng vồ vập, vỗ về thì Thu lại cảng lảng tránh, xa cách, lạnh nhạt. Bé Thu không hiểu được nỗi khát khao cháy lòng của cha sau tám năm xa cách biết bao mong mỏi được trở về, được nghe con gọi một tiếng cha – bình dị mà thiêng liêng nhất trong cuộc đời này.
Bằng mọi cách, ông, vợ ông và bác ba khuyên nhủ, tạo tình thế để nó gọi ba nhưng nó nhất quyết không gọi. Mẹ nói Thu gọi cha vào ăn cơm thì Thu nói trống không, Thu gọi cha là “người ta”. Sự xa lánh, ương ngạnh của bé Thu như gáo nước lạnh dội xuống ngọn lửa nồng nàn trong lòng cha. Có lúc tưởng chừng như không thể chịu đựng được nữa, đó là khi một mình Thu đối diện với nồi cơm to đang sôi trào, tưởng chừng nó phải cuống lên, xuống nước, đầu hàng, gọi một tiếng ba nhờ sự giúp đỡ.Nhưng không! Thu kiên quyết lấy chiếc vá múc từng vá nước bỏ đi, quyết không chịu cất lên một tiếng ba mà người cha mong đợi.
Bướng bỉnh, bất cần, không chịu nhượng bộ, không chịu thua cuộc, điều đó khiến người cha càng thêm đau lòng và cũng không hiểu vì sao Thu lại cự nự, chối bỏ tình cha như vậy?
Ẩn sau những điều đáng trách, đáng ghét ấy của Thu lại là điều vô cùng đáng quý của đứa con bé bỏng đối với cha. Thái độ ngang ngạnh, quyết liệt ấy có lí do riêng của trẻ mà chưa ai hiểu được và chưa ai tháo gỡ cho nó, mặc dù cả người bạn của cha, người mẹ và tất cả mọi người đều xác nhận đó là cha của bé. Cái mầm sâu kín thắc mắc trong lòng bởi người cha trong ảnh trẻ, đẹp, không có vết thẹo ghê sợ trên má kia. Bé kiên quyết giữ vững lập trường để bảo vệ người cha thân yêu của mình. Sự việc sẽ không được giải tỏa nếu như Thu không hất cái trứng cá ra khỏi bát cơm và bị cha la đánh. Thu bỏ ăn chèo thuyền sang bà ngoại.
– Nhà văn cởi nút thật khéo léo, tự nhiên, hợp lí, nỗi khúc mắc trong lòng bé Thu đã được bà ngoại tháo gỡ: chiến tranh, thời gian, sự xa cách đã khiến ba già và xấu xí như thế. Khi đã vỡ lẽ rồi thì lòng yêu cha của bé Thu càng nhân lên gấp bội nhưng quá muộn, đúng lúc cha phải từ giã gia đình, bà con lên đường.
– Buổi sáng chia tay trên bến, khi cha phải lo tiếp khách, Thu cảm giác như bị bỏ rơi, lúc bé đứng vào góc nhà, lúc tựa của nhìn mọi người. Vẻ mặt không còn cau có mà sẫm lại buồn rầu. Đôi mắt mở to vẻ nghĩ ngợi sâu xa. Chia tay Thu là người cuối cùng, đôi mắt mênh mông của nó nhìn cha bỗng xôn xao. Tình cha con đột ngột trỗi dậy. Tiếng ba vỡ òa từ sâu thẳm đáy lòng bao năm chờ đợi, nay buột thốt bất ngờ. Và cái tiếng ba suốt chín năm, ba ngày đằng đẵng người cha mong mỏi giờ mới được nghe. Đột ngột, sung sướng, yêu thương và cả những éo le… trào cả dậy, không ai có thể ngờ tới: “Ba… Ba!
Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng ba mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng ba như vỡ tung ra từ đáy lòng nó […]. Nó vừa ôm chặt lấy cổ ba nó vừa nói trong tiếng khóc: – Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con! Ba bế nó lên. Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài trên má của ba nữa” như muốn chuộc lỗi với ba. Xúc động biết bao Thu hôn lên cả vết thẹo dài mà suốt mấy ngày bé đã nghi kị, ghét bỏ. Đối với người cha ấy, đó là tiếng gọi ba đầu tiên và cũng là tiếng cuối cùng ông nghe được từ con. Xúc động quá nặng tràn, ông Sáu không kìm nổi nước mắt, vừa ôm con, vừa lau nước mắt, rồi hôn lên mái tóc con: “- Ba đi rồi ba về với con. – Không! – Con bé hét lên, hai tay nó xiết chặt lấy cổ […], nó dang cả hai chân câu chặt lấy ba nó, và đôi vai của nó run run”.
Nhìn ảnh ấy, ai cũng nghẹn lòng làm sao cầm nổi nước mắt. Còn nhân vật tôi “bỗng thấy khó thở như có bàn tay ai nắm lấy trái tim”. Lần cuối bé Thu được ôm cha, nó mếu máo và dặn cha trong tiếng nấc : “Ba về! Ba mua cho con một cây lược nghe ba!”. Một ước muốn nhỏ bé, giản dị mà hàm chứa ý nghĩa sâu xa. Cây lược ngà! Phải mười năm sau khi Thu đã trở thành cô giao liên rắn rỏi, kiên cường mới được nhận, lúc đó người cha thân yêu cũng không còn nữa.
Nhà văn không nhiều lời, chỉ qua một vài chi tiết, đủ cho người đọc xúc động trước nỗi niềm, tâm trạng của nhân vật bé Thu. Đó là tình cảm thật trong trẻo, sâu sắc, mạnh mẽ nhưng cũng thật dứt khoát, rạch ròi. Cứng cỏi, ương ngạnh, yêu – ghét đều thống nhất và hồn nhiên trong tâm trạng một đứa trẻ ngây thơ, chứng tỏ nhà văn rất am hiểu tâm lí trẻ em và diễn tả thật sinh động diễn biến tâm lí với cả tấm lòng yêu thương và trân trọng.
Phân tích diễn biến tâm lí và tình cảm, tính cách của bé Thu trong lần gặp cha cuối cùng khi ông Sáu về thăm nhà
Nguyễn Quang Sáng là một nhà văn có rất nhiều những đóng góp đáng kể trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp những đóng góp của ông để lại nhiều bài học ý nghĩa sâu sắc, những ý nghĩa đó đã tạo nên nhiều những giá trị lớn cho văn học Việt Nam, tiêu biểu cho những sáng tác của ông đó là tác phẩm chiếc lược ngà, và nổi bật lên đó là nhân vật bé Thu.
Chiến tranh đã làm cho khuôn mặt của ông Sáu không còn được nguyên vẹn nữa, những kí ức về người cha của mình đã được bé Thu ghi nhớ trong bức ảnh được treo trong nhà, vì đi chiến tranh nên ông Sáu đã phải chịu nhiều những mất mát đau thương và đặc biệt là trên khuôn mặt của ông đã có những vết sẹo do chiến tranh gây lên nó đã cướp đi sự nguyên vẹn và bé Thu không thể chấp nhận được điều đó khi ông Sáu nghỉ phép trở về hình ảnh về một người cha hoàn toàn khác so với ông Sáu ở ngoài chính vì vậy mà ông không chấp nhận cha của mình. Diễn biến tâm lý của câu chuyện diễn ra theo một trình tự thời gian điều đó cũng làm cho chúng ta hiểu được một phần nào đó tâm lý của những đứa trẻ và những đứa trẻ đó đã tác động mạnh đến những suy nghĩ của chúng ta, những chi tiết đó đã mang những nét đặc trưng trong hàn cảnh và trong kí ức của tuổi thơ.
Hình ảnh của người cha trong bé Thu không giống trong ảnh, nên bé Thu không chấp nhận, cô bé đã có nhiều những hành động làm cho ông Sáu đau lòng, những biểu hiện đó thể hiện qua việc, bé Thu đã hỗn xược với ông Sáu, bé Thu không chấp nhận việc ông là bố của cô, những điều đau đớn trong con người của ông Sáu cũng đã lộ ra, chi tiết sâu sắc trong tác phẩm cũng được thể hiện một cách đậm đà và sâu sắc khi những hình ảnh về bé Thu qua những diễn biến khi người cha trở về đó là những hình ảnh mang những tính chất riêng và những điều đó đã tạo nên cho con người của cô có những phản xạ riêng đó là phản xạ của những con người chưa thể chấp nhận được những điều đó, những điều đó đã làm cho ông Sáu buồn và rồi ông đã làm đủ mọi việc để bé Thu chấp nhận mình nhưng rồi điều đó cũng đã làm cho bé Thu hiểu ra.
