Văn mẫu lớp 11: Thuyết minh về hiện tượng vứt rác bừa bãi (Dàn ý + 2 Mẫu) Viết văn bản thuyết minh về một sự vật, hiện tượng trong đời sống xã hội

Văn mẫu lớp 11: Thuyết minh về hiện tượng vứt rác bừa bãi gồm 2 mẫu cực hay kèm theo gợi ý cách viết rất chi tiết. Với 2 bài thuyết minh về tình trạng vứt rác bừa bãi được viết rất rõ ràng, sẽ giúp các bạn nhanh chóng nắm bắt kiến thức hơn và cũng tiết kiệm thời gian cho việc tìm kiếm.

Thuyết minh hiện tượng vứt rác bừa bãi được biên soạn rất kỹ lưỡng, chất lượng. Qua đó giúp các em có thêm nhiều gợi ý tham khảo để biết cách viết bài văn thuyết minh hay. Ngoài ra để nâng cao kỹ năng viết văn thuyết minh các bạn xem thêm: thuyết minh về tình trạng tôn thờ thần tượng một cách thái quá, thuyết minh về hiện tượng sống ảo của giới trẻ và nhiều tài liệu khác tại chuyên mục Văn 11 Kết nối tri thức.

Dàn ý thuyết minh về hiện tượng vứt rác bừa bãi.

a. Mở bài:

Giới thiệu chung vấn đề thuyết minh “vứt rác bừa bãi” và thực trạng ô nhiễm môi trường do xả rác bừa bãi ở nước ta hiện nay.

b. Thân bài

- Nêu vấn đề

- Vứt rác bừa bãi là vứt rác không đúng nơi quy định, không đúng chỗ, gây nên ô nhiễm môi trường.

- Bất cứ lúc nào có rác là vứt, mọi nơi mọi lúc.

- Vứt theo thói quen, tiện đâu vứt đó, không cần biết chỗ mình là ở đâu, thùng rác nằm ở chỗ nào.

- Thực trạng

  • Bởi hành động vứt rác bừa bãi mà cầu, cống, đường xá bị ô nhiễm nghiêm trọng
  • Những khu du lịch, du khách tiện đâu vứt đó, không quan tâm đến địa điểm hay mức độ của nó.
  • Ngay cả trên xe buýt, ngay thùng rác cũng không thèm vứt vào

- Nguyên nhân

  • Do sự thiếu ý thức của mỗi người trong cuộc sống
  • Thùng đựng rác nơi công cộng còn thiếu hoặc đặt ở vị trí không thuận tiện cho việc vứt rác.
  • Việc xử lí vi phạm còn nhẹ, chưa thường xuyên.

- Tác hại

  • Hành động này sẽ gây ô nhiễm môi trường, bên cạnh đó còn có thể phát sinh hàng loạt các dịch bệnh nguy hiểm và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống con người.
  • Vứt rác bừa bãi làm mất cảnh quan sinh thái, các khu du lịch hay danh lam thắng cảnh.
  • Gây tốn kém tiền của cho nhà nước.
  • Tạo ra một thói quen xấu trong đời sống văn minh hiện đại.

- Biện pháp

  • Tuyên truyền giáo dục và nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh công cộng.
  • Tổ chức các hoạt động thu gom rác thải, bảo vệ môi trường như: Ngày thứ bảy tình nguyện, ngày chủ nhật xanh, chiến dịch 3R…
  • Có biện pháp xử lí nghiêm khắc đối với những trường hợp xả rác bừa bãi.

III. Kết bài:

- Nêu suy nghĩ của bản thân về vấn đề “vứt rác bừa bãi”

- Tuyên truyền và động viên mọi người trong việc bảo vệ môi trường.

Thuyết minh về hiện tượng vứt rác bừa bãi - Mẫu 1

Cùng với những sự thành công trong lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ, khoa học kĩ thuật thì nó cũng gây ra những áp lực cho vấn đề môi trường. Bên cạnh những vấn đề như xả nước thải trực tiếp ra sông hồ, khai thác sa khoáng làm ô nhiễm nguồn nước thì còn có một hiện tượng xảy ra vô cùng phổ biến trong cuộc sống, đó chính và việc xả rác bừa bãi.

Hành vi xả rác bừa bãi là một thói quen của nhiều người. Trong trường học, nhiều học sinh sau khi ăn sáng xong không vứt vào sọt rác mà để lung tung, thậm chí vứt ngay ra sân trường. Ở một số gia đình, khi đến giờ đổ rác quy định thì họ không đem rác ra đổ mà để ở một góc tường, trước ngõ hay bất cứ chỗ nào mà họ cảm thấy tiện lợi. Một số người khi đi ngoài đường, sau khi sử dụng xong đồ ăn họ sẽ tiện tay vứt ngay xuống lòng đường. Họ vứt rác bừa bãi thành thói quen, xả rác bừa bãi nơi công cộng, đường phố.

Vậy những nguyên nhân của hành động thiếu văn hoá này xuất phát từ đâu? Một trong những nguyên nhân có thể do việc tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân của các cơ quan chuyên trách đối với việc bảo vệ môi trường chưa thực sự cao. Bên cạnh đó các quy định xử phạt còn chưa có tính nghiêm khắc. Ngoài ra, chúng ta có thể thấy vấn đề này do những người không có ý thức bảo vệ môi trường, tiện tay thì vứt, chỉ chú trọng đến sạch sẽ của bản thân. Họ quên mất rằng việc làm tưởng chừng rất bình thường nhưng nó lại mang đến những hậu quả to lớn đến môi trường sống của chính họ và những người xung quanh.

Vứt rác bừa bãi gây ra hậu quả vô cùng to lớn. Hành động này không chỉ gây mất mĩ quan cho đường phố mà còn nguy hại hơn, nó khiến cho môi trường sống của chúng ta bị ô nhiễm: ô nhiễm nguồn nước khi vứt rác ra sông hồ, chôn rác không phân huỷ làm ô nhiễm đất, ô nhiễm không khí... Điều này gây ra những ảnh hưởng xấu đế cả các loài sinh vật chứ không chỉ riêng con người. Sức khoẻ của con người dễ bị suy giảm, dễ mắc phải các bệnh về tiêu hoá, hô hấp... Các loại sinh vật sống ở biển, hồ sẽ chết vì nuốt phải rác hay bởi nguồn nước bị ô nhiễm.

Bởi vậy, chúng ta cần phải tìm ra những giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng này. Chúng ta có thể học tập một số nước khác, ban hành một số chế tài xử phạt thật nặng đối với những hành vi xả rác bừa bãi. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần đẩy mạnh việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho mỗi người dân.

Chìa khóa cho một cuộc sống an lành và một sức khỏe bền vững đó chính là môi trường trong sạch. Mỗi chúng ta hãy hành động từ những điều nhỏ nhất để tạo ra một môi trường xanh - sạch - đẹp, xoá bỏ thói quen xả rác bừa bãi.

Thuyết minh về tình trạng vứt rác bừa bãi - Mẫu 2

Môi trường là nơi chúng ta sinh sống, phát triển hàng ngày, là không gian để sinh tồn của rất nhiều những loại động vật, thực vật trong tự nhiên. Tuy nhiên, ngày nay do ý thức không tốt của con người mà môi trường đang ngày càng trở nên ô nhiễm nặng nề. Sự ô nhiễm này không chỉ gây suy giảm chất lượng môi trường sống mà còn đe dọa đến chính sự sống của con người trên trái đất.

Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, đời sống xã hội tuy đã được cải thiện rất nhiều. Nhưng song song với nó là những tác hại vô hình nhưng lại để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với cuộc sống của con người. Đó chính là thực trạng suy giảm môi trường sống, môi trường tự nhiên. Sự phát triển của công nghiệp kéo theo một loạt các mặt trái như: rác thải trong quá trình sản xuất, khói bụi thải ra từ các nhà máy, rồi để phục vụ cho sản xuất, cho phát triển kinh tế mà con người đã khai thác quá mức cho phép các nguồn lực tự nhiên, từ đó gây suy giảm sinh thái, gây ô nhiễm môi trường. Môi trường sống ở đây có thể hiểu là bao gồm các yếu tố tự nhiên như: nước, không khí, cây cối, đất đai…là những yếu tố có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống của con người. Mà khi những yếu tố này bị nguy hại, nó sẽ đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của con người cũng như của các loài sinh vật, thực vật trong tự nhiên.