Hoàn cảnh do chiến tranh do vậy mà ông Sáu mới bị thay đổi khuôn mặt như vậy, rất nhiều những chi tiết đã bộc lộ được điều đó, chúng ta ngày càng có những suy nghĩ sâu sắc hơn về hình ảnh của bé Thu hiện diện trong lần gặp ông Sáu cuối cùng khi ông đi, nghe những lời giải thích từ mọi người, bé Thu mới nhận ra được những điều đó thật sự cảm thấy có lỗi với ông Sáu, nằm ân hận về những gì mình đã làm. Khi ông Sáu đi ông đã chào hỏi Thu, nhưng rồi chi tiết này đã bộc lộ được cảm hứng và lòng yêu thương của Thu trỗi dậy đó là những điều thật tuyệt vời và cô đã hình dung ra mình cần phải thể hiện được những điều đó, khi ông cất bước đi bé Thu đã cất bước gọi ba, những lời nói đó đã vang vọng trong tâm trí của ông sáu, niềm hạnh phúc đó đã được hiện diện lên trên khuôn mặt của ông Sáu.
Những hành động gây xúc động cho người đọc bởi bé Thu chạy ôm chầm lấy người cha của mình, những hành động đó đã thể hiện được tình yêu của Thu đối với cha là vô bờ bến, chỉ vì những hành động đó mà bé Thu đã mang những cảm xúc thật của mình để thể hiện lên trong con người của mình, những điều đó đã vang vọng lên trong tâm hồn của người, những hình ảnh hay và tuyệt đẹp đã thể hiện lên thật sâu sắc những hình dung đó trong đầu bé Thu lúc này là hình ảnh về người cha của mình, sự xúc động sâu sắc đã thể hiện trong bé Thu, những hình ảnh đó làm sống động lên niềm xúc động nghẹn ngào trong con người của bé Thu, hình ảnh về sự yêu thương của mình đối với cha đã vang vọng lên trong tim của Thu, hành động đó đã làm sống lên nhưng khoảnh khắc trong trái tim của người, hình ảnh mang những tính chất riêng đó là cảm xúc đặc biệt trong tâm hồn một đứa trẻ.
Hiểu được những nỗi đau mà cha mình đã phải trải qua chính vì vậy mà bé Thu thấu hiểu những điều mà mọi người đã nói với cô, điều mà cô nhận ra đó là chiến tranh đã cướp đi khuôn mặt của bố mình, sự thấu hiểu cảm thông và niềm yêu thương cô dành cho cha rất lớn, những yêu thương đó thể hiện sâu sắc trong những chi tiết cuối cùng trong tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng, những hình ảnh mang những đặc trưng riêng biệt và nó có tầm ảnh hưởng lớn và vô cùng sâu sắc, hình ảnh đẹp và xúc động khi cô ôm và hôn lên má ông Sáu hôn cả những vết thẹo, những hình ảnh đó thể hiện được tình yêu cha mình vô bến bờ.
Tình yêu và sự thay đổi tâm lý của bé Thu đã được thể hiện rất chi tiết trong truyện nó mang những ý nghĩa riêng và những thay đổi vô cùng ý nghĩa chúng ta khi đọc xong đều có cảm xúc nghẹn ngào về những thay đổi tâm lý của bé Thu.