Sự phát triển công nghiệp, sự phát triển của đời sống xã hội, đời sống kinh tế đã kéo theo một loạt những tác hại đối với môi trường. Cụ thể như: khi khói bụi ở các nhà máy sản xuất công nghiệp, khói bụi ở đường xá xe cộ thải vào trong không khí sẽ làm cho bầu khí quyển bị ô nhiễm, từ đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái, cũng như sức khỏe của con người trong xã hội. Ta có thể thấy không khí là yếu tố duy trì sự sống của con người thông qua hoạt động hô hấp của cơ thể. Vì vậy, một khi môi trường bị ô nhiễm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống của con người. Con người có thể một ngày không ăn hoặc không uống nhưng không thể không thở, dù chỉ là một phút. Nói như thế ta mới thấy được vai trò của môi trường không khí, và sự nguy hiểm, đe dọa của ô nhiễm môi trường đến sự sống của con người.

Không chỉ có môi trường không khí bị ô nhiễm mà nguồn nước thải trong công nghiệp, trong sinh hoạt chưa được xử lí mà thải trực tiếp ra ngoài môi trường gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nước. Môi trường nước khá nhạy cảm, chỉ cần ô nhiễm một vùng nước sẽ có nguy cơ lây lan ra rất nhiều các vùng khác, các ao hồ, sông suối khu vực xung quanh. Môi trường nước bị ô nhiễm không chỉ làm cho cá, tôm, các loài thủy sinh chết mà còn gây nguy hiểm cho con người bởi nguồn nước bị ô nhiễm là nguồn nước con người sinh hoạt hàng ngày, từ đó sẽ gây ra nhiều căn bệnh lạ về da, về đường hô hấp, đặc biệt là căn bệnh ung thư. Hẳn chúng ta còn nhớ vụ việc công ty sản xuất mì chính Vedan xả nước thải sản xuất ra môi trường mà không hề qua khâu xử lí nước thải nào. Hành động vô ý thức này đã khiến cho nước của cả một vùng bị ô nhiễm trầm trọng, người dân một làng lân cận đó bị ung thư rất nhiều. Vụ việc này đã thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận trong một thời gian dài.

Ô nhiễm nước còn làm các con sông trở thành sông chết. Ví dụ như con sông Tô Lịch ở Hà Nội, do lượng rác sinh hoạt thải xuống quá nhiều mà giờ đây nó đã trở thành một con sông chết, không có bất kì loài sinh vật nào có thể sống ở đó, màu nước đen đục như màu của nước cống, khi di chuyển qua khu vực này còn có mùi thối của rác thải. Ô nhiễm môi trường nước còn gây ra những hệ lụy quan trọng, đó là gây ô nhiễm môi trường đất. Vì giữa chúng có mối quan hệ rất thân thiết. Nước thải, rác thải ngấm vào đất gây ô nhiễm. Vùng đất bị ô nhiễm này khiến cây cối không thể sinh trưởng được, mặt khác đất bị ô nhiễm sẽ làm ảnh hưởng đến mạch nước ngầm, làm nó ô nhiễm theo. Khi con người sử dụng nguồn nước ô nhiễm này thì rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Ngoài ra, thực trạng chặt phá rừng để phục vụ cho sản xuất một cách bừa bãi, thiếu hợp lí cũng làm cho môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mất rừng sẽ gia tăng các loại thiên tai, làm cho thời tiết thất thường. Mưa lớn nhưng không có những cánh rừng đầu nguồn cản trở dòng chảy dễ gây sạt lở đất đá, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Như vậy, môi trường sống của chúng ta đang bị đe dọa nghiêm trọng vì hiện trạng ô nhiễm môi trường hiện nay, vì vậy để bảo vệ môi trường sống cũng chính là bảo vệ sự sống của con người, thì chúng ta cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tuyên truyền để bạn bè, người thân cùng những người trong xã hội cùng chung tay bảo vệ môi trường. Chỉ có như thế môi trường sống của chúng ta mới trở nên trong sạch, tốt đẹp.

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 36
  • Lượt xem: 11.391
  • Dung lượng: 140,3 KB
Sắp xếp theo