Viết đoạn văn phân tích nhân vật bé Thu
Mẫu 1
"Chiếc lược ngà" là truyện ngắn cảm động viết về đề tình cảm gia đình trong chiến tranh. Truyện xoay quanh hai nhân vật là ông Sáu và bé Thu, qua đó làm nổi bật lên tình phụ tử thiêng liêng, sâu nặng. Bé Thu trong tác phẩm là một cô bé tầm bảy, tám tuổi, ba của Thu là ông Sáu đã "thoát ly kháng chiến" từ khi bé còn rất nhỏ. Bởi vậy, nghịch cảnh đã xảy ra, khi ông Sáu về thăm nhà, trái ngược với sự nôn nóng, hồ hởi của ông Sáu, bé Thu đã "giật mình, tròn mắt nhìn", sau đó sợ hãi mà chạy vụt đi khi có một người đàn ông lạ mặt nhận là ba mình. Bé Thu dành một tình thương đặc biệt cho ba của mình, cũng chính vì thương ba nên bé kiên quyết không chịu nhận ông Sáu - một người đàn ông hoàn toàn xa lạ trong nhận thức của bé là ba. Bởi trong nhận thức non nớt của bé, người đàn ông trước mặt không giống người ba chụp trong bức hình với má. Vết sẹo to, dài đáng sợ trên mặt ông Sáu càng khiến cho bé chắc chắn hơn về nhận định của mình. Trong những ngày ông Sáu nghỉ phép, dù ông Sáu cố gắng gần gũi, quan tâm thì bé Thu vẫn khước từ, không chịu nhận ba, bị đặt vào tình thế khó khăn thì bé cũng chỉ nói trổng, thậm chí Thu còn có hành động nông nổi, hỗn hào với ông Sáu: hất cái trứng mà ông Sáu gắp vào bát. Có thể thấy bé Thu là một cô bé bướng bỉnh, cá tính, có phần cố chấp. Thế nhưng, đằng sau thái độ bướng bỉnh có phần hỗn hào ấy là tình yêu cha tha thiết. Sau khi nghe bà ngoại giải thích về vết sẹo trên mặt ba, bé Thu đã hiểu ra tất cả. Trong giây phút chia tay, lần đầu Thu cất tiếng gọi ba, bé "hôn lên tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn lên vết sẹo dài trên má của ba". Trong giây phút này bé Thu đã hoàn toàn tháo xuống lớp vỏ bọc bướng bỉnh để trở về làm một cô con gái nhỏ yêu thương ba hết mực. Tình cảm của bé Thu dành cho ba trong truyện ngắn Chiếc lược ngà đã góp phần thể hiện những cảm xúc chân thực, thiêng liêng nhất cho tình phụ tử trong chiến tranh.
Mẫu 2
Bé Thu trong truyện ngắn "Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một nhân vật có tính cách rất thú vị. Bé Thu là một cô bé mạnh mẽ và có phần ngang bướng, lì lợm. Cô bé cho rằng người trước mặt không phải ba mình nên nhất định không gọi tiếng ba" dù mọi người đã tìm đủ mọi cách: Má bảo con bé gọi ba vào ăn cơm, con bé không gọi khiến má nó nổi giận. Khi gọi cũng toàn nói "trổng" để không nhắc đến tiếng "ba". Lúc cần người giúp chắt nước sôi, vì để không gọi "ba" mà con bé đã tự lấy vá múc từng vá nước ra ngoài. Trong bữa cơm, Thu lại hẩy miếng trứng cá mà người đàn ông gắp cho, con bé bị đánh, nhưng dù thế Thu vẫn không rơi một giọt nước mắt nào. Chỉ ngồi im lặng lẽ rồi bỏ đi. Sự gan lì đó của cô bé khiến mọi người phải nể phục. Thu yêu người ba trong bức ảnh, đinh ninh rằng đó mới là ba thật sự chứ không phải người có vết sẹo dài trước mặt. Thế nên những hành động kể trên cũng chỉ là cách một cô bé thể hiện tình yêu thương ba mà thôi. Khi biết rằng mình đã sai, bé Thu đã thể hiện sự quấn quýt, yêu thương ba vào thời khắc chia tay. Con bé thét lên tiếng "ba" khi anh Sáu chào tạm biệt nó để ra chiến trường. Tiếng "ba" ấy khiến anh không kìm được xúc động, nước mắt tuôn dài trên mặt. Bé Thu cũng chạy lại bên ba, tình phụ tử giữa hai cha con phải kìm nén bấy lâu giờ đã được giải tỏa bằng những cái ôm, cái hôn cùng khắp của bé Thu. Câu chuyện về một cô bé Thu mạnh mẽ, gan lì với tình yêu ba nồng cháy luôn luôn là điều mà ta nhớ đến khi nhắc về truyện ngắn "Chiếc lược ngà".
....
>> Tải file để tham khảo đầy đủ các mẫu còn lại